NGƯỜI HÙNG

  1. Sáng tác

kt12


Truyện ngắn - Phạm Thanh Bình

Đến bây giờ tôi khẳng định chắc chắn đứa bé không thuộc về huyết thống của mình, điều đó càng biểu hiện rõ khi thằng bé qua tuổi mẫu giáo. Nhưng có một mối liên kết vô hình nào đó cứ ràng buộc số phận chúng tôi lại với nhau.

Tôi và em đến với nhau bằng những bản năng dữ dội và đến bây giờ vẫn yêu nhau bằng những bản năng cố hữu. Nhưng khi em báo tin tôi sắp được làm cha thì lý trí trong tôi mách bảo những trách nhiệm và nghĩa vụ cần phải làm. Tình yêu, trách nhiệm và tin vui sắp được làm cha khiến cho tôi thay đổi bất ngờ, như một người được giác ngộ. Thời gian từ đám cưới đến nhà hộ sinh được thiết lập theo quy trình “công nghệ cao”, tức là tối ưu nhất có thể. Trong khi dư âm lời chúc hôn nhân vẫn còn vang vọng bên tai thì tôi lại tiếp tục nhận được những lời chúc lên ngôi cha. Niềm vui nối tiếp niềm vui, tôi đã được làm cha với tất cả sự mong đợi của bản thân, gia đình, họ hàng và bạn bè.

Sự kiện đứa bé ra đời đã thay đổi cuộc sống của tôi từ suy nghĩ đến hành động. Tôi cũng không biết đó là theo lí trí hay bản năng. Chỉ biết rằng cả gia đình và bạn bè đều ngạc nhiên về sự thay đổi này. Sáng dậy tranh thủ giặt quần áo, đặt nồi cơm, nấu thức ăn trước khi đi làm. Chiều về tranh thủ ghé qua siêu thị mua sắm và về thẳng nhà để nấu cơm. Chính bản thân tôi cũng ngạc nhiên về sự thay đổi của chính bản thân, chẳng rõ là mình đã được đào tạo để biết nấu cơm và đi chợ từ lúc nào. Tất cả đều diễn ra trong niềm hạnh phúc khôn tả, nhất là về buổi tối khi mọi người trong gia đình quây quần bên nhau.

Em cũng thấy hạnh phúc, nhưng vẫn trong trạng thái như ngày chưa lập gia đình, vô tư, hồn nhiên như ngày nào. Trong tâm tư của em, chỉ nghĩ đến những ngày tụ tập bạn bè, đi du lịch vui thú..., còn đứa bé thì chỉ xuất hiện trong tâm một cách rời rạc và mờ nhạt. Vì vậy em hay than phiền là bị bó buộc và trói chân. Tất nhiên là tôi sẵn sàng thông cảm và chia sẻ những thiệt thòi của em. Trộm vía là đứa bé cũng chấp nhận ăn dặm sớm hơn và cai sữa sớm hơn. Sau khi cai sữa xong, em như được giải phòng hoàn toàn và tiếp tục lao vào các cuộc vui chơi với bạn bè như trước khi cưới. Chỉ khác là trong các cuộc vui chơi đó không có mặt tôi. Thay thế nhiệm vụ của người mẹ một cách bất đắc dĩ, tôi thực hiện cũng không đến nỗi tệ lắm. Chắc là những niềm vui đến liên tiếp khiến cho tôi có một động lực mạnh mẽ để đảm nhiệm tốt cả hai vai trò cùng một lúc. Nhưng khoảng cách giữa tôi và em bắt đầu hình thành và càng lớn dần.

Tôi thấy đã đến lúc cần phải chấn chỉnh lại và nhắc nhở em. Để đáp lại, em bắt đầu ít có mặt ở nhà hơn. Tôi đã phải tranh thủ những lúc em có mặt ở nhà để nói chuyện, nhưng những cuộc đối thoại đã trở thành những cuộc đấu khẩu. Đến lúc này thì bản năng của em lại bộc lộ thêm tính cách ương bướng và lì lợm. Tất cả cũng chỉ vì em chưa muốn có sự ràng buộc của gia đình để tiếp tục tận hưởng các thú vui cùng bạn bè. Và chuyện gì đến sẽ phải đến khi tôi cảm thấy thấp thoáng bóng hình của người thứ ba.

