Kiến trúc nhà ở người Ê-đê (Phần 2)

  1. Văn hóa

3.Một số nghi lễ về nhà ở của người Ê Đê

https://cdn.noron.vn/2021/07/02/3511557715620669-1625192229_1024.png

· Nghi lễ lên nhà mới

Để làm được một ngôi nhà sàn truyền thống đòi hỏi rất công phu và phải có điều kiện về kinh tế, do vậy khi ngôi nhà hoàn thành thì gia chủ thường tổ chức lễ cúng lên nhà mới.Đây là nghi lễ quan trọng nên việc chuẩn bị cho lễ cúng được gia đình chủ nhà tiến hành kỹ lưỡng. Lễ vật gồm có: 1 con heo, 1 con gà, 5 ché rượu cần được buộc vào các cột Gơng đã được đẽo gọt và dựng lên từ trước, xếp thành hàng dọc ở gian chính của ngôi nhà sàn mới; 7 chiếc vòng bằng đồng được đeo vào tai của các ché rượu cần. Người ta dùng sơn đỏ, phẩm màu đỏ hoặc tiết heo bôi lên cột nhằm biểu trưng cho sự giàu có, yên vui, hạnh phúc.

Theo thầy cúng, ngày xưa nghi lễ cúng trải qua 5 bước, trước nhất là cúng Yang (thần linh) báo cáo với thần linh về ngôi nhà mới, sau đó cúng cho ông bà tổ tiên, đến cúng rửa nhà, cúng mừng sức khỏe bố, mẹ, con cháu và chúc mừng gia chủ có ngôi nhà mới. Ngày nay, lễ cúng đã được đồng bào Ê Đê lược giản đi rất nhiều, tùy theo hoàn cảnh, điều kiện của từng gia đình mà tổ chức, tuy nhiên vẫn theo đúng nghi thức truyền thống và rất trang trọng.

· Nghi lễ cúng cầu thang

Làm cầu thang phải cúng xin Giàng: theo quan niệm của người Ê Đê, mọi thứ đều có linh hồn và được Giàng che chở. Trước khi làm việc gì cũng đều phải cúng xin phép các đấng bề trên, và việc làm cầu thang cũng không ngoại lệ. Gỗ làm cầu thang được chọn từ những cây gỗ lâu năm trên rừng.Trước khi đi lấy gỗ, chủ nhà phải làm lễ cúng ở nhà và sau đó là lễ cúng trước cây gỗ lớn đã chọn để xin phép được mang cây gỗ đó về nhà. Lễ vật trong lễ cúng thường là một con gà và một ché rượu.Sau lễ cúng, gia chủ được phép bắt tay vào làm cầu thang. Để làm cầu thang cái, những nhà có điều kiện thường chọn các nghệ nhân khéo léo, bởi chỉ có họ mới có thể làm được cầu thang đẹp, với các bậc thang đều, thẳng, có độ cao vừa phải với ngôi nhà. Đặc biệt, hình đôi bầu vú phải tròn trĩnh, cân xứng với nhau. Chiếc cầu thang của người Ê đê thường có 5 hoặc 7 bậc. Đây cũng là một điều đặc biệt bởi theo quan niệm của người Ê đê, số 5 và số 7 là những con số may mắn. Làm cầu thang với con số may mắn hy vọng sẽ đem lại cho gia chủ tài lộc và sự sung túc.Khi cầu thang đã hoàn chỉnh, người Ê đê một lần nữa làm lễ cúng Giàng, báo cáo việc chiếc cầu thang đã hoàn tất và xin phép được gác lên sàn nhà để đưa vào sử dụng.

Ngoài ra còn có một số nghi lễ như: lễ động thổ,lễ tẩy uế,lễ cất nóc,lễ cúng táo quân...

· Một số kiêng kị về nhà ở của người Ê Đê

Làm cầu thang cái không đơn giản, từ việc đi chặt khúc gỗ trong rừng đã phải cúng xin Giàng, rồi đưa gỗ về nhà phải cúng nữa thì người đàn bà là chủ nhà mới được cầm búa bửa một nhát đầu tiên, sau đó thì giao cho thợ. Thợ cũng kiêng cữ dữ lắm, suốt thời gian từ 3 đến 5 ngày làm cầu thang không được đùa giỡn, nói tục hay nói gì đụng phạm đến phụ nữ.

