Lễ tần Nguyễn Nhược thị

  1. Lịch sử

I, CÓ MỘT TÌNH BẠN

Có một tình bạn,

Với bao kỉ niệm về một thuở ấu thơ.

Có một tình bạn,

Đẹp lắm, thơ mộng lắm,

nhưng cũng rất mong manh.

Có một tình bạn,

Dù hai người hai thế giới,

nhưng chẳng ai nỡ quên đi tấm chân tình xưa...

           Đó là tình bạn của những con người sống trong nhung lụa chốn lầu son cùng cô thôn nữ làng quê. Tình bạn đó thật chân thành, đáng quý biết bao!


II/ ĐIỆN CẦN CHÁNH

           Ngược dòng lịch sử trở về thời điểm năm 1855, năm thứ 8 thời Tự Đức

[1]
triều Nguyễn.

           Một đêm mùa hạ

           Mưa nhỏ từng giọt long lanh như sương

           Dế kêu văng vẳng bên thềm

           Đâu đó lại có tiếng ve râm ran hòa vào tiếng mưa

           Cần Chánh điện vẫn còn sáng đèn, trên bậc thềm vẫn còn thấp thoáng một bóng áo bào đơn độc.

-        Thánh thượng, trời cũng vào khuya, sương cũng xuống rồi hay người vào trong nghỉ? Bên ngoài trời lạnh dễ ảnh hưởng tới long thể người.

           Cửu giai Tài nhân

[2]
Nguyễn Nhược thị
[3]
mở lời khuyên nhủ Hoàng thượng. Nhưng thị càng ngọt ngào thì Hoàng thượng của chúng ta càng thể hiện ra vẻ lãnh ngạo. Ngài không ngắm trăng nữa mà quay sang thị mỉm cười rồi đủng đỉnh bước vào phòng.

Vẫn là chiếc ghế rồng ấy, vẫn chiếc bàn ngự ấy, vẫn ngọn đèn dầu ấy đêm nào cũng thức cùng Hoàng thượng phê duyệt tấu chương.

Viết được một lúc, ngài ngự vẫn thấy Nguyễn Tài nhân quy củ đứng bên cạnh, khi thì mài mực, khi thì quạt hầu. Ngài đành buông bút xuống, nhẹ thở dài. Thấy vậy, thị trộm nhìn. Thị không biết từ khi nào ngài lại bỏ tấu chương mà cầm lấy sách đọc.

Thị nhìn đến cuốn sách ấy, bìa trong có ghi đoạn ngự bút của ngài tám năm trước:

Cách biệt nhau nghìn thu, hận đã dài lắm, lại trông thấy thơ để lại càng thương. Cấm thành ngày dài cùng với ai nối câu thơ, viện kín hoa tàn há có thể tụ được hương thơm. Đạm bạc lòng như Đào Tĩnh Tiết

[4]
, thanh cao nối vần như ông Mạnh Tương Dương
[5]
. Đêm nay lúc tĩnh đem thơ ra đọc, gió thổi đèn sương, trăng soi vào rường nhà.
[6]

           Rồi tựa như là mỏi mệt lắm ngài lại đặt sách xuống, ngả người ra sau ghế nhắm mắt nghỉ ngơi, lại phô ra cái ngữ điệu nhàn nhạt mà hỏi thị:

-        Khanh còn nhớ... mai là ngày chi không?

Thị như hiểu ra, đêm nay chồng thị dành để nhớ về người xưa, lựa lời đáp:

-        Tâu Thánh thượng, tỳ thiếp vẫn còn nhớ. Ngày mai là ngày kị của hoàng thúc – cố Quảng Ninh công Miên Bật.

Ngừng một lúc thị lại tiếp lời:

-        Nhưng thiếp nghĩ, người vẫn nên đi nghỉ một chút, mai còn phải lên triều sớm nữa.

Hoàng thượng vẫn tỏ thái độ cao ngạo của một bậc đế vương, chẳng thèm để ý đến lời thị. Ngài mở mắt ra nhìn thị, vừa như muốn nắm bắt tất cả biểu cảm trên gương mặt kia, lại như đang ngắm nhìn nó. Vừa hay lại bắt gặp ánh nhìn của thị, khóe môi bất giác kéo nhẹ, ngài hỏi:

-        Khanh thông minh như vậy, rứa thì trẫm hỏi khanh, ngày kia là ngày chi mô?

    Đáp lại câu hỏi của ngài, thị chỉ cúi đầu nhỏ nhẹ trả lời:

-        Thứ cho tiện thiếp vô tri, không biết người đang nói tới việc chi.

Nghe xong câu nói đó, cánh môi ai kia lại càng nhếch lên cao hơn. Tuy ngài vẫn giữ ngữ điệu như trước nhưng tầm mắt lại trở lại bên chiếc án quen thuộc. Ngài không tựa vào ghế nữa mà ngồi thẳng dậy, chống đầu nhìn ngọn núi gác bút bằng ngọc. Vì là hàng ngự dụng nên chất ngọc mịn, trong suốt, chạm vào lại có cảm giác mát rượi, sảng khoái.

