Giai đoạn tập sự - Bạn sẽ cần phải làm gì?

  1. Kỹ năng mềm

tập sự 1


Ai trong chúng ta khi mới đi làm đều cần phải trải qua một giai đoạn: giai đoạn tập sự hay còn gọi là giai đoạn thử việc. Đây là giai đoạn đầu tiên khá quan trọng hình thành cho bạn những tâm thế, kỹ năng, các mối quan hệ cần thiết cho một hành trình dài trên con đường sự nghiệp. Vậy làm thế nào để dễ dàng vượt qua thử thách đầu tiên này và có được những thuận lợi bước đầu trong môi trường làm việc? 

Giai đoạn tập sự và những thử thách cần vượt qua

Tập sự hay chính là thử việc. Đây là giai đoạn bạn mới đi làm, công việc chủ yếu của bạn sẽ là làm quen với công việc và môi trường mới, các mối quan hệ mới. Giai đoạn này thường diễn ra khoảng từ 6 tháng đến 1 năm tùy theo yêu cầu, quy định của từng nơi làm việc. Ví dụ nếu bạn làm trong các công sở Nhà nước, bạn sẽ phải thử việc khoảng 1 năm (hưởng 85%) lương cơ bản, sau đó mới được ký hợp đồng làm việc chính thức (được 100% lương); hoặc một số cơ quan khác có thể yêu cầu bạn thử việc 3 – 6 tháng; cũng có công ty bạn sẽ làm chính thức luôn mà không cần thử việc. Nhưng theo mình dù bạn làm việc ở đâu, dù bắt buộc hay không bắt buộc thì đây vẫn là giai đoạn quan trọng, cần thiết đối với bạn – bạn sẽ cần vừa làm, vừa học, vừa thử việc. Nó không chỉ giúp bạn tập làm quen với vị trí công việc, công ty hay đồng nghiệp mà còn là giai đoạn giúp bạn xây dựng hình ảnh cá nhân, khẳng định những giá trị riêng có trong mắt người khác. Bởi trong giai đoạn này mình tin chắc bạn sẽ có được sự “quan tâm”, “chú ý, trở thành “tâm điểm” của rất nhiều người, thậm chí sẽ luôn “super soi” mọi cử chỉ, hành động của bạn, đưa ra những nhận định đánh giá về bạn. Tuy nhiên, bạn đừng vì thế mà nao núng tinh thần, lo lắng hay có những phản ứng khó chịu. Hãy coi đó như một cơ hội hiếm có để thể hiện năng lực, chứng minh những thế mạnh của bản thân. Đồng thời gian đoạn tập sự/thử việc cũng là giai đoạn để bạn kiểm chứng chính mình, kiểm tra sự phù hợp với công việc, thử thách sự kiên trì, nhẫn nại của bản thân, giúp bạn đưa ra sự lựa chọn đúng đắn cho công việc, môi trường mà mình sẽ cống hiến lâu dài. 

Bạn nên xác định trong giai đoạn này bên cạnh những thuận lợi (niềm hứng khởi khi mới đi làm, niềm vui khi được tuyển dụng, chính thức trở thành nhân viên công sở, được nhận những tháng lương đầu tiên, có thêm nhiều mối quan hệ mới…) có thể bạn sẽ phải đối diện với rất nhiều những “chướng ngại vật”, những khó khăn, thử thách mà nếu thiếu đi lòng kiên trì, nhẫn nại, sự nỗ lực, cố gắng thì rất có thể bạn sẽ nhanh chóng nản chí và bỏ cuộc: như việc hàng ngày sẽ phải dậy sớm, đi làm đúng giờ, phải “gò” mình trong không gian đòi hỏi sự nghiêm túc, tập trung, phải hoàn thành các công việc được giao phó theo đúng deadline, tạm quên đi những cuộc vui chơi, hẹn hò với bạn bè, gặp phải những người đồng nghiệp xấu, sếp cực đoan, khó tính…

Mình nhớ cách đây gần 20 năm khi mới chân ướt chân ráo bước chân ra khỏi cánh cổng trường đại học, mình đã bắt đầu đi làm tại một phòng Tạp chí của một viện nghiên cứu. Thời gian đầu quả là thử thách đối với mình. Từ một cô bé sinh viên còn hồn nhiên, vô tư, quen với những giấc ngủ nướng, những cuộc hẹn với bạn bè mình đã trở thành một “cô” nhân viên văn phòng sớm đi tối về, đóng hộp trong những bộ đồng phục công sở (áo sơ mi có cổ với quần vải mềm mại), ngày nào cũng phải lóc cóc dậy từ tờ mờ sáng để chuẩn bị đi làm, khi đến cơ quan thì phải dạ thưa vâng gửi, đi nhẹ, nói khẽ cười duyên…Chưa hết! Mình còn phải làm việc trong một không gian chật cứng giấy tờ, máy móc với một chị trưởng phòng cực khó tính, mọi nhất cử nhất động đều bị soi chiếu bởi ánh mắt đăm đăm đầy dò xét…Và đã rất nhiều lần mình có ý định bỏ việc, bỏ việc…Thế rồi lòng kiên trì, bền bỉ, sự nỗ lực chứng minh năng lực bản thân đã kéo mình lại và giờ đây khi ngồi nghĩ lại mình lại thầm cám ơn một giai đoạn lịch sử đó – giai đoạn đã cho mình một sự trưởng thành và vững vàng của ngày hôm nay. Thế nên các cụ mới nói “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, vì vậy dù thế nào thì các bạn cũng đừng nản chí. Hãy làm việc, cống hiến hết mình. Mình tin là mọi sự cố gắng của bạn sẽ được đền đáp xứng đáng. Tuy nhiên, để có được điều đó bạn cần phải luôn trau dồi và rèn luyện cho mình một tư duy, thái độ tích cực và những kỹ năng cần có. 