Không được tự ý, tùy tiện sử dụng cầu thang cái. Thông thường, phụ nữ trong nhà mới được sử dụng cầu thang cái để lên, xuống. Con trai, con rể và đàn ông trong nhà đều phải sử dụng cầu thang đực. Kể cả khách nam tới nhà chơi cũng phải sử dụng cầu thang đực

4.So sánh nhà dài của người Ê-Đê với ngôi nhà truyền thống của người Việt.

4.1. Quan điểm:

Đối với người Việt quan niệm, ở đời có 3 việc trọng đại mà các cụ đời xưa thường hay nhắc con cháu về sau: “Tậu trâu- lấy vợ -làm nhà”. Căn nhà là nơi con người được che chở suốt cả cuộc đời, nơi đem lại bình an, há khí cho gia đình và cũng theo quan niệm có “an cư” thì mới “lập nghiệp”. Chính vì vậy mà đối với người xưa, công việc xây nhà có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, được làm với một tấm lòng tha thiết và một kiến thức rất phong phú, đa dạng. Họ quan tâm đến mọi công đoạn trong quá trình xây dựng nhà cửa, coi trọng việc xem ngày giờ lành dữ và coi trong việc xem hướng.

Còn đối với người Ê-đê, nhà dài trong nét văn hóa của người Ê-đê mang đến nhiều giá trị khác nhau. Căn nhà này mang đậm phong tục tập quán của người dân nơi đây. Chiều dài của những ngôi nhà này phụ thuộc vào sự thịnh vượng của gia đình ấy. Nếu con cái trong gia đình lập gia thất và sinh sống tại đây thì ngôi nhà cứ được nối dài dần ra. Căn nhà này không chỉ là nơi sinh sống của các hộ gia đình. Tại căn nhà dài của trưởng làng, các buổi tụ họp, sinh hoạt hay thực hiện các nghi lễ của buôn làng được diễn ra. Chính vì vậy những căn nhà này luôn mang ý nghĩa vô cùng thiêng liêng. Những căn nhà dài bao giờ cũng có hai cầu thang đực và cầu thang cái khác nhau. Cầu thang cái thường to và đẹp hơn những chiếc cầu thang đực. Đây là biểu hiện rõ nhất quan niệm của chế độ mẫu hệ người Ê-đê. Người Ê-đê thường chọn hướng Bắc - Nam để dựng các ngôi nhà của mình với ý đồ che đỡ hai luồng gió mùa đông bắc và tây nam, vào mùa mưa lại dựa vào thế mái nhà hình thuyền độc đáo của mình để tận hưởng sức nóng của mặt trời khi có nắng để hơ sấy các phòng.

4.2. Địa điểm:

Đối với người nông nghiệp, ngôi nhà - cái tổ ấm để đối phó với nóng, lạnh, nắng, mưa, gió, bão - là một trong những yếu tố quan trọng nhất đảm bảo cho họ có một cuộc sống định cư ổn định. Trước hết do đặc điểm khu vực cư trú của người Việt Nam là vùng đồng bằng có nhiều bùn, nước cho nên ngôi nhà của người Việt Nam gắn liền với môi trường này để thuận lợi cho việc trồng trọt, chăn nuôi, sử dụng các vật liệu sẵn có trong tự nhiên. Hơn nữa, Người việt thường chọn hướng nhà là hướng Nam vì nó phù hợp với khí hậu của Việt Nam.

Còn ở người dân Ê Đê, do khí hậu nơi họ sinh sống (lầy lội vào mùa mưa, lắm bụi vào mùa khô) nên các ngôi nhà của cư dân sinh sống nơi đây thường chọn kiểu nhà vừa thoáng mát lại cao ráo, sạch sẽ. Người Ê Đê là cư dân đã có mặt lâu đời ở miền trung Tây nguyên, họ chủ yếu trồng lúa rẫy, phù hợp với điều kiện sống ở nơi đây.

