Nhờ đâu mà Đình Chèm được xếp hạng di tích văn hóa quốc gia đặc biệt?

  1. Văn hóa

Tối qua, 25/6, Đình Chèm, một ngôi đình cổ nằm ngay bên sông Hồng nhưng không phải người Hà Nội nào cũng biết về nó, đã chính thức được nhận Bằng xếp hạng Di tích văn hóa Quốc gia đặc biệt. Nhờ đâu mà Đình Chèm nhận được xếp hạng đặc biệt tôn vinh các giá trị văn hóa này của quốc gia?

Nguồn ảnh: Làng Việt

Ở Hà Nội 20 năm nay mà mình cũng mới biết đến Đình Chèm không lâu. Đình này ở huyện Từ Liêm, nằm bên bờ sông Hồng, trên bến Chèm và được đánh giá là một trong những ngôi đình cổ nhất Việt Nam. Được dựng lên từ năm 715 đời Đường và trải qua nhiều lần trùng tu, Đình Chèm nổi bật không chỉ nhờ nghệ thuật kiến trúc của nó, mà còn nhờ một câu chuyện kỳ tích ấn tượng được gắn liền với ngôi đình này từ cách đây gần 1 thế kỷ, là kỳ tích "kiệu đình" và cách mà Đình Chèm đứng vững sừng sững cạnh bờ sông qua gần 1 thế kỷ cho đến tận bây giờ sau kỳ tích đó.

Kỳ tích "kiệu đình" này là như thế nào?

Năm 1917, nước sông Hồng lên cao, đê Liên Mạc (thuộc phường Liên Mạc, Bắc Từ Liêm, bao gồm các cung đường Đại Cát, Hoàng Liên, Yên nội, Hoàng Xá cho bạn nào không biết) bị vỡ, Đình Chèm lúc này có nguy cơ bị lũ cuối trôi nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời. Để "cứu" Đình Chèm, dân làng Chèm mới quyết định "kiệu đình" lên cao hơn 2 mét so với ban đầu.

Công việc "kiệu đình" này làm hoàn toàn thủ công, do Tiến sĩ Nghiêm Xuân Quảng đứng ra chỉ đạo. Đội thi công "kiệu đình" phải là sao tính toán để toàn bộ ngôi đình được nâng lên đều nhau, bởi nếu lệch một phía thôi là cả ngôi đình sẽ đổ ngay. Mỗi cột đình có một trai đinh phụ trách (trai đinh là chỉ trai tráng trong làng, cao to vạm vỡ cường tráng, nhanh nhẹn dẻo dai). Những người thợ đã dùng đòn bẩy, mỗi chân cột đóng một chiếc đinh bừa, đầu kia buộc một quang gánh. Khi chỉ huy đánh một tiếng trống "tùng" thì các trai đinh đứng ở chân cột liền bỏ một viên gạch vào quang gánh cho đến khi đạt độ cao yêu cầu. Hoàn thành công việc, Đình Chèm được "kiệu" lên cao hơn 2.4 mét so với ban đầu. Từ đó Đình không bị ngập mỗi mùa nước sông Hồng lên nữa, vẫn đứng vững qua gần 100 năm bên sông và trở thành một dấu tích lịch sử đặc biệt của Hà Nội.

Một số fact khác về Đình Chèm cho bạn nào quan tâm:

  • Đình Chèm thờ ai?

Đình Chèm thờ đức Thượng đằng Thiên vương Lý Ông Trọng và Hoàng phi Bạch Tỉnh Cung. Dưới thời Thục Phán, nhà Tần bị giặc Hung Nô quậy phá, Tần Thủy Hoàng mới sai sứ sang cầu vua Thục cử tướng tài sang giúp. Thì Lý Ông Trọng chính là người tài được cử đi để giúp nhà Tần dẹp giặc. Thắng trận khải hoàn xong, Lý Ông Trọng được vua Tần gả công chúa là Hoàng phi Bạch Tỉnh Cung cho. Lý Ông Trọng được vua Tần phong tước nhưng vẫn một lòng hướng về quê hương, ông xin đưa Hoàng phi về nước. Sau khi ông qua đời, nhà vua đã sai lập đình thờ và phong tặng 4 chữ "Thượng đẳng Thiên vương". Bên trong Đình Chèm hiện vẫn còn hai bức tượng của Thượng đẳng Thiên vương và Hoàng phi Bạch Tỉnh Cung.

Nguồn ảnh: Thụy Phương

  • Đình Chèm có gì?

Đình Chèm hiện lưu giữ một lượng lớn di vật lịch sử quý: 16 cuốn sách chữ Hán và một số đạo sắc phong, 4 tấm bia đá, 2 pho tượng Thánh ông, Thánh bà cao 3.2 mét và 8 pho tượng tròn to bằng kích cỡ người thật. Ngoài ra ở Đình Chèm có một hệ thống máng nước bằng đồng thau đặc biệt chưa từng có ở đâu khác.

Nguồn ảnh: QĐND

  • Hội Đình Chèm khi nào diễn ra?

Hội Chèm diễn ra từ ngày 15 đến 17 tháng Năm âm lịch (còn vài ngày nữa là tới) với mở đầu là lễ lấy nước: trai đinh các làng Chèm, Hoàng Xá, Mạc Xá sẽ đi ba chiếc thuyền thoi, từ bến Đình Chèm lên quãng sông làng Mạc Xá để lấy nước về cúng tế. Sau đó là một loạt các hoạt động rước, tế, các trò vui, thả chim bồ câu, đồ lễ có trâu lợn, làm bánh bằng gạo nếp, mật. Nếu ai muốn thăm quan Đình Chèm thì nên đi vào khoảng thời gian này, tham dự Hội Chèm sẽ có nhiều giá trị để theo dõi hơn.

Bài có tham khảo kiến thức từ Dân Trí và Wikipedia.

Từ khóa: 

đình chèm

,

di tích văn hóa

,

lịch sử văn hóa

,

địa danh hà nội

,

văn hóa