8 điều cần biết về sự đồng thuận trong tình dục

  1. Giới tính

Đồng thuận trong tình dục là một trong những yếu tố quan trọng để có đời sống tình dục lành mạnh, thấu cảm. Chắc chắn bạn cũng đã từng nghe rất nhiều về điều này. Vậy làm thế để có được sự đồng thuận trong tình dục một cách đúng đắn và tôn trọng? Cùng tìm hiểu 8 điều cần biết về sự đồng thuận trong tình dục bạn nhé.

1. Đồng thuận trong tình dục là gì?

Định nghĩa hợp pháp của Đồng thuận trong tình dục tùy thuộc vào nơi bạn sống nhưng sẽ dựa trên những nguyên tắc cơ bản.

Đồng thuận trong tình dục là sự đồng ý giữa những người quan hệ tình dục hoặc tham gia vào một hoạt động tình dục cùng nhau. Bạn có quyền lựa chọn việc bạn “ân ái” với ai và bằng cách nào. Việc bạn đồng thuận trải nghiệm cuộc “yêu” bắt đầu bằng sự giao tiếp, chuyện trò để tìm ra điểm giao giữa mong muốn tình dục của bạn và bạn tình.

2. Đồng thuận trong tình dục phải có những yếu tố nào?

Thật sự chân thành: Bạn chia sẻ rõ ràng rằng bản thân muốn quan hệ tình dục với đối phương

Đồng lòng: Bạn tình của bạn cũng thật sự muốn ân ái, trải nghiệm hoạt động tình dục với bạn

Tự nguyện: Bạn bước vào cuộc “yêu” bằng tất cả trái tim, không có áp lực, hoặc không có cảm giác tội lỗi từ bên ngoài hay bên trong bạn. Bạn hiểu điều gì đang xảy ra và không bị tác động bởi các chất kích thích, gây nghiện như rượu hay ma túy.

Thông báo cho nhau: Bạn hiểu các “điều khoản” và “ranh giới” trong thỏa thuận giữa bạn và bạn tình về việc quan hệ tình dục. Cụ thể là bạn biết được cuộc “yêu” sắp diễn ra có những hoạt động tình dục gì để sẵn sàng đón nhận hay không. Nếu bất kỳ lúc nào, các “điều khoản” của tình huống thay đổi (giả sử, bạn tình của bạn tháo bao cao su của họ trong khi quan hệ tình dục mà không nói với bạn) thì sự đồng thuận ban đầu giữa các bạn không còn giá trị.

Mỗi lần “yêu” là một lần đồng thuận: Nói đồng ý với một hoạt động tình dục không có nghĩa là bạn đồng ý thực hiện lại giống vậy trong các lần “yêu” sau hoặc đồng ý với các hình thức quan hệ tình dục khác. Mỗi lần trải nghiệm tình dục đều cần có sự thống nhất giữa bạn và bạn tình, dẫu cho bạn đã từng quan hệ tình dục với đối phương trước đó nhiều lần.

https://cdn.noron.vn/2022/05/23/3765168983221855-1653273282.png

3. Làm thế nào để đưa ra sự đồng thuận?

Cách tốt nhất là nói trực tiếp với đối phương. Đôi lúc bạn cũng sẽ thấy ngại nhưng đừng để sự “mập mờ” hiện hữu trong đời sống tình dục, rất dễ dẫn đến những kết quả không tốt mà bạn không lường trước được. Chúng mình rõ ràng để tận hưởng cuộc “yêu” ngọt ngào nhất.

  • Bạn hoàn toàn có thể cùng bạn tình tạo ra những “cụm từ” riêng khi muốn “ngỏ lời” được quan hệ tình dục. Và lúc nhận “yêu cầu”, bạn cần trả lời chân thành là bạn đồng ý hay không theo ngôn ngữ mà bạn cùng bạn tình đã thống nhất.
  • Bất kể là người đề nghị quan hệ tình dục hay được “gởi lời mời” bạn cũng phải thành thật chia sẻ điều bạn muốn với đối phương cùng thái độ trân trọng họ.