-        Là khanh không biết thật hay đang gạt trẫm? Hay để trẫm ngâm cho khanh nghe một bài tuyệt cú, hỉ?

Thị không trả lời, ngài lại nhắm mắt, tay vẫn vuốt ve hòn ngọc gác bút, ngâm đôi câu thơ:

      Quan quan thư cưu

                                                         Tại hà chi châu

 Yểu điệu thục nữ

    Quân tử hảo cầu...

Giọng ngâm trầm ấm, dịu dàng mà đầy nội lực. Dòng thơ như ngừng chảy trôi, dòng thời gian cũng theo đó mà chậm lại. Người Tài nhân bất chợt mỉm cười. Thị cười thật tươi, thị cười thật hạnh phúc vì ngài vẫn còn nhớ đến ngày kia của hai mươi năm về trước. Những kí ức ngày nào cứ thế mà ùa về trong tâm trí thị, từng việc từng việc một.


III/ LẦN ĐẦU GẶP GỠ

           Ngày ấy, ở lớp học thầy đồ, ngài và người đó đã gặp thị dưới một gốc cây thị lớn thật lớn. Hôm đó, ngài đã cùng một đám công tôn công tử đến tham dự lớp học thật giản dị ấy.

Ở đây, ai cũng biết thị hay thơ, hay chữ từ nhỏ, lại là học trò đầu lớp, ai ai cũng quý trọng. Thế mà cái bọn con quan lớn ấy lại ỷ quyền thế mà ức hiếp thị. Lúc đó, thị mới chỉ là một cô bé năm tuổi, đứng nấp sau gốc cây khóc nhè.

Thị có một con mèo yêu quý nhưng đã bị bọn công tử kia giành lấy, đòi đem đi. Nước mắt rơi như mưa, nhỏ lên cả thân cây thị già. Thị càng khóc, bọn họ càng cười vui.

Cho đến khi sự ồn ào ấy kinh động đến hai cậu bạn khác là Miên Bật và Hồng Nhậm. Khi đó hai cậu đang trả bài cùng thầy đồ, chợt nghe dưới gốc cây đằng kia có tiếng lao xao thì cùng chạy lại. Đến nơi, hai cậu liền hiểu ngay chuyện gì đang diễn ra. Miên Bật tay phe phẩy chiếc quạt lớn, nhàn nhã ngâm hai câu thơ. Thấy thế Hồng Nhậm cũng nhanh nhảu ứng đối hai câu tiếp. Thơ rằng:

Quan quan thư cưu

                                                  Tại hà chi châu

Yểu điệu thục nữ

  Quân tử hảo cầu...

Thơ xong Nhậm hất hàm hỏi thị:

-        Nì, thị kia! Thị có biết bài thơ nớ là của ai mô? Trả lời đúng, ta giúp thị lấy lại con mèo!

-        Rứa thì nó được chép trong sách nào?

Không một tiếng trả lời khiến Miên Bật sốt ruột, sợ thị không trả lời được mà mất mèo. Nhưng thị lại chỉ thút thít:

-        Con mèo...con mèo của ta!

-        Hừ! Bổn công tử hỏi ‘của ai’ mà mi dám trả lời là của ‘con mèo’. Miên Bật hỏi ‘chép trong sách nào’, mi lại nói chép trong sách ‘con mèo của ta’.

Hồng Nhậm bực mình dậm chân đành đạch. Cậu muốn ra oai với đám học trò đằng kia nhưng lại có một đứa con gái chẳng coi lời nói của cậu ra gì. Suy nghĩ một hồi cậu chạy lại chỗ con mèo, ôm nó lên mang đi. Cậu bảo thị:

-        Thị trả lời không đúng! Ta phạt thị, tối nay ta sẽ ngủ với con miu này của thị.


Thị òa khóc chạy ra mách thầy nhưng thầy thị lại xua tay như không có chuyện gì. Mấy ngày sau, thị theo mẹ đi chợ phiên, tình cờ gặp lại hai người Hồng Nhậm, Miên Bật. Bật mỉm cười chào thị còn Nhậm lại quay đi.

-        Nhậm, Nhậm. Sao lại tránh mặt thị, con mèo lúc trước bị mất rồi sao?

-        Không mất, chỉ là hôm qua nó đã bị con chó nhà Nhậm cắn bị thương chết rồi.

Thị chạy lại, vừa nghe được lời Nhậm nói liền chực khóc:

-        Không, không! Nhậm nói dối!

-        Rứa thì, thị cho ta biết đáp án hôm trước đi, rồi ta trả thị con mèo đó cho thị!

