[Sách] Just Mercy: A story of Justice and Redemption, Bryan Stevenson

  1. Sách

Dạo này khi quan sát những sự việc đang diễn ra, mình cảm thấy nội tâm đang yên ả của mình bỗng nhiên rục rịch những nghĩ suy, vậy là mình đọc lại một trong những cuốn sách yêu thích nhất của mình về chủ đề công lý và pháp luật. Bên dưới là bài viết của mình cách đây 4 năm.
https://cdn.noron.vn/2022/01/20/7299d764-8097-43d0-886e-cfa57c843e4f-1642677523.jpg

Từng là một sinh viên luật và sẽ tham gia hành nghề trong ngành luật sau này, tôi có một mối quan tâm đặc biệt đến mọi vấn đề diễn ra trong xã hội, nhìn nhận chúng dưới góc độ luật pháp, và đồng thời quan tâm đến tính công bằng trong xã hội. Khi đọc “Nhân từ với quỷ dữ: Câu chuyện về công lý và sự cứu chuộc” (Tựa tiếng Anh: Just Mercy: A story of Justice and Redemption) của tác giả Bryan Stevenson, tôi thực sự đã thất bàng hoàng trước một hiện thực đau đớn mà trần tục về một nền tư pháp không thực sự công chính, không thực sự quan tâm đến tất cả mọi người; cuốn sách đã khiến tôi suy ngẫm lại rất nhiều về cách thức chúng ta hành xử với nhau và đối xử với người khác, cách thức chúng ta tư duy trong xã hội này.

Nếu bạn đã từng biết đến hay đọc tác phẩm nổi tiếng Giết con chim nhại của tiểu thuyết gia Harper Lee, chắc hẳn các bạn sẽ không quên luật Atticus Finch và những bài học mà ông dạy con cái mình cũng như gửi đến độc giả. Nhưng thực sự thì Atticus Finch chỉ là một nhân vật tưởng tượng, nhưng khi đọc câu chuyện của Bryan Stevenson, tôi không thể ngưng tin rằng ông chính là Atticus Finch ngoài đời thực.

Con đường mà Bryan lựa chọn để trở thành một luật sư là một con đường đầy rẫy những khó khăn. Là một sinh viên tốt nghiệp từ một trong những trường luật danh giá nhất thế giới, Bryan đã có rất nhiều cơ hội để tìm được nhưng công việc tốt hơn, với mức lương cao ngất ngưởng, có được địa vị cao trong xã hội, được trọng vọng. Nhưng những trải nghiệm từ thuở ấu thơ, và những trải nghiệm trong thời gian học tập tại trường luật Harvard, Bryan đã chọn một con đường khác cho sự nghiệp của mình – trợ giúp pháp lý cho những tử tù, những người bị hàm oan, người nghèo, người da đen bị phân biệt chủng tộc, những đứa trẻ vị thành niên bị xử án tử hoặc án chung thân không ân xá. Bryan đã lựa chọn một con đường đầy chông gai, đầy áp lực, một con đường mà khiến ông hết lần này đến lần khác phải đối diện với nỗi thất vọng, thậm chí là nỗi tuyệt vọng cùng cực đối với hệ thống tư pháp Mĩ, với những cơ quan hành pháp, tư pháp, với những công chức Nhà nước mang thái độ thờ ơ trước sinh mạng con người, khiến ông không ít lần nghi ngại nhân tính của loài người, không ít lần phải đặt câu hỏi cho chính mình về con đường mình lựa chọn, thậm chí nghĩ đến chuyện từ bỏ.

Những nỗ lực của Bryan và cộng sự không phải lúc nào cũng được đền đáp, thậm chí, họ còn từng phải trượt dài, thất bại hết lần này đến lần khác rồi mới có thể đạt được một thành tựu nhỏ. Nhưng từ những khó khăn đó, ta có thể thấy được nhiệt huyết và sự nỗ lực không ngừng nghỉ từ Bryan Stevenson và đội ngũ của ông, sự nỗ lực ấy đến từ nhân tính nằm sâu trong mỗi con người, đến từ lòng thấu cảm sâu sắc với những cuộc đời bất hạnh và đến từ việc không ngừng tin tưởng và nuôi dưỡng những hi vọng. Bryan Stevenson được coi như một người hùng đã góp phần thay đổi nền tư pháp Hoa Kì với những đấu tranh không mệt mỏi vì công lý và bình đẳng xã hội, nhưng sau hết, Bryan không nhận lấy những thành tựu đó. Đến tận cuối cuốn sách, ông vẫn không ngừng trăn trở về những tù nhân vẫn đang chờ án tử trong nhà tù, vẫn đau đáu một khát khao được loại bỏ án tử khỏi nền tư pháp để gìn giữ trọn vẹn nhân tính của con người.