4. Làm thế nào để nói “không”?

Để nói “không”, cách tốt nhất vẫn là nói thẳng vào vấn đề. Bạn có thể nói “không” khi bạn được đề nghị quan hệ tình dục hoặc trong một hoạt động, tư thế tình dục nào đó. Nghĩa là bất cứ lúc nào trong khi quan hệ tình dục, bạn đều nên thành thật với chính mình và với bạn tình.

Không bao giờ là quá muộn để nói “Mình dừng lại đi” nếu bạn thấy không thoải mái. Bạn có thể bày tỏ rằng bạn không muốn tiếp tục bằng lời nói cụ thể:

  • Nói “dừng lại” với đối phương: bạn có thể sử dụng các cụm từ như “Em/anh không muốn làm vậy nữa”, “Em/anh muốn dừng lại” hoặc “Chúng mình có thể thực hiện tư thế tình dục này lần khác được không, em/anh cảm thấy đau?”

Đôi lúc bạn lại thấy thoải mái hơn khi ra dấu bằng ngôn ngữ cơ thể như rời tay khỏi bạn tình lúc bạn muốn “dừng”. Không sao cả, bạn hoàn toàn có thể làm vậy nhưng bạn phải nói rõ với bạn tình “nếu bạn buông tay nghĩa là bạn đang khó chịu”. Vì lắm khi thật khó để nhận diện cử chỉ “không ưng ý”của nhau trong lúc “lâm trận” và sẽ có nhiều phản ứng khác mà chính bạn cũng không biết lúc cơ thể bạn “muốn dừng”.

Tóm lại, nếu bạn muốn nói “không” hãy cứ mạnh dạn bày tỏ với bạn tình, bạn nhé.

5. Làm thế nào để biết được đối phương “đồng ý”?

Đơn giản thôi, trực tiếp hỏi. Giao tiếp bằng lời nói rõ ràng và chú ý đến nhu cầu, tâm trạng, ngôn ngữ cơ thể của đối phương đều quan trọng để đảm bảo sự đồng ý từ họ.

  • Luôn luôn đề cao sự đồng ý của bạn tình trước khi bạn bắt đầu quan hệ tình dục. Dẫu cho bạn biết sở thích của bạn tình, bạn cũng nên xác nhận lần nữa là “hôm nay chúng mình thực hiện điều đó được không?
  • Quan tâm bạn tình trong suốt cuộc “yêu”, hỏi xem họ có muốn tiếp tục hay bạn có nên làm điều gì đó khác để giúp bạn tình thăng hoa hơn không. Những lời hỏi han này sẽ giúp đối phương ấm lòng vì cảm thấy bạn tôn trọng họ trong từng khoảnh khắc.
  • Chú ý đến những tín hiệu phi ngôn ngữ từ bạn tình. Nếu bạn tình trở nên yên lặng, mất tập trung, khó chịu, buồn, bạn có thể dừng lại một chút và hỏi để “kiểm tra tình hình”.
  • Không quan hệ tình dục với bạn tình đang say xỉn. Cá nhân không thể đồng ý chủ động nếu họ bị mất khả năng kiểm soát hành vi do ma túy, rượu hoặc những chất kích thích khác.
  • Nếu bạn biết rằng bạn tình của mình đã từng bị bạo lực hoặc có những chấn thương tình dục, mở rộng trái tim thấu cảm và chia sẻ với họ, cũng như thành tâm hỏi đối phương cách thức quan hệ tình dục mà họ cảm thấy thoải mái.

https://cdn.noron.vn/2022/05/23/3765168983221850-1653272929.png

6. Bạn hay bạn tình thay đổi “quyết định” sau khi đồng ý thì sao?

Không sao cả, tôn trọng quyết định của nhau là thái độ bạn cần có. Bất cứ khi nào bạn cảm thấy khó chịu bạn đều có thể nói với đối phương. Hay vì “đau”, vì không thoải mái, lo lắng, vì đang rất căng thẳng, bạn muốn dừng, bạn nhẹ nhàng chia sẻ, để cuộc “yêu” không bị biến chất thành một cuộc tra tấn thể xác lẫn tinh thần.

