Đọc Hoàng tử bé để nuôi mộng bình sinh hay ngấm nỗi nhân sinh

  1. Sách

(*) Bình sinh (danh từ): có nghĩa là trong cả một đời người (nói về cái tốt, cái đẹp trong lối sống) hoặc suốt cuộc đời; cuộc sống hàng ngày.

Hoàng tử bé là cuốn sách nổi tiếng. Dường như ai cũng đã từng ít nhất một lần được nghe nhắc về nó với những lời nhận xét rất trìu mến vì những giá trị mà nó mang lại. Riêng mình, mặc dù đã mua và sở hữu cuốn sách này từ rất lâu rồi, nhưng phải đến tận tối hôm qua, vào đêm Giáng sinh (nếu nói đêm Giáng sinh là đêm 24 :D), mình mới mở ra đọc nó. Và một cảm giác dịu êm lan tỏa khắp tâm hồn mình với một dư vị để lại sau cuối thật ấm áp, để rồi mình chợt nhận ra, mình đọc Hoàng tử bé vừa được nuôi mộng bình sinh, vừa được ngấm nỗi nhân sinh.

81465456_1189053461304796_2329380091420737536_n

Cuốn sách Hoàng tử bé mà mình mua là phiên bản kỷ niệm 70 năm ngày tác phẩm xuất bản lần đầu. Phiên bản do dịch giả Trác Phong dịch.

Untitled

Các bản dịch tiếng Việt của Hoàng tử bé đã xuất bản tại Việt Nam. Ảnh chụp lại từ blog Mây-Mây-ing.

Vì sao lại như thế? Đó là bởi, ngôn ngữ của Hoàng tử bé do cả tác giả Antoine de Saint-Exupéry viết nên lẫn dịch giả Trác Phong chuyển ngữ mà thành (bản mình đọc là của dịch giả này dịch), là một thứ ngôn ngữ vô cùng đẹp, giản dị, dí dỏm mà giàu chất thơ. Cuốn sách tuy mục đích là hướng về tuổi thơ, nhưng sâu xa bên trong nó lại là một cuốn sách giàu triết lý, suy tư dành cho người lớn. Rằng:

Tuổi trẻ đọc nó để nuôi mộng bình sinh, còn tuổi già đọc nó để ngấm nỗi nhân sinh.

Dù là ở độ tuổi nào, bạn cũng có thể đọc Hoàng tử bé với những suy nghĩ và trải nghiệm có thể giống nhau mà cũng có thể khác nhau. Vì "Người lớn nào thì thoạt tiên cũng là trẻ con", cũng mộng mơ về những điều tốt đẹp đời thường trong cuộc sống, cũng suy ngẫm về những thực tế phũ phàng diễn ra trong hiện thực, để rồi thỉnh thoảng khóc cười không rõ lý do. Chẳng qua là, quá ít người trong số những người lớn ấy nhớ được điều đó, tức nhớ rằng mình đã từng có một thời trẻ con.

Được biết, tác giả Antoine de Saint-Exupéry là một phi công. Ông sáng tác nên Hoàng tử bé trong thời kỳ lưu vong khi nước Pháp bị chiếm đóng và lúc đó ông không được bay theo đúng nghĩa đen. Một tác phẩm văn học

chào đời từ sự tuyệt vọng
, một câu chuyện cổ tích cổ điển không bắt đầu bằng "Ngày xửa ngày xưa".

Cả cuốn sách thể hiện một sự bất bình về "Người lớn". Vì "Người lớn lúc nào cũng cần được giảng giải vì họ đa phần là không bao giờ tự hiểu được thứ gì. Luôn luôn và mãi mãi trẻ con cứ phải đi giải thích cho họ." Người lớn thật sự phiền phức đấy, có biết không?

Câu chuyện Hoàng tử bé bắt đầu khi tác giả, tức nhân vật "tôi" gặp nạn ở sa mạc Sahara, nơi cách xa người ở cả hàng nghìn dặm. Khi đó, "tôi" cảm thấy cô đơn còn hơn cả một kẻ đắm tàu sống sót trên bè giữa đại dương. Lúc đó, Hoàng tử bé đã xuất hiện, huyền bí đến nỗi không thể tin được. Vì sự huyền bí thật quá đỗi ghê gớm, vượt xa mọi tưởng tượng của "tôi", nên khi Hoàng tử bé nhờ "tôi" vẽ cho một con cừu, thì "tôi" đã không dám không tuân thủ mà vẽ nên một cái... hòm, nơi trong đó có một con cừu đang cư ngụ.