Bây giờ tôi mới thực sự tỉnh ngộ, nhận ra những ngày đến với em một cách bản năng đến mù quáng, không tính toán, và mình là nạn nhân của chính mình một phần. Mối ngờ vực về huyết thống của thằng bé bắt đầu từ đấy, nhưng tôi vẫn tôn trọng tình trạng hôn nhân của gia đình, không muốn đổ vỡ và hy vọng có thể hàn gắn được. Chấp nhận sự lạnh nhạt về hôn nhân, nhưng tôi đòi hỏi em phải có trách nhiệm hơn với đứa con. Được cái là thằng bé rất bện với tôi, nó là một đứa trẻ tinh tế, rất nhạy cảm và sống nội tâm. Trên đường đưa đón con đi học, những chuyện xảy ra ở lớp mẫu giáo, nó đều kể lại với tôi và đưa ra những nhận xét khá sâu sắc. Chính vì vậy mà tôi càng yêu quí nó, và đó cũng là niềm vui để an ủi tôi hàng ngày.

Rồi những cuộc đấu khẩu xảy ra thường xuyên hơn, chúng tôi tranh cãi nhau một cách say sưa đến mức quên cả thằng bé đang ngồi làm khán giả duy nhất. Nào biết một đứa trẻ sống nội tâm như nó có thể nhận biết được điều gì. Trong một lần tranh cãi gay gắt, tôi đã nói toạc ra:

- Em có thể để thằng bé trở về với người bố đẻ của nó cũng được, nếu người đó chăm sóc và đối xử với nó tốt hơn tôi.

Trái với dự đoán của tôi, em im lặng và không nói gì như là một sự công nhận. Sau sự thú nhận không lời đó là những cuộc chiến thầm lặng hơn về bên ngoài, nhưng dữ dội ở bên trong. Em đã dám bỏ nhà đi mấy ngày liền, mọi người trong gia đình và bạn bè đều oán trách tôi quá yếu đuối và nhu nhược. Thằng bé cũng rơm rớm nước mắt nói với tôi: “Dạo này con thấy ba không xứng đáng được bình chọn là người hùng”.

Tôi cố đánh lạc hướng thằng bé bằng những cuộc tranh luận như thường lệ: “Tại sao ba lại không được bình chọn là người hùng?”

Thằng bé trả lời: “Vì con thấy có người thích mẹ, muốn có mẹ mà bố không chịu nhường một cách cao thượng”.

Trời đất quỷ thần ơi! ... Mọi người nghe thấy có hiểu gì không ? Tôi vẫn cố giữ bình tĩnh để hỏi nó: “Tại sao lại phải nhường ?”

Thằng bé trả lời: “Ở trên lớp, cô giáo thường dạy chúng con phải biết nhường nhịn thì mới là người hùng, ba cũng có lần nói thế khi bạn Nga tranh đồ chơi với con”.

- Nhưng mẹ con đâu phải là đồ chơi - Tôi nghẹn lời …

Thằng bé vẫn hồn nhiên trả lời: “Cũng có thể, nhưng khi đã tranh cãi nhau nhiều lần rồi thì cũng không còn thú vị và hấp dẫn nữa, ba có thể tìm và đổi cho con một mẹ khác dễ chịu hơn được không?”

Không biết khi nghe thấy câu nói này thì em có đau xót không. Có thể với sự hồn nhiên và vô tư của em thì không mang lại cảm xúc gì. Mong em đừng đau xót, hãy để mình tôi chịu đựng thôi. Xin mọi người hãy hiểu cho tâm trạng này, đó là vì tôi thấy mình đáng bị như vậy, hơn nữa tôi quá thương thằng bé. Cả đêm hôm đó, tôi không sao chợp mắt được. Nhìn thằng bé ngủ ngon lành, tôi thấy mình nhẹ lòng hơn vì đã tìm ra được giải pháp.

Chỉ một buổi sáng hôm sau, tờ đơn ly hôn đã được soạn thảo xong. Lần này thì tôi dự đoán đúng, em lẳng lặng ký vào tờ đơn ly hôn và nói: “Em cảm ơn anh, cảm ơn anh vì đã chịu đựng em đến giờ phút này”. Tại toà án, cũng vẫn với trạng thái vô cảm như vậy, em không phản ứng gì khi tôi đứng ra nhận phần nuôi con trong bản thanh lý “hợp đồng hôn nhân”, vì thằng bé nói: “Con không muốn đổi ba, chỉ muốn đổi mẹ thôi”.

Giải pháp tôi chọn đã được nghiệm chứng là phù hợp. “Gà trống nuôi con” đâu phải là điều khủng khiếp lắm, dù là con của ai. Bây giờ thì tôi đã nhận ra phần nào sự ràng buộc của tôi với đứa con không cùng huyết thống nhưng “dứt ruột” của mình. Thỉnh thoảng tôi vẫn cho hai mẹ con gặp nhau. Sau vài lần gặp nhau, nó nói với tôi: “Ba thấy chưa, khi mình nhường nhịn thì sẽ được mọi người bình chọn, và bây giờ ba sẽ lại là người hùng của con”.

Sau những trải nghiệm đó, tôi đã có những lựa chọn đúng đắn và may mắn hơn. Tôi đã tìm được một cô gái, hay nói một cách chính xác hơn là đã đổi cho thằng bé một người mẹ mới. Cô ấy cũng là một mảnh ghép không hoàn hảo của một bản “hợp đồng hôn nhân” buộc phải thanh lý trước thời hạn. Chúng tôi gặp nhau như một định mệnh của những người đã trải nghiệm qua “một lần đò”. Lần này thì hiệu lực của lá phiếu bản năng không còn là đa số và quyết định như trước nữa, nhưng khi lý trí đã thuận tình và ủng hộ thì những bản năng vốn có lại mãnh liệt như mới bắt đầu.

Một điều kỳ diệu nữa là khi gặp cô ấy lần đầu, thằng bé đã thì thầm hỏi tôi: “Đây là mẹ mới hả ba? con trông cũng thích đấy”. Tất nhiên là cô ấy vẫn nghe thấy và mỉm cười: “Trông con cũng rất đáng yêu, con có thể gọi mẹ được rồi đấy”.

Thằng bé nói: “Nhưng muốn làm mẹ mới thì phải có em bé làm em cho con đấy, mẹ cũ không thích có em bé nên cũng không thích con, mà con thì đã cũ lắm đâu”. Lần này thì cô ấy không nhịn được để cười thành tiếng, còn tôi thì giật mình vì thằng bé đã nhận ra một điều mà chính bản thân cũng không nhận ra.

Và cứ như thế, cô ấy chăm sóc và yêu thương thằng bé như chính mình sinh ra. Thằng bé cũng gọi cô ấy là “mẹ” từ trong chính trái tim mình. Những tình cảm ấy đã được bù đắp một cách xứng đáng. Khi cô ấy báo tin gia đình sắp có thêm thành viên mới, thằng bé reo lên: “Vui quá, nhà mình sắp có thêm em bé rồi. Bây giờ thì con không muốn nhường và đổi mẹ lần nữa đâu”.

Nước mắt chực trào ra, cô ấy ôm chặt lấy tôi và thì thầm: “Ngoài những tính cách mà anh đã nói về con, em còn phát hiện những phẩm chất mới của con là: cao thượng, nhường nhịn, vị tha và dũng cảm”. Thú thực với mọi người, tôi chưa bao giờ cảm thấy tự hào được làm người cha cho tới giây phút này. Ôm cả hai mẹ con trong vòng tay, tôi nói thầm trong lòng: “Chính con mới là NGƯỜI HÙNG của ba”.

Phạm Thanh Bình

Từ khóa: 

người hùng

,

sáng tác