Bạn và bạn tình có thể hẹn một buổi nói chuyện sau đó để cả hai nhìn nhận lại buổi “ân ái” vừa rồi, điều gì làm đối phương khó chịu. Từ đó các bạn hiểu nhau hơn, gắn kết hơn, và có những thay đổi giúp đời sống tình dục "mượt mà" hơn.

7. Khi bạn nói “không”, đối phương cảm thấy bị tổn thương thì sao?

Nói "không" hay “dừng lại” khi bạn thấy không thoải mái là sự thể hiện ranh giới cá nhân, không phải là từ chối đối phương. Ranh giới đó giúp bạn duy trì sự tự chủ về cơ thể, là ranh giới giữa an toàn và không an toàn.

Cũng không sao nếu đối phương cảm thấy bị tổn thương nếu bạn nói “không”. Bạn có thể giải thích tầm quan trọng của ranh giới để bạn cảm thấy an toàn trong bất kỳ mối quan hệ nào. Và bạn cũng ủng hộ họ nói những rào cản, những nguyên tắc của họ trong tình dục.

Nếu đối phương sử dụng cảm giác bị tổn thương để lôi kéo bạn làm điều bạn không muốn trong tình dục, đó là điều không được chấp nhận. Làm như vậy như một hình thức ép buộc tình dục và có thể là dấu hiệu của một mối quan hệ không an toàn.

https://cdn.noron.vn/2022/05/23/275762650613888575-1653272972.png

8. Nếu bạn đồng ý quan hệ tình dục chỉ vì cảm thấy áp lực với bạn tình thì thế nào?

Bạn đồng ý quan hệ tình dục chỉ vì bạn cảm thấy bị áp lực với đối phương, thì bạn đang tự đưa mình vào vòng xoáy không an toàn trong mối quan hệ của mình. Bạn nên nói những suy nghĩ của bản thân cũng như chia sẻ rằng cách đối phương hành xử vô tình gây áp lực với bạn, bạn mong muốn cùng nhau thay đổi. Nếu bạn tình không lắng nghe và vẫn “ép” bạn quan hệ tình dục thì đó được xem là cưỡng ép tình dục.

Cưỡng ép tình dục là bất kỳ trường hợp nào khi một người gây áp lực hoặc ép buộc người khác quan hệ tình dục trái với ý muốn của họ. Cưỡng ép tình dục là một hình thức bạo lực với bạn tình cùng các hành vi thể hiện quyền lực, sự kiểm soát bạn tình trong quan hệ tình dục.

Lời kết

Đồng thuận trong tình dục rất quan trọng để bạn có được đời sống tình dục lành mạnh. Đó cũng như một sự bảo vệ chính bản thân bạn về mặt sức khỏe tinh thần, thể chất và cả trước pháp luật. Không cần gượng ép mình quan hệ tình dục để thỏa mãn đối phương nếu bạn thật sự thấy khó chịu.

Đồng thuận trong tình dục cũng là một nghĩa cử cao đẹp mà bạn và đối phương dành cho nhau. Nó thể hiện sự tôn trọng ở mỗi người với người bạn tình.

Hiểu bản thân, yêu chính mình, tôn trọng đối phương và quan hệ lành mạnh. Bạn nhé!

Nguồn thông tin:

1/8 things to know about sexual consent - Hello Clue

2/Bindesbøl Holm Johansen, K., Pedersen, B.M. and Tjørnhøj-Thomsen, T., 2020. “You can Feel that on the Person”–Danish Young People’s Notions and Experiences of Sexual (Non) Consenting. NORA-Nordic Journal of Feminist and Gender Research, 28(1), pp.4-17.

3/O’Callaghan, E., Shepp, V., Ullman, S.E. and Kirkner, A., 2019. Navigating sex and sexuality after sexual assault: A qualitative study of survivors and informal support providers. The Journal of Sex Research, 56(8), pp.1045-1057.

Nguồn ảnh: Thiết kế Canva

Đoan Thùy - Gioitinhtalk.com

Từ khóa: 

sức khỏe giới tính

,

sức khỏe tình dục

,

giới tính