4.3. Vật liêu dựng nhà:

Nếu như người Việt xưa dựng nhà chủ yếu bằng tre, nứa, gỗ, đất xét,.. với 3 dạng thiết kế phân biệt giàu nghèo:

- Nhà nghèo: lợp tranh, vách đất. nền đất, kèo cột làm bằng tre nứa

- Nhà bình dân: gỗ ( xoan), mái lợp rạ, cỏ tranh,...vách bằng bùn nhào rơm, nền đất hoặc lát gạch

- Nhà giàu: gỗ có chạm gỗ ( lim, mít,...) mái lợp ngáu, tường gạch, nềm gạch

Thì ở người Ê Đê, việc làm nhà được cả làng quan tâm. Sự giúp đỡ lẫn nhau về nguyên vật liệu: gỗ, tre, nứa và tranh lợp cũng như ngày công thông qua hình thức gọi là H’rim zít (tổ chức "giúp công" lao động hay "đổi công" trong làng).

4.4. Thiết kế nhà:

Bố cục nhà của người Việt thường là nhà chính và nhà phụ, các gian nhà thường là 3 gian, 2 chái, hình chữ đinh, nhà chính (nhà trên) và nhà phụ (nhà dưới) có sân nước (sân thiên tỉnh)... và thường không ngăn chia ra các phòng nhỏ. Đối với người Việt, ngôi nhà chính là bộ phận cốt yếu trong khuôn viên của một gia đình, nhà có bố cục gian lẻ 1, 3, 5 hay 7 gian cùng với 2 chái, không mấy nhà có số gian chẵn.

Còn bố cục nhà của người Ê-đê là không gian nhà theo chiều dọc gồm hai phần rõ rệt: từ cửa chính đi vào là một phần rộng, chiếm 1/3 hay 2/3 gọi là Gah, phần còn lại gọi là Ôk. Gah là nơi tiếp khách, có bếp cho khách và là nơi sinh hoạt chung của gia đình, là nơi cúng thần, là chỗ ngủ của con trai chưa vợ, là nơi đặt nhiều đồ vật quý. Gah và Ôk được ngăn bởi vi cột Kmeh Kpăng có khắc hình, trong đó cột phía đông là cột chủ, bên cạnh kê một bộ phản để người đứng đầu gia đình ngồi khi hội họp, trong khi đó cột phía Tây là cột trống nơi có đặt chiếc trống cái trên ghế Kpan cao 0,50m, dài từ 10 - 20m để nhạc công ngồi đánh chiêng, trống, cồng. Gầm ghế thường là nơi để cồng chiêng. Sát vách phía sau hàng cột phía đông là nơi để hàng ché. Bên cạnh bếp khách còn có bếp nấu ăn khi có lễ nghi. Ngày xưa, ở gian Gah còn có bếp để cho trai gái chuyện trò.

Về hình thức, nhà của người Việt có hình thức bên ngoài rất mộc mạc giản dị, những nhà có tường xây bằng gạch lợp ngói âm dương thì chỉ là mái dốc thuần tuý, không được trang trí cầu kỳ, cùng lắm là những đường chỉ dài khắc vạch. Dưới mái là hàng cột hiên với các bức tường quét vôi trắng, trông giản dị khiêm nhường. Còn nhà dài được để tâm trang trí, điêu khắc nhiều hơn. Cầu thang nhà của người Ê Đê luôn được đẽo bằng tay và thường được trang trí bằng hình hai nhũ hoa (trông thể hiện tín ngưỡng phồn thực rõ rệt của người Ê Đê) và hình trăng khuyết. Các cột, kèo thường đẽo gọt, trang trí bằng hình ảnh các con vật như voi, ba ba, kì đà... Cũng như cầu thang, các vật trang trí này luôn được đẽo bằng tay với cây rìu truyền thống.

Từ khóa: 

văn hóa

Chưa có dịp được gặp gỡ đồng bào người Eđê bao giờ

Trả lời

Chưa có dịp được gặp gỡ đồng bào người Eđê bao giờ