Cấu tạo chiếc GHE BẦU của người Quảng

  1. Nghệ thuật

  2. Thấu Ngành Hiểu Nghề

Ghe bầu được giải thích theo nhiều hướng tiếp cận khác nhau. Nếu theo hướng ngôn ngữ học thì danh từ ghe bầu được cho là gần với tiếng của người Mã Lai - Nam Đảo, hay có nguồn gốc Chăm. Ghe tương ứng với gay trong tiếng Mã Lai, gaiy trong tiếng Champa; và bầu (hay bàu) gần giống với pràu trong ngôn ngữ Mã Lai. Tên gọi ghe bầu nếu phân tích theo nghĩa Hán Nôm thì cũng thấy mối liên hệ với chữ thuyền. Để viết chữ ghe người ta sử dụng hai thành phần 舟(chu, có nghĩa là thuyền) và 箕 (ky hay cơ, có nghĩa là cái thúng cái rổ đan bằng tre). Cách ghép chữ này được xuất hiện trong tự điển tiếng Nôm hoặc Đại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của. Việc gọi là thuyền hay ghe cũng có ý nghĩa của nó khi mà lịch sử dân tộc được biết đến với ảnh hưởng mạnh mẽ của những yếu tố Trung Hoa, Ấn độ và Đông Nam Á. Miền Bắc (hay có thể hiểu ở đây là Đàng Ngoài dưới sự cai trị của chính quyền chúa Trịnh, đặt trong mối tương quan đối xứng với chính quyền Đàng Trong của chúa Nguyễn) với ảnh hưởng trực tiếp và mạnh mẽ của văn minh Trung Hoa và ở một góc độ nào đó cũng chịu sự chi phối của hệ thống ngôn ngữ của nền văn minh này. Trong khi đó Đàng Trong, nhất là trước khi người Việt tiến hành những cuộc di cư vào Nam thì yếu tố Đông Nam Á, nguồn gốc Mã lai - Nam đảo đã hoàn toàn chi phối đời sống và hệ thống ngôn ngữ ở đây.

Nếu tiếp nhận danh từ ghe bầu theo hướng dân tộc học thì nó đơn thuần là một cách sử dụng ngôn ngữ địa phương . Đối với các tỉnh từ Quảng Nam - Đà Nẵng trở vào Nam thì từ ghe được người dân sử dụng để chỉ loại phương tiện đi sông, đi biển, cũng giống như cách gọi thuyền ở miền Bắc. Còn bầu đơn giản chỉ là cái bụng bầu (khoang thuyền rộng và tròn, giống trái bầu phình ra ở giữa), một đặc điểm nổi bật ở những chiếc ghe bầu đi biển. Trần Văn An đã liên hệ một cách rất hình tượng về từ bầu trong ghe bầu với má bầu của cô gái, chiếc dao bầu gắn bó trong sinh hoạt, sản xuất của người lao động

https://cdn.noron.vn/2021/08/09/871321915916760382-1628512961.jpg

Với người dân có đời sống liên quan đến sông nước, đặc biệt là dân ghe bầu Xứ Quảng thì chiếc ghe không chỉ đơn thuần là một phương tiên di chuyển, hành nghề mà còn mang những ý nghĩa đặc biệt về tín ngưỡng. Họ quan niệm chiếc ghe gắn liền với tính mạng chủ ghe, ảnh hưởng tới sự may mắn, thành công hay thất bại của chuyến đi buôn, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống mưu sinh, thậm chí là sức khỏe và tnhs mạng của chủ ghe. Vì thế, đóng một chiếc ghe bầu quan trọng như việc làm nhà, là chuyện đại sự của cả một đời người nên chủ ghe phải rất cẩn trọng, tuân thủ nghiêm ngặt các nghi lễ, tục lệ có liên quan: “Thời điểm đóng phải hợp tuổi với chủ ghe. Nếu năm đó không hợp tuổi thì phải đợi những năm kế tiếp. Trường hợp không thể chậm trễ vì cần gấp có ghe để buôn bán nhưng tuổi không hợp thì phải nhờ cha, anh hoặc một người thân trong gia đình có tuổi phù hợp, tốt để đứng ra đóng thay. Được năm rồi còn phải coi ngày tốt để khởi công. Ngày khởi công đóng ghe phải tránh các ngày nguyệt kỵ, sát chủ, tam nưởng, thủy phá,…” (Trần Văn An, 2011)

Cũng theo tác giả này, từ lúc chọn được ngày tốt để khởi công đến khi chọn được ngày tốt để xuất bến mở hàng, chiếc ghe bầu của cư dân Xứ Quảng nói riêng phải được 6 lễ cúng chính: lễ phạt mộc, lễ giáp ghim, lễ khai quang điểm nhãn, lễ hạ thủy, lễ xông ghe và lễ đưa dăm tống mộc. Lễ phạt mộc: là lễ mở đầu cho quá trình đóng ghe. Lễ vật được bày ra trên bàn cúng, nơi chuẩn bị đóng ghe, gồm gà trống luộc, xôi, chè, chuối, hương hoa, giấy tiền vàng mã, rượu trà, gạo, muối, trầm,... Ngoài ra, gỗ đóng ghe ngoài việc phải đảm bảo chất lượng thì còn phải đạt yêu cầu về tín ngưỡng – tâm linh. Gỗ phải không có tì vết như dây rừng bám để lại dấu, phải sạch sẽ, không bị làm dơ uế,… đặc biệt là các súc gỗ được chọn làm long cốt và hai lô.

