Ba bước lọc tin rác đơn giản nhất

  1. Kiến thức chung

Trong bài viết này mình muốn chia sẻ một cách đơn giản nhất 3 bước lọc thông tin độc hại và trách nhiệm của mỗi người khi bấm nút share.

Điểm chung của truyền thông là nó cho ta thấy những gì nó muốn ta thấy. Ta cần nhắc mình điểm này để không sa lầy vào những cái bẫy của truyền thông.

Đưa ra sự thật là một chuyện, nhưng đưa góc cạnh nào của sự thật về phía độc giả, và dùng sự thật đó để hướng đến điều gì lại là chuyện khác. Người đọc thông minh trước hết chắt lọc ra sự thật (facts) trong những thông tin hỗn độn đó và chọn cách hiểu, cách phản ứng của riêng mình.

Phần trên là nói về các dạng truyền thông tạm xem là nghiêm túc, chính thống. Ngoài ra còn có rất nhiều dạng truyền thông tạp nham và độc hại, điều chúng mong muốn không gì khác hơn là thời gian của người đọc, chỉ vậy thôi. Còn chuyện người đọc buồn chán hay sợ hãi, u uất hay thậm chí là phạm tội thì đó là tác dụng phụ không mong muốn mà thôi.

Có nhiều cách, nhiều tầng lưới để lọc bỏ những dạng truyền thông độc hại này. Tầng lọc sơ đẳng nhất gồm có ba thứ: Tựa đề (tít), nội dung chính và tên miền.

1. Nhìn tựa đề: Tựa đề thường gây ấn tượng mạnh và thô thiển. Nội dung thường có độ kích thích cao. Tên miền thường dài và vô duyên. Ví dụ: Trai khôn không lấy gái miền Tây (yếu tố phân biệt vùng miền, phân biệt giới tính, công kích cá nhân hoặc một nhóm người, thường câu share để chửi). Hoặc: Kinh hoàng phát hiện đỉa giấu trong BVS TQ (Yếu tố an toàn vệ sinh, sức khỏe, thường gắn mác Trung Quốc). Hoặc: Phẫn nộ cảnh cháu gái đánh chửi bà cố nội (Yếu tố lợi dụng lòng thương hại hoặc căm phẫn của đám đông trước hành vi trái đạo đức (tưởng tượng))..

2. Nhìn tên miền: Nhìn vào tên miền thì thấy "tinhot24h.me" hoặc "tintucgaysoc.com" đại loại thế.

Thường thường, bằng cách nhìn tên miền đơn giản nhất, bạn có thể loại bỏ khá nhiều trang nhảm ra khỏi cuộc đời rồi. Tốt nhất là đọc những trang uy tín trước. Những trang trong tên miền có ".vn" đôi lúc cũng rất nhảm, huống gì...

3. Đọc nội dung: Về nội dung, mấy trang này nó toàn xào nấu, đưa tin từ đời nào + trí tưởng tượng của bọn nó thêm vào. Mục tiêu của mấy tin đó thì ngoài câu view chỉ có câu share. Nhiều bạn share về để chửi, để vận động người khác chửi chung. Thật ra nó đâu có quan tâm, bạn share là bạn giúp nó rồi. Còn các bạn share để cảnh báo càng đáng thương hơn, vì bạn share chuyện nó bịa ra để không chỉ bản thân bạn hoang mang mà người thân, những người tin tưởng bạn cũng hoang mang vì bạn.

Tóm lại, nếu nhìn qua một thông tin có: 1. Tựa đề gây sốc; 2. Nội dung vô căn cứ, gây sốc; 3. Tên miền lạ hoắc, nhảm nhí = Dứt khoát không share. Cách đối phó hiệu quả nhất với thể loại tin này gồm 6 chữ: bỏ qua, bỏ qua, bỏ qua! Không bàn, không chửi, không share nhé.

Đó là mức độ đơn giản nhất.

20130514-tro-cau-like-tren-facebook-vi-dau-nen-noi-0


Tinh vi hơn, có những trang nó lồng những bài tốt (nghĩa là bài dựa trên sự thật, có đầu tư viết lách đàng hoàng) với những bài do bọn nó tưởng tượng (mục đích thật sự của nó). Lúc này trách nhiệm của một người share trở nên nặng nề hơn, vì mình phải hiểu đại khái về nơi mình share một bài nào đó. Nếu mình share một bài hay, đúng, hợp lý từ cái nguồn độc hại, thì đó là lợi bất cập hại, mình đang quảng bá cho sự độc hại vậy.

Bài này chủ yếu mình chia sẻ ở mức độ đơn giản thôi. Rất mong bà con dùng 3 cách sàng lọc trên khi đọc báo mạng, và khi nhấn nút share để cho thế giới mạng của chúng ta trong sạch lành mạnh hơn. Có ai đọc bài này mà hiểu và áp dụng mức độ đơn giản là mình mừng rồi, còn mức độ phức tạp thì khi khác bàn sau vậy.

Hãy bảo vệ chính mình và người thân khỏi cơn bão thông tin độc hại này.

-

Nhất Bảo

Từ khóa: 

mạng xã hội

,

tin tức

,

chia sẻ

,

lừa đảo

,

kiến thức chung