[Review Phim] Hưu chiến đêm Giáng sinh (Joyeux Noel)

  1. Phim ảnh

Bộ phim dựa trên sự kiện tạm ngừng bắn trong đêm Giáng sinh tháng 12 năm 1914 giữa binh lính Pháp, Đức và Anh. Dù Chiến tranh thế giới thứ nhất vẫn đang diễn ra, tôi nghĩ những người lính này đã tìm thấy khoảnh khắc ý nghĩa trong một trận chiến vô nghĩa với đời họ.

Tôi ấn tượng với phần mở đầu của bộ phim khi nhìn thấu được nguồn gốc và hiểm họa dai dẳng từ chiến tranh: đào tạo mang tính định hướng, nhồi sọ khiến cho nhận thức của con người trở nên cực đoan. Con người không được giáo dục sẽ gây chiến bởi tham vọng hay sự giận dữ của bản thân, hoặc của kẻ khác.

“Hưu chiến đêm Giáng sinh (Joyeux Noel)”bắt đầu với hình ảnh ba cậu bé học sinh, đứng trước bảng đen, đại diện cho đất nước mình. Lần lượt từng cậu cất lên những lời đanh thép, kết án đối thủ và đi đến kết luận bất dung thứ cho nhau để hợp thức trận chiến một mất một còn nhất định phải đến. Chính những cậu bé trả bài làu làu, sau này là những chàng trai, sẽ cầm súng bắn vào đồng loại của mình như các cỗ máy giết chóc nhân danh những điều mà bản thân chưa hiểu hết. Ở giữa chiến trường khốc liệt, tất cả mới nhận ra thứ bản thân và kẻ thù khao khát thực chất không khác nhau: cuộc sống yên bình.

https://cdn.noron.vn/2024/01/03/511518442211-1704271951.jpg

Đêm Giáng sinh đã mang đến cho họ cơ hội được sống trong sự yên bình ấy. Những người lính Đức lắng nghe tiếng kèn của người lính Anh, những người lính Pháp hưởng ứng lời ca của người lính Đức. Không có vị độc tài nào trên mặt trận, nên họ được quay trở về với bản chất của mình, được sống với trực giác và trái tim để biết điều gì là đúng đắn.

Mặt trận đêm đó đã không có tiếng súng, thay vào đó là tiếng hát ca, chúc tụng và trò chuyện. Sự kiện đêm Giáng sinh này giống như một phép màu. Nhưng một phép màu là quá đủ để chứng minh trên đời có tồn tại những điều kỳ diệu. Tình người đã thức tỉnh những người lính. Để rồi sau đó, họ cùng nhau bàn bạc về việc chôn cất những người lính tử trận và cố gắng duy trì sự sống cho ai còn sống sót. Lính Đức đã thông báo trước để đối phương trú ngụ trong hầm trú ẩn, tránh khỏi những quả đạn pháo với sức công phá khủng khiếp. Lính Anh và lính Pháp cũng làm vậy.

Thánh ca và lời cầu nguyện đã thức tỉnh lương tâm con người. Có thể ba quân đoàn, ba vị chỉ huy khác nhau đã nhận ra một điều như nhau: Bom đạn được chế tạo từ mồ hôi, xương máu của dân tộc mình chỉ để làm tan xác những người đến từ dân tộc khác. Họ có thể mang màu cờ khác lạ, nhưng màu máu thì giống nhau.

Những người lính nhận ra sự thực này quá ít ỏi so với quy mô của cuộc chiến. Ở những chiến trường khác, các quốc gia vẫn đang giành giật lý tưởng với nhau và đem tính mạng ra để đặt cược. Nhưng người cược thường là người không ra chiến trường nên họ còn sống là sẽ còn tiếp tục đặt cược, nướng sinh mệnh như một cái giá có thể chấp nhận được cho chiến thắng sau cùng. Còn những ai tử trận, thì hận thù họ để lại sẽ tiếp tục hồi sinh những cuộc chiến mới và đáng buồn thay khi nỗi căm hờn được truyền tải qua trường lớp, sách vở như một thứ bệnh di truyền tai ác.

Tôi cảm thấy khoảng lặng giữa chiến tranh càng làm âm thanh của chiến tranh trở nên vang vọng và dữ dội hơn. Ngày nay, chiến tranh vẫn tiếp diễn và nó vẫn được xem như một giải pháp cần thiết, bất chấp cái giá phải trả lớn đến nhường nào và tổn thất kéo dài đến bao nhiêu thế hệ tiếp theo.

https://cdn.noron.vn/2024/01/03/53446230692653891-1704271964.jpg

Phép màu của hưu chiến đêm Giáng sinh kết thúc là lúc con người quên đi phần người để lại tiếp tục lao vào nhau như những con thú. Tôi ngưỡng mộ hành động quả cảm của vị linh mục trong nhưng phân cảnh cuối phim: ông đã treo lại chiếc thánh giá. Vì ông nhận ra kẻ chỉ huy đang lạm dụng đức tin để lôi kéo người lính ra chiến trường, để khuyến khích họ siết cò súng nhiều hơn thay vì cầu nguyện. Lời hứa về thiên đàng xa xôi hóa ra lại là tấm vé một chiều đến địa ngục trần gian ngay trước mắt: chiến trường. Vị linh mục không thể chấp nhận sự man trá đó, nên ông thà từ bỏ tôn giáo chứ không từ bỏ lương tâm của mình. Chiếc thánh giá treo song song bên cạnh sợi dây xích là một hình ảnh ẩn dụ đáng suy ngẫm.

Tôi nghĩ ông đã đúng, vì lương tâm là tôn giáo duy nhất giúp người ta tỉnh táo, mà không phải là thứ thuốc phiện khiến người ta mê man như một triết gia từng chia sẻ.

https://cdn.noron.vn/2024/01/03/53446230692653893-1704271990.jpg

Mặc dù liên quan đến mùa Giáng sinh, nhưng tôi nghĩ “Hưu chiến đêm Giáng sinh (Joyeux Noel)” phù hợp để xem vào tất cả thời điểm trong năm. Có thể thông điệp từ bộ phim sẽ giúp chúng ta thêm trân trọng hòa bình đang có được, thấu hiểu cái giá của hòa bình trong quá khứ và đôi lúc, biết đâu sẽ giúp nhân loại ngộ ra không nhất thiết lúc nào cũng cần phải trả giá để có được hòa bình cho tương lai.

Nhân loại tự coi là có nền văn minh, thì đâu thể mãi sử dụng những giải pháp thiếu văn minh? Và một đầu đạn hạt nhân hiện đại hơn, có sức công phá khủng khiếp hơn, gây ra thương vong to lớn hơn có phải là bằng chứng sống động hơn cho nền văn minh mà con người tự đắc?

Mong sao chiến tranh chỉ còn trên phim ảnh với những thước phim đen trắng, ảm đạm, cũ kỹ. Có thể mong ước ấy hơi thiếu thực tế, nhưng tôi tin còn có hy vọng thì còn có hạt giống cho phép màu xuất hiện.

* Ảnh: trích từ phim “Hưu chiến đêm Giáng sinh (Joyeux Noel)” năm 2005.

Từ khóa: 

review phim

,

hưu chiến đêm giáng sinh

,

joyeux noel

,

phim ảnh