Cách LẬP DÀN Ý để có một bài viết hay

  1. Kỹ năng mềm

Khi một bài viết hay cuốn sách được viết ra, điều chúng ta hy vọng nhất đó chính là sự quan tâm của độc giả. Vì vậy, muốn người đọc theo dõi từng câu, từng chữ trong bài viết, bạn phải đáp ứng được nhu cầu của họ. 

Vậy phải làm thế nào? Tất nhiên là bạn nên lập một dàn ý để có được một bài viết rõ ràng, mạch lạc mới có thể dẫn dắt độc giả qua từng vấn đề một cách nhịp nhàng, trôi chảy nhất.

Một dàn ý rõ ràng, mạch lạc sẽ giúp bạn có được một bài viết hay (Nguồn ảnh: grammarly)

Dàn ý là gì?

Dàn ý, hay mình thường gọi là outline, là kim chỉ nam cho mọi bài viết. Và nó không khó để tạo nên. Một dàn ý tốt phải triển khai rõ ràng, mạch lạc và logic chủ đề bạn đặt ra và khiến người đọc đi theo từng ý đến tận cuối cùng. Đồng thời, nó đưa người đọc từ vấn đề này đến vấn đề khác một cách tự nhiên, không gượng ép. 

Thông thường, dàn ý như thế nào sẽ phụ thuộc vào chủ đề (topic), hướng đi (angle) của bạn muốn. Có khá nhiều cách để tìm ra một dàn ý hay cho người viết. Và cũng có nhiều cách đề thú vị khiến người đọc sẽ dừng chân.

Tại sao phải xây dựng dàn ý trước khi viết?

Sai lầm thường gặp nhất của các bạn mới vào nghề viết lách hoặc viết theo sở thích là bỏ qua bước lập dàn ý. Chính vì điều này, bài viết dù ngắn hay dài, đều rơi vào tình trạng thiếu logic, khó hiểu và đánh đố người xem. 

Thậm chí, mình từng gặp một vài bạn, dù đã làm trong ngành này tới 2-3 năm, vẫn chưa có thói quen tạo dàn ý, và mỗi khi chỉnh bài cho các bạn, mình khá phiền lòng. Nên hầu như những ai làm việc với mình, mình yêu cầu phải làm dàn ý, mình sẽ duyệt dàn ý trước, bất kể bài viết có dài trên 2000 từ hay dù chỉ là một bài chia sẻ vài ba dòng trên facebook. Đây cũng là một cách để bạn bớt đi việc phải chỉnh sửa khi lên bài chi tiết. 

Ngoài ra, với lượng quảng cáo hay thông tin trên internet ngày nay, người đọc tiếp xúc với rất nhiều bài viết, câu chuyện, họ nghiễm nhiên miễn dịch với các bài viết bình thường mà ở đâu cũng có thể bắt gặp. Đây chính là lúc bạn – một người viết lách – phải tìm cách để các bài viết của bản thân tốt hơn và thu hút hơn, trước hết là bằng dàn ý đầy độc đáo và hay ho, không thể lẫn ở đâu khác. 

Cách lập dàn ý để có một bài viết hay

  1. Trước khi lên dàn ý, hãy nghiên cứu nhiều hơn 

Công việc nghiên cứu không hề dễ dàng. Bạn phải nghiên cứu thật nhiều để từ đó chắt lọc ra những vấn đề mới lạ, độc đáo, có như thế bạn mới có thể khiến độc giả dừng chân. 

Khi viết về một vấn đề cụ thể, bạn phải nắm thật rõ những gì mà bạn sẽ khai thác về chủ đề đó. Người đọc phải hiểu được điều bạn đang nói đến ở đây là gì, đặc biệt là các chủ đề còn mới lạ với họ.

2. Tập thói quen xây dựng công thức 5W-1H 

Công thức 5W - 1H (Nguồn ảnh: Internet)

5W1H thì bất kỳ ai cũng biết. Nó gần như là bước đầu tiên của mọi vấn đề cần làm sáng tỏ và tư duy rõ ràng hơn. Một bí kíp lạ mà quen nhỉ: Là ai? Cái gì? Ở đâu? Khi nào? Tại sao? Làm cách nào?  

