Làm thế nào để viết bài trôi chảy và mạch lạc?

  1. Kỹ năng mềm

Bạn đã bao giờ nghe người khác nhận xét bài viết của mình khó hiểu và rối rắm chưa? Hoặc bạn đọc một bài mà nội dung cứ lủng củng, ý này không liên quan đến ý kia, đọc đến cuối nhưng vẫn mù mờ không hiểu thông điệp chính của bài. Nguyên nhân chủ yếu là do bài viết thiếu sự mạch lạc và lời văn chưa được trôi chảy. Để khắc phục thì không khó, chỉ cần bạn nắm được các yếu tố tạo nên “dòng chảy” dưới đây và áp dụng khi viết lách mỗi ngày.

https://cdn.noron.vn/2021/04/20/3947298534626404-1618888194.png

Khái niệm

Trước tiên, bạn cần hiểu được khái niệm "mạch lạc" và "trôi chảy" trong bài viết.

Có lẽ nhiều người trong chúng ta thường nghe đến từ “mạch lạc”, “trôi chảy” từ lúc học viết văn ở cấp 2, cấp 3 cho đến khi bước chân vào nghề viết lách. Nghe thì nhiều nhưng liệu bạn có hiểu chính xác nghĩa của hai từ này không?

Theo từ điển tiếng Việt do Giáo sư Hoàng Phê làm chủ biên, “mạch lạc” chỉ sự tiếp nối theo một trật tự hợp lý giữa các ý, các phần trong nội dung diễn đạt. Còn “trôi chảy” nghĩa là được tiến hành một cách dễ dàng, không có vấp váp. Như vậy, một bài viết đạt được hai yếu tố này khi các câu, các đoạn, các phần được nối kết với nhau bởi một “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt – chủ đề chính của bài. Và chúng được diễn đạt theo một trình tự hợp lý, trước sau hô ứng để chủ đề thông suốt, liền mạch, không bị ngắt quãng, lủng củng.

9 yếu tố tạo nên “dòng chảy” mạch lạc trong bài viết

1. Từ và cụm từ chuyển tiếp

Các từ, cụm từ chuyển tiếp như “vì thế”, “cho nên”, “cũng”, “ví dụ” như một biển báo hướng dẫn người đọc đi theo con đường mà lý luận trong bài muốn dẫn dắt. Những từ này sẽ giúp cho ý tưởng, thông tin được liền mạch, gắn kết với nhau, đặc biệt khi bạn muốn thay đổi hướng đi (như đưa ra một ý trái ngược với ý đang nói).

Một số từ/cụm từ chuyển tiếp thông dụng như (nối hai ý cùng loại), nhưng (nối hai ý khác nhau), hơn nữa/cũng (bổ sung thêm thông tin), ví dụ/chẳng hạn (minh họa hoặc giải thích thêm), vì thế/cho nên (nối hai ý biểu thị nguyên nhân kết quả)…

2. Các gạch đầu dòng để liệt kê

Dạng nội dung liệt kê những sự vật, sự việc tương tự (như hướng dẫn các bước, nêu lợi ích, lý do…) được thể hiện bằng các gạch đầu dòng hoặc số thứ tự sẽ giúp người đọc nhanh chóng nắm bắt được mạch thông tin. Ví dụ, bạn nêu ra danh sách 10 tác phẩm văn học kinh điển nổi tiếng thế giới kèm tác giả thì trình bày dưới dạng số thứ tự sẽ dễ theo dõi hơn là viết liền thành một đoạn văn.

3. Câu trả lời cho các câu hỏi của độc giả

Độc giả đang tìm câu trả lời cho những thắc mắc hay nhiều người thường gọi là “nỗi đau”. Vì vậy, trước khi viết, bạn hãy nghĩ về những gì mà độc giả của bạn muốn biết. Sau đó, bạn cung cấp thông tin theo thứ tự hợp lý, để dòng thông tin được tuôn chảy tự nhiên, đáp ứng nhu cầu của họ.

https://cdn.noron.vn/2021/04/20/3759834219654489-1618888217.png

Ví dụ, bạn đang viết về chủ đề “Ghosting trong hẹn hò” thì những gì người đọc muốn biết sẽ là:

  • “Ghosting” trong hẹn hò là gì?

  • Vì sao người ta lại muốn “ghost”?

  • Vì sao bạn thấy đau đớn khi bị “ghost”?

  • Chúng ta cần làm gì để vượt qua nỗi đau ấy?

4. Một bài viết – Một ý tưởng

Hãy tưởng tượng bạn đang đi trên con đường dẫn đến tiệm bán phở cuốn. Nhưng dọc đường, bạn nghe tiếng mời gọi của những quán bún chả, bún riêu, mì quảng làm bạn sao nhãng và đôi khi quên luôn ý định ban đầu – ăn phở cuốn. Khi viết văn cũng như vậy. Trong một bài viết, bạn chỉ nên đưa ra một ý chính và lấy nó làm sợi chỉ đỏ xuyên suốt từ đầu đến cuối.

