Huy động nguồn lực - P.1: Khởi nghiệp 0 đồng ?

    2ff75a0ffface0d219d24bd6b77b6558--emergency-action-plans-mind-map-art


    “Em đang là sinh viên/ mới đi làm thì làm sao để có tiền mà khởi nghiệp ?”.

    Đây cũng là 1 câu hỏi mình đã hỏi từ khi mình bắt đầu khởi xướng các hoạt động sinh viên cho đến lúc khởi nghiệp. Trong lúc còn đi học mình học được 1 từ mà mình rất thích là bootstrapping, mình tạm dịch là ‘khởi nghiệp tự thân’, nghĩa là bạn tự lập nên một doanh nghiệp dựa vào những nguồn lực bạn sẵn có mà không dựa vào nguồn lực từ bên ngoài. Học thì biết thế, còn sau đây là câu chuyện về cách mà mình đã ứng dụng (chết lên chết xuống) trên thực tế.

    Ngoài việc khởi nghiệp, mình nghĩ những kinh nghiệm này còn áp dụng trong các lĩnh vực khác như hoạt động xã hội, khoa học kỹ thuật, phát minh sáng tạo v.v. nói chung là giúp bạn biến 1 thứ gì đó thành hiện thực từ gần như không gì cả. Nên series Huy động nguồn lực này mình sẽ chia làm 3 phần: 

    • Phần 1: Khởi nghiệp 0 đồng ?
    • Phần 2: Sáng tạo 0 đồng ?
    • Phần 3: Hoạch định nguồn lực 


    Trước khi bắt đầu mình lưu ý là đây không phải là hướng dẫn cách làm giàu nhanh. Bạn có thể không cần phải bỏ tiền ra, nhưng vẫn phải bỏ thời gian, nỗ lực để làm việc và học hỏi. Tất nhiên là nếu bạn có sẵn tiền và kêu gọi đầu tư được ngay thì quá tuyệt vời và tiết kiệm được kha khá nhiều thời gian. Nhưng khi chưa có tiền trong tay thì sẽ phải làm thế nào ? Bài viết này sẽ chia sẻ kinh nghiệm của mình đối với 3 nhóm nguồn lực:

    1. Nguồn tiền miễn phí
    2. Nguồn lực khác miễn phí
    3. Nguồn lực bạn tự có
    4. Nguồn lực bạn không có nhưng có thể dùng nguồn lực bạn không có đổi lấy
    5. Nguồn lực bắt buộc phải mua bằng tiền

    Đầu tiên mình xin chia sẻ những gì mình đã làm để các bạn hiểu nguồn gốc của những gì mình sắp chia sẻ...


    Lần khởi nghiệp 1: Công việc kinh doanh đầu tiên của mình là khi mình đang làm nhà nước trong lĩnh vực xúc tiến đầu tư. Đại khái là mình phải đi thuyết phục nhà đầu tư nước ngoài tới đầu tư tại quê mình để giúp quê mình giàu mạnh hơn. Tuy nhiên, những tài liệu mình mang đi quảng cáo chất lượng rất thấp, dịch cũng sai nên mỗi khi mang đi rất xấu hổ với khách. Lúc đó tại thành phố của mình không có nổi 1 công ty thiết kế, chủ yếu là các nhà in thuê đại 1 ai đó biết photoshop để hỗ trợ trợ khách hàng (và tự gọi họ là 'thiết kế'), nên nhìn chung thẩm mỹ rất thấp. Không còn cách nào khác mình nhờ 1 người bạn biết thiết kế đang làm tại Tp. HCM theo kiểu freelance làm giúp 1 mẫu khác và trả bạn đó 500.000 đồng với lời hứa nếu dự án thành công mình sẽ trả thù lao tương xứng và có nhiều hợp đồng cho bạn ấy. Sau khi xong bản nháp, mình trình bày cho sếp, sếp thấy rất ưng và đề nghị làm theo mẫu thiết kế mới này, lúc đó mình lập ra 1 công ty để thiết kế và nhận luôn phần in ấn. Từ thời điểm này mình không còn tốn thêm chi phí đầu tư gì thêm nữa, khách hàng đặt cọc, mình lấy tiền đặt cọc đặt cọc lại cho nhà cung cấp và việc kinh doanh cứ thế tiếp diễn và ngày mình càng có nhiều bên đặt hàng, còn với bạn thiết kế kia thì mình không những giữ lời hứa mà giao cho bạn ấy nhiều làm không xuể nên phải thuê thêm. Thừa thắng xông lên mình tiếp tục cách này để có thêm dịch vụ làm phim hoạt hình quảng cáo, biên tập phim quảng cáo, làm website v.v cho các khách hàng tại địa phương. Khác với Tp. HCM, thị trường ở quê không có nhiều đối thủ cạnh tranh nên mình làm ăn cũng thoải mái, thực ra mình cũng chỉ dành thời gian buổi tối ở nhà để làm thôi, phần lớn nhân viên của mình cũng là freelancers nên mọi người cũng thường làm đêm. Lúc này là năm 2014, mình đặt tên công ty là SiGen.


