Kỹ năng ĐẶT CÂU HỎI trong giao tiếp

  1. Kỹ năng mềm

     Bạn có phải là người hay đặt câu hỏi cho người khác? Câu hỏi có ý nghĩa như thế nào đối với chúng ta và làm thế nào để có thể đặt được các câu hỏi trúng và đúng với những gì mình quan tâm mà không bị coi là những câu hỏi thừa, câu hỏi vô duyên, câu hỏi vô nghĩa? 

     Bài viết này của mình được ra đời sau khi trở về từ buổi tọa đàm ở trường. Chương trình đã có thể rất thành công với những khách mời rất ấn tượng nhưng thật tiếc thay nó đã bị phá vỡ bởi những câu hỏi vô duyên, ngớ ngẩn, thiếu tế nhị từ phía người dẫn chương trình khiến cho người được hỏi không ít lần bẽ bàng và không phải biết trả lời ra sao. Và mình nhận thấy việc rèn luyện kỹ năng đặt câu hỏi là vô cùng cần thiết với chúng ta trong giao tiếp.

    Trong bài này, mình sẽ đem đến cho mọi người lý do vì sao chúng ta ít đặt câu hỏi; câu hỏi hay và ý nghĩa, tác dụng của một câu hỏi hay cùng với một vài lưu ý trong việc đặt câu hỏi. Vậy còn chần chờ gì nữa, bắt đầu thôi.

cau-hoi-mo-la-hoi-khi-muon-nam-bat-y-kien-rieng-cua-nguoi-duoc-hoi


Vì sao chúng ta lại thường ít đặt câu hỏi? 

      Nhiều người không biết đặt câu hỏi hay đưa ra nhưng câu hỏi không hay là do chúng ta ít đặt ra câu hỏi. Lâu nay hầu hết chúng ta thường e dè với việc đặt câu hỏi cho người khác. Dường như thói quen chỉ tiếp nhận kiến thức đã ăn sâu bén rễ lâu trong tư duy của nhiều người. Chúng ta tiếp thu mọi thông tin một cách bị động do ảnh hưởng bởi nền văn hóa truyền thống với việc đề cao tính tôn ti trật tự trong các mối quan hệ gia đình và xã hội.

      Nguyên tắc “xử - sự” (sai khiến – phục tùng) chi phối các mối quan hệ như chồng – vợ, bố mẹ - con cái, người lớn tuổi – người nhỏ tuổi; mối quan hệ công sở sẽ là sếp – nhân viên, người có vị thế, quyền lực cao hơn người khác sẽ có quyền được sai khiến người ở vị thế và quyền lực thấp hơn; trong nhà trường thầy cô là chuẩn mực, là tuyệt đối đúng trò chỉ là người lắng nghe và vâng lời; trong quân đội “quân lệnh như sơn”, mọi mệnh lệnh đều phải được thực hiện theo…Chính vì vậy, nó đã hình thành trong tư duy của chúng ta sự vâng phục mà ít có sự phản ứng. Thậm chí người nào có những quan điểm khác, trái ngược sẽ bị “lề hóa”, bị khép vào tội không tuân thủ, nghe lời và gặp nhiều bất lợi trong công việc và cuộc sống. 

ecoblader-câu-hỏi

Các nguyên tắc xã hội khiến ta ngại đặt câu hỏi. (Nguồn: sưu tầm)

      Tính trọng cộng đồng cũng là một trong những lý do khiến cho người Việt thường xem nhẹ cái Tôi cá nhân, chấp nhận những quy ước, chuẩn mực chung và coi như đó là kim chỉ nam cho mọi hành động. Trong môi trường cộng đồng, cái Tôi dường như bị loại bỏ. Vì vậy, việc có ý kiến hay quan điểm với các chuẩn mực chung là điều hạn chế. Người ta thà “Xấu đều còn hơn tốt lỏi”. Chính vì vậy dần dần đã hạn chế tư duy phản biện, phân tích vấn đề, đưa ra những quan điểm riêng của người Việt. Mặc dù hiện nay có thể nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ đã có nhiều thay đổi trong nhận thức, tư duy, dám đưa ra quan điểm riêng, câu hỏi truy tìm gốc rễ, cốt lõi của vấn đề nhưng con số này vẫn còn rất khiêm tốn. 

