"HÃY NÓI LỜI YÊU" Một bộ phim xúc động về tình cảm gia đình

  1. Phim ảnh

Vậy là 34 tập phim “Hãy nói lời yêu” đã kết thúc tối qua với một cái kết “happy ending” (kết thúc có hậu) theo như nhiều motip của các bộ phim Việt Nam trước đó. Thực ra, đã lâu lắm rồi giữa bộn bề lo toan cuộc sống và sự tràn ngập giữa các thông tin được cập nhật hàng ngày, mình không còn thói quen ngồi trước tivi xem các bộ phim Việt Nam mặc dù trong nhiều năm trở lại đây, đã có nhiều bộ phim hay, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng như Về nhà đi con, Ngược chiều nước mắt..hay bộ phim Hương vị tình thân đang thu hút được sự theo dõi của đông đảo người xem hiện nay). Nhưng mấy tuần gần đây, trong khoảng thời gian dành cho gia đình buổi tối, mình đã dừng lại trước bộ phim “Hãy nói lời yêu” dù khi đó bộ phim đã chiếu được hơn một nửa. Sự thu hút gây chú ý của mình bắt đầu từ khi cô gái lớn của gia đình (ông Tín bà Hoài - tên nhân vật trong phim) bị “lừa tình” bởi một gã đểu cáng, kẻ chuyên đi “săn” các cô gái trẻ đẹp, mới lớn. Cuộc sống vợ chồng ông Tín bà Hoài xảy ra những mâu thuẫn, xung đột khi bà Hoài phát hiện chồng ngoại tình và có con riêng khiến cho hình ảnh về một gia đình hạnh phúc, lý tưởng (mà bà dày công vun đắp) bị đảo lộn.

Thực ra chủ đề, nội dung bộ phim không phải quá mới mẻ, vẫn là những cung bậc cảm xúc trong đời sống gia đình như nhiều bộ phim trước đó: từ gia đình hạnh phúc – một trong hai vợ hoặc chồng ngoại tình – gia đình tan vỡ và kết thúc bộ phim là hồi chuông cảnh tỉnh cho các gia đình hiện nay. Nhưng mình thích bộ phim này bởi chiều sâu trong thông điệp, đề cập đến những vấn đề mà nhiều gia đình hiện đại đang phải đối diện.

Trong bài viết review về bộ phim này, mình không muốn bàn đến tất cả những yếu tố tạo nên thành công của bộ phim: nghệ thuật diễn xuất, vấn đề âm thanh, ánh sáng, kỹ thuật quay…(bởi mình cũng không phải là một nhà phê bình điện ảnh có chuyên môn sâu về vấn đề này) mà điều mình muốn đề cập đến là gia đình từ góc nhìn chức năng và các mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình đặt trong bối cảnh của xã hội Việt Nam hiện nay dựa trên những trải nghiệm và suy tư của cá nhân mình về cuộc sống gia đình.

Nhìn từ bộ phim “Hãy nói lời yêu” sẽ thấy thông điệp sâu sắc của bộ phim: Gia đình luôn là điểm tựa vững chắc và là bến đỗ bình yên nhất đối với mỗi người, nơi giúp chúng ta cân bằng lại đời sống tâm lý, tình cảm. Và khi vấp ngã hay thất bại trong cuộc sống, mọi thứ dường như trở nên tồi tệ nhất thì gia đình luôn là nơi để mỗi người có thể quay về.

1/Sự giàu sang hay tiền tài danh vọng không phải là thước đo cho hạnh phúc gia đình (dù rằng tài chính là yếu tố cần để chúng ta duy trì cuộc sống gia đình)

Nếu lấy tiêu chí này để đánh giá hạnh phúc gia đình thì có thể nói gia đình ông Tín bà Hoài là một gia đình viên mãn khi họ sống trong một căn biệt thự lớn, hai ông bà đều có vị trí cao, đầy quyền lực trong xã hội (ông Tín là giám đốc công ty xây dựng, bà là cán bộ nhà nước) nhưng họ không hề hạnh phúc. Dường như mỗi thành viên trong gia đình đều cảm thấy thiếu thốn tình yêu thương, họ đang phải “gồng mình” lên để làm tròn vai diễn của mình trong gia đình. Mải mê với công việc làm ăn và quan niệm cho rằng chỉ cần đem tiền về cho vợ và các con có một cuộc sống vật chất sung sướng, xa hoa là đủ để cuối cùng lời ân hận muộn màng của ông Tín “Bố đã để tuổi thơ các con cô đơn…”.