Một số lưu ý trong giai đoạn tập sự 

Xác định rõ vị trí của bản thân

Mỗi tổ chức muốn vận hành và phát triển đều có cần phải có một cơ cấu nhất định được phân cấp rất rõ ràng. Vì vậy khi tham gia vào một tổ chức bạn cần xác định rõ: Bạn là ai? Bạn có vị trí như thế nào trong tổ chức đó? Chức năng, nhiệm vụ công việc của bạn là gì?

 Trong giai đoạn tập sự bạn sẽ là lính mới/nhân viên mới, nhân viên thử việc, cần làm quen với môi trường làm việc mới. Vì vậy, hãy luôn là người lắng nghe, cầu thị, khiêm tốn, học hỏi. “Muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học”, “Không biết thì dựa cột mà nghe”. Vì vậy, đừng ngại khi mình không biết hoặc không giỏi. Ai cũng sẽ cần phải có giai đoạn đi từ sự không biết đến biết, học đến làm. Và bạn cũng vậy! Đừng bao giờ giấu dốt hoặc tìm cách lấp liếm đi sự không biết của mình. Mỗi câu hỏi của bạn sẽ giúp bạn đến được với nhiều hơn những điều bạn muốn biết. Trong dạy học mình cũng thường xuyên động viên, khuyến khích sinh viên như vậy. Mình tin là với tinh thần khiêm tốn, cầu thị, học hỏi bạn sẽ nhanh chóng hiểu rõ công việc và nhận được sự yêu mến từ mọi người. Mình thấy sai lầm của nhiều bạn trẻ hiện nay là khi mới đi làm thường quá tự tin với tấm bằng loại giỏi của mình hay có tâm lý “ngựa non háu đá” nên thường thích thể hiện bản thân một cách thái quá với thái độ tự cao, tự đại. Thực ra tất cả những gì chúng ta được học ở trường mới chỉ là trên cơ sở lý thuyết còn thực tiễn mới là cuộc sống. Có rất nhiều điều mà chỉ có cuộc sống và những người đi trước mới dạy bạn. Vì vậy đừng bao giờ huênh hoang, vỗ ngực cho rằng bạn giỏi mà hãy luôn là người khiêm tốn, khi bạn làm tốt mọi công việc thì mọi thứ nó sẽ tự đến và chắc chắn bạn sẽ nhận được nhiều lời khen ngợi, sự ghi nhận từ mọi người xung quanh.  

Ngoài ra, tập sự cũng là giai đoạn tốt nhất để bạn có cơ hội tìm hiểu rõ về công việc mà mình sẽ đảm nhận, môi trường mà mình sẽ làm việc, gắn bó lâu dài. Vì vậy thay vì chỉ luôn mong chờ những công việc theo đúng vị trí mình ứng tuyển, trước hết hãy dành nhiều thời gian để làm quen, tìm hiểu. Hãy luôn cố gắng làm tốt những việc được giao, dù chỉ là những việc nhỏ nhặt như rót nước, pha trà, dọn dẹp phòng làm việc...Tất cả đều đem đến cho bạn những lợi ích nhất định (cho dù có thể mãi sau này bài mới nhận được). Trước đây khi mới đi làm mình sẽ luôn là người đến sớm nhất và hoàn thành mọi công việc vệ sinh phòng làm việc trước khi mọi người đến. Mình luôn vui với điều đó bởi nhờ quá trình đó mà mình đã rèn luyện được thói quen tốt hàng ngày: dậy sớm, đi làm đúng giờ, biết cách sắp xếp công việc. Vì vậy khi làm việc dù là những việc không tên, những công việc nhỏ nhất bạn tuyệt đối đừng mang những suy nghĩ tiêu cực rằng “họ chỉ xem mình đến thế”, hay “mình vào đây đâu phải để làm những việc thế này” mà hãy luôn làm nó với một tinh thần tự nguyện, vui vẻ nhất nhé. 