      Ngoài ra, có nhiều bạn do thiếu tự tin, cảm giác tự ti, rụt rè trong giao tiếp, học tập, môi trường làm việc nên thường không dám đưa ra câu hỏi (sợ nói sai, sợ bị phán xét, chê cười, dè bỉu…) từ người nghe và ngại khi phải đứng lên trước đông người. Hoặc đôi khi là tâm lý sợ gây khó dễ cho người nói nên thà rằng “im lặng thì hơn”. 

lam-the-nao-de-nang-cao-ky-nang-dat-cau-hoi-trong-giao-tiep-e1595060759478


Câu hỏi hay và ý nghĩa, tác dụng của việc đặt một câu hỏi hay.

      Vì sao chúng ta nên đặt câu hỏi? Việc chỉ cần là người chăm chú lắng nghe tiếp thu những thông tin từ người nói có phải tốt hơn không? Đặt câu hỏi có khiến cho người khác cảm thấy bối rối,đánh mất thể diện không? Tất cả đều không bạn nhé. Tất nhiên với điều kiện bạn phải là người biết đặt ra những câu hỏi hay. Vậy một câu hỏi hay là như thế nào và nó có tác dụng gì? 

      Câu hỏi hay phải/nên là những câu hỏi giúp để hiểu sâu vấn đề, giúp làm sáng rõ thông điệp/thông tin mà người nói muốn truyền tải. 

      Câu hỏi hay là câu hỏi giúp  người nói nảy sinh thêm những ý tưởng mới để hoàn thiện vấn đề mình đang theo đuổi.

      Câu hỏi hay là câu hỏi có chiều sâu, giúp tiến đến cốt lõi của vấn đề, giúp giải quyết vấn đề thấu đáo, trọn vẹn.

      Câu hỏi hay là câu hỏi gợi ra câu trả lời không chỉ dành cho người hỏi mà mang tính bao quát, đem đến thông tin cần thiết và hữu ích cho tất cả người nghe. 

Vậy việc đặt câu hỏi có ý nghĩa gì? 

         Việc đặt ra các câu hỏi và tìm kiếm câu trả lời là một cách giúp chúng ta có thể nâng cao kiến thức và sự hiểu biết của bản thân. Đồng thời việc bạn đặt câu hỏi cho người khác chính là cách giúp họ dẫn dắt bạn đi vào khu vườn tri thức đầy hoa thơm cỏ lạ. Bạn hãy hình dung bạn đang là người đi vào một khu rừng bí ẩn cùng với một người dẫn đường. Người đó sẽ không biết bạn cần khám phá gì thêm nữa ở khu rừng nếu bạn chỉ đi theo con đường họ dẫn dắt. Nhưng nếu trên con đường đó bạn là người tò mò, gợi mở cho người dẫn đường những ngã rẽ qua những con đường khác chắc chắn bạn sẽ có cơ hội để khám phá toàn bộ khu rừng kỳ bí. Kết thúc cuộc hành trình đó bạn sẽ có được nhiều điều thú vị từ khu rừng mà chính sự tò mò của bạn đã mở lối cho bạn đến với nó. Có lẽ đọc đến đây bạn đã biết vì sao mình cần phải đặt câu hỏi rồi chứ. 

      Ngoài ra việc bạn đặt ra câu hỏi và cách đặt câu hỏi của bạn cũng cho biết bạn là ai? Bạn là người thực sự có nhu cầu tìm hiểu về vấn đề hay chỉ hỏi cho có? Bạn là người có hiểu biết về lĩnh vực quan tâm hay không?... Câu hỏi của bạn sẽ phần nào bộc lộ con người bạn, định vị hình ảnh của bạn trong mắt người khác. 

dat-cau-hoi


Một số lưu ý trong kỹ năng đặt câu hỏi

      Đầu tiên bạn phải luôn là người có tâm thế tò mò, thực sự muốn khám phá, tìm hiểu mọi thứ xung quanh, muốn biết sự thật, cốt lõi của vấn đề.  

      Luôn ý thức về mục đích của câu hỏi đưa ra: rõ ràng điều muốn hỏi, không phải hỏi để cho vui. Vì vậy, người đặt câu hỏi cần có sự suy nghĩ trước khi đưa ra câu hỏi, cũng phải là người có kiến thức nền tảng, hiểu biết nhất định về vấn đề muốn hỏi câu hỏi mới trung, đúng và làm rõ vấn đề. 