    Lần khởi nghiệp 2: Trong lúc đang có 2 công việc ở trên, mình lập ra 1 hội du học sinh làm sân chơi cho các đồng hương đang hoặc đã học từ khắp nơi trên thế giới. Tụi mình hướng dẫn các bạn trẻ cách để có thể du học hoặc tiếp cận giáo dục quốc tế thuận lợi hơn dù gia đình có điều kiện hay không, ngoài ra còn huy động học bổng cho các em có hoàn cảnh khó khăn. Các chương trình của bọn mình thành công tới mức các trường muốn tiếp cận để tuyển sinh tại quê mình đều liên hệ nhóm mình trước tiên. Do duy trì các chương trình này quá cực và quá tốn kém, nên mình có ý tưởng là lập nên 1 mạng xã hội như Quora (hay Noron/ Noron này nè) để mọi người chia sẻ kinh nghiệm với nhau online và mình khỏi phải tổ chức event nhiều nữa. Lúc đó mình chỉ nghĩ là làm offline thành công thì online cũng sẽ cực hơn ‘1 chút’ trong thời gian đầu thôi. Nhưng mình đã sai, mình và 1 anh bạn đã tốn hơn 200 triệu (chỉ để code) trong vòng 1 năm và dự án thất bại te tua và phải dẹp tiệm. Nhưng cũng rất may công ty từ Lần 1 của mình vẫn hoạt động bình thường để nuôi mình, và cũng nhắc nhở mình là công ty này hầu như không bỏ tí vốn nào ra, làm chơi nhưng mà ăn thật. Cảm giác lúc này khá là nhục vì mặc dù được học về khởi nghiệp, luôn ghi nhớ lời thầy dạy là ‘fail fast, fail cheap, fail often”, nhưng cuối cùng mình lại sai đúng lỗi đó. Lúc này là năm 2015.


    Lần khởi nghiệp 3: Trong 1 cơ duyên rất tình cờ, mình tham gia lớp học sơ cấp cứu của

    Survival Skills Vietnam
    sáng lập bởi chị Trang Jena - 1 Việt Kiều từ Thụy Sĩ và bác Tony Coffey - 1 chuyên gia cứu hộ từ Úc. Sau khi học xong thì mình thấy kiến thức này rất sống còn và nhận ra đáng ra mình đã chết vài lần rồi nhờ mẹ mình hồi đó là y sĩ nên đã có mặt kịp thời lúc mình bị té lầu, gãy tay gãy chân, điện giật v.v. Do đó mình rất muốn hỗ trợ nhóm, vì họ rất có tâm, và tự bỏ tiền túi và công việc 1 năm 6 lần bay qua Việt Nam để dạy miễn phí cho trẻ em, trong suốt 3 năm liền. Mình đã phát triển app miễn phí Sơ Cấp Cứu và tặng lại cho Survival Skills Vietnam. Mình sẽ trao đổi đổi kỹ hơn tại bài Huy động nguồn lực - P.2: Sáng tạo 0 đồng ?

