Giải mã "Pháp Luân Công" - tại sao chúng ta không nên quay lưng lại với bộ môn này? (P.2)

  1. Văn hóa

Trong phần trước của bài viết, chúng ta đã cùng điểm qua một vài chi tiết quan trọng về nguồn gốc, các lý thuyết & thế giới quan có phần "kỳ lạ" của bộ môn Pháp Luân Công (PLC) - còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, cùng với thông tin sơ lược về cuộc đàn áp chính trị đến từ phía chính quyền Trung Quốc.

Phần này của bài viết sẽ tiếp tục bàn luận những lý thuyết quan trọng còn lại của PLC, mà trong phần trước mình chưa có dịp đề cập, vì bài viết đã quá dài. Ngoài ra, mình cũng sẽ giới thiệu sơ lược với bạn đọc hệ thống các động tác/bài tập PLC, để các bạn có thể dễ hình dung hơn về việc tập luyện bộ môn này.

phap-luan-dai-phap

Nguồn: thewayofmeditation.com.au

Lấy đạo lý Chân-Thiện-Nhẫn làm gốc

Ngoài những lý thuyết mình đã đề cập trong phần trước, thì đạo lý này chính là một trong những khía cạnh quan trọng nhất của bộ môn PLC, mà ông Lý Hồng Chí mong muốn các học viên của mình luôn ghi nhớ.

Theo ông Lý, Chân-Thiện-Nhẫn (Truthfulness, Compassion, Forbearance) chính là đặc tính của vũ trụ mà chúng ta đang sống trong. Chúng là 3 nguyên tắc đạo đức gốc rễ, quan trọng nhất cần có ở con người, đặc biệt là những người tu luyện. Trong đó:

  • "Chân" nghĩa là sự thật, lòng trung thực, tôn trọng sự thật, không dối trá.
  • "Thiện" nghĩa là lòng bao dung, thông cảm, đồng cảm, tình người, tình thương mà chúng ta dành cho nhau.
  • "Nhẫn" nghĩa là sự kiên nhẫn, kiên trì, nhẫn nại, khả năng kiềm chế bản thân, khả năng chịu khó, chịu khổ cực.
chan-thien-nhan

Chân-Thiện-Nhẫn: tiêu chuẩn đạo đức của người tập Pháp Luân Công. Nguồn: Pinterest.

Một người, bất kể có phải học viên PLC hay không, miễn là sở hữu & liên tục thực hành 3 nguyên tắc đạo đức này, là xem như đã đạt tới cảnh giới tu tập rất cao. Những điều tốt đẹp vì thế cũng sẽ đến với người này. Những người sống trái lại với các nguyên tắc này, chính là ngày càng xa rời khỏi chân lý của vũ trụ.

Sơ lược các bài tập Pháp Luân Công

Bộ môn PLC, với sự tập trung vào việc phát triển tâm tính cho người tập, nên sở hữu một hệ thống các bài tập tương đối đơn giản. PLC có 5 bài tập, với mỗi động tác được cho là có thể giúp người tập giải phóng/kích hoạt nguồn năng lượng hiện bị "tạm khóa" (hoặc các luân xa) tại các phần khác nhau trên cơ thể chúng ta:

Bạn đọc có thể xem qua 5 bài tập PLC trong clip sau:

5 bài "công pháp" Pháp Luân Công. Nguồn: YouTube.

Bạn đọc có thể tham khảo kỹ hơn 5 bài công pháp trên tại ebook sau (bắt đầu từ trang 10):

Theo ông Lý Hồng Chí, những người tập các bài công pháp này, sau một thời gian, đặc biệt là những người "có căn" - tức những người đã từng có duyên biết đến PLC & tu tập từ những kiếp trước, sẽ dần khai thác & chuyển hóa được nguồn năng lượng của vũ trụ và sử dụng được những "công năng đặc dị". Trái lại, những người chưa "đủ căn", thường sẽ mất một khoảng thời gian dài hơn, để có thể gặt hái được kết quả tương tự.

Vậy "công năng đặc dị" là gì?

Theo ông Lý, đó chính là những khả năng đặc biệt, những năng lực siêu nhiên mà phàm là con người chúng ta ai cũng sở hữu. Tuy nhiên, do đã trải qua một giai đoạn lịch sử và tiền lịch sử rất dài, với sự thiếu sót trong tu tập cùng với sự lệ thuộc quá mức vào khoa học, công nghệ, nên phần lớn con người đã đánh mất những khả năng này.