Tôi không dám nói sự nghiệp của Bryan Stevenson là một sự nghiệp vĩ đại, bởi vì tôi nghĩ là ông sẽ không muốn coi bản thân như thế, bởi vì nếu nói ông vĩ đại tức là phủ nhận những điều mà ông đã cố làm sáng tỏ cho chúng ta và công sức của những người cộng sự, những người đã đồng hành với ông trên con đường đấu tranh. Nhưng tôi cho rằng, chúng ta có thể tin rằng Bryan Stevenson là một người kế cận của Martin Luther King, và nếu như thế giới có thêm thật nhiều Bryan Stevenson, thì chúng ta có quyền tin vào một tương lai hoàn toàn bình đẳng đang chờ mình phía trước.

Tôi là một cựu sinh viên trường luật, và đang trên con đường theo đuổi ước mơ của cuộc đời mình. Thế nên với tôi, luật là một phần cuộc đời. Tôi từng có mấy năm làm tình nguyện, làm dự án, làm thực tập, và đại khái là làm trong các tổ chức về quyền con người, hỗ trợ và thúc đẩy xã hội, tất cả những điều đó là yếu tố thúc đẩy lòng yêu nghề của tôi nên mặc dù thoạt tưởng chúng chẳng có liên quan gì đến ngành luật tôi theo đuổi nhưng hóa ra lại liên quan không tưởng. Đối với một người học luật và làm luật, tôi cho rằng “công lý” là một từ khóa (keyword) hết sức quan trọng, giống như kim chỉ nam của mỗi người khi quyết định dấn thân vào nghề này. Nếu không có ý niệm gì về “công lý”, thì kẻ học hay làm nghề luật coi như vứt đi. Luật không chấp nhận cái đúng nửa vời và sai nửa vời, chỉ có đúng và sai, cho nên, cũng chỉ có kẻ vứt đi và không vứt đi. Thế nhưng trong thế giới này, tôi lại cảm thấy hai từ “công lý” đó sao mà khó khăn để giữ vững đến vậy, con đường và đích đến sao lại lệch lạc đến vậy. Thế nên, “Just Mercy: A story of Justice and Redemption” là một tác phẩm tôi khuyên đọc với bất cứ sinh viên ngành luật nào trước tiên, và với tất cả công chúng nói chung, để giúp họ có thể (phần nào) hình thành một tư duy về “công lý” – thứ kim chỉ nam sẽ giúp họ không bị lầm đường lạc lối, sống nhân văn hơn và tử tế hơn. Đặc biệt, “Just Mercy” không chỉ là tiếng nói, tiếng lòng, sự trăn trở của một luật sư trợ giúp pháp lý, mà suy rộng ra, nó là câu hỏi to lớn về “công lý” mà mỗi người trong chúng ta đều cần phải suy ngẫm, nó bác bỏ mọi điều chúng ta từng tin tưởng, nó chất vấn mọi đức tin và phẩm chất mà chúng ta từng tưởng rằng nó cao đẹp, nó hoài nghi mọi cái đúng mà chúng ta vẫn hằng ngày rao giảng.“Just Mercy” không phải tiểu thuyết, nó là hiện thực, u tối, đau đớn và nghiệt ngã, nó là hiện thực về số phận của con người, nó là mặt trái của một xã hội mà chúng ta những tưởng là văn minh, và nó nghiệt ngã đến mức một người bình thường vốn chưa trải qua bất cứ trải nghiệm nào trong đó sẽ khó mà hình dung đây là hiện thực chứ không phải là một câu chuyện giả tưởng được chắp vá và xây dựng dựa trên trí tưởng tượng của một ai đó.

Về bản dịch tiếng Viêt mà tôi đọc của NXB Đà Nẵng, theo đánh giá thì đây là một bản dịch khá ổn, từ ngữ sử dụng khá chuẩn xác chứng tỏ tác giả đã có sự hiểu biết nhất định về chuyên ngành luật, cách dịch cũng rất mượt, thoát ý và dễ hiểu. Tuy nhiên, tôi không quá thích cái tựa đề được dịch ra tiếng Việt là Nhân từ với quỷ dữ từ tiêu đề tiếng Anh Just Mercy, bởi vì tựa đề Nhân từ với quỷ dữ có vẻ đã phạm phải một điều mà Bryan Stevenson kịch liệt lên án trong cuốn sách – vấn đề “ác quỷ hóa tội phạm” của truyền thông, báo chí, một cách tẩy não mà truyền thông sử dụng để đưa những thông tin sai lệch về nhân tính của người phạm tội và tách họ ra khỏi cộng đồng, đây là một hành vi cực kì phi nhân mà truyền thông đã sử dụng rất nhiều năm qua để tăng lượt tương tác hay bán hàng cho những tờ báo của họ, nhưng lại góp phần đẩy một con người vào đường cùng không lối thoát. Cho nên, dịch tên cuốn sách Nhân từ với quỷ dữ, theo tôi, là một lỗi vô cùng lớn, đã làm giảm giá trị của cuốn sách đi khá lớn, từ quỷ dữ có thể khiến tiêu đề tiếng Việt xuôi hơn, nhưng nó lại góp phần tăng thành kiến trong độc giả, góp phần hướng suy nghĩ độc giả theo hướng “phi nhân hóa tội phạm”, mà đây lại là một điều mà tác giả lên án mạnh mẽ.