    Nhờ việc phát triển app này mà mình bén duyên với chị Trang và bác Tony. Vào đầu năm 2018, khi cả 2 founders này bắt đầu cạn vốn do chi phí bay từ Thụy Sĩ và Úc tới VN thường xuyên và liên tục như vậy trong hơn 3 năm, chưa kể việc đó cũng làm công việc bên nước ngoài của họ bị ảnh hưởng, nên chương trình có thể không thể kéo dài được lâu nữa, mình thấy tiếc nếu để dự án đi vào ngõ cụt nên đã đề nghị mọi người chuyển dự án thành doanh nghiệp xã hội Kỹ năng Sinh tồn SSVN, để bán dịch vụ này cho doanh nghiệp, để gây quỹ phục vụ dự án cộng đồng. Mặc dù mình không dám nói SSVN là điển hình thành công về mặt thương mại, nhưng nhờ việc chuyển mình này mà mình tự tin SSVN là đơn vị tiên phong trong và có lẽ là hiện duy nhất có chương trình giáo dục sơ cấp cứu dành cho cộng đồng thường xuyên nhất trên 1 danh mục lớn nhất từ đào tạo truyền thống đến các kênh digital như đào tạo online, mobile app, Youtube, chương trình truyền hình v.v. Các bạn có thể sử dụng các sản phẩm miễn phí của SSVN

    tại đây
    ;)

    Nhà thơ Hoàng Trung Thông có nói “Bàn tay ta làm nên tất cả”. Và lần khởi nghiệp này thì đúng là tụi này chỉ có mỗi “bàn tay”. Mình đã bỏ công việc nhà nước, mặc dù công ty SiGen vẫn còn nhưng mình không nhận hợp đồng nữa. Chị Trang cũng bỏ luôn công ty của chị ấy lập ra ở Thụy Sĩ. Bác Tony cũng bỏ công việc cứu hộ full-time, chỉ còn làm part-time thôi để có thể tới Việt Nam để toàn tâm toàn ý cho SSVN. Kiểu go big or go home.


    Lần khởi nghiệp 4: từ năm 2015 ba mình có 1 phát minh gọi là

    Hố ga thu nước mưa ngăn mùi chống muỗi
    . Giải pháp này giúp các đô thị giảm ngập nước, ngăn mùi hôi và ngăn muỗi gây bệnh. Mình và ba cùng kinh doanh sản phẩm này dưới cùng công ty SiGen luôn. Sản phẩm này đã trải qua 4 năm R&D cùng với việc thử nghiệm hiện trường và vận động để được triển khai trên đường phố, đến đầu năm nay mới bắt đầu kinh doanh. Giải pháp này đã được triển khai tại nhiều tuyến đường tại Tp. Vũng Tàu và
    đã tạo ra được nhiều thay đổi rõ rệt cho cộng đồng sinh sống trong khu vực
    . Nhưng khởi đầu của dự án này chỉ là giấy và bút, chứ không phải tiền. Mình sẽ chia sẻ kỹ hơn ở Vận động nguồn lực - P.2: Sáng tạo 0 đồng ?

    Tóm tắt lại câu chuyện thì là: Bỏ tiền ra nhiều không đảm bảo sẽ thành công hơn việc không có tiền. Ít nhất thì không có tiền thất bại thì thôi, còn có tiền mà ‘chơi ngu’ thì coi như mất hết. Vậy không có tiền thì lấy gì mà thay thế ?

    Nhiều người nghĩ là khởi nghiệp cần có nguồn lực và tiền là 1 trong những nguồn lực đó, nếu không muốn nói là quan trọng nhất hoặc duy nhất. Nhờ truyền thông luôn tung hô về các start-up gọi vốn triệu đô, người ta thường quên mất là trước khi lên tới vòng gọi vốn đó, các founders cũng đã bắt đầu từ không gì cả (trừ một số trường hợp rich kids gia thế đã có dư để làm bàn đạp từ đầu). 

