Cuộc đời hoàng đế Lý Cao Tông và những bài học lịch sử không bao giờ cũ

  1. Lịch sử

Xuyên suốt lịch sử các triều đại, dường như không có bất cứ triều đại nào thoát khỏi cái tai ách “vua quỷ” - tức những vị vua, vị hoàng đế, tuy thân khoác áo bào, nhưng sống và làm việc vô trách nhiệm, không lo việc nước, không quan tâm đời sống nhân dân, đẩy họ vào cảnh lầm than, đói khổ. Buồn thay, hoàng đế Lý Cao Tông (1173 - 1210) lại là một vị hoàng đế như vậy.

Vậy rốt cục, ông đã có một cuộc đời như thế nào?

Bối cảnh

Vua Lý Cao Tông tên thật là Lý Long Trát (hay Lý Long Cán), là con trai thứ 6 của vua Lý Anh Tông, mẹ ông là Đỗ Thuỵ Châu. Ông sinh vào ngày 6 tháng 7 năm 1173 dương lịch, cầm tinh Con Rắn, cung Cự Giải theo hoàng đạo phương Tây. Ông chính là anh thứ của Lý Long Tường - người sau này đã trở thành Hoa Sơn Tướng Quân của Cao Ly (Hàn Quốc thời xưa).

Ông lên ngôi khi mới được 3 tuổi, sau khi vua Lý Anh Tông truất ngôi người con cả là Lý Long Xưởng. Do tuổi nhỏ mà mang trọng trách lớn, ông được vua cha uỷ thác cho Thái Uý Tô Hiến Thành dạy bảo và giúp đỡ. Không may, Tô Hiến Thành chưa phò tá ông được bao lâu thì mất vì tuổi già sức yếu. Khi đó vua Lý Cao Tông mới chỉ 7 tuổi, và kể từ lúc ấy, ông như một con thuyền không lái, trôi tuột theo chuỗi chính biến nội cung loạn lạc.

Lục đục trong nội bộ hoàng tộc

Ở đời vua nào gần như cũng có việc tranh giành ngôi vị giữa các thái tử. Không lâu sau khi vua cha Lý Anh Tông mất, thái tử đã bị truất ngôi là Lý Long Xưởng dấy quân làm loạn. Các cuộc chính biến và nổi loạn trong và ngoài triều đình về sau cũng diễn ra nhiều, bởi người dân không tìm thấy niềm tin nơi một ông vua vừa trẻ tuổi, vừa thiếu sự phò tá dẫn dắt từ các đại thần. Tình hình kinh tế và xã hội của đất nước vì thế cũng trở nên xấu dần.

Không có cận thần đáng tin phò tá 

Được biết, kể từ sau khi Thái Uý Tô Hiến Thành mất đi, vua Lý Cao Tông không những không còn nhận được sự hướng dẫn, giáo dưỡng từ các vị đại thần, mà vì tư tưởng không quyết đoán, nên thường nghe theo các hoạn quan xung quanh. Một trong số tên hoạn quan đã xúi Lý Cao Tông xây dựng thêm điện đài khắp nơi, và bỏ bê làm ăn kinh tế, chính là Phạm Bỉnh Di. Cũng chính vì bỏ ngoài tai lời can gián của các trung thần và quá nghe theo hoạn quan, việc triều chính của Lý Cao Tông cũng lụn bại từ đó.

thanh-ky-y-1

Vị vua ưa thích hưởng lạc

Được biết, Lý Cao Tông thuở nhỏ tuy là một người khá ngoan lành, nhưng kể từ khi lớn lên, ông bắt đầu sa ngã vào những thú vui như tiệc tùng, phụ nữ, săn bắn, ngao du đây đó, buông bỏ và không quan tâm đến việc triều chính. Ông còn có một thói quen xa hoa là mỗi khi đi ngao du đến đâu, nếu cảm thấy hứng chí thì sẽ liền cho xây dựng đền đài tới đó, đây chính là chi tiết liên quan đến Phạm Bỉnh Di đã được trình bày ở trên.

Chính sự ưa hưởng lạc đã khiến tinh thần nhà vua ngày càng sa đoạ, đến mức có không ít lần, khi đang tiệc rượu trong cung, mặc dù nghe thấy tiếng dân la hét bên ngoài vì nạn giặc dã, ông vẫn quyết định làm ngơ, mặc kệ xã tắc loạn lạc! Thói xa hoa của ông cũng không có giới hạn: ông từng có lần sai cận thần chở bằng thuyền trên sông, sau đó sai họ thả các thứ châu báu và hải vật xuống đáy sông, rồi lại lặn xuống vớt lên tặng cho ông - học đòi bắt trước cảnh các nô tỳ dâng tặng bảo vật cho Long Cung Hoàng Đế.

Bệnh tật, chết trẻ do ăn chơi vô độ và hệ luỵ cho đời sau

Lý Cao Tông là một ông vua vắn số. Hưởng dương chỉ đến năm 37 tuổi là mất, vì ông đã có lối sống quá phóng túng, hoang lạc. Nhưng việc ăn chơi sa đoạ không chỉ gây ảnh hưởng tồi tệ đến sự cai trị của bản thân ông, mà nó cũng ngầm đánh dấu mốc suy sụp của triều Lý sau này.

Cụ thể, trong việc đối phó với chính biến hay binh biến, vì bản thân là một người lười biếng chỉ ưa thích ăn chơi, nên ông phó mặc tất cả cho các cận thần, một trong số đó là một viên quan họ Trần tên là Trần Lý. Và chính là sau những cuộc binh biến này, do được tín nhiệm bởi Lý Cao Tông (vì bản thân nhà vua quá bất lực), mà vây cánh nhà họ Trần trong triều ngày càng mạnh lên.

Lối sống hưởng lạc cũng để lại hệ luỵ nghiêm trọng lên sức khoẻ của chính Lý Cao Tông và cả hậu duệ của ông sau này - Lý Huệ Tông - một nhà vua ốm yếu, bị mắc bệnh phong và từng có lúc phát chứng điên, vì lý do sức khoẻ cũng không thể lo được việc triều chính. Sau đời Lý Huệ Tông là bà Lý Chiêu Hoàng - nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh, kết thúc triều đại nhà Lý.

Bài học rút ra

Cuộc đời của vua Lý Cao Tông cho chúng ta thấy có ít nhất 3 yếu tố quyết định sự thành bại của một triều đại, một nhà vua, hay một con người nói chung:

  • Lục đục trong gia đình: gia đình là cái gốc, và nếu cái gốc này lung lay, chúng ta sẽ khó có thể làm nên sự nghiệp.
  • Không có sự dẫn dắt, giáo dưỡng tốt: vai trò của những người thầy, và những người bạn (hay cấp dưới) dám đứng ra can gián chúng ta, mỗi khi chúng ta làm điều sai trái, là rất quan trọng.
  • Ăn chơi trác táng không chỉ có hại cho chúng ta, mà cả các thế hệ sau: từ tinh thần làm việc đến sức khoẻ, cần phải giữ cho thật tinh tấn.

Làm vua không dễ, các bạn nhỉ! 😭

Từ khóa: 

tinh hoa việt nam

,

ngày này năm xưa

,

lịch sử

,

lý cao tông

,

vua lý cao tông

,

lịch sử

chính xác gia đình là gốc.

Trả lời

chính xác gia đình là gốc.