Ông Lý cũng cho biết, số lượng các công năng đặc dị mà con người sở hữu là rất nhiều. Nhưng trong phạm vi bộ môn PLC, dường như có 2 loại công năng luôn được nhắc đến:

  • Công năng "dao thị": tức khả năng khi nhắm mắt, vẫn có thể quan sát được những sự vật, sự việc xảy ra cách vị trí của bản thân cả nghìn dặm, ví dụ: tại một thành phố, quốc gia khác.
  • Công năng "túc mệnh thông": tức khả năng quan sát được những sự việc, sự kiện sẽ diễn ra trong cả quá khứ & tương lai, không chỉ của một cá nhân, mà cả một địa phương, một quốc gia, một nền văn minh...
tinh-cong-tu-luyen

Nguồn: Wishbonix.

Ngoài ra, việc tập luyện các bài công pháp PLC cũng sẽ giúp người tập dần khai mở được

con mắt thứ ba
của mình - vốn có hình dạng gần giống với một chiếc gương đính chính giữa trán của chúng ta.

Ở trạng thái bình thường, chiếc gương này gần như bất động, nhưng một khi đã được kích hoạt (nhờ vào các bài tập PLC - tuy đó không phải là phương pháp duy nhất), thì sẽ bắt đầu xoay liên tụcthông qua nguyên lý phản xạ ánh sáng, có thể giúp chúng ta, dù nhắm chặt 2 mắt thịt, vẫn có thể nhìn thấy mọi thứ xung quanh. Bạn đọc có thể bấm vào đây để đọc kỹ hơn về nguyên lý hoạt động của con mắt thứ ba.

Vi diệu là vậy, nhưng theo ông Lý, có những người, cho dù đã luyện tập PLC hàng năm trời, thậm chí hàng thập kỉ, vẫn không nhận thấy bất cứ dấu hiệu nào của những công năng đặc dị này. Nguyên nhân là do đâu?

falun-gong

Nguồn: Medium.

"Đức cao bao nhiêu, công cao bấy nhiêu"

Đây là lời giải thích thường thấy ở ông Lý Hồng Chí cho hiện tượng trên. Đối với PLC, và các môn khí công nói chung, việc tập luyện các bài công pháp một cách chăm chỉ là cần thiết & đáng trân trọng, nhưng chưa đủ.

Như đã nói, yếu tố quan trọng nhất, căn bản nhất trong việc tập luyện PLC chính là ở việc tu tâm dưỡng tính (Chân-Thiện-Nhẫn). Ông Lý cho biết, những người không chú ý rèn luyện cho mình những đức tính tốt, tích cực, dù dốc sức luyện công, cũng sẽ không gặt hái được mấy thành quả.

Những học viên xuất sắc nhất của ông chính là những người vừa chăm chỉ luyện công, vừa không ngừng tu tâm tính, liên tục nâng cao chuẩn mực đạo đức của bản thân, hành thiện giúp đời & trở thành người có ích cho cộng đồng, xã hội.

phap-luan-cong

Một nhóm môn sinh tập PLC tại Quảng trường Thời Đại (Time Square), Mỹ. Nguồn: en.minghui.org

"Người không luyện Pháp - Pháp vẫn luyện người"

"Pháp" ở đây tất nhiên chính là "bánh xe Đại Pháp", như đã được giải thích ở phần 1 của bài viết. Đây cũng chính là một trong những lý thuyết khiến cho PLC trở thành một môn tập thật khác biệt.

Theo đó, ông Lý Hồng Chí cho biết: một môn sinh PLC, cho dù không đang thực hiện các bài tập, thì những bánh xe Đại Pháp này - vốn luôn tồn tại trên cơ thể chúng ta - vẫn luôn xoay chuyển không ngừng. Chính sự xoay chuyển này sẽ giúp chúng ta hấp thụ không ngừng nguồn năng lượng đến từ vũ trụ vào cơ thể.

Bánh xe Đại Pháp này tựa như một thực thể sống, có thể tự ý thức, tự vận hành vậy.

Ông Lý cũng cho biết, đặc tính này của PLC có thể giúp môn sinh tiết kiệm rất nhiều thời gian dành cho các bài tập, mà vẫn có thể bảo đảm hiệu suất của quá trình tu tập.

phap-luan-dai-phap

Các Pháp Luân trên cơ thể chúng ta luôn vận động không ngừng. Nguồn: en.minghui.org

"Chủ nguyên thần" & "phó nguyên thần"

Tiếp theo là một lý thuyết "kỳ lạ" khác của PLC. Theo ông Lý Hồng Chí, thì mọi hành vi, hành động, cảm xúc, và cả tính cách của con người chúng ta chịu ảnh hưởng của chủ nguyên thần & phó nguyên thần. Cụ thể:

  • "Chủ nguyên thần" là linh hồn chính, chịu trách nhiệm cho các quyết định & hoạt động mang tính ý thức (conscious) của cơ thể/bản ngã chúng ta.
  • "Phó nguyên thần" là các linh hồn phụ, sống ký sinh cùng cơ thể với nguyên thần & chịu trách nhiệm về các hành động vô thức (unconscious) của chúng ta.