    Đối với mình tiền là quan trọng, nhưng tiền không phải là nguồn lực, mà tiền là 1 trong các công cụ để có được nguồn lực. Ví dụ bạn cần tiền để thuê nhân sự chủ chốt, nhưng nếu bạn dụ được 1 thằng bạn cùng làm founder với bạn và không phải trả lương, thì bạn đã có được nguồn lực quan trọng., mà không mất tiền phải không nào ?

    Việc thay đổi quan điểm về tiền đã giúp mình mở rộng tập hợp lựa chọn để có thể gom về nhiều nguồn lực hơn là chỉ nhìn tiền là 1 lựa chọn quan trong nhất hoặc duy nhất. 

    Mình phân nguồn lực thành 4 loại chính và mỗi loại mình có các chiến lược riêng

    1. Nguồn tiền miễn phí: Nghe rất là vô lý phải không ? Ai lại cho mình tiền miễn phí ? Các shark kiểu gì chẳng bảo đổi lấy cổ phần. Ấy thế mà có đấy:

    a. Tiền hỗ trợ từ nhà nước. Nhà nước có rất nhiều chính sách để hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đặc biệt là các lĩnh vực vực ưu tiên. Ví dụ SiGen nhận được nguồn quỹ từ các chính sách đổi đổi mới sáng tạo như: hoàn tiền làm website, hoàn tiền đăng ký sở hữu trí tuệ (cái này khá là đắt), hoàn tiền một số dịch vụ pháp lý v.v. Tại tỉnh mình có những năm nhà nước có ngân sách mà không giải ngân hết vì rất ít người đăng ký. Cái này mỗi địa phương mỗi khác. Bạn nên tìm hiểu kỹ chính sách của tỉnh mình. Đối với thành phố lớn thì có hệ sinh thái khởi nghiệp rất đa dạng và mạnh. Còn đối với các tỉnh nhỏ hơn mặc dù thiếu phương diện này nhưng có vẻ các hỗ trợ của nhà nước ít bị cạnh tranh hơn nên cũng dễ có hơn.

    b. Tiền thưởng từ các cuộc thi khởi nghiệp (tất nhiên là nếu bạn thắng) ngoài ra đây cũng là cơ hội marketing miễn phí. Sau khi mình vào Top 5 của Blue Venture Award thì có nhiều bên đặt vấn đề đầu tư vào SiGen cũng như phân phối sản phẩm.

    c. Tiền đặt cọc từ khách hàng đầu tiên. Nghe cũng hơi vô lý phải không ? Như kiểu con gà và quả trứng. Bạn không có tiền thì làm sao làm ra được sản phẩm cho khách đầu tiên. Tuy nhiên, nếu sản phẩm của bạn thực sự có giá trị thương mại thì sẽ không quá khó để tìm được người chịu mua hàng của bạn từ khi chưa có sản phẩm hoàn thiện. Đây là cách mà cách crowdfunding hoạt động. Bạn có thể bán ý tưởng, nhưng dễ hơn là làm 1 bản demo (MVP) để ‘kích thích’ khách hàng. Đối với SiGen thì bằng 1 cái thiết kế trị giá 500 nghìn, đối với SSVN thì mình tổ chức miễn phí cho khách hàng xem trước rồi họ thích họ đặt cọc. Còn nếu như không ai chịu mua hàng thì khả năng rất là cao dù bạn có đầu tư mớ tiền thì cũng chẳng ai mua (giống như cái app du học của mình). Đây là cách đánh giá tính khả thi của ý tưởng sát thực tế nhất. Câu hỏi là làm sao để tạo ra MVP (Minimum Viable Product) một cách nhanh và rẻ nhất để lỡ phát hiện ra ý tưởng của bạn không khả thi thì bạn sẽ không mất gì nhiều, sẽ được thảo luận kỹ hơn ở Phần 2

    d. Các quỹ tài trợ: nếu dự án của bạn liên quan đến cộng đồng bạn hãy tạo ra dự án cộng đồng và xin các quỹ. Việc thực hiện dự án xã hội cũng giúp cho bạn xây dựng nguồn lực về dài hạn. Mình đã phát triển kênh

