Đi làm thêm được và mất

  1. Hướng nghiệp

Nhớ lại những ngày tháng sinh viên, có lẽ điều tiếc nuối nhất là tôi đã không đi làm thêm nhiều, không chịu học những gì trường đời đã dạy từ sớm hơn.

Nỗi lòng cha mẹ

Đội bạn tôi vẫn hay gọi tôi là gà công nghiệp, chẳng phải là vì tôi ngu ngơ hay kém cỏi, chẳng qua chỉ là cách nuôi dạy có sự khác biệt khi cha mẹ tôi luôn tìm cách bao bọc tôi tới mức tối đa có thể. Đến nỗi, bạn bè đi làm thêm kiếm tiền từ năm nhất còn tôi đến tận năm tư mới bắt đầu được đi gia sư mà cũng chỉ là gia sư cho con của anh họ.

Bảo cha mẹ có sai không, đương nhiên là không, vì nếu làm cha mẹ tôi cũng sẽ vậy. Thời của cha mẹ là một thời gian khổ, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc nên từ sớm cha mẹ đã phải gánh trọng trách rất lớn, không chỉ là nuôi bản thân mà còn lo cho rất nhiều người xung quanh. Rồi sinh con, chăm con, cha mẹ chỉ muốn con có một điều kiện trưởng thành tốt nhất, tốt hơn cha mẹ. Vì lẽ đó nhìn con vất vả, nhìn con lăn lộn là điều cha mẹ không hề muốn.

Thêm vào nữa, sau khi ra trường, sau khi kết thúc quãng đời sinh viên cha mẹ sẽ không thể tiếp tục chu cấp nữa, vì thế được nuông chiều con ngày nào, cưng nựng con ngày nào vẫn cứ là niềm vui của cha mẹ.

Do đó, giả như ai đã từng bị ngăn cản hoặc chuẩn bị bị ngăn cản về việc đi làm thêm trong quãng đời sinh viên hãy ngừng lại 1 giây để đặt mình làm cha làm mẹ và hiểu hơn nỗi lòng này.

Stressed-couple-1135x540

Cha mẹ không muốn con cái mình ra ngoài xã hội quá sớm

Lý lẽ của người con

Nói vậy để thấu hiểu hơn nỗi lòng người sinh thành ra chúng ta, có điều tôi vẫn ủng hộ quan điểm nên đi làm thêm khi còn là sinh viên.

Vì sao lại như vậy?

Vì những kinh nghiệm quý báu ấy sẽ là hành trang theo chúng ta rất lâu về sau này. Công việc đầu tiên, những người đồng nghiệp đầu tiên, những bài học đầu tiên, những đồng lương đầu tiên đều thực sự trân quý nhất là khi ta vẫn còn đang ngồi trên ghế giảng đường. Giáo dục không chỉ là lên lớp và nghe thầy cô giảng dạy, giáo dục chính từ những người ta gặp, những thứ ta tiếp xúc thậm chí những nhiệm vụ bé tí teo mà ta đảm trách. Mỗi ngày, ta sẽ lớn dần lên từ những thứ nho nhỏ như vậy.

Lại có ý kiến trái chiều là đằng nào cũng trải nghiệm, sao không để ra trường rồi hãy trải nghiệm cả thể. Điều này không sai, có điều sẽ hơi muộn.

4 năm (có những chương trình học là 5 năm, thậm chí là 7 năm) không phải là ngắn, 4 năm học hỏi, 4 năm tích luỹ, 4 năm là có thể trải qua một vòng quay nho nhỏ nếu như start up một công việc kinh doanh quy mô vừa phải, 4 năm cũng đủ để cho một đứa trẻ sơ sinh biết đi lại, biết nói, biết hát, biết bày tỏ cảm xúc, ấy thế mà chúng mình lại lỡ bỏ qua 4 năm quý giá ấy, quả thực là không nên.

Number-of-new-flexible-jobs-rises-slightly-scaled

Đi làm thêm cũng là một trải nghiệm cần thiết

Chúng ta nên làm gì?