Lế giáp ghim: lễ vật giống như lễ phạt mộc (hoặc có sự gia giảm tùy chủ ghe). Cúng xong, người thợ cả bắt đầu nghi thức giáp ghim bằng cách lấy các cây chốt trên bàn thờ đem ra đóng vào các lỗ chốt đục sẵn nối cò điếu với long cốt và lô. Đóng xong, thợ cả lấy rượu cúng trên bàn thờ rưới vào chỗ giáp ghim để làm phép rồi cùng chủ ghe tiến hành lễ tất.

Lễ khai quang điểm nhãn: sau khi đóng ghe hoàn tất, các bộ phận như cột buồm lòng, bánh lái đã chuẩn bị sẵn, mui khoang đã ráp kĩ, trước khi làm lễ hạ thủy, người ta làm lễ khai quang điểm nhãn. Đây là nghi thức ngắn gắn với tục vẽ mắt trước mũi ghe nhằm linh thiêng hóa chiếc ghe, với ý nghĩa tạo cho chiếc ghe trở thành một linh vật có sức sống, có sự tương thông với con người trong việc hướng tới cái tốt đẹp, hanh thông, tránh xa điều bất lợi.

Lễ hạ thủy: sau lễ khai quang điểm nhãn là lễ hạ thủy cho ghe. Khi cúng, chủ ghe coi thầy chọn ngày tốt và chọn lúc nước lên. Chủ ghe cúng vái cầu mong các vị thần sông nước, âm binh bộ hạ cùng cô bác (âm hồn) phù trợ cho chiếc ghe được an toàn, đi lại được thuận lợi. Ghe xuống nước xong mới dựng cột buồm long, tra bánh lái, làm các lá buồm bằng đệm (Trần Văn An, 2011). Hạ thủy là công đoạn quan trọng đánh dấu thời điểm chiếc ghe hòa mình vào môi trường sông nước.

Lễ xông ghe: là lễ cuối trong quá trình đóng ghe, thực hiện xong thì chiếc ghe sẽ được đưa vào hoạt động. Người ta bố trí các bàn cúng trên mui trước mũi ghe, gồm ba cấp từ cao xuống thấp. Bàn cao nhất đặt trước mũi ghe để cúng các vị thủy thần, thần bảo trợ như bà Đại Càn, bà Thủy Long, hai bên tả hữu bố trí hai bàn cúng các vị hà bá, luồng lạch. Cấp giữa là bàn cúng các vị thủy thần bậc thấp như Nam Hải Ngọc Lân tôn thần (cá ông), Đông Nam sát hải Lang Lại nhị đại tướng quân (rái cá),… với ý nghĩa trấn yểm, loại bỏ các đối tượng làm hại khỏi ghe.

Lễ đưa dăm tống mộc: là nghi thức rất quan trọng và mang tính chất bắt buộc trước khi đưa chiếc ghe vào hoạt động và được thực hiện trong lễ xông ghe. Người ta cho rằng, do các loại cây gỗ dùng đóng ghe đều có linh tính, có hồn. Khi còn ở trên rừng, trên núi, cây có nhiều lực lượng siêu nhiên dựa vào. Để các thế lực này khỏi quấy phá chiếc ghe trong quá trình hành nghề, người ta phải làm nghi thức tống chúng đi. “Nghi thức gắn với ước muốn loại bỏ các thế lực làm hại khỏi chiếc ghe, loại bỏ tính thụ động, vật chất vốn có để biến nó thành một vật linh, sống động, có ích cho con người” (Trần Văn An, 2011)

https://cdn.noron.vn/2021/08/09/871321915916760383-1628512965.png

Kiến trúc sườn ghe Việt Nam (trái) và sườn thuyền phương Tây (phải)

https://cdn.noron.vn/2021/08/09/871321915916760384-1628512991.png

Các loại buồm tứ giác

https://cdn.noron.vn/2021/08/09/871321915916760386-1628513016.jpg
https://cdn.noron.vn/2021/08/09/871321915916760391-1628513072.jpghttps://cdn.noron.vn/2021/08/09/871321915916760390-1628513069.pnghttps://cdn.noron.vn/2021/08/09/871321915916760389-1628513065.jpg
https://cdn.noron.vn/2021/08/09/871321915916760392-1628513127.png
https://cdn.noron.vn/2021/08/09/871321915916760393-1628513150.png
https://cdn.noron.vn/2021/08/09/871321915916760394-1628513155.png
https://cdn.noron.vn/2021/08/09/871321915916760397-1628513162.png
Từ khóa: 

nghệ thuật

,

thấu ngành hiểu nghề