Tại sao người đạo diễn làm phim? 

  1. Phim ảnh

Khi đặt ra câu hỏi này, tôi suy nghĩ đến nhiều câu trả lời khác nhau. Có phải việc làm phim cũng giống như việc chụp hình, ghi lại từng khung ảnh, từng bức hình để đánh dấu một khoảnh khắc trong cái sự chuyển động liên hồi của cuộc sống. Và làm phim là để kể một câu chuyện dài hơi hơn, một sở thích có đầu tư hơn hay đơn giản là người đạo diễn muốn nói lên tiếng lòng của mình với toàn xã hội.

Phân cảnh trong bộ phim "Bi, đừng sợ!"

Tôi không tìm được câu trả lời vì tôi hoàn toàn không phải là một người làm phim. Và rồi tôi nhớ đến người đạo diễn ưa thích của mình, Woody Allen, ông từng nói rằng chính khán giả mới là người làm nên bộ phim. Tôi cựa quậy xoay mình ra khỏi lối suy nghĩ của một vai trò không quen thuộc, người đạo diễn, và quay về với vai trò mà tôi thoải mái nhất, người xem phim. Vậy tại sao tôi xem phim?

Tôi xem phim vì tính giải trí. Không, điều đó quá tầm thường.

Tôi xem phim vì tôi thích mê những khung hình mới. Không, nó vẫn chưa đủ.

Tôi muốn tìm kiếm những góc nhìn, những sự thật, những câu chuyện mà có lẽ ngôn ngữ hình ảnh là cách dễ tiếp nhận hơn cả.

Tôi loay hoay, tôi không tìm được lí do tại sao mình xem phim và có lẽ tôi cũng chẳng thể nào biết được tại sao người đạo diễn làm phim.

Bộ phim là một sự kết nối. “Sự thấy” kết nối chúng tôi, những người xem phim và những người làm phim lại với nhau. Và người đạo diễn đã làm điều này, họ cho chúng tôi “sự thấy”. “Sự thấy” có trước ngôn từ vì chẳng phải một đứa trẻ nhìn và nhận biết trước khi chúng có thể nói hay sao, và chẳng phải chúng ta cũng từng là một đứa trẻ ư? Tôi hài lòng với phát hiện nhỏ nhoi mà mình tìm được, “sự thấy”.

Người đạo diễn là những con người tinh tế, “sự thấy” của họ đôi khi thân thuộc đến nỗi ta giật mình rằng tại sao điều này vẫn ở đó nhưng ta chưa bao giờ nhận ra. Như trong bộ phim “Hơi ấm máy lạnh” của đạo diện Trịnh Đình Lê Minh, tôi bất ngờ vì góc nhìn của anh, vì cái câu chuyện mà anh mang lại.

Rồi người đạo diễn đôi khi đưa đến một viễn tưởng khác, một hiện thực khác mà ta không thấy hoặc ta quá bận rộn để thấy, như cách đạo diễn Phan Đăng Di đưa đến cho ta trong bộ phim “Bi, đừng sợ!” vậy.

Có lẽ câu trả lời còn dễ dàng hơn nữa nếu tôi nhìn dưới góc độ của một người học tâm lí. Trong các nhu cầu của con người, nhu cầu cao nhất chính là sự khẳng định bản thân với cường độ cao, rằng họ muốn sáng tạo, họ muốn được trình diễn bản thân mình để khẳng định chính mình. Họ muốn làm phim vì họ thích làm phim, vì họ muốn đưa “sự thấy” của họ cho người khác, họ khát khao chia sẻ vì chẳng điều gì tuyệt vời hơn cảm giác được công nhận và được chọn cả.  

Nhưng ở Việt Nam có lẽ còn nhiều điều chi phối người làm phim hơn, rằng một khát khao công nhận và một ước mơ cháy bỏng vẫn chưa là gì so với túi tiền eo hẹp. Có lẽ họ cần một động lực, một lực đẩy làm cho họ trở nên cố gắng hơn, trở nên dũng cảm theo đuổi ước mơ của mình hơn. Có lẽ họ cần một túi tiền to to. Có lẽ họ cần những người hỗ trợ để giúp họ hoàn thiện hơn.

Từ khóa: 

phim ảnh

,

người việt nam

,

phim ảnh