Rất nhiều người nói với tôi, ơ em có làm thêm mà, công việc làm thêm của em là chạy grab, sau này ra trường mà công việc lương không khá hơn em chạy grab luôn. Tôi cười và ghi nhận quan điểm của em.

Với tôi thì tôi sẽ không chọn con đường như vậy.

Trong mỗi giai đoạn phát triển của cuộc sống, ta nên có những lựa chọn cho phù hợp.

Với sinh viên năm nhất, ta có thể chọn công việc về vận hành nhiều hơn (có thể gọi là làm chân tay cũng được), từ đó ta rèn luyện kĩ năng cuộc sống, cách đáp ứng với cuộc sống, khách vào tiệm thì chào ra sao, cười ra sao, phục vụ đồ ăn thế nào.

Khi đã có lưng vốn rồi, sang năm hai sẽ là lộ trình nâng cao hơn, một công việc có tính chiều sâu, cần có tư duy để vận hành, không chỉ là làm chân tay nữa, thậm chí là một chức trưởng ca nho nhỏ cũng vẫn là ổn.

Sang năm ba, lúc này đã có những môn chuyên ngành, đã có những khái niệm chuyên sâu, hãy thử thách mình với chuyên môn mình được học, thực tập tại tổ chức lớn hơn, chịu trách nhiệm cao hơn về công việc của mình.

Năm cuối không phải là lúc rong chơi nữa, mà là lúc lựa chọn, ta sẽ đi đâu về đâu sau 4 năm học tập. Rất nhiều bạn trẻ không cần vất vả phải tìm việc vì chưa ra trường đã có các đơn vị mời về và xác định luôn vị trí của mình trong doanh nghiệp là gì. Để làm được điều đó cần có một quá trình tích luỹ, cần có 3 năm cố gắng, nỗ lực phía trước.

Chúng ta được và mất gì?

Thực ra nói đi làm thêm là không mất gì thì cũng không chính xác, thứ mất khó chịu nhất mà nhiều người không thể vượt qua được đó là mất tự do.

Sẽ phải đi làm đúng giờ.

Sẽ phải tuân thủ nội quy.

Sẽ có thưởng phạt phân minh.

Sẽ phải quản lý thời gian tốt hơn.

Sẽ thử thách chính mình với vô vàn điều ta không thể đoán trước được.

Ngược lại ta cũng sẽ được nhiều thứ.

Được rèn giũa từ những kĩ năng nhỏ nhất.

Được trả công cho những gì bỏ ra.

Được ghi nhận, được chứng tỏ bản thân, được xác định xem giới hạn của bản thân tới đâu.

Được tự mình quyết định cuộc sống của mình.

Được và mất như một cán cân, tại mỗi thời điểm có thể được nhiều hơn mất và có những thời điểm sẽ phải hi sinh nhiều hơn, vấn đề là mục tiêu cuối cùng của ta để làm gì. Nếu đi làm thêm để vui vẻ, gặp gỡ nhiều người thì đừng ham thu nhập. Nếu muốn kiếm tiền nhiều thì đừng mong thoải mái. Ta phải xác định rõ thứ ta muốn là gì.

main-qimg-ab60c0addbe2e6a182e8e2749c38cbf4

Công việc làm thêm sẽ giúp bạn học được những gì?

Lời kết

Làm thêm hay không làm thêm phụ thuộc vào chính bạn và nếu bạn hỏi tôi thì lời khuyên của tôi là – cứ thử sức đi, vì cuộc sống là không chờ đợi.

Trần Huyền

Từ khóa: 

hướng nghiệp

Nếu phân vân giữa việc làm thêm hay không, thì chẳng mấy chốc thời gian sẽ qua đi và chẳng tích lũy thêm được chút kinh nghiệm nào, chị nhỉ?

Trả lời

Nếu phân vân giữa việc làm thêm hay không, thì chẳng mấy chốc thời gian sẽ qua đi và chẳng tích lũy thêm được chút kinh nghiệm nào, chị nhỉ?