    Youtube Survival Skills Vietnam - SSVN
    nhờ vào quỹ của Mỹ nhằm chia sẻ những chương trình truyền hình về kiến thức sơ cứu mình đã làm, đồng thời nó cũng tạo ra kinh nghiệm cho cả đội về biên tập video, làm phụ đề và biên tập nội dung v.v. nhờ đó mà khi Covid-19 xảy ra team mình đã tạo ra 1 hệ thống học online daotaosocuu.vn với một khối lượng nội dung đồ sộ chỉ trong vòng 2 tháng.


    2. Nguồn lực miễn phí

    a. Chỗ ở và cơm: Trong lúc mình học về bootstrapping, thầy dạy là kêu gọi vốn dễ nhất là từ 3f: family, friends & fools. Mình thì không đụng vào cách này vì không muốn lỡ thất bại làm sứt mẻ luôn tình cảm bạn bè anh em. Nhưng mà mình phải công nhận, mình đã rất sáng suốt khi quyết định về quê làm ngay sau khi tốt nghiệp trở về nước không giống như phần lớn bạn bè mình chọn bắt đầu tại Tp. HCM. Lúc đó mình rất mất phương hướng vì cái mình được học (và học rất tốt) không phải là cái mình muốn làm và mình cũng chẳng rõ mình muốn gì. Nên việc ở nhà phụ huynh đã giảm được bớt áp lực về cơm áo gạo tiền trong khi mình đang tìm kiếm lần mò con đường sắp tới. Dù có thất bại thì về nhà vẫn còn có chén cơm :D đợi vài bữa kiếm ra tiền thì mình lại ‘phục thù’. Thực sự một chỗ để về ngủ với 3 chén cơm 1 ngày tạo nên nhiều sự khác biệt ấy. Ông bà ta có câu 'an cư lạc nghiệp'


    b. Dịch vụ / công cụ:

    Hỗ trợ từ nhà nước: như ở 1.a ngoài việc hỗ trợ bằng hiện kim, nhà nước còn có nhiều chương trình khác (tùy lĩnh vực ưu tiên) như: đào tạo nhân viên kỹ thuật, đào tạo khởi nghiệp, cho mượn xưởng sản xuất mẫu, đăng danh bạ/ website công, trưng bày sản phẩm miễn phí tại hội chợ v.v

    Hỗ trợ từ các tổ chức phi lợi nhuận: có nhiều nhóm sẵn sàng hỗ trợ việc phát triển của bạn bằng đam mê của họ và không mất tiền, ví dụ mentoring, triển lãm, tư vấn, kết nối, cung cấp tình nguyện viên v.v

    c. Phần mềm miễn phí: có rất nhiều phần mềm dạng freemium giúp tăng năng suất làm việc của doanh nghiệp, khi sử dụng ở quy mô nhỏ với chức năng giới hạn bạn sẽ không mất phí, nhưng lúc bạn mới khởi sự thì thế là quá đủ rồi VD: trello, bitrix, odoo, google drive, mailchimp v.v. Lúc làm app Sơ cấp cứu, mình đã sử dụng Outsystems. Ngoài ra mình hay 'me' các startup mới, họ hay có những ưu đãi lớn khi mới ra mắt sản phẩm, đặc biệt là các ưu đãi mua với giá 1 năm nhưng được sở hữu cả đời. Giờ mình có 1 bộ công cụ online sẵn có như thiết kế, hoạt hình, lập kế hoạch v.v. để cho mình và nội bộ công ty xài mà không cần mua thêm.


