Chỉ vì một lối diễn đạt là "trả" và 'thưởng" mà nhà Thanh đã vận dụng để cướp vùng đất Tụ Long trong công ước Pháp Thanh 1887

  1. Lịch sử

Tụ Long vốn là đất đai thuộc Đại Việt thời Lê Trung Hưng. Trong giai đoạn cuối thế kỷ 17, nhà Lê Trịnh dốc lực tìm cách tiêu diệt các thế lực cát cứ của họ Mạc và họ Vũ. Việc này khiến cho vùng đất ở Tây Bắc Đại Việt bị rơi vào hỗn loạn một thời gian, hậu duệ của họ Mạc và Vũ nhiều lần phải trốn chạy qua biên giới "nương nhờ" nhà Thanh. Nhân cơ hội này nhà Thanh đã cho chiếm một số vùng đất chủ yếu thuộc Trấn Tuyên Quang và Hưng Hóa.


Sau khi tiêu diệt hết thế lực họ Vũ (1689) và họ Mạc (1677 - 1683) vấn đề biên giới với nhà Thanh trở nên hết sức cấp thiết. Nhiều lần Đại Việt đã dâng tấu yêu cầu nhà Thanh trả lại các vùng đất đã mất trước đó. Với thái độ cương quyết không từ bỏ của triều đình Lê Trung Hưng do chúa Trịnh Cương đứng đầu thì từ năm 1725 -1728 vua Ung Chính nhà Thanh đuối lý và đã trả cho Đại Việt 120 dặm chiếm được, trong đó có "Tụ Long" nổi tiếng với mỏ đồng.(80 dặm năm 1726 và 40 dặm năm 1728 trong đó có Tụ Long)


Tra cứu Thanh Thực Lục có thấy ghi chép về vấn đề này. Tuy nhiên vì không muốn mất mặt và muốn giữ thể diện thiên triều nên Ung Chính không dùng từ "trả" đất mà dùng từ "thưởng" đất cho An Nam.


Trích bài viết của nhà nghiên cứu Hồ Bạch Thảo:

Trong cuộc đấu tranh giành lại đất tại vùng Tụ Long, vua Lê Dụ Tông [Lê Duy Ðào] đã khẳng định với vua Ung Chính nhà Thanh rằng biên giới hai nước nằm tại tại sông Ðổ Chú, tức sông nhỏ nằm cạnh đồn tấn Mã Bá.


“ Quốc vương An Nam Lê Duy Ðào kính cẩn tâu: Vào ngày mồng 2 tháng 12, thần nhận được sắc dụ, đốt hương duyệt đọc, mừng sợ giao tập. Trộm nghĩ châu Vị Xuyên nước thần cùng phủ Khai Hóa, Vân Nam tiếp giáp; nguyên dùng sông Ðổ Chú, tức con sông nhỏ tại tấn Mã Bá làm ranh giới. Các viên châu mục tại biên giới đời đời giữ đất, thần chưa từng thấy việc xâm chiếm đất của nội địa."(Thanh Thực Lục, phần Thế Tông Thực Lục, quyển 31, trang 28-31)


Cuối cùng thì vua Ung Chính chấp nhận, nhưng để tránh mất mặt không tuyên bố trả lại đất, mà nói rằng đem đất này ":thưởng" cho An Nam:


“Xem lời tâu của Vương, cảm ơn và hối lỗi, lời ý cung kính; khiến Trẫm đặc cách ban ơn lớn, lệnh Tổng đốc Vân Nam lấy 40 dặm đất, thưởng cho An Nam.”(Thanh Thực Lục, phần Thế Tông Thực Lục, quyển 65, trang 12-17)



Triều đình ta lúc bấy giờ thấy rằng đã đạt được mục đích lấy được đất, nên lờ đi không muốn lôi thôi thêm, không đòi hỏi phải chính danh lại từ ngữ ‘thưởng cho’. Ngờ đâu sau thời gian dài 150 năm, từ ngữ này vẫn còn gây hệ lụy. Số là sau hòa ước Thiên Tân năm 1885, hai phái đoàn Pháp và Trung Quốc họp lại để xác định đường biên giới. Lúc này viên Tổng đốc Vân Nam Quí Châu Sầm Dục Anh bèn tâu về triều, viện lẽ trước kia Việt Nam là phiên thuộc của Trung Quốc, bấy giờ vua Ung Chính ban cho đất để làm phên dậu chế ngự các Di bốn phương; nay Việt Nam không còn là nước phiên của Trung Quốc nữa, nên cần phải lấy đất về:


Ngày 19 tháng 10 năm Quang Tự thứ 11 [25/11/1885]

Ngành ngoại giao thuộc Quân Cơ trao bản sao tờ tấu của Tổng đốc Vân Quý Sầm Dục Anh, xưng rằng:


“ Thần tra lại từ quan ải Mã Bạch là con đường trọng yếu đi vào Việt Nam, chỉ có đồn tấn gần biên giới, cách sông Tiểu Ðổ Chú khoảng vài dặm. Ngoài ra vùng này địa hình bằng phẳng, ngã tư giao lộ, không có địa hình hiểm yếu để chặn giữ. Từ Mã Bạch qua biên giới Việt Nam mấy chục dặm có một địa danh là ngã tư mới Ðô Long địa hình vô cùng hiểm yếu, là một quan ải quan trọng bên ngoài biên giới. Chốn này vốn nằm bên trong sông Ðại Ðổ Chú, biên giới cũ của Vân Nam bị mất vào cuối đời Minh. Vào năm Ung Chính triều ta, viên Tổng đốc Cao Kỳ Trác, tâu xin tra khám, phụng chỉ thu về nội địa. Sau vì nước Việt Nam đòi lại nên đã phụng chỉ ban cho 40 dặm ngoài đồn tấn Mã Bạch, nên Ðô Long lại thuộc Việt Nam, tỉnh Vân Nam thì lấy sông Tiểu Ðổ Chú làm biên giới.


Thần nghĩ rằng khi Việt Nam là nước ngoại phiên của Trung Quốc, việc đem đất đai quan trọng cho nước phiên, là để giúp trấn giữ các di bốn phương, nên không cần phải thu về. Hiện nay nước Việt không thể tự bảo vệ được mình, làm sao có thể giữ chỗ hiểm cho nước ta. Nên chăng khi khám định biên giới, bàn việc lấy Ðô Long, Nam Ðan trở về, để làm vững bờ cõi cùng nhờ vào đó làm chỗ chặn giữ. Cúi xin Thánh thượng phán xét , cùng kính cẩn kèm theo phụ bản tâu trình đầy đủ của Tuần phủ Trương Khải Tung cúi xin Thánh chỉ. Cẩn tấu. (Trung Việt biên giới lịch sử tư liệu điệp biên, Tiêu Ðức Hạo, Hoàng Tranh chủ biên, trang 954, bản trên mạng)


Cuối cùng như ta đã biết, vùng đất rộng nằm giữa 2 con sông Ðổ Chú thật ( Sầm Dục Anh gọi là Tiểu Ðổ Chú) và Ðổ Chú giả (S.D.A. gọi là Ðại Ðổ Chú) đã bị đưa vào lãnh thổ Trung Quốc; xét như vậy thì sự ‘im lặng’ dưới thời nhà Lê, cũng không phải ‘là vàng’!


#Doraemon
Tư Duy Lịch Sử

....................................................................

Chú thích ảnh: Tụ Long thời nhà Nguyễn trước khi bị Pháp cắt cho nhà Thanh(TQ)

56140495_1608932305906873_1422478840424300544_n
Từ khóa: 

lịch sử