“Thanh tục, tục thanh” trong thơ Hồ Xuân Hương

  1. Văn hóa

hxh


Hồ Xuân Hương đã từng viết:

Khéo khéo đi đâu lũ ngẩn ngơ

Lại đây cho chị dạy làm thơ

Ngược lại dòng thời gian vài trăm năm trước, các cụ ta với quan niệm cổ hủ:

Nhất nam viết hữu

Thập nữ viết vô

Vậy mà bà Hồ Xuân Hương lại dám xưng “Chị”, chắc hẳn đã làm mất lòng bao thi nhân thời đó.

Thơ Hồ Xuân Hương được nhiều người biết đến và làm đề tài tranh luận từ trăm năm nay không phải là những bài thơ tình ngọt ngào sâu lắng mà là những bài thanh tục, tục thanh (nói thanh giảng tục, hay nói tục giảng thanh) như các bài Quả mít , Ốc nhồiÐánh đuÐèo Ba Dội...

Ví như bài thơ Quả Mít, Nữ sĩ chỉ với 4 câu ngắn ngủi đã diễn tả được hết quả mít mà lại còn làm cho người đọc liên tưởng đến “những chuyện” phòng the:

Thân em như quả mít trên cây

Da nó xù xì, múi nó dầy

Quân tử có thương thì đóng cọc

Xin đừng mắn mó, nhựa ra tay!

Một cách tả thực quả mít đầy đủ từ da xù xì, đến múi dày, cơm vàng óng. Ngày xưa ở nhà quê ta, các cụ mỗi lần hái quả mít từ trên cây xuống thường lấy cọc tre đóng vào cuống rồi phơi nắng cho nhựa trắng chảy hết ra mới đem bóc vỏ, lấy từng múi mít béo ngậy thơm phức mà ăn. Có một điều lạ là không hiểu tại sao khi tả “quả mít” hay con “ốc nhồi” nữ sĩ đều liên tưởng đến người.. quân tử:

“Quân tử” có thương thì đóng cọc

hay

Bác mẹ sinh ra phận ốc nhồi

Ðêm ngày lăn lóc đám cỏ hôi

“Quân tử” có thương thì bóc yếm

Xin dừng ngó ngoáy lỗ trôn tôi.

Một con ốc nhồi đen thui thủi ngày đêm bò lê bò càng trong đám cỏ hôi tanh, bẩn thỉu mà vẫn có người thương yêu, trìu mến, dùng tay ngó ngoáy chẳng sợ.. hôi tanh. Người ấy đâu phải là thường dân quê mùa mà lại là một đấng hiền nhân quân tử!

Với hai đời chồng đều làm quan lớn, không con cái hủ hỉ lúc tuổi già, đến khi chồng chết lại trắng tay mở quán nước bên đường mưu sinh qua ngày, phải nói bà không những là người văn hay chữ tốt mà còn là người biết tự lập, tháo vát, không phải là những con ký sinh trùng lúc nhỏ sống nhờ cha mẹ, lớn lên nhờ chồng, chồng chết nhờ con! Trong cuộc tranh sống hàng ngày, một thân gái “dặm trường” quanh quẩn bên quán nước bà đã gặp biết bao văn nhân thi sĩ đương thời mượn trà, mượn rượu tán tỉnh, suồng sã như trường hợp ông Chiêu Hổ và đã bị bà chọc xỏ:

Anh đồ tỉnh, anh đồ say

Sao anh ghẹo nguyệt giữa ban ngày

Này này chị bảo cho mà biết

Chỗ ấy hang hùm chớ mó tay!

Cái hay của thơ là bà đã dùng tên Hổ (tức là Hùm) để chỉ cái “ấy”, địa danh không được thanh tao cho lắm! Và cũng cái hay của bà là đã phản kháng một cách mãnh liệt rất nghệ sĩ!

Này này chị bảo cho mà biết

Chỗ ấy hang hùm chớ mó tay!

Nói về cuộc tình của nữ sĩ với ông Phủ Vĩnh Tường (chỉ vỏn vẹn có 27 tháng) tuy ngắn ngủi nhưng cũng nhiều giai thoại, điển hình là trong một ngày ông Phủ vắng nhà, có người đàn bà tên Nguyễn Thị Ðào đệ đơn lên quan phủ xin ly dị để lấy chồng khác, sau một hồi tra hỏi, lại gặp lúc thi hứng tràn trề, bà phóng bút chấp thuận:

Phó cho con Nguyễn Thị Ðào

Nước trong leo lẻo cắm sào đợi ai?

Chữ rằng “xuân bất tái lai”

Cho về kiếm chút, một mai kẻo già!

Một lối dùng chữ hóm hỉnh, dễ thương trong thơ mà hầu như ít có thi sĩ nào có khả năng đưa vào thơ của mình nếu không có một bộ óc vừa thông minh vừa khôi hài như chữ “khéo khéo” trong:

Khéo khéo đi đâu lũ ngẩn ngơ

hay chữ “kiếm chút” nửa úp nửa mở làm cho người đọc phải dùng trí tưởng tượng một cách thích thú trong:

Cho về “kiếm chút” một mai kẻo già!

Với thơ, đa phần các thi sĩ đều cố gắng trau chuốt về câu từ, gạn lọc những ý hay từ đẹp để viết, thế nhưng với thơ Hồ Xuân Hương thì đó lại là một ngoại lệ. Bà không ngại dùng những từ ngữ mà đôi khi khiến người đọc phải đỏ mặt, nhưng người đọc lại nhớ Hồ Xuân Hương, yêu Hồ Xuân Hương chính từ cái sự “thanh tục, tục thanh ấy”. Nếu không có cái chất “nôm na”, “xỏ xiên” đầy tinh quái này thì có lẽ đã không có một Xuân Hương để cho người đời chiêm ngưỡng và tôn vinh Bà thành Bà chúa thơ Nôm trong làng thơ Việt Nam. Chính cái chất nôm na trong thơ của Bà đã tạo nên một chất men xúc tác mãnh liệt trong lòng người đọc. Người ta ngây ngất, hỉ hả, khoái trá với cái thứ ngôn ngữ “quê mùa” như: đỏ lòm lom, già tom, mân mó, tấp tênh, lún phún, le te, chín mõm mòm,... Tất cả những cái đó hoàn toàn xa lạ với sự trau chuốt, gọt giũa, khuôn sáo mà người ta thường bắt gặp trong ngôn ngữ thơ.

Ngoài những đặc trưng ấy, người ta còn bắt gặp ở Bà một biệt tài nữa trong việc vận dụng tiếng nói dân gian trong thơ. Đó là việc đưa thành ngữ, tục ngữ vào trong thơ, làm cho câu thơ trở nên giàu tính hình tượng, dễ nhớ, và độc đáo hơn.


Tác giả: Nguyễn Lan Hương

Từ khóa: 

văn thơ

,

văn học

,

hồ xuân hương

,

tinh hoa việt nam

,

văn hóa

https://cdn.noron.vn/2022/07/26/49956199998639420-1658800867.jpg

Không biết cụ HXH ngoài đời thực có séc xi hay không, nhưng thơ của cụ thì cứ gọi là hết nước chấm!

Trả lời

https://cdn.noron.vn/2022/07/26/49956199998639420-1658800867.jpg

Không biết cụ HXH ngoài đời thực có séc xi hay không, nhưng thơ của cụ thì cứ gọi là hết nước chấm!

Con mụ bênh hoạn,dâm ôtuyên truyền văn hóa phẩm đồi trụy, làm ô uế sự thanh cao của nền học thức nước nhà