Sự đổi thay của thế giới hay hào quang nghiệt ngã của ánh đèn sân khấu

  1. Phim ảnh

Ở đời, tre già măng mọc xưa nay là lẽ dĩ nhiên. Với nơi sân khấu hoa lệ không thiếu những tài năng, sự đào thải còn nhanh chóng hơn nữa, đôi khi người ta không cần già đi nhưng đã thấy mình thuộc một thế hệ khác khi những tài năng mới xuất hiện, những ngôi sao rực rỡ hơn, lộng lẫy hơn được sinh ra. Ở nơi đó, khi một ngôi sao vụt sáng cũng có nghĩa là có ngôi sao nào đó đang lụi tàn. A Star Is Born (2018) – Vì Sao Vụt Sáng, bốn từ ngắn ngủi nhưng gói gọn toàn bộ vinh tàn của một kiếp nghệ sỹ.

https://cdn.noron.vn/2022/05/07/anh-1651912628.jpg
Nguồn: The New Yorker

Khi chàng ca sỹ tài năng, nổi tiếng và giàu có Jackson Maine (Bradley Cooper) đang dần sang dốc bên kia sự nghiệp, chàng tìm được cô ca sỹ tài năng Ally (Lady Gaga) ở một cửa hàng tiện lợi nọ. Jackson nhanh chóng bị hớp hồn bởi cô gái xinh đẹp, hẵng còn trong sáng, và tài năng, rồi họ yêu nhau là một lẽ tự nhiên. Jackson đưa Ally theo trong các chuyến lưu diễn của anh, để cô hát tự do những ca khúc của mình, để từ đó làm tiền đề cho sự ra đời của một ngôi sao mới. Tuy nhiên, có lẽ có một điều mà cả hai đều không lường được từ đầu, ấy là sự ra đời của một ngôi sao mới cũng đồng thời là sự lụi tàn của một ngôi sao cũ. Dù yêu Ally và tự hào về sự thành công của vợ mình, anh cũng khó có thể chấp nhận được sự lãng quên của công chúng đối với mình. Jackson mắc chứng nghiện rượu, anh phá hủy buổi lễ trao giải của vợ mình, phải vào trung tâm cai nghiện, và cuối cùng lựa chọn một cái kết hoàn toàn bế tắc cho cuộc đời đã từng rực rỡ của mình.

https://cdn.noron.vn/2022/05/07/anh-1-1651912628.png
Nguồn: Cinema2Cinema

Câu chuyện của Jackson không phải là câu chuyện hư cấu điển hình, mà nó là một tiêu biểu cho thực tế nghiệt ngã của giới giải trí. Giới giải trí từ cổ chí kim đã là ước mơ lấp lánh của biết bao người, những bữa tiệc xa hoa, ánh đèn sân khấu, sự ngưỡng vọng của công chúng – tất cả là những thứ hút hồn dễ khiến người ta không thể thoát ra khỏi. Không dễ gì để một người vốn đã quen với mọi sự chú ý lại một ngày đột nhiên trở nên xa lạ với công chúng, cũng không dễ gì hơn nữa để một đứa “con cưng” của công chúng bộc lộ những điểm yếu của mình. Xa hoa và thượng lưu là thế, nhưng thực chất đứng ở đỉnh cao danh vọng lại luôn đi kèm với nỗi cô đơn khó tỏ. Vậy nên, nhiều khi người nổi tiếng thường sẽ gắn liền với rượu, ma túy, những bê bối mà người bình thường khó có thể chấp nhận, rồi một ngày hủy hoại sự nghiệp và tài năng của chính mình vì những điều đó. Whitney Houston, Frank Sinatra, Freddy Mercury,…những huyền thoại của thế giới chúng ta, những con người mà chỉ cần nhắc đến tên họ thôi là trong đầu ta lập tức vang lên những giai điệu bất hủ, nhưng tất cả họ đều có những kết thúc buồn vì trượt dài trong những thất bại của cuộc sống cá nhân. Trong một concert tại Anh năm 2010, khán giả đã la ó thất vọng vì giọng hát đã bị hủy hoại vì rượu và thuốc lá của Whitney Houston, đó là màn biểu diễn tệ nhất trong sự nghiệp của nữ diva. Frank Sinatra – người đàn ông với những bản nhạc jazz bất hủ nức lòng giới mộ điệu đến ngày hôm nay, trong những tháng này cùng cực và đen tối nhất trong mối quan hệ với Ava Gardner đã suýt đánh mất sự nghiệp đỉnh cao và rực rỡ của mình. Những mối quan hệ toxic, những khoảng lặng, nỗi trống rỗng cô đơn trong lòng thì ai cũng có, nhưng với người nổi tiếng – những người luôn đòi phải xuất hiện trước thế giới một cách toàn vẹn, lộng lẫy nhất – thì những nỗi buồn tầm thường rất con người đó lại là thứ khó lòng bộc lộ nhất. Sự yếu đuối bị che giấu đi một cách thô bạo biến thành sức ép khổng lồ. Trong khi công chúng thì dễ quên, dễ yêu cũng dễ quay lưng, ngày hôm nay anh là “con cưng” của thế giới, ngày mai anh trở thành kẻ bị lãng quên. Vòng lặp của sự đào thải trong ngành công nghiệp giải trí là một bánh răng nghiệt ngã không bao giờ dừng lại. Thế giới giải trí không bao giờ thiếu tài năng, nên công chúng không bao giờ cần phải ghi nhớ quá lâu một điều cũ kỹ khi họ luôn được “bón” cho những “món ăn mới mẻ và độc đáo”, món sau lại hay hơn món trước.

