Thiên tai (natural disasters) - tại sao chúng ta không thể mãi đổ thừa cho thiên nhiên?

  1. Kiến thức chung

Thiên tai tất nhiên là rất đáng sợ, nhưng khái niệm, định nghĩa này thường khiến nhiều người lầm tưởng rằng những thiên tai, những thảm họa thiên nhiên luôn bắt nguồn từ...thiên nhiên. Nhưng điều này có hoàn toàn chính xác?

Chỉ cần chăm chỉ theo dõi tin tức, và thậm chí, chỉ cần chú ý quan sát các chuyển biến của thế giới xung quanh, chúng ta vẫn có thể nhận thấy rằng tần suất và mức độ nghiêm trọng của các thảm họa thiên nhiên xảy ra khắp thế giới dường như đang ngày càng gia tăng.

Như vậy thì, có lẽ nào sự xảy ra ngày càng dồn dập của thiên tai ít nhiều có xuất phát từ con người chúng ta? Câu trả lời thực chất là "có".

Chúng ta hãy cùng điểm qua một số loại hình thiên tai được giới nghiên cứu cho là xuất phát từ sự tàn phá môi trường một cách vô ý thức của con người:

Khói bụi có thể gây ra lũ lụt

Trung Quốc là một trong những quốc gia có mật độ xe gắn máy và ô tô, và theo sau đó là khói bụi và ô nhiễm khói bụi, cao nhất thế giới. Các chuyên gia cho biết tại đây, tình trạng lũ lụt nặng và triền miên diễn ra tại khu vực trung tâm của quốc gia này được gây ra bởi chính sự ô nhiễm không khí.

tham-hoa-thien-nhien

Các hạt khói bụi (nguồn: Graviky Labs).

Các chuyên gia phân tích: sự ô nhiễm không khí, hay chính xác hơn là các hạt khói bụi (soot particles) trong không khí có khả năng hấp thụ ánh sáng mặt trời, làm tăng nhiệt độ không khí. Sự gia tăng nhiệt độ này làm cho quá trình ngưng tụ hơi ẩm trong không khí (trở thành mây) bị trì hoãn. Kết quả là, hơi ẩm này di chuyển dần về phía khu vực cao nguyên, nơi có nhiệt độ không khí thấp, để ngưng tụ và tạo thành những cơn mưa, bão lớn thất thường. Đến lượt những cơn mưa lớn này lại gây ra lũ lụt.

Khí thải sinh học gây ra gió lốc

Một trong những cách thức để các cơn bão và gió lốc (cyclone) có thể tự hình thành, sau đó lại tự tan rã chính là nhờ hiện tượng "gió đứt" (wind shear). Hiện tượng gió đứt chính là sự thay đổi về tốc độ và hướng gió, khi các luồng gió (chuyển động của không khí) di chuyển và thay đổi cao độ.

Với sự phát triển của các ngành công nghiệp sản xuất & chế tạo, cùng lối sống tôn thờ chủ nghĩa tiêu dùng hiện nay, con người đang thải ra vào khí quyển những khí thải sinh học (biomass burning), cùng khí thải từ các phương tiện giao thông khác. Những loại khí thải này có thể can thiệp và làm gián đoạn hiện tượng gió đứt trên, khiến cho các cơn bão và gió lốc sau khi hình thành không thể tự tan rã một cách tự nhiên được.

o-nhiem-moi-truong

Hiện tượng gió đứt (nguồn: AFLOAT Magazine).

Đặc biệt, khi so sánh cường độ của các cơn gió lốc được ghi nhận trong khoảng 1979 - 1996 với khoảng 1997 - 2010, các nhà nghiên cứu nhận thấy các cơn gió lốc và bão càng về sau này càng có cường độ mạnh hơn. Bởi vậy, họ đi đến kết luận rằng con người có thể là một tác nhân dẫn đến sự thay đổi này.

Cháy rừng gây ra lốc xoáy

Tuy chưa có lời giải thích cặn kẽ, nhưng giới chuyên gia cho biết các làn khói đến từ những vụ cháy rừng, cụ thể là tại Mỹ, có khả năng tạo ra những cơn lốc xoáy (tornado) với cường độ mạnh. Nhiều nguồn lập luận rằng việc này có thể tương đương với việc ảnh hưởng của gió đứt bị làm nhiễu loạn bởi khí thải sinh học và ô nhiễm không khí, khiến cho các cơn bão không thể tự tan rã.

Hoạt động công nghiệp gây ra sự thay đổi nhiệt độ thất thường trên biển

Nhiều nghiên cứu cho thấy hoạt động công nghiệp đến từ các nhà máy có thể chịu trách nhiệm gây ra đến 75% sự thay đổi nhiệt độ thất thường trên bề mặt nước biển.

Tại một góc độ khác, Trung tâm Quan sát Địa Cầu của NASA (NASA Earth Observatory) cho biết không khí trong một môi trường ô nhiễm, trong điều kiện có thể ngưng tụ và trở thành mây, thì những đám mây này thường chứa nhiều hạt hơi nước (water vapor droplet) hơn, và các hạt này cũng có kích thước nhỏ hơn so với những đám mây được ngưng tụ từ không khí tại những khu vực ít ô nhiễm.

bao-ve-moi-truong

Hạt hơi nước (nguồn: ACCIONA I'MNOVATION).

Chính kích cỡ nhỏ hơn của các hạt hơi nước trong các "đám mây ô nhiễm" này đã khiến chúng có khả năng hấp thụ ánh sáng Mặt Trời tốt hơn, vô hình chung ngăn chặn ánh sáng và hơi ấm đến với các khu vực xung quanh. Việc này tạo ra hiện tượng giảm nhiệt độ dưới mặt nước biển, gây ra nhiều hệ lụy phiền toái khác.

Liệu có thể mãi đổ thừa thiên nhiên?

Rõ ràng những ví dụ trên đã cho thấy tại sao con người thực chất đang tự tay gây ra các thảm họa trên chính môi trường sống của mình. Tất nhiên ta không loại trừ những thảm họa trực tiếp đến từ thiên nhiên (ví dụ: hoạt động của núi lửa tạo ra sóng thần, động đất...), nhưng rõ ràng tác động của con người là không thể phủ nhận.

Các bạn nghĩ gì về vấn đề này? Theo bạn thì con người có đóng vai trò chủ yếu trong việc gây ra các thảm họa thiên nhiên không? Tại sao?


Link gốc:

https://www.scidev.net/global/disasters/news/air-pollution-causing-stronger-cyclones-study-finds.html

Từ khóa: 

thiên tai

,

thảm họa thiên nhiên

,

natural disaster

,

ô nhiễm môi trường

,

bảo vệ môi trường

,

kiến thức chung