Có thể nói, trong xã hội hiện đại, giữa nhịp sống hối hả nhiều gia đình buông lỏng trong quản lý và giáo dục con cái. Nhiều bậc cha mẹ quan niệm kinh tế là điều cốt lõi, giúp duy trì hạnh phúc gia đình, con cái sung sướng (lời ông Tín). Thực tế cái con cái cần hơn là sự sẻ chia và sự yêu thương chăm sóc từ cha mẹ để các con không cảm thấy thiếu thốn tình cảm của bố mẹ và luôn cảm thấy bình yên dưới mái ấm gia đình.

https://cdn.noron.vn/2021/08/07/871321915916758423-1628332323_1024.jpg

2/Yêu thương là thấu hiểu

Bà Hoài (do nữ diễn viên Nguyệt Hằng thủ vai quá xuất sắc) là một người phụ nữ luôn chăm lo, vun vén cho hạnh phúc gia đình. Chỉ có điều sự yêu thương mù quáng, phương pháp nuôi dưỡng độc đoán đã khiến bà mắc hết từ sai lầm này đến sai lầm khác, biến bà trở thành một người vợ, người mẹ thất bại và bất hạnh.

Vì quá sĩ diện, coi trọng cái nhìn, sự đánh giá từ người khác (bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm) nên lúc nào bà cũng cố gắng bằng mọi giá để tạo dựng một hình ảnh gia đình hạnh phúc. Ngay cả khi mối quan hệ vợ chồng đang “cơm chẳng lành canh chẳng ngọt” thì trước mặt đồng nghiệp, cơ quan bà vẫn phải diễn là một người phụ nữ hạnh phúc nhất khi có chồng đưa đón, cung phụng, yêu chiều như một nữ hoàng. Sự giả dối này để đổi lại bà có được ánh nhìn đầy ghen tị từ các đồng nghiệp và nhận được những lời khen, sự ngưỡng mộ của họ.

Bà bắt buộc cậu con trai phải học giỏi, đỗ đạt (phải là thủ khoa, thi theo trường mẹ chọn) chỉ vì “con là niềm tự hào của mẹ”. Sự độc đoán, áp đặt của người phụ nữ với chồng, với con khiến ai ai trong gia đình cũng khiếp sợ. Hậu quả là chồng bà đi ngoại tình, cô con gái sớm bị lừa tình vì thiếu thốn tình cảm. Bi kịch nhất khi sau những đỗ vỡ, bất hạnh của mình, bà chuốc mọi sự oán hận cuộc đời lên đứa con trai như là nơi bấu víu cuối cùng duy nhất để bà vớt vát chút danh dự còn lại. Nhìn cảnh bà đút cơm cho con bắt buộc thằng bé phải ăn bằng được các món “sơn hào hải vị” để có sức khỏe tốt ôn thi, những chồng sách, tập đề thi bà buộc cậu con trai phải làm…thật đáng sợ. Cao trào của bộ phim là khi cậu con trai bà bắt đầu có những biểu hiện bất thường: sự đập phá, chơi điện tử, nói dối, uất hận khi bị mẹ khóa trái cửa nhốt trong phòng, lắp camera theo dõi…Và trong cuộc cãi vã, sự tức giận đã khiến bà có những lời xúc phạm, thậm tệ với chính đưa con mình đẻ ra: con vô dụng, bất tài, không có lấy một tấm bạn, không tự lo cho bản thân…đã khiến cậu bé buộc phải tìm đến cái chết do cảm thấy quá cô đơn trong cuộc sống gia đình và áp lực từ chính mẹ đẻ của mình.