      Tránh hỏi quá nhiều câu hỏi Yes/No khiến cho người trả lời không mở rộng, chia sẻ thêm được cái vấn đề. Nên lựa chọn và gia tăng những câu hỏi: Ai? Khi nào? Ở đâu? Tại sao? như thế nào sẽ giúp cho bạn có nhiều thông tin hơn trong câu trả lời. Ở phương diện này cần rèn luyện kỹ năng đặt câu hỏi rõ ràng, mang tính gợi mở vấn đề, là những gợi ý hay cho người trả lời. 

      Khi đặt câu hỏi cần ngắn gọn, súc tích, ngôn từ mang tính rõ ràng, mạch lạc, tránh gây sự rối rắm, khó hiểu cho người được hỏi. Đặc biệt tối kị người hỏi nói nhiều hơn người trả lời. Có thể lý giải một phần lý do dẫn đến câu hỏi của mình nhưng không nên dài dòng, lan man. Hiện nay, nhiều người khi hỏi một mặt muốn hỏi nhưng mặt khác cũng muốn “khoe” những gì mình biết nên thường nói quá nhiều, lấn át người được hỏi, gây tâm lý sốt ruột, chán nản cho người nghe. 

Phải luôn là người có tâm thế tò mò, thực sự muốn khám phá (Nguồn: sưu tầm)

      Cần tránh những câu hỏi vô duyên, đi quá sâu vào đời tư của người khác, đề cập đến những vấn đề nhạy cảm, những câu hỏi thừa, những câu hỏi mang tính thách đố, gây khó, làm mất thể diện của người được hỏi. Ví dụ “Xin các bạn cho tôi biết ai đã từng lầm lỡ trong tình yêu? (câu hỏi vô duyên), “Khi đóng cảnh đánh nhau trong phim anh có đau không? (câu hỏi thừa, vô nghĩa”, “Quá trình đóng phim vất vả với doanh thu hiện nay anh thấy có xứng đáng không? (câu hỏi nhạy cảm, khiến người nghe khó trả lời)…

      Khi đặt câu hỏi cần phải biết mình đang ở trong không gian nào? Đối tượng nghe chủ yếu là ai (lứa tuổi, trình độ, mối quan tâm…), tránh những câu hỏi quá chuyên sâu, mang tính cá nhân (hỏi cho riêng mình) mà nên đặt ra những câu hỏi đem đến nhiều kiến thức những người cùng nghe. 

      Nên tìm hiểu các dạng câu hỏi khác nhau và áp dụng trong thực tế giao tiếp của bản thân. 

Tránh những câu hỏi vô duyên, đi quá sâu vào đời tư của người khác

      Việc đặt ra câu hỏi là một cách để bạn có thể tìm kiếm câu trả lời, từ đó mở rộng, nâng cao sự hiểu biết cho bản thân. Tuy nhiên, không phải lúc nào việc đặt ra câu hỏi cũng đem lại hiệu quả cho bạn. Và không phải “muốn hỏi gì thì hỏi” mà luôn cần có sự suy nghĩ, lựa chọn, xác định mục đích, mong muốn khi đặt câu hỏi cho người khác. Bởi cách mà bạn hỏi cũng nói lên con người bạn là ai. Vì vậy, hãy luôn lựa lời mà đặt câu hỏi cho thật phù hợp bạn nhé! 

Từ khóa: 

kỹ năng mềm

Đặt câu hỏi kiểu Socrates thì sao? 😜

Trả lời

Đặt câu hỏi kiểu Socrates thì sao? 😜

Bài viết hay quá ạ!

Cảm ơn chị vì bài chia sẻ thật sự rất ý nghĩa ạ

Bài viết hữu ích quá, cảm ơn chị đã chia sẻ ạ!

Cái này em học mãi mà chưa thay đổi được, cứ chưa biết gì thì hỏi đó thôi chứ không cân nhắc gì cả

Trước giờ cứ thắc mắc gì là hỏi thôi, chứ không suy nghĩ nhiều :))

Đặt câu hỏi khó thế nhỉ :))

Bây giờ có vẻ như mọi người đều đang đi theo xu hướng im lặng là vàng :))

Cảm ơn bạn đã chia sẻ!

Nghe đến đặt câu hỏi thì đơn giản lắm, nhưng mấy ai làm được hiệu quả đâu.