Viết cho em - 111 - Chót lưỡi đầu môi

  1. Phong cách sống

Nay đến bài 111 nè, tự nhiên nhớ ông Jack Ma chế ra cái ngày 11-11 là ngày độc thân rồi bán được cả đống hàng, cả đống doanh nghiệp ăn theo, ào ào khuyến mãi. Nhìn kỹ thì số 1 cũng có vẻ cô đơn thiệt hen.

Đứng một mình thì chắc là cô đơn rồi, còn có người yêu cũng chưa chắc là không cô đơn. Trong tình yêu nói riêng hay tình cảm giữa con người với nhau, điều làm em buồn nhất là gì? Với anh thì là hiện tượng “chót lưỡi đầu môi”.

Đầu tiên là nói dối. Hồi đó đây là một điều cấm kỵ đối với anh trong tình yêu. Mỗi người đều có những không gian riêng tư, có những điều chưa thể nói cho người khác biết. Nhưng thà rằng giữ nguyên đó không nói ra, chứ đừng nói dối. Anh ghét nói dối, càng khổ hơn là anh rất dễ dàng nhận ra khi người ta nói dối, không thật lòng với mình. Hồi đó mỗi lần phát hiện ra chuyện gì đó người ta che giấu hay nói dối, đau lòng lắm. Còn bây giờ ai nói gì nói thôi. Nói dối là một dạng “chót lưỡi đầu môi”. Dù là nguyên nhân gì đi nữa thì cũng đừng nói dối, em ạ.

Dạng thứ hai người ta hay gọi là “thảo mai”, nghĩa là nói ra những lời ngon tiếng ngọt nhằm mục đích “xã giao” như kiểu “anh ruột”, “chị ruột”, “chị đẹp”, “em yêu”… và những lời khen mà cả người nói và người nghe đều biết không có miếng thật lòng nào. Vì sao người ta lại cười cười nói nói với nhau những lời lẽ và thái độ mà dư vị của nó đều nhạt thếch như vậy chứ? Vì họ cho rằng phải nói điều gì đó với nhau, khen ngợi nịnh hót nhau hoặc cùng nhau bàn tán chuyện này chuyện nọ mới có tính tương tác, kết nối, thân thiết hoặc mới “vui” (nhưng cuối cùng chẳng có gì vui).

Từ thực tế trên, người xưa mới nói “Quân tử giao tình nhạt như nước”. Những người thật lòng quý trọng nhau thì không cần phải sớm tối cặp kè, rủ rê tụ tập, khen tặng lẫn nhau. Người ta nói những lúc cần nói, chuyện nào nói qua rồi thì thôi không lặp lại. Ở bên nhau mà vẫn giữ yên lặng không được sao? Hoặc không ở gần nhau nữa mà vẫn thân thiết không được sao? Quân tử xem trọng nhau không phải vì ở gần hay những lời đầu môi chót lưỡi.

À, “chót lưỡi đầu môi” là một hình tượng để diễn tả những lời nói, thái độ mà người ta thể hiện ra xong thì rất dễ dàng quên mất, không có giá trị gì, hoặc là những tình cảm được thể hiện một cách thái quá nhằm nịnh nọt người khác.

111_Chot luoi dau moi

Còn một dạng chót lưỡi đầu môi chính là những người ưa hứa hẹn, thích thể hiện mà không xem trọng lời nói của chính mình. Buồn nhất là những người mình dành nhiều tình cảm. Họ nói điều gì mình đều để tâm ghi nhớ, nhưng nhiều khi họ chỉ nói “cho vui”, rồi sau chính họ lại đi làm ngược lại. Đặc biệt là những câu hứa hẹn như “không bao giờ bỏ anh”, “không bao giờ quên anh”, “anh là người cuối cùng”, “không bao giờ block anh”.. mấy câu này thường chỉ có giá trị ngay lúc đó mà thôi. Biết vậy, mà vẫn buồn. Mỗi lần nghe càng vui, thì khi nhìn thấy hành động trái ngược hoàn toàn với những lời nói đó lại càng buồn.

Biết rằng đôi khi tình cảm vẫn cần những sự thể hiện, những lời khẳng định, nhưng đừng nói những gì mình không định làm.

Những lời phát biểu hùng hồn của các diễn giả, người nổi tiếng, các hứa hẹn của những nhà chính trị, các loại thủ tục tuyên bố… đều là những lời đầu môi chót lưỡi đến độ cả người nói và người nghe đều không tin. Người ta biến sự dối trá thành một loại thủ tục để khi xướng lên thì mọi người đều nở nụ cười khô cứng một cách thủ tục, hoàn thành một loại thủ tục làm chai lì cảm xúc của mọi người.

Thôi thì cực thịnh rồi sẽ suy, cực suy rồi lại thịnh, xã hội này dối trá, giả tạo với nhau thì kệ nó, mình không cản được. Nhưng còn giữa hai người với nhau, lẽ nào cũng phải dùng đến những lời hoa ngôn xảo ngữ, dùng thái độ không thật lòng với nhau?

Em à, nếu có một người thật lòng thể hiện tình cảm của họ dành cho em, em có thể đáp lại hoặc không, nhưng ít nhất hãy thật lòng với họ. Khi mình nói ra điều gì, hoặc thể hiện tình cảm gì đó thì đừng tráo trở không nhận, đừng chối bỏ hay làm ngược lại với điều đó. Thà rằng không nói thì thôi, nói ra rồi ít nhất cũng cố gắng hết sức mà thực hiện, chứ đừng phụ lòng người thật tâm với mình.

Xã hội này đã giao tiếp với nhau bằng những quy tắc giả tạo công khai đến vậy, giữa hai người còn phải dối nhau sao?

Nếu em cảm thấy vui khi người khác nói với em những lời đầu môi chót lưỡi (em biết rõ như vậy nhưng vẫn thấy vui), thì nên xem lại, đừng để sau này đau khổ vì sự thật phũ phàng kia, càng đừng để bản thân mình cũng trở thành một người toàn nói lời đầu môi chót lưỡi.

Nhiều lúc anh lại tự trách mình, vì sao ai nói gì, làm gì mình cũng nhớ lâu đến vậy, đến nỗi chính người đó cũng không nhớ họ từng nói điều đó với mình. Anh tự hỏi rằng người ta không giữ lời với mình là do họ không quan tâm, hay mình không đánh để họ quan tâm như vậy. Không biết được, cũng không trách được, chỉ có buồn thôi.

Tự nhiên lại nghe một câu hát cải lương vang vọng trong đầu: “Nghĩa nhân mỏng dánh như cánh chuồn chuồn, khi vui nó đậu khi buồn nó bay”..

10.01.2020

Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo

Từ khóa: 

viết cho em

,

ứng xử

,

mối quan hệ

,

tình cảm

,

phong cách sống