5. Một đoạn văn – Một ý chính

Tương tự với yếu tố trên, nếu bạn nhồi nhét quá nhiều ý vào trong một đoạn văn, người đọc sẽ thấy rối rắm và khó tiếp nhận cùng lúc nhiều thông tin như vậy. Vì vậy, cách tốt nhất là mỗi đoạn văn chỉ nên nêu một ý chính.

https://cdn.noron.vn/2021/04/20/3759834219654490-1618888242.png

Ví dụ, khi bạn viết thông báo buổi workshop về content marketing thì hãy chia làm ba đoạn văn riêng biệt. Đoạn 1 nêu chủ đề buổi workshop; đoạn 2 đưa ra thông tin thời gian và địa điểm; đoạn 3 giới thiệu diễn giả, khách mời.

6. Một câu – Một ý

Một câu có nhiều hơn một ý là một câu đang tự cạnh tranh thông tin với chính nó. Vì hai hoặc ba ý trong một câu như vậy sẽ cùng tranh nhau thu hút sự chú ý của người đọc. Thay vì dành thời gian đi theo một hướng nhất định của dòng chảy trong bài, độc giả khi lướt mắt đến một câu gồm 2, 3 ý thì bị chững lại vì không biết nên tập trung vào đâu. Ngay cả một câu ngắn gọn thế này cũng kéo người đọc theo hai hướng: “Cảm ơn sự tham gia của các bạn hôm nay dù còn nhiều thiếu sót và hẹn gặp lại trong buổi học ở tuần sau.”

7. Sự đa dạng hóa cách viết

Một câu văn ngắn gọn, súc tích sẽ giúp người đọc dễ nắm bắt thông tin. Tuy nhiên, một đoạn văn chỉ toàn những câu ngắn thì dễ bị rời rạc và nhàm chán. Để tạo nên mạch văn trôi chảy, bạn cần đa dạng hóa cách viết với câu dài, câu ngắn và vừa. Ví dụ trong đoạn văn gồm 4 câu, bạn có thể sắp xếp thành: câu vừa – câu ngắn – câu ngắn – câu dài đan xen.

8. Sự đa dạng cấu trúc câu

Không chỉ nên đa dạng về độ dài câu, bạn cũng cần thay đổi cấu trúc câu để bài tránh bị đơn điệu và làm người đọc mất tập trung. Thay đổi ở đây nghĩa là bạn hãy thoát khỏi khuôn mẫu của những câu đơn giản và biến hóa thành nhiều dạng câu khác nhau.

Mẹo: bạn hãy đọc to nội dung sau khi viết xong. Như vậy, bạn có thể nhận thấy câu văn có đa dạng không, có bị lặp lại hay đều đều ở đâu không, có vấp váp hay lủng củng chỗ nào không.

9. Tính liên kết giữa các đoạn văn

Không ít người khi viết, vì mãi chạy theo dòng suy nghĩ nên không để ý các đoạn văn có đang liên kết với nhau không. Ví dụ ở đoạn này, bạn đang nêu ý để viết tốt thì cần suy nghĩ rõ ràng, như vậy lời văn mới dễ hiểu và truyền tải đúng thông điệp. Nhưng ở đoạn sau, khi đưa ví dụ, bạn lại lấy trường hợp của một người viết thành công vì thay đổi tư duy và kết luận, nếu vẫn giữ tư duy theo lối mòn thì sẽ không có sự đột phá. Hai đoạn này thiếu sự logic, dẫn đến mạch văn bị đứt đoạn.

Đây là lý do mà biên tập là khâu quan trọng nhất trong quá trình viết. Nhờ đọc lại, bạn có thể nhận ra những chỗ thiếu logic trong bài mà sửa chữa, bổ sung cho mạch lạc và trôi chảy hơn.

Tóm lại, bạn cần nắm vững và áp dụng nhuần nhuyễn 9 yếu tố dưới đây để tạo sự mạch lạc và trôi chảy trong bài viết:

1. Từ và cụm từ chuyển tiếp

2. Các gạch đầu dòng để liệt kê

3. Câu trả lời cho các câu hỏi của độc giả

4. Một bài viết – Một ý tưởng

5. Một đoạn văn – Một ý chính

6. Một câu – Một ý

7. Sự đa dạng hóa cách viết

8. Sự đa dạng cấu trúc câu

9. Tính liên kết giữa các đoạn văn

Từ khóa: 

kỹ năng mềm

Đọc xong bài viết này lại nhớ đến những bài văn đã viết thời cấp 3 ^^

Trả lời

Đọc xong bài viết này lại nhớ đến những bài văn đã viết thời cấp 3 ^^