Đọc thêm các bài viết về sách khác của mình

TẠI ĐÂY

Từ khóa: 

công lý

,

công bằng

,

công lý phục hồi

,

sách

Cảm ơn bạn, bài viết rất nhân văn. Mình cũng cảm thấy gọi các phạm nhân là quỷ dữ thì không đúng, nhất là khi đặt tên cho một cuốn sách mà tên nó sẽ đi sâu vào tâm trí người đọc. Có những lúc mình đọc về một vụ phạm tội, mặt tội phạm bị đưa lên mạng xã hội, mọi người chửi rủa, ném đá và sỉ nhục. Tất nhiên cộng đồng và cả mình phải biết phẫn nộ trước tội ác, có những tin tức phạm tội làm mình giận dữ ghê tởm, nhưng mình thấy có chút sợ hãi việc nhiều báo chí cố tình khuấy động thêm để câu dẫn người đọc, qua tội lỗi của một con người. Mình chỉ tưởng tượng người đó sau khi phạm tội sẽ cảm thấy thế nào: sợ hãi, hoảng loạn, mất trí, ăn năn, ghê tởm bản thân, quằn quại trong dằn vặt... Ngay sau khi phạm tội, họ đã chính thức gánh lấy hình phạt rồi, một hình phạt khủng khiếp trong lương tâm theo họ đến cuối đời. Và liệu có ẩn ức gì sau hành động phạm tội của họ không: bức bối, cùng quẫn, chèn ép, bị dồn nén đến mất kiểm soát... Điều gì dẫn họ tới bước đường này? Có phải ai phạm tội cũng đều như nhau? Liệu ta có cần ném thêm thật nhiều đá vào họ, khi họ chắc chắn đã và sẽ chịu hình phạt? Mình không biết có gì sai lệch không, mình chỉ đang cảm thấy như thế và muốn nói ra thông qua bài viết này.

Làm luật là một nghề cao quý và khó khăn. Hy vọng luôn giữ được điều bạn tâm niệm và thực thi luật đúng đắn, công bình và yêu thương!

Trả lời

Cảm ơn bạn, bài viết rất nhân văn. Mình cũng cảm thấy gọi các phạm nhân là quỷ dữ thì không đúng, nhất là khi đặt tên cho một cuốn sách mà tên nó sẽ đi sâu vào tâm trí người đọc. Có những lúc mình đọc về một vụ phạm tội, mặt tội phạm bị đưa lên mạng xã hội, mọi người chửi rủa, ném đá và sỉ nhục. Tất nhiên cộng đồng và cả mình phải biết phẫn nộ trước tội ác, có những tin tức phạm tội làm mình giận dữ ghê tởm, nhưng mình thấy có chút sợ hãi việc nhiều báo chí cố tình khuấy động thêm để câu dẫn người đọc, qua tội lỗi của một con người. Mình chỉ tưởng tượng người đó sau khi phạm tội sẽ cảm thấy thế nào: sợ hãi, hoảng loạn, mất trí, ăn năn, ghê tởm bản thân, quằn quại trong dằn vặt... Ngay sau khi phạm tội, họ đã chính thức gánh lấy hình phạt rồi, một hình phạt khủng khiếp trong lương tâm theo họ đến cuối đời. Và liệu có ẩn ức gì sau hành động phạm tội của họ không: bức bối, cùng quẫn, chèn ép, bị dồn nén đến mất kiểm soát... Điều gì dẫn họ tới bước đường này? Có phải ai phạm tội cũng đều như nhau? Liệu ta có cần ném thêm thật nhiều đá vào họ, khi họ chắc chắn đã và sẽ chịu hình phạt? Mình không biết có gì sai lệch không, mình chỉ đang cảm thấy như thế và muốn nói ra thông qua bài viết này.

Làm luật là một nghề cao quý và khó khăn. Hy vọng luôn giữ được điều bạn tâm niệm và thực thi luật đúng đắn, công bình và yêu thương!

Mình đã đọc Giết con chim nhại và nó là cuốn sách mà mình cứ mua lại tặng rồi lại mua. Đọc xong bài viết của cậu, tớ cũng sẽ thêm cuốn Just Mercy: A story of Justice and Redemption mà cậu giới thiệu.