Xuất xứ của Hoàng tử bé - Hoàng tử bé từ đâu đến?

2a

Đây là bức chân dung đẹp nhất của Hoàng tử bé mà "tôi" sau này đã vẽ lại.

Hoàng tử bé đến từ một tiểu hành tinh mang tên B612. Đó là một hành tinh nhỏ đến mức nó chẳng lớn hơn một ngôi nhà. B612 là 1 tiểu hành tinh do một nhà thiên văn học người Thổ Nhĩ Kỳ nhìn thấy lần đầu tiên và cũng là duy nhất bằng kính viễn vọng vào năm 1909 (chứ chẳng phải là app chỉnh sửa hình ảnh quen quen nào đó đâu nha :D). Còn vì sao đặt tên B612 thì thực ra bản chất người lớn rất thích các con số (trẻ con cần phải hết sức độ lượng với người lớn vì điều này) vậy thôi.

Hoàng tử bé rất yêu hành tinh nhỏ bé ấy của mình. Mỗi buổi sáng thức dậy, sau khi đã làm vệ sinh sạch sẽ cho bản thân, cậu còn vệ sinh kỹ lưỡng cho cả hành tinh của mình nữa. Cậu cho rằng:

Trên tất cả các hành tinh, đều có cả cây tốt lẫn cây xấu. Thành thử mới có hạt giống tốt của cây tốt và hạt giống xấu của cây xấu. Nhưng các hạt giống thì chẳng nhìn thấy được. Chúng ngủ trong lòng đất bí ẩn cho đến khi bất chợt một trong số chúng hứng khởi muốn tỉnh dậy.

Và, cách tốt nhất để "xóa sổ" những cây xấu là cần phải thường xuyên nhắc nhở bản thân nhổ cây xấu đi ngay khi phân biệt được chúng với cây tốt (ở đây là bao báp với hoa hồng, hai loài mà khi còn là cây con, chúng trông giống y đúc nhau). Vì nếu lười biếng không nhổ những cây xấu đi, bỏ qua chỉ cần 1 cây con "nguy hiểm" thôi, thì không biết cả hành tinh sẽ rơi vào thảm họa gì.

Suy ngẫm: Mỗi ngày, chúng ta đã "vệ sinh" cho hành tinh Trái đất của mình được bao nhiêu lần? Hay là chúng ta đã xả nhiều rác hơn vào hành tinh xanh của chúng ta?

Hoàng tử bé có một sở thích giải trí rất vương giả, chính là được ngắm những cảnh mặt trời lặn êm dịu.

Có một ngày, tôi đã ngắm mặt trời lặn 44 lần!
little-prince-the-sunset-by-antoine-de-saint-exupery-2017-4

Một ngày Hoàng tử bé có thể ngắm hoàng hôn đến 44 lần, vì hành tinh của cậu nhỏ lắm, nhỏ đến nỗi chỉ cần xê dịch ghế một chút thôi là mặt trời vừa lặn xong đã lại tiếp tục lặn nữa. Ảnh: Google.

Lý do thì chỉ là vì buồn quá. Mà khi mình buồn quá thì mình làm gì? Mình sẽ thích ngắm mặt trời lặn, đơn giản vậy thôi!

Những chuyến du lịch của Hoàng tử bé

Như mình đã nói ở trên, rằng Hoàng tử bé rất yêu mến tiểu hành tinh B612 của mình, nơi mà cậu sở hữu tới 3 ngọn núi lửa (2 ngọn đang hoạt động và ngọn còn lại đã tắt nhưng ai biết đâu chữ ngờ) cùng 1 "nàng" bông hoa hồng kiêu kỳ. Vì yêu quý hành tinh ấy, nên cậu đã chăm sóc cho nó như chăm sóc chính bản thân mình, mỗi ngày đều nhổ hết các cây bao báp định bám rễ và mọc lên tại đây với mục đích... đục khoét hành tinh để xé toang B612 ra. Tuy yêu mến là thế, nhưng một ngày nọ, hoàng tử bé vẫn quyết định tạm rời hành tinh của mình để đi chu du khắp nơi với mục đích khám phá phần còn lại của vũ trụ. Mỗi hành tinh mà cậu ghé thăm đều có những con người vô cùng kỳ quặc, gồm 1 ông vua, ông hợm hĩnh, 1 ông nát rượu, 1 nhà buôn, 1 nhà địa lý, 1 người thắp đèn đường,... Chỉ duy hành tinh Trái Đất là có tới tận 111 ông vua, 7000 nhà địa lý, 900.000 nhà buôn, 7 triệu rưỡi ông nát rượu, 311 triệu ông hợm hĩnh và cả... một đội quân gồm 462.511 người thắp đèn đường trên tổng cộng 6 châu lục!