    d. Lớp học miễn phí: tại thành phố lớn như HCM, nhiều công ty tổ chức các workshop miễn phí như một hình thức quảng cáo, tất nhiên là nội dung không đầy đủ như sản phẩm tính phí, nhưng nấy đó nếu bạn tiếp thu hết cũng rất là nhiều rồi, đặc biệt là mình đã tham gia được nhiều workshop làm rất có tâm và rất hữu ích. Ngoài ra nếu bạn đọc và nghe tiếng Anh tốt là một lợi thế rất lớn vì có rất nhiều khóa học chất lượng cao miễn phí, bạn thiếu gì thì học đó. Thông thường khi bắt đầu kinh doanh mọi người thường cuốn vào xử lý các công việc trước mắt mà coi nhẹ việc học cái mới. Tùy bạn chọn mất tiền hay mất thời gian. Do tác động xã hội của công việc mình làm nên mình cũng đã có 1 số học bổng đi nước ngoài học hỏi kinh nghiệm sau này giúp mình rất nhiều.


    c. Địa điểm làm việc: đây là vấn đề lớn khi ở tại thành phố lớn. Mình sử dụng chính phòng khách nhà mình làm địa điểm làm việc, bạn có thể cân nhắc quán cafe hay 1 số địa điểm giá hợp lý hơn như cửa hàng tiện lợi chẳng hạn. Chẳng có cái nào bằng có 1 văn phòng đường hoàng cả, nhưng bạn sẽ đổi lại bằng 1 khoản tiết kiệm kha khá. Ngoài ra, việc áp dụng các phần mềm quản lý như ở trên bạn sẽ làm việc từ xa dễ hơn, cộng với kỹ năng quản lý của bạn tốt thì mọi người có thể dành nhiều thời gian ở nhà làm việc từ xa hơn và giảm chi phí hơn.


    3. Nguồn lực bạn tự có

    a. Kỹ năng & kinh nghiệm: người ta hay nói về Minimum Viable Product (MVP), còn mình thì có khái khái niệm tự chế gọi là Minimum Viable Skill. Việc kỹ năng của bạn đa dạng và vừa đủ sâu cho việc khởi nghiệp giúp bạn triển khai được dự án rất nhanh và không tốn thêm nguồn lực. Mình là người tò mò, mỗi lần đụng cái gì mà không biết làm thì thứ đầu tiên mình làm là tìm hiểu coi là nó hoạt động ra sao và tự giải quyết thế nào trước khi nhờ người khác hỗ trợ. Nhờ vậy mà dần dần mình có 1 bộ kỹ năng giúp mình có thể triển khai 1 ý tưởng thành 1 doanh nghiệp chỉ trong vòng 1-2  tháng mà không cần tuyển thêm nhân viên. Mình không giỏi trong bất cứ thứ gì cả nhưng mỗi thứ mình đều biết 1 ít VD: viết kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính, tuyển dụng, marketing, thiết kế, IT v.v. Tất nhiên kinh nghiệm là thứ góp nhặt theo thời gian chứ không thể có ngay được. Vã hãy đảm bảo mọi thứ bạn làm đều sẽ đem lại kinh nghiệm cho tương lai trở trở nên dễ dàng hơn bằng cách ghi chép kỹ lưỡng và reflect (chiêm nghiệm lại kinh nghiệm). Ngoài ra kỹ năng cũng là thứ bạn có thể dùng để đổi lấy những nguồn lực của người khác mình sẽ nói ở dưới. Do đó, đầu tư vào bản thân chưa bao giờ là dư cả.


