[Ngày này năm xưa] Nghệ sĩ nhân dân Quách Thị Hồ - bậc thầy ca trù Việt Nam

  1. Lịch sử

Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Quách Thị Hồ sinh ngày 11/6/1909 (làng Ngọc Bộ, huyện Văn Giang, tỉnh Hải Dương), mất ngày 4/1/2001. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống hát ca trù, từ nhỏ nghệ nhân Quách Thị Hồ đã sống trong tiếng đàn phách, được mẹ nghiêm khắc chỉ dạy nghệ thuật ca trù. 


4636_455200033coquachjpg

Nguồn : google


Năm 1930, bà ra Hà Nội hát rồi làm chủ nhà hát Vạn Thái ở phố Bạch Mai. Sau khi hòa bình của miền Bắc lập lại vào năm 1954, bà làm cộng tác viên cho chuyên mục ngâm thơ cho Đài tiếng nói Việt Nam. Năm 1976, giáo sư Trần Văn Khê đã ghi âm tiếng hát ca trù của bà đem đi giới thiệu tại nhiều nước trên thế giới. Một bước giúp cho nghệ thuật ca trù Việt Nam được đông đảo mọi người biết đến. Năm 1978, Hội đồng Âm nhạc Quốc tế của UNESCO và Viện Nghiên cứu Quốc tế về Âm nhạc đã trao tặng bà bằng danh dự cho công lao "gìn giữ một di sản nghệ thuật truyền thống quý báu của Việt Nam, một vốn quý của nhân loại". Năm 1983, băng ca trù do nghệ nhân Quách Thị Hồ biểu diễn đã giành được giải thưởng tiết mục xuất sắc nhất tại Diễn đàn Âm nhạc châu Á, tổ chức tại Bình Nhưỡng, CHDCND Triều Tiên. Năm 1988, bà được nhận danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, là nghệ nhân ca trù duy nhất nhận danh hiệu này. 

Bà sở hữu một giọng hát có đầy đủ các cung bậc, cái nào cũng đạt tới đỉnh cao trong nghệ thuật hát ca trù, cùng với tiếng phách điêu luyện đã chinh phục được nhiều người thưởng thức. Trong những năm thập niên 1950-1970, nghệ thuật ca trù không có chỗ đứng do bị coi là tàn tích của chế độ phong kiến cũ. Nhiều đào nương kép đàn đã phải bỏ nghề, bỏ Tổ. Nhưng chỉ có bà là người dám tự nhận mình là một cô đào, sống với Tổ và nghề, như câu nói dũng cảm mà bà đã từng nói: "Tôi sẵn sàng đeo biển trước ngực đi trên phố để nói tôi là người hát Ca trù". Năm 1978, khi tiếng hát ca trù lần đầu tiên được vang danh trên thế giới, bà đã được ghi nhận là một trong những nghệ nhân ca trù tiêu biểu. Cũng từ đây, nghệ thuật ca trù đã dần được khôi phục, và được biết đến là một trong những di sản quý báu của Việt Nam và nhân loại. Có thể nói bà đã có những đóng góp to lớn, công lao đặc biệt trong việc khôi phục, quảng bá và phát triển nghệ thuật ca trù, người đầu tiên đưa ca trù Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.

Nhờ có tiếng hát của nghệ nhân Quách Thị Hồ mà thế giới biết đến ca trù - di sản được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại năm 2009.

Từ khóa: 

ngày này năm xưa

,

lịch sử