[Review Sách] Chế ngự Khủng Hoảng Tuổi Thành Niên

  1. Giáo dục

  2. Sách

  3. Tâm lý học

  4. Tâm sự cuộc sống

Bước vào tuổi mười tám, mới tốt nghiệp đại học hoặc đang chông chênh đâu đó ở giữa hai dấu mốc này thì có thể Chế ngự Khủng Hoảng Tuổi Thành Niên của Alexandra Robbins (Trần Nguyên dịch) là cuốn sách bạn nên nhanh chóng tìm đọc.

https://cdn.noron.vn/2021/08/03/image-1627965650_1024.png

Khủng Hoảng Tuổi Thành Niên được hiểu là sự phản ứng khi đến các thời điểm chuyển đổi trong cuộc sống – trong trường hợp này là bước vào tuổi trưởng thành. Sự quá tải các vấn đề về hình thức ở độ tuổi này có thể là nguyên nhân của nhiều phản ứng đa dạng, từ những nghi ngờ bản thân mãnh liệt có khả năng dẫn tới một trạng thái nguy hiểm như trầm cảm, đến một trạng thái nhẹ hơn như nhìn cuộc sống của mình với tư cách một người lớn và không ngừng có cảm giác “Cuộc sống chỉ là thế này thôi ư?”

(trích Chế ngự Khủng Hoảng Tuổi Thành Niên)

Có thể coi đây là cú chạm không thể né tránh và cũng không còn quyền được né tránh đối với những bạn trẻ. Sẽ không còn người hướng dẫn hay định hướng và cũng không còn sự ngoan ngoãn phục tùng những định hướng ấy nữa. Các bạn trẻ bước vào giai đoạn muốn biết mọi thứ, muốn làm mọi thứ nhưng lại bối rối về thời điểm bắt đầu.

Trở ngại lớn nhất của cuộc khủng hoảng này nằm ở chỗ các bạn muốn bắt đầu nhưng lại không thể xác định được nên bắt đầu như thế nào và từ đâu với tổ hợp mục tiêu hỗn độn, thất thường trong tâm trí. Chàng trai tràn đầy lý tưởng vào buổi sáng có thể trở thành gã say xỉn bất chấp ngày mai; cô gái vô cùng lạc quan khi nhập học có thể trở thành một thiếu nữ ủ rũ, bi quan khi bắt đầu học tập.

Làm thế nào để biết được bạn có đang phải đối mặt với Khủng Hoảng Tuổi Thành Niên hay không? Sau đây là loạt dấu hiệu mà tác giả đề cập tới trong cuốn sách:

1. Bạn không biết mình muốn gì?

2. Những năm tháng tuổi hai mươi không giống với những gì bạn hình dung?

3. Bạn sợ sẽ thất bại

4. Bạn không thể dứt bỏ tuổi thơ

5. Bạn phân vân giữa các lựa chọn

6. Bạn không ngừng so sánh

Phần I: Những ước mơ và hi vọng

Nỗi băn khoăn lớn nhất ở giai đoạn này thường nằm ở các câu hỏi: “Làm thế nào để biết tôi muốn gì?”; “Sẽ thế nào nếu tôi không đạt được điều tôi muốn?”; “Đạt được điều tôi muốn, nhưng tôi nhận ra nó không phù hợp với tôi thì sao?”.

Đa phần các bạn trẻ ở độ tuổi này đều có ước mơ hoặc hi vọng tìm ra được ước mơ của đời mình. Mặc dù suy nghĩ về vấn đề này là tốt, nhưng chỉ có bắt tay vào các hành động cụ thể mới giúp họ nhận ra được bản thân cần gì.

Các câu trả lời từ bên ngoài như: cha mẹ, thầy cô, anh chị, cấp trên đều không thực sự là các câu trả lời, vì chúng mang tính chất gợi ý. Nếu băn khoăn hãy dành thời gian tự đánh giá lại bản thân xem bạn thường thích làm điều gì, thời gian rảnh rỗi của bạn được đầu tư vào đâu nhiều nhất và đâu là công việc chính đáng bạn có thể làm.

Có ước mơ siêu to, ước mơ nhỏ hay thậm chí không có ước mơ là điều hết sức bình thường ở tầm tuổi này. Chỉ cần bạn thức dậy và làm điều bạn cảm thấy hứng thú thì mọi khó khăn sẽ dần sáng tỏ thành các cơ hội giúp bạn phát triển.

https://cdn.noron.vn/2021/08/03/skateboarder-3889771920-1627965641_1024.jpg

Phần II: Các mối quan hệ tình cảm

Các mối quan hệ tình cảm lại kéo theo loạt thắc mắc như sau: “Tại sao tôi rất khó kết nối với mọi người?”; “Tôi có thể gắn bó bao lâu với bạn trai/bạn gái hiện tại?”; “Làm thế nào để biết chính xác rụng động đầu đời đang xảy đến?”; “Giới tính thực sự của tôi là gì?”.