-        Nhậm muốn đáp án chứ gì? Có phải bài thơ đó là bài Quan quan thư cưu, của Khổng Tử, chép trong sách Kinh thư, đúng không? Trả mèo đây!

-        Được, ta trả. Nhưng thị phải hứa với ta một chuyện. Đó là từ năm sau trở đi, mỗi ngày đều phải đến học ở Quốc Tử Giám. Chịu không?

-        Được thôi!


IV/ THUYẾT ÂM MƯU

           Thời gian thấm thoát trôi qua. Thế là Đại Nam đã bước sang một năm mới.

Một buổi sáng đầu xuân trong xanh. Những cơn gió mát lành chầm chậm thổi. Ánh thiều quang rực rỡ, dát vàng lên mái ngói lưu ly. Ngàn hoa chen nhau thắm sắc nơi khoảnh sân nhỏ phủ Hồng lô tự

[7]
của Nguyễn Tri Phương
[8]
. Một bé gái chừng ba, bốn tuổi từ đâu chạy đến sà vào lòng anh khoe chiến công.

-        A, anh Thư, anh Thư, bé Na mới bắt được mấy con sâu róm nì! Anh thấy em có giỏi không, hỉ?

-        Răng, con gái ai lại đi chơi sâu?

Cậu thiếu niên chừng mười hai, mười ba tuổi đang nhàn nhã đung đưa chiếc võng mắc giữa hai cây mận lớn. Bên cạnh có một chiếc bàn đá nhỏ, trên có một cuốn Binh thư yếu lược

[9]
để mở. Gió hiu hiu thổi. Ánh nắng lồng vào tán lá, phủ bóng lên trang sách đọc dở tạo ra những vệt sáng sinh động chẳng rõ hình thù.

Chìa bàn tay đầy vết chai của người tập võ trước mặt em gái, cậu hỏi:

-        Na đưa anh hỉ? Anh thương.

-        Được, bé Na không chơi nữa, cho anh. Nhưng Na không là con gái, em muốn làm con trai cơ. Na còn thích tập võ để lúc nào cũng khỏe mạnh như anh với anh Định

[10]
, con bác lãnh binh
[11]
Trương Cầm!

Bé Na ngoan và dễ thương như vậy nhưng Nguyễn Tri Thư lại không hề chú tâm nghe em gái nói mà lại đang suy tính điều gì đó. Một lúc sau, cậu mới lên tiếng.

-        À, phải rồi. Em đi kiếm cái hộp, anh bỏ mấy con ni vô đem khoe anh Định nữa.

Bé Na ‘dạ’ một tiếng rồi lon ton chạy đi ngay. Bé cứ tưởng sẽ được cùng người anh yêu quý sang nhà anh Định chơi. Ai ngờ đâu, lúc ra bé đã chẳng còn thấy bóng dáng anh trai đâu cả, đành tiu nghỉu bỏ vào nhà.

...

Tuy Nguyễn Tri Phương chỉ là quan văn nhưng ông lại có niềm đam mê võ thuật lớn. Ông thường hay bắt các con chăm chỉ luyện tập binh pháp phòng khi giặc đến. Cũng có lúc ông còn mời các con quan đại thần ban võ đến phủ so tài cùng các cậu. Cũng chính vì lẽ đó mà Thư và Định mới gặp gỡ và quen biết nhau.

Hai cậu chàng này, tuổi cũng vừa suýt soát nhau, kẻ mười ba, người trăng rằm, lại còn học ờ Quốc Tử Giám nên tình cảm như anh em trong nhà.

Và ở trong Quốc Tử Giám hai người vẫn rất thân thiết với nhau nhưng toàn hùa nhau bày trò quậy phá. Thú vui mỗi ngày của các cậu là chọc phá các bạn nữ nhỏ tuổi trong trường. Khi thì giấu sách, khi thì bắt nạt. Có lúc các cậu gian lận trong thi cử lại không nhận mà đổ cho người khác. Những chuyện như thế cứ xảy ra thường xuyên, khiến các quan Tế tửu, Tư nghiệp đau đầu chẳng giải quyết nổi.

-        A, cậu Thư ni, đến cũng đúng lúc lắm. Mẹ tôi đang làm bánh bò ở dưới nhà dưới ấy. Một lát cậu xuống lấy một ít về cho mẹ cậu, cứ bảo là mẹ tôi biếu phu nhân ăn lấy thảo.

-        Có bánh bò ạ? Thế có phần em không, anh Định?

-        Có, có đây. Biết cậu thích ăn nên tôi bớt phần mình cho cậu đó. À, răng mà cậu sang đây, không ở nhà chuẩn bị ngày mai khai giảng à?

-        Không biết anh có nghe tin con bé mít ướt ngày trước mình bắt nạt từ năm nay được vào Quốc Tử Giám học không? Tụi mình quen bắt nạt mấy đứa con gái rồi, chẳng ai cấm cản cả. Thế mà hôm đó thằng nhóc con Hồng Nