Cách để viết một bản khảo sát (survey) tốt?

  1. Marketing

Kỹ năng phát triển các bản khảo sát (survey) là một kỹ năng quan trọng đối với nhiều lĩnh vực, từ marketing, kinh doanh cho đến nghiên cứu - quản trị dân sự, những cũng là một trong những kỹ năng chưa được quan tâm phát triển đúng mực tại Việt Nam ta.

Vậy đâu là các bước để tạo ra được một bản khảo sát tốt?

1/ Hiểu bạn cần những thông tin nào

Để tạo ra được một survey tốt, bạn cần có những câu hỏi tốt. Nhưng để có được những câu hỏi tốt, bạn cần phải biết mình cần đạt được những thông tin cụ thể nào từ người tham gia khảo sát (survey participations).

Một trong những cách tốt nhất để biết được bạn đang cần những thông tin nào là ngồi xuống, cầm bút lên và bắt đầu mind-map. Trong quá trình thực hiện vẽ sơ đồ tư duy, bạn sẽ từng bước liệt kê ra được những thông tin chính và phụ cần thiết.

cach-lam-khao-sat

Nguồn: The Thinking Business

2/ Lựa chọn dạng câu hỏi (question types) thích hợp

Việc sử dụng dạng câu hỏi thích hợp có thể giúp survey của bạn thu lại được nhiều thông tin hơn, và cũng chính xác hơn. Dưới đây là một vài dạng câu hỏi khảo sát thường gặp:

  • Câu hỏi Đúng/Sai (Yes/No questions) - loại câu hỏi mà người tham gia chỉ có thể trả lời đúng hoặc sai; có hoặc không; đồng ý hoặc không đồng ý. Đây là loại câu hỏi mà các chuyên gia survey khuyên chúng ta hạn chế sử dụng, vì chúng khó có thể giúp ta thu về thông tin chi tiết.
  • Câu hỏi theo mức độ (Ratio questions) - thay vì chỉ có 2 sự lựa chọn đồng ý hoặc không đồng ý, người tham gia có thể trả lời "hoàn toàn đồng ý" hoặc "tương đối đồng ý"...loại câu hỏi này thường được ưa chuộng hơn.
khao-sat

Câu hỏi mức độ. Nguồn: Berkshire Children & Families

  • Câu hỏi có nhiều phương án trả lời (Multiple choice questions) - dạng câu hỏi này có thể giúp khai thác một chuỗi các thông tin liên tiếp về chủ đề, vì thế nên được sử dụng cho các chủ đề phức tạp hoặc mang tính học thuật.
  • Câu hỏi có hơn một "đáp án" (Checkbox) - dạng câu hỏi mà bạn có thể lựa chọn nhiều hơn 1 phương án trả lời.
  • Câu hỏi xếp hạng (Ranking) - những câu hỏi này đòi hỏi người tham gia cân nhắc thứ tự ưu tiên giữa các phương án trả lời. Dạng câu hỏi này vì vậy thường được áp dụng để nghiên cứu xem khách hàng thích điều gì và chưa hài lòng về điều gì.

3/ Cách thức đặt câu hỏi

Sau khi lựa chọn được loại câu hỏi phù hợp, điều cần làm tiếp theo là đặt ra các câu hỏi tốt và có khả năng khai thác thông tin triệt để từ người tham gia.

Để tạo ra được những câu hỏi survey tốt, chúng ta cần lưu ý những điều sau:

  • Ngôn ngữ ngắn gọn và đơn giản: có một sự thật là không ai thích đọc những câu hỏi quá dài dòng hoặc phức tạp. Những câu hỏi ngắn gọn sẽ thu hút người tham gia hơn.
  • Hỏi những điều cụ thể: thay vì hỏi "Bạn tập thể dục có thường xuyên không?", bạn có thể hỏi "Bạn tập thể dục bao nhiêu lần/tuần?"
  • Không nên hỏi quá nhiều: nếu được, bạn nên cố gắng thu gọn danh sách các câu hỏi survey lại. Một danh sách từ 15 câu hỏi trở lên là quá dài.
  • Đừng hỏi những câu na ná nhau: việc này có thể gây nhầm lẫn và khiến người đọc khó trả lời. Bạn cần chú ý sử dụng những câu hỏi thật tách bạch về mặt nội dung và mục đích hỏi.
ky-nang-lam-khao-sat

Nguồn: Strategy

  • Ưu tiên câu hỏi mức độ hơn câu hỏi Đúng/Sai: vì câu hỏi mức độ tạo ra nhiều sự lựa chọn hơn cho người tham gia, và cũng giúp thu về thông tin chính xác hơn.
  • Chia nhỏ các nội dung phức tạp thành nhiều câu hỏi nhỏ: việc này vừa giúp người tham gia sẵn sàng trả lời hơn, vừa không làm giảm bớt mức độ đầy đủ của thông tin.
  • Tránh yêu cầu người tham gia nhớ lại các sự kiện: nên hạn chế những câu hỏi về một sự kiện cụ thể nào đó trong quá khứ, vì sẽ gây khó khăn cho người tham gia khi trả lời.
  • Tránh những câu hỏi mở: đây là những câu hỏi mà người tham gia có thể ghi vào bất cứ thông tin hoặc đáp án nào. Tuy nhiên, bạn đọc cần tránh loại hình này, vì nó vừa khó đánh giá, vừa mất thời gian.
ky-nang-survey

Ví dụ câu hỏi mở. Nguồn: Pollfish Help Center

4/ Những lưu ý khác

Ngoài ra, khi làm survey, bạn đọc cũng cần lưu ý:

  • Nhắm vào một nhóm đối tượng cụ thể (target audience): điều này giúp bảo đảm việc người tham gia sẽ dễ tiếp nhận những câu hỏi của bạn hơn.
  • Có thể cân nhắc tặng thưởng (incentive) cho người tham gia: có thể là một ít tiền, có thể là một món quà tặng nho nhỏ, nhằm đáp lại công sức trả lời câu hỏi của họ.
  • Sau khi hoàn tất phần câu hỏi, bạn nên kiểm tra thật kỹ lại với đồng nghiệp hoặc bạn bè, nhằm bảo đảm bạn không phạm lỗi chính tả, hoặc các lỗi trình bày khác.


Link gốc:

Beadell, S. (2018) Surveys 101: a simple guide to asking effective questions.

Charest, D. (2018) How to write good survey questions.

Survey Monkey (2018) Writing good survey questions.

Survey Monkey (2018) Learn how to create a successful survey in 10 steps.

Từ khóa: 

survey

,

cách làm khảo sát

,

khảo sát

,

kỹ năng làm khảo sát

,

kỹ năng survey

,

marketing