Trong khi chính bản thân bạn chưa đủ vững vàng để nhận diện cảm xúc của bản thân cũng như ngọn nguồn của các cảm xúc ấy, thì chúng vẫn thay nhau bùng nổ. Sẽ có những ngày bạn khép mình đến nỗi cảm thấy tiêu cực về cả thế giới trong nỗi đơn độc bi quan khi đêm về. Ngược lại, có khi bạn sẽ thả mình vào các cuộc hẹn chóng vánh và có quan hệ cả về tinh thần lẫn thể xác với những người khác nhau chỉ để hiểu rõ bản thân hơn- dù cái giá phải trả là tổn thương về nhiều mặt.

Đó là những điều thường xảy đến với hầu hết các bạn trẻ thành niên. Bởi họ thường giải quyết rắc rối này bằng cách tạo ra thêm các rắc rối khác. Sự lạc hướng này do các phương tiện truyền thông mang lại, do định kiến của người thân, bạn bè xung quanh và quan trọng hơn, do các bạn trẻ đôi khi ngần ngại trong việc đối diện với cảm xúc của bản thân. Cảm xúc của tuổi mới lớn dù rất mãnh liệt, song vẫn còn ngập tràn tình hiếu kì và vị kỷ của trẻ thơ.

Trải qua các mối quan hệ để hiểu rõ bản thân hơn là cách chúng ta thường làm. Nhưng hiểu rõ bản thân trước khi bắt đầu các mối quan hệ mới là lựa chọn sáng suốt.

Phần III: Cuộc sống công việc

“Làm thế nào để cân bằng giữa việc mình thích và kiếm tiền?”; “Tôi muốn thay đổi định hướng nghề nghiệp thì sao?”; “Nên đi làm sớm để tích lũy kinh nghiệm hay học hành để trang bị kiến thức, bằng cấp trước?” là khía cạnh tiếp theo khiến các chàng trai, cô gái phải nhăn nhó khi trưởng thành.

Sự sống về bản chất vẫn là một cuộc đấu tranh, tìm ra công việc bạn có thể gắn bó thì sự đấu tranh ấy dẫu nhọc nhằn nhưng vinh quang, còn ngược lại, nếu phải làm việc với liên tiếp các ý nghĩ chán nản hay tạm bợ thì bạn chỉ thấy rõ nhất phần nhọc nhằn.

Không ít bạn trẻ có may mắn được gia đình chu cấp cho đến khi học xong Đại học (thậm chí là lâu hơn thế nữa, nếu ai đó không muốn rời vòng tay của cha mẹ và vòng tay của cha mẹ đủ rộng để nâng niu họ). Trong hoàn cảnh được bao bọc, hầu hết chúng ta sẽ không phải nghĩ đến cơm, áo, gạo, tiền mà đã có cha mẹ phụ trách.

Thời giờ rảnh rỗi để các chàng trai, cô gái mơ trở thành ngôi sao ca nhạc, diễn viên điện ảnh, các doanh nhân hào nhoáng, cầu thủ đắt giá, youtuber nổi danh, kết hôn cùng bạn đời giàu sang hay bất kì ai đó mang vẻ ngoài lấp lánh. Thế nhưng dù là ai, bạn cũng cần ăn mặc và một mái nhà để ngủ- dĩ nhiên là những thứ đó hoàn toàn không miễn phí mà được đổi lấy bằng công sức lao động bẳng thể chất hoặc trí tuệ từ bạn.

https://cdn.noron.vn/2021/08/03/83961715512425063-1627965822_1024.jpg

Tìm ra cách nuôi sống chính mình là bài toán mà bạn bắt buộc phải tự đi tìm lời giải và phải liên tục tìm ra các lời giải khác nhau cho đến khi tìm thấy đáp án thỏa đáng nhất. Nếu học tập giúp bạn làm việc tốt hơn thì đừng ngần ngại, nếu học để trì hoãn việc lao động thêm ít lâu và nuôi dưỡng sự phân vân trong bạn thì nên kịp thời cân nhắc.

Phần IV: Gia đình, bạn bè, và nhà cửa

Tiếp theo, chúng ta sẽ cùng nhau đối mặt với các vấn đề lớn hơn nơi ngưỡng cửa trưởng thành: “Sống cùng cha mẹ hay sống một mình?”; “Sống một mình vì sao lại khó khăn?”; “Vì sao những người bạn trước đây lại ngày càng xa cách?”