Sau cái chết của đứa con trai, bà Hoài chuyển lên ở cùng cô con gái đang sinh sống và học tập tại Hà Nội. Những tưởng sau cái chết của con trai bà sẽ dần tỉnh ngộ cho sự “khắc nghiệt” của mình, quan tâm và yêu thương đứa con gái duy nhất còn lại nhiều hơn nhưng dường như sự khắc nghiệt ở người đàn bà vẫn ngự trị trong bà khi bà cố gắng tìm mọi cách để ngăn cản tình yêu của cô con gái với chàng trai nghèo có hoàn cảnh khó khăn chỉ vì bà không muốn tương lai của con mình sẽ khổ (Phần sau bộ phim mình không thấy ấn tượng cho lắm vì nội dung hơi nhạt và mang tính kéo dài).

Câu chuyện của gia đình bà Hoài cũng là câu chuyện của rất nhiều các gia đình Việt Nam hiện nay. Nhiều cha mẹ kiểm soát cuộc sống của con, với phương pháp nuôi dưỡng độc đoán, thậm chí sự trừng phạt thể chất quá mức đã gây ra những tác hại khôn lường, sự tổn thương tâm lý cho chính những đứa con của mình. Do đó, hạnh phúc gia đình thực sự chỉ có thể được vun đắp trên sự yêu thương. Mà sự yêu thương cần được đến từ sự thấu hiểu, tôn trọng lẫn nhau. Có lẽ trong những thứ dành cho nhau, yêu thương là thứ dung dị nhưng ấm áp nhất của cuộc sống mà chúng ta có thể trao nhận. Yêu thương là trân trọng, là sẻ chia, là cùng buồn, cùng vui, cùng mong muốn những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với những người thân yêu. Tình yêu thương có thể được thể hiện bằng nhiều hình thức khác nhau: một lời động viên, khích lệ, an ủi khi ta gặp khó khăn, những cái ôm ấm áp, những vòng tay giang rộng ngập tràn yêu thương, là sự trợ giúp không đong đếm, toan tính mà chúng ta dành cho nhau.

Mình cũng đã bước vào cuộc sống hôn nhân được gần 15 năm. Thời gian đầu của cuộc sống gia đình cũng không hề dễ dàng. Đã có nhiều cuộc cãi vã, xung đột xảy ra đến từ nhiều nguyên nhân: mình và chồng có nhiều điểm khác biệt trong quan điểm, tính cách; cả hai đều đặt cái tôi quá cao hay áp đặt kỳ vọng, mong muốn cho nhau, kiểm soát lẫn nhau …nhưng cuối cùng trải qua những ngày tháng đó, mình càng hiểu hơn điều gì là quan trọng trong cuộc sống gia đình, đó là: sự bao dung, đồng cảm, tin tưởng, tôn trọng, thấu hiểu… và đặc biệt là cần “gia tăng sự tự do cho nhau”.

Viết đến đây, mình lại nhớ đến lời trong bài hát “Ba ngọn nến lung linh” nổi tiếng một thời của Phương Thảo – Ngọc Lễ: “…gia đình, gia đình, nơi ôm ấp ta những ngày thơ”, cho ta bao niềm thương mến…”. Chính vì vậy, mỗi người, mỗi gia đình hãy luôn cần biết trân trọng gia đình, trao cho nhau một tình yêu thương trọn vẹn bởi gia đình luôn là điều thiêng liêng nhất, nơi bình an và thân thương, ấm áp nhất trong trái tim mỗi người.

“Tiền bạc mất đi rồi còn lấy lại được, tình cảm mất đi là mất luôn” (lời thoại trong phim “Hãy nói lời yêu”).

Từ khóa: 

phim ảnh

Phim rất hay ạ. Em ám ảnh với cái chết của cậu con trai út. Cứ nghĩ rằng cậu bé sẽ bỏ đi hoặc có sự thay đổi trong tính cách sau khi không chịu nổi tình yêu mù quáng của mẹ nhưng không ngờ rằng cậu tìm đến cái chết.

Trả lời

Phim rất hay ạ. Em ám ảnh với cái chết của cậu con trai út. Cứ nghĩ rằng cậu bé sẽ bỏ đi hoặc có sự thay đổi trong tính cách sau khi không chịu nổi tình yêu mù quáng của mẹ nhưng không ngờ rằng cậu tìm đến cái chết.