Theo ông Lý, một người có thể sỡ hữu nhiều hơn 1 phó nguyên thần. Ngoài ra, giới tính của chủ nguyên thần & cơ thể của chúng ta cũng không nhất thiết phải giống nhau. Một người, cho dù mang thân thể, hình hài đàn ông, vẫn có thể sở hữu một chủ nguyên thần là phụ nữ, và ngược lại. Riêng về các phó nguyên thần, chúng thậm chí cũng không nhất thiết là linh hồn của con người, mà có thể là của những loài động vật, sinh vật khác...

chu-nguyen-than

Nguồn: thewayofmeditation.com.au

Ông Lý cũng cho biết, việc các phó nguyên thần này quyết định trợ giúp hoặc quấy nhiễu việc tu tập của chủ nguyên thần, của thân thể người phụ thuộc vào việc chúng ta có tu tâm tính thật tốt hay chưa.

Những hiểu lầm về Pháp Luân Công

Có lẽ, với một môn tập mang nhiều lý thuyết (và cả các động tác thực hành) có phần kỳ lạ như PLC, thì những hiểu lầm đến từ công chúng cũng khó có thể tránh khỏi. Sau đây là lời giải thích của ông Lý Hồng Chí cho 3 trong số rất nhiều thắc mắc & hiểu lầm khác của những người quan tâm dành cho việc tập luyện PLC:

1) Mục đích chính không phải là để chữa bệnh

Đây có lẽ là hiểu lầm thường gặp nhất của những người đang cân nhắc luyện tập PLC. Lý Hồng Chí giảng rằng một khi chúng ta đã mang trong mình tâm truy cầu (trong trường hợp này là truy cầu sức khỏe), thì quá trình tu tập sẽ bị cản trở. Trong một hoàn cảnh lý tưởng, người tập PLC cần buông bỏ được toàn bộ những suy nghĩ, ưu tư của mình về cuộc sống thường ngày.

eastwestmedicine

Nguồn: east-west-medicine.

2) Không quay lưng lại với y học hiện đại

Đây cũng là một trong những hiểu lầm thường gặp về PLC. Nhiều người mang tâm lý nghi ngại môn tập này vì cho rằng ông Lý Hồng Chí yêu cầu các học viên của mình phải từ chối hoàn toàn những sự trợ giúp từ y học hiện đại (ví dụ: thuốc men, các biện pháp y tế, điều trị hiện đại...). Điều này là không chính xác.

Trong các bài giảng của mình, ông Lý luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các học viên cần đến bệnh viện để điều trị những căn bệnh nặng, không nên mang "tâm chữa bệnh" đến với PLC.

3) Ăn chay được khuyến khích, nhưng không bắt buộc

Theo ông Lý, việc ăn chay tuy có thể giúp ích cho quá trình tu tập, trong cả khía cạnh thể chất (ăn chay thanh đạm giúp phòng tránh nhiều bệnh) và tâm linh (hạn chế sát sinh động vật). Tuy nhiên, cũng giống như các Phật tử khi xưa, việc yêu cầu một chế độ ăn quá khắt khe không phải là điều tối quan trọng.

tu-tam-tinh

Nguồn: WordPress.

Mang thân thể người là để tu tập

Cuối cùng, một trong những chi tiết quan trọng nhất của lý thuyết PLC, chính là việc chúng ta, một khi đã may mắn sở hữu được thân thể con người (so với thân thể của các loài thú vật, súc sinh vô tri giác), thì nhiệm vụ mà mỗi người cần làm chính là không ngừng tu luyện, để có thể dần được chuyển sinh tại những tầng mức cao hơn (thần, tiên, Phật...). Một khi nhận ra được điều này, chúng ta cũng sẽ ý thức hơn về việc liên tục đề cao chuẩn mực đạo đức của bản thân & trở thành những người tốt, có ích cho xã hội.

Bạn đọc có quan điểm như thế nào về việc tập PLC? Bạn có đồng ý với các lý thuyết của bộ môn này? Tại sao & tại sao không?


Nguồn:

Website chính thức của Pháp Luân Công:

Lý Hồng Chí (1994) Ebook "Chuyển Pháp Luân" (Zhuan Falun):

Lý Hồng Chí (1997) Ebook "Đại Viên Mãn Pháp" (The Great Way of Spiritual Perfection):

Từ khóa: 

pháp luân công

,

pháp luân đại pháp

,

tĩnh công tu luyện

,

khí công

,

chân thiện nhẫn

,

văn hóa