Biết bao nhiêu con người với những suy nghĩ hoàn toàn khác nhau, không người nào giống người nào, nhưng đã cho Hoàng tử bé và chúng ta rút ra bao nhiêu là bài học đáng giá. Chẳng hạn như:

  • Quyền lực trước tiên phải dựa vào lẽ phải. Cần phải yêu cầu người ta làm cái điều mà người ta có thể thực hiện được.
  • Phán xử chính bản thân mình bao giờ cũng khó hơn nhiều so với phán xử người khác. Nếu một người tự phán xử chính bản thân mình thành công, chứng tỏ họ là một bậc hiền giả.
  • Có thể sở hữu các vì sao nếu như trước đó chưa từng có ai nghĩ đến việc sở hữu chúng!
  • Nhà địa lý không phải là nhà thám hiểm. Nhưng 1 nhà thám hiểm dối trá sẽ gây ra thảm họa cho sách vở của nhà địa lý. Bởi "Sách địa lý là loại sách nghiêm túc hơn tất thảy mọi loại sách vở. Chúng chẳng bao giờ lỗi thời. Hiếm có khi nào 1 quả núi lại chuyển chỗ. Hiếm có khi nào 1 đại dương lại cạn nước. Chúng ta ghi chép những sự vật vĩnh cửu."

Nhưng mà những bài học này mới thật sự chán ngắt làm sao!

Hành tinh Trái Đất trông như thế nào?

Đó là một hành tinh bằng đá hoa cương theo cái nhìn của 1 con rắn. 1 con rắn có thể phát biểu rằng:

Ở sa mạc thì cô đơn, nhưng ở cùng với con người thì vẫn cứ cô đơn thôi.

Con người trên Trái Đất

Một con rắn thì cho rằng ở cùng với con người thì vẫn cứ cô đơn như thường, vậy 1 bông hoa thì sao?

Con người ư? Chúng có chừng 6 hoặc 7 đứa cả thảy. Gió cuốn chúng đi suốt nên chẳng ai biết được chúng ở đâu mà tìm. Chúng chẳng có rễ và điều đó làm chúng đến khổ.

Chỉ có con cáo là để lại ấn tượng khá sâu sắc trong lòng Hoàng tử bé. Vì khi gặp con cáo, Hoàng tử bé đã biết thế nào là thuần hóa và đã thuần hóa con cáo trở thành bạn của mình như thế nào.

Thuần hóa nghĩa là tạo mối ràng buộc để người này cần đến người kia như là duy nhất trong cuộc đời này.

Cách để thuần hóa 1 ai đó bất kỳ

Phải hết sức nhẫn nại. Đầu tiên, cậu phải ngồi cách xa tớ 1 chút. Tớ sẽ liếc nhìn cậu và cậu không nói gì hết. Ngôn ngữ là nguồn gốc gây ra mọi hiểu lầm. Nhưng mỗi ngày cậu có thể ngồi xích lại một chút.


Sẽ tốt hơn nếu cậu trở lại vào cùng một giờ. Ví dụ nhé, nếu cậu đến vào lúc bốn giờ chiều, thì từ ba giờ tớ đã bắt đầu thấy vui sướng rồi. Thì giờ càng trôi đi, tớ càng cảm thấy vui sướng hơn. Tới lúc bốn giờ, tớ đã bồn chồn và lo lắng rồi: tớ sẽ hiểu được cái giá của hạnh phúc. Nhưng nếu cậu đến vào bất cứ lúc nào, tớ sẽ chẳng bao giờ biết khi nào nên sửa soạn cho trái tim của tớ. Cần phải có nghi thức.
59651147_10157184017374085_1989725706761797632_o

Những điều đẹp nhất trong đời

Tất cả mọi thứ tồn tại trên tất cả các hành tinh (nếu bạn đếm được có tất cả bao nhiêu hành tinh thì hãy cho mình biết với nhé!) đều đẹp. Chúng đẹp vì tự thân chúng đẹp, điều mà chỉ với con mắt thường thì chẳng thể nào nhìn thấy được.

Điều khiến cho sa mạc đẹp, chính là nó giấu 1 cái giếng ở đâu đó.
80573420_2472518766333366_3072404262488113152_n

Một cái giếng ở đâu đó trên sa mạc...

