"Hầm bà lằng" là tiếng Quảng Đông?

  1. Ngoại ngữ

HẦM BÀ LẰNG

Từ này dùng nhiều ở Nam Bộ, đôi khi dùng là “hàm bà lằng”. “Tự vị tiếng nói miền Nam” của Vương Hồng Sển giảng đây là từ do tiếng Quảng Đông Việt hóa, dịch Hán tự là “hàm bất luận”, nghĩa là tính gộp lại, không kể lớn nhỏ. Ví dụ: “Hàm bà lằng, hết thảy là bao nhiêu?”

Người miền Nam cũng hay nói đủ thứ hằm/hàm bà lằng, tức là đủ cả, tất cả các thứ lẫn lộn linh tinh. Về cách phát âm, có thể là hàm bà lằng, hằm bà lằng, hầm bà lằng, rồi hằm pà lằng, rồi hằm pà làng, nói chung là na ná nhau như thế.

Cũng về từ này, trong một bài viết đăng lần đầu trên Kiến thức ngày nay (1992) An Chi cho rằng “hằm” tức là “hàm” nghĩa là bao gồm, chứa đựng. Chỗ này cũng tương tự như Vương Hồng Sển ở trên. Nhưng “pà làng” – chữ của An Chi (Ngày ngày viết chữ) – không phải là “bất luận” mà là một từ Quảng Đông gốc Mã Lai là “barang” có nghĩa gốc là đồ dùng.

Dù là cách giải thích nào thì nói chung cả hai học giả đều cho rằng “hằm bà lằng” là từ dùng để chỉ tất cả mọi thứ lớn nhỏ nói chung. Và An Chi cũng nói rằng cho dù “pà làng” của người Quảng Đông có phải từ gốc Mã Lai hay không thì “hằm bà lằng” của tiếng Việt cũng chắc chắn có nguồn gốc từ tiếng Quảng Đông.

Nguồn: Tiếng Việt Giàu Đẹp

Từ khóa: 

ngoại ngữ