    b. Uy tín: nếu bạn đã xây dựng và bảo vệ được thương hiệu cá nhân là 1 người uy tín, đáng tin cậy, thì những nguồn lực còn lại dễ lấy hơn nhiều. VD trước khi kinh doanh mình đã làm rất lâu về công tác xã hội với nhiều dự án thành công nên khi mình kinh doanh những thứ vì cộng đồng, mọi người đều tin thay vì nghi ngờ đây là 1 hình thức kinh doanh trá hình. Hoặc cả nhóm mình làm việc rất uy tín, và lúc nào cũng làm với 100% đam mê, nếu ai không hài lòng về bất cứ thứ gì mình sẵn sàng xin lỗi và bồi thường, nên khi mua hàng mọi người đều rất yên tâm. Xây dựng uy tín thì khó, nhưng chỉ 1 lần bị ‘bóc phốt’ là sẽ sập hết nên hãy uy tín thực sự thay vì chỉ cố gắng dựng nên 1 vỏ bọc.


    c. Quy trình, tư liệu, hướng dẫn: bạn có thể khó có thể thành công ngay từ lần đầu thử khởi nghiệp, tuy nhiên bạn có thể đảm bảo là các bài học của thất bại hoặc thành công trước của bạn được chuyển giao nguyên vẹn đến lần khởi nghiệp sau để không làm lại từ đầu. Mình là người lên kế hoạch rất kỹ, và ghi chép rất kỹ trong mọi công việc mình làm. Do đó, lần khởi nghiệp sau mình mở ghi chép ra đọc và sử dụng lại các biểu mẫu đã có nên càng lúc quá trình khởi nghiệp của mình càng nhanh và càng ít tốn kém, thời gian nghiên cứu mới lâu chứ còn làm thì nhanh lắm. Ngoài ra những ghi chép này còn giúp nhân viên mới làm quen với công việc nhanh hơn. Thời gian tiết kiệm được đều có thể quy ra tiền. Công ty mình có hẳn 1 trang wiki ghi chép lại kinh nghiệm của từng công việc. Khi mình mở công ty mới chỉ cần copy qua thôi. Giống như bài này mình viết, trong vòng 2 tuần mình tình cờ được mời tới nói chuyện về chính xác chủ đề này tại ĐH Kinh tế Tài chính, ĐH Tam Kang (Đài Loan), ĐH Montana (Mỹ). Thay vì mình cứ nói đi nói lại cùng 1 thứ, sau khi làm xong mình ghi chép lại những gì mình đã nói, sau này có ai mời nữa mình sẽ gửi link này cho các khách tham gia đọc trước, để lúc giao lưu Q&A những thứ có giá trị hơn hoặc làm cho mình tốn ít thời gian hơn.


    4. Nguồn lực bạn không có nhưng có thể dùng nguồn lực bạn sẵn có để đổi lấy

    a. Nhân sự chủ chốt: các phổ biến mà ta thường thấy đó là co-founders, những người cùng chịu rủi ro, cùng không nhận lương khi công ty chưa có doanh thu để cùng chia sẻ thành quả về sau (nếu thành công). Việc bạn có 1 nhóm có bộ kỹ năng phong phú, bổ sung cho nhau và bao trùm các chức năng cơ bản của công ty giúp bạn cắt tới 100% chi phí thuê nhân công trong thời gian đầu. Lúc bắt đầu tất cả các mảng mỗi thứ chỉ có 1 ít việc rất khó để thuê nhân viên. Đồng thời, nếu trong nhóm sáng lập có quá nhiều người có chung 1 kỹ năng thì sẽ gây ra tình trạng khó chia việc và bị lệ thuộc vào bên ngoài những khâu quan trọng và gây ra chi phí rất lớn. Lý do thất bại của app du học của mình là như vậy. Mình may mắn là đối với SiGen mình lo mảng thương mại và điều hành, ba mình lo sản xuất. Đối với Survival Skills Vietnam thì 1 người làm chuyên môn, 1 người làm sale và đối ngoại, mình làm quản lý chung (a.k.a tất cả mọi thứ còn lại). 


    b. Nhân sự khác: Trong thời gian đầu, mình vẫn tuyển các tình nguyện viên để phụ mình, và đổi lại mình chia sẻ với các bạn các kỹ năng khác. Mình không khuyến khích hình thức ‘dụ’ để có lao động miễn phí mà là 1 sự trao đổi công bằng tương xứng với nỗ lực các bạn bỏ ra.