Khi trả lời được những câu hỏi này, bạn sẽ biết rằng mình phải viết cái gì, viết cho ai và viết như thế nào. Các vấn đề càng được làm sáng tỏ một cách chi tiết, công cuộc viết lách của bạn sẽ trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.

3. Nếu viết bằng chữ không rõ ràng, hãy lên mindmap 

Mindmap có khả năng kích thích tư duy sáng tạo ((Nguồn ảnh: Internet)

Đừng cứng nhắc nhé. Lên outline bài viết đâu có nghĩa là ngồi lấy bút viết ra từng hàng từng chữ một. Bạn có thể dùng bất kỳ phương thức nào khác. Cách mình hay làm là mindmap. Khả năng tập trung và ghi nhớ của chúng ta sẽ hiệu quả hơn nếu đó là hình ảnh hoặc sơ đồ, thay vì là những con chữ. Đây là cách mình dùng từ nhỏ tới giờ để học tập và làm việc. 

4. Đưa ra cho mình nhiều sự lựa chọn

Sau khi làm hết tất cả các nghiên cứu trên, cách làm việc của mình là luôn có ít nhất 3 phương án cho một điều gì đó. Và nhất định các phương án này đều phải xoay quanh nội dung và mục tiêu của bài viết. Nếu chỉ dừng lại từ 1-2 phương án là quá ít, nó hạn chế khả năng tưởng tượng và phát triển của bạn. Khoảng 4-5 lại là quá nhiều, bạn sẽ gặp khó khăn trong việc lựa chọn. Vì vậy 3 phương án chính là đẹp nhất. Vừa đủ. 

Tất nhiên, nếu bài đó quá đơn giản hoặc deadline quá gấp gáp, thì bạn có thể linh hoạt làm ít thôi. Nhưng nếu có thời gian, mình thật lòng khuyên bạn hãy cho bản thân nhìn thấy khả năng và sự sáng tạo thực sự của mình. 

5. Chuẩn bị sẵn các ví dụ xoay quanh các luận điểm của mình

Bạn nêu một luận điểm, nhưng bạn không có ví dụ, người đọc sẽ cảm giác bạn chẳng đáng tin chút nào. Người đọc rất thích những bài viết rõ ràng, ví dụ dễ hiểu và thực tế. Điều này khiến họ sẽ tin tưởng, yêu thích và quay lại với người viết có nhiều ví dụ minh họa. 

Họ sẽ càng yêu thích hơn, nếu ví dụ của bạn có sự gần gũi với đời sống của họ, khiến họ ngay lập tức liên tưởng đến câu chuyện của bản thân mình. 

6. Liên kết các đoạn với nhau bằng những câu từ hấp dẫn 

Đừng bỏ qua tầm quan trọng của việc kết nối các đoạn văn trong bài viết của bạn. Theo nghiên cứu, bài viết càng dài, người đọc càng có xu hướng bỏ qua việc đọc tiếp. Nếu họ dần cảm giác câu từ của mình không có tính kết nối, rời rạc hoặc đơn giản là không đủ hấp dẫn đi tiếp. Họ sẽ tìm lối ra gần nhất và không quay trở lại đọc tiếp. 

Để dễ hiểu điều này, bạn cứ liên tưởng đến teaser, trailer và phim. Tung tý teaser cho bạn hấp dẫn chú ý, sau chút nữa lại mồi chút trailer để bạn khao khát muốn đi xem, và cuối cùng bạn tới rạp. Vậy là họ đã thành công!

Mình hy vọng sau bài viết này, bạn sẽ nắm được cách để lập dàn ý hiệu quả để có thể đem lại một bài viết có sức hấp dẫn. Một khi bạn trân trọng người đọc của mình, chắc chắn họ sẽ trân trọng “chất xám” trong từng câu chữ của bạn!

Từ khóa: 

kỹ năng mềm