Thiết lập và duy trì các mối quan hệ mới

Mọi việc sẽ trở nên thuận lợi hơn khi xung quanh bạn có nhiều người bạn hỗ trợ, nhiều người đồng hành. Nếu bạn muốn thành công bạn cần tạo dựng, duy trì và phát triển mối quan hệ này. Bởi mối quan hệ đồng nghiệp nơi công sở sẽ giúp ích và hỗ trợ bạn rất nhiều trong công việc và cuộc sống: công việc được giải quyết nhanh chóng nếu có sự trợ giúp của đồng nghiệp, làm bạn với những người có thái độ, tư duy tích cực bạn sẽ được truyền cảm hứng, có động lực và cảm hứng làm việc, phấn đấu đồng thời bạn bè nơi công sở cũng là nơi ta có thể chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, những bức xúc, căng thẳng, stress…Bạn sẽ có được điều này khi bạn may mắn gặp được những người đồng nghiệp tốt. Vì vậy, khi mới đi làm dù là nhân viên mới, có thể thời gian đầu chưa quen với công việc, môi trường mới bạn cũng đừng quá rụt rè, chỉ biết thu mình, lủi thủi làm việc. Hãy chủ động tham gia vào các hoạt động tập thể, chủ động làm quen, bắt chuyện với các đồng nghiệp xung quanh, phát triển nhiều hơn sự kết nối, một cách đa dạng, tinh tế, để làm giàu có sự hiểu biết và tâm hồn (người có tâm hồn làm cái gì cũng đẹp). Con người sẽ trở nên giàu cảm xúc hơn bởi sự kết nối (đặc biệt là sự kết nối tâm hồn) sẽ là chìa khóa của cảm xúc, của hạnh phúc và thành công (Bạn có thể đọc bài viết của mình: Sức mạnh của sự kết nối, Xây dựng mối quan hệ đồng nghiệp nơi công sở)

Dành nhiều thời gian để tìm hiểu về môi trường làm việc, các vị trí, các quy định

Nếu bạn thực sự muốn trở thành một nhân viên công sở tốt, duy trì sự gắn bó, hợp tác lâu dài với tổ chức bạn cần có sự am hiểu sâu sắc về nó. Muốn vậy bạn cần dành thời gian để nghiền ngẫm, nghiên cứu các văn bản giấy tờ liên quan, như: Quy định chức năng, nhiệm vụ của tổ chức; quy chế văn hóa công sở tại đơn vị mình đang công tác; quy chế chi tiêu nội bộ; các thành tích mà công ty đã đạt được; tổ chức các phòng ban, nhân sự… Việc tìm hiểu này sẽ giúp bạn nắm bắt tình hình, môi trường làm việc, biết được quyền lợi và nghĩa vụ của mình, cơ sở để hoàn thành công việc được giao phó, dễ dàng kết nối khi cần thiết. 

Thể hiện và khẳng định năng lực bản thân trước lãnh đạo và đồng nghiệp

Jack Ma đã từng nói: “Điểm mạnh của người trẻ là họ tích cực với mọi thứ, tích cực với tương lai”, vậy thì có lý do gì để chúng ta không thể hiện hết mình với năng lực của bản thân. 

jack ma


Hãy làm việc một cách chăm chỉ nhất và thật sự có trách nhiệm với công việc, làm việc bằng tất cả sự cố gắng và tâm huyết của bản thân. Bạn cũng nên chủ động trong mọi hoàn cảnh, hãy tìm hiểu trước khi hỏi và suy nghĩ kĩ trước khi làm. Bên cạnh đó, bạn cũng phải chú ý xây dựng hình ảnh của bản thân để có thể để lại ấn tượng trong mắt người khác. Hãy chú ý đến lời nói của mình, đặc biệt là trong cách chào hỏi, xưng hô (Bạn có thể tham khảo bài viết:Lựa chọn từ xưng hô trong giao tiếp  của mình). Đừng tiết kiệm lời chào với mọi người, nhất là khi bạn đang là nhân viên mới. Lời chào đi kèm với nụ cười của bạn đáng giá ngàn vàng, giúp bạn khởi đầu một ngày mới, phá vỡ sự im lặng và khẳng định sự tồn tại của bạn trong công ty. 

Bạn cũng cần rèn luyện kỹ năng giao tiếp của mình, nói như thế nào để vừa đúng vừa đủ, và luôn đem lại cho người đối diện cảm giác thoải mái nhất (Nói bao nhiêu cho đủ và nên nói thế nào trong giao tiếp?

Hơn thế nữa, tư thế tác phong, ăn mặc cũng vô cùng quan trọng đối với những nhân viên tập sự. Hãy luôn thể hiện là người chỉn chu, lịch sự nhất để có thể gây thiện cảm với người đối diện.

Tập sự là giai đoạn quan trọng khi chúng ta bắt đầu một công việc mới, vì vậy hãy luôn chú ý để rèn luyện cho mình các kỹ năng cần thiết, xây dựng hình ảnh bản thân, tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước. Mình tin rằng sự nhiệt tình, trách nhiệm của bạn với công việc cũng như sự chân thành trong mối quan hệ với người khác sẽ giúp bạn có được một sự khởi đầu tốt đẹp trên hành trình sự nghiệp của mình. Chúc bạn may mắn và có một quãng thời gian đáng nhớ nhé! 

Từ khóa: 

kỹ năng mềm

Cảm ơn chị đã chia sẻ, bài viết hữu ích quá.

Trả lời

Cảm ơn chị đã chia sẻ, bài viết hữu ích quá.