    c. Sản phẩm/ dịch vụ: lấy cái mình dư để đổi lấy cái người khác dư. Nếu bạn bạn khéo léo bạn có thể tìm được nhiều thứ có giá trị lắm ấy. VD:

    • Để có 1 địa điểm sang chảnh cho sự kiện ra mắt app Sơ cấp cứu, SSVN đã đổi bằng buổi đào tạo sơ cứu miễn phí cho 1 khách sạn 5 sao.
    • Để sản phẩm Hố ga thu nước mưa ngăn mùi không muỗi SiGen vượt qua được tất cả những tiêu chuẩn khắt khe nhất của Việt Nam về hạ tầng thoát nước (mà rất nhiều sản phẩm hiện đang lưu hành chưa đạt được), SiGen đã hợp tác với 1 trường Đại học để cùng làm đề tài nghiên cứu, trường Đại học có 1 đề tài thực tế và mang tính thực tiễn cao, SiGen có được kết quả nghiên cứu cực kì chi tiết để chứng minh giá trị của sản phẩm.
    • Để có được nội dung truyền thông chất lượng cao, SSVN hợp tác với môn Truyền thông của 1 trường Đại học để trở thành đề tài cho sinh viên, các bạn thắng cuộc sẽ được SSVN tặng học bổng, đổi lại SSVN sẽ sử dụng bài viết của các bạn.


    5. Nguồn lực bắt buộc phải mua bằng tiền: hãy kiểm tra kĩ 4 lựa chọn trên để hạn chế phần này tối thiểu nhất có thể. Mình không khuyến cáo là các bạn cần phải keo kiệt hết mức, nhưng nếu khi nguồn lực hạn chế và không thể đầu tư như kiểu đại gia được thì hãy để phương án này cuối cùng. Đến khi bắt buộc phải dùng tiền rồi thì mình đã làm những cách sau:

    a. Thuê thay vì mua: khi bạn chưa có cơ sở rằng ý tưởng của bạn khả thi thì hãy thuê vì đâu ai biết bạn có thể tồn tại trong bao lâu. Hãy đảm bảo rằng dù bạn thất bại, những gì bạn đã bỏ ra phải là thấp nhất. Còn nếu đã thành công rồi thì bạn trước sau cũng sẽ có đủ tiền mua thứ đó thôi

    b. Tích lũy và chờ đợi: lúc còn là sinh viên hay sau khi thất bại nặng nề thì có lẽ ít ai có đủ vốn để làm cái gì đó đáng kể. Khi mà bạn mới khởi nghiệp trong giai đoạn ban đầu thì nên có 1 công việc ổn định để đảm bảo lỡ dự án không thành công thì vẫn có lương để đảm bảo được cuộc sống và tích lũy cho lần tiếp theo, vì khả năng cao là ai cũng có khả năng thất bại tới vài lần trước khi thành công. Đồng thời mình cũng không khuyến khích ăn bớt thời gian của cơ quan để làm mục đích cá nhân. Ngoài ra việc tiêu xài của cá nhân bạn cũng quyết định tốc độ tăng trưởng của số tiền bạn tích lũy. 

    c. Vay hoặc gọi vốn: đây cũng là 1 cách khi bắt buộc cần tiền nhưng sẽ không thuộc phạm trù bootstrapping và cũng đồng thời đã nhiều người nói về chủ đề này rồi.


    Mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh, trên đây chỉ là những thứ mình đã làm mà mình cho là phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của mình. Bạn nào thấy cách nào hay thì cùng bổ sung nhé :D Ngoài ra, những cách này có thể có ích trong giai đoạn 'bootstrap' nhưng có thể sẽ không còn tối ưu nhất cho các giai đoạn về sau nữa.

    Từ khóa: 

    khởi nghiệp tự thân

    ,

    bootstrap

    ,

    nguồn lực

    ,

    tài chính

    ,

    quản lý tài chính