Dẫu là ngôi nhà, các vì sao hay là sa mạc đi nữa, điều khiến chúng đẹp thì con mắt thường chẳng nhìn thấy được.

Hãy nhìn mọi thứ bằng con mắt mở to bên cạnh một trái tim nóng rực. Bởi người ta chỉ nhìn rõ được mọi thứ bằng trái tim và "Con mắt thường luôn mù lòa trước điều cốt tử."

Huyền bí biết bao là xứ sở của nước mắt

Sự xuất hiện của Hoàng tử bé ngay từ buổi ban đầu đã là một huyền bí khó giải thích với nhân vật "tôi", nhưng có khoảnh khắc "tôi" còn thấy huyền bí gấp bội, đó là khi nhìn nước mắt của Hoàng tử bé rơi. Ôi! huyền bí biết bao là xứ sở của nước mắt. Chúng ta nhìn vậy nhưng chẳng thấy đúng như vậy. Nước mắt rơi nhưng liệu ta có hiểu được vì sao nó rơi?

Hoàng tử bé đã học được bài học gì sau hành trình chu du?

le-petit-prince

Ảnh: Google

Khi gặp được con cáo, Hoàng tử bé đã thực sự có một đối tượng để trở nên "duy nhất" trong lòng họ. Ấy là cậu chính là duy nhất trong lòng con cáo, cũng như ngược lại. Vì cả hai đã thuần hóa được nhau. Và vì đã thuần hóa được nhau, nên cần phải có trách nhiệm với đối tượng mà ta đã thuần hóa. Nói cách khác, là không được bỏ rơi nhau. Không phải dễ dàng mà có được một người bạn, nên quên mất bạn là điều hoàn toàn không nên.

Sẽ đến lúc, khi đọc từng trang từng trang cuốn sách đáng yêu này, chúng ta thấy buồn bã mà rơi nước mắt. Nhưng đương nhiên là, Con mắt thường luôn mù lòa trước những điều cốt tử, nên chưa chắc khi khóc chúng ta hiểu rõ chúng ta đang khóc vì lý do gì. Chúng ta cuối cùng cũng sẽ không nhận ra tầm quan trọng của việc bảo vệ hành tinh Trái đất, cũng chẳng nhận ra rốt cuộc mình yêu thương quý mến dành tình cảm cho điều gì, như Hoàng tử bé!

Chúng ta chỉ biết được rằng chúng ta rơi nước mắt vì những ngôn từ thật đẹp:

Nếu ông thương một đóa hoa ở trên 1 ngôi sao, thì ngắm nhìn bầu trời vào ban đêm sẽ thật ngọt ngào. Tất cả các vì sao đều nở hoa.


Nếu ai đó thương 1 bông hoa mà bông hoa ấy lại là duy nhất trên cả triệu cả ức những vì sao, thì chỉ cần nhìn ngắm những vì sao thôi đã đủ để người ấy thấy mình hạnh phúc. Người ấy tự nhủ: "Bông hoa ấy của ta đang ở đâu đó trên kia..."

Liệu Hoàng tử bé có đang ở đâu đó trên kia...?

Từ khóa: 

hoàng tử bé

,

antoine de saint exupery

,

trác phong

,

review sách

,

cảm nhận sách

,

sách

Đây là một trong những nhà văn mình yêu thích. Mình có sưu tập TẤT CẢ cách tác phẩm của của ổng bằng bản tiếng Pháp. Riêng 2 cuốn Hoàng tử bé (Le petit prince) và Phi công thời chiến (Pilote de guerre) mình sưu tập cả chục bản các ngôn ngữ khác nhau và các bản dịch khác nhau trong cùng ngôn ngữ.

Trả lời

Đây là một trong những nhà văn mình yêu thích. Mình có sưu tập TẤT CẢ cách tác phẩm của của ổng bằng bản tiếng Pháp. Riêng 2 cuốn Hoàng tử bé (Le petit prince) và Phi công thời chiến (Pilote de guerre) mình sưu tập cả chục bản các ngôn ngữ khác nhau và các bản dịch khác nhau trong cùng ngôn ngữ.

Kiệt táccccc mà mọi người đều nênn đọc đó nha nha :>>>>>

Tuổi thơ đã đi qua nhưng hình ảnh về Hoàng Tử Bé cùng bông hoa hồng, cây bao - báp luôn ở lại cho đến ngày bản thân trải nghiệm và thấu hiểu.

Một tác phẩm sống mãi cũng năm tháng ^^

Hoàng Tử Bé là cuốn sách mà người lớn nên đọc :)