Trưởng thành là bạn có thể dần dần vững bước mà không bị phụ thuộc vào sự trợ giúp về tinh thần và vật chất từ người thân xung quanh. Đây là quá trình tương đối đau đớn nhưng thực sự cần thiết với tất cả các bạn trẻ. Vấn để chỉ nằm ở thời điểm: Nếu chú sâu phá kén quá sớm, thì đôi cánh không thể cất lên, còn nếu quá muộn thì mãi mãi sâu không thể thành bướm.

Không chỉ trong những mối quan hệ ruột thị, các mối quan hệ xã hội, đặc biệt là đối với bạn bè cũng biến chuyển nhanh chóng.

Định nghĩa về “tình bạn” và “bạn thân” thường được bổ sung và làm mới rất nhiều ở quãng đời này. Các bạn trẻ sẽ nhận ra tình bạn không có một nghĩa mà có nhiều nghĩa, không chỉ một kiểu mà còn có nhiều kiểu. Đối với bạn thân, họ cũng thấy được sự thân thiết không phải là vĩnh cửu khi con đường của mỗi người là khác nhau và tình bạn thực sự không liên quan quá nhiều đến tần suất gặp gỡ hay chia sẻ hứng thú và luôn ủng hộ- thậm chí cả những thói hư tật xấu của nhau.

Bạn bè là một phần quan trọng của cuộc sống và nếu biết chọn bạn thì số lượng không phải là điều duy nhất chúng ta nên quan tâm.

Phần V: Cá tính

Sau một hồi giải quyết vòng quanh thế giới khách quan, chúng ta quay về đối diện với vấn đề- và thực ra mọi vấn đề đều đến từ cá tính của chúng ta: “Sẽ ra sao nếu tôi sợ phải trưởng thành?”; “Tôi thấy cuộc sống quá trống rỗng và vô nghĩa?”; “Làm thế nào để tôi có thể chấp nhận và yêu thương chính mình một cách lành mạnh?”.

Không phải ngẫu nhiên thế gian có câu nói “Gieo hành vi gặt thói quen, gieo thói quen gặt tính cách, gieo tính cách, gặt số phận”. Dù bạn thích hay không thì luật Nhân Quả (gieo gì gặt nấy) vẫn tồn tại. Cá tính và tâm hồn của bạn là tương lai thuộc về bạn mà không bộ môn bói toán nào có thể tiên đoán chính xác hơn.

Cá tính của bạn có thể mang bản sắc cá nhân, nhưng đừng bao giờ khiến cho cá tính ấy trở nên xa lạ với bản chất tốt đẹp của con người.

Để thấu hiểu và yêu thương, bạn cần học cách tự thấu hiểu và yêu thương bản thân và để giúp con cái trưởng thành, bạn cần phải trưởng thành. Dù cho sự sống đôi khi không như ý thì được sống đã là một hạnh phúc và hạnh phúc là khi bạn cảm thấy nó thay vì chạy đi tìm kiếm nó.

https://cdn.noron.vn/2021/08/03/youth-37127051920-1627965643_1024.jpg

Thay cho lời kết

Chế ngự Khủng Hoảng Tuổi Thành Niên là cuốn sách giúp tôi hình dung rõ ràng hơn những điều mình và bạn bè đồng trang lứa đã trải qua. Những kiến thức rõ ràng trong sách không những tổng kết lại những hiểu biết của bản thân tôi mà còn cung cấp cho tôi cách nhìn bao dung hơn trong hành trình tìm kiếm và nâng đỡ các bạn trẻ.

Tôi biết đó không phải là một công việc dễ dàng, nhưng dù không dễ dàng thì đó vẫn là việc cần thiết mà tôi có thể làm và nên làm trong đời này.

*Bài viết sử dụng ảnh minh họa từ Pixabay

Từ khóa: 

khủng hoảng

,

tuổi thành niên

,

review sách

,

alexandra robbins

,

nguyễn phú hoàng nam

,

giáo dục

,

sách

,

tâm lý học

,

tâm sự cuộc sống

Thời ấy lúc nà bức xúc chỉ biết uống say rồi về trùm trăn nghe chửi rồi lại bất chấp làm những việc bản thân thấy thích :v tuổi trẻ mà

Trả lời

Thời ấy lúc nà bức xúc chỉ biết uống say rồi về trùm trăn nghe chửi rồi lại bất chấp làm những việc bản thân thấy thích :v tuổi trẻ mà

Giá mà em gặp được cuốn này 4 năm trước thì năm nhất đã không bị khủng hoảng đến thế.