https://cdn.noron.vn/2022/05/07/anh-2-1651912627.png
Nguồn: Garage Magazine

Có lẽ thế nên trong A Star Is Born (2018), Jackson – dù đã tìm thấy tình yêu của đời mình, một tâm hồn nghệ sỹ đồng điệu và chính anh đã nâng đỡ để Ally tỏa sáng – thì vẫn không cách nào soi tỏ lòng mình với người bạn đời. Khi Ally không phải một người vợ bình thường – một người nghệ sỹ, cũng là fan của Jackson, anh có thể chia sẻ cùng cô nghệ thuật của mình, có thể bộc bạch tình yêu sâu đậm cho cô rằng “Kể từ lần đầu gặp nhau, anh chưa từng nghĩ rằng mình sẽ yêu/Chưa từng nghĩ rằng sẽ tìm thấy chính mình/Trong vòng tay em, anh chẳng thể giả vờ rằng mọi thứ không thật”, nhưng đến cuối cùng, Jackson vẫn phải tự mình chống chọi với nỗi cô đơn của mình. Sự bế tắc lên đến đỉnh điểm khi người quản lý của Ally nói thẳng với anh rằng anh đang hủy hoại sự nghiệp của vợ mình, không còn gì cho Jackson bấu víu vào, đó là thời khắc anh nhận ra một ngôi sao đã vụt tắt. Trên bầu trời, khi một ngôi sao vụt tắt, nó trở thành một thực thể miên viễn cô độc lặng lờ trôi trong vũ trụ bao la, vô phương vô hướng, không còn gì là bắt đầu cũng chẳng còn gì là kết thúc cho nó. Trên sân khấu, khi một ngôi sao vụt tắt, anh/cô ta lùi vào bóng tối, chỉ còn là ký ức xưa cũ của một ai đó, cũng miên viễn cô đơn như ngôi sao trên bầu trời kia. Nhưng vì chúng ta là con người, nên nỗi cô đơn ấy, sự lãng quên ấy trở nên thật khó khăn, thật nghiệt ngã làm sao. Làm một ngôi sao tức là ngay cả khi ánh đèn sân khấu vụt tắt, anh cũng không thể trở lại với con người xưa cũ của mình nữa. Vậy khi ánh sáng ấy tắt hẳn, anh sẽ đi đâu để tìm lại chính mình? Có lẽ vì thế nên những kết cục kinh hoàng thường diễn ra, như một cách để trốn chạy hiện thực và để chấm dứt nỗi hoang hoải, chông chênh của cuộc đời mình.

Sân khấu thì đẹp đẽ đấy, hoa lệ đấy, nhưng nó cũng nghiệt ngã và lạnh lùng đấy.

Từ khóa: 

a star is born

,

tản mạn cuộc sống

,

chất liệu điện ảnh

,

cảm thụ

,

nghệ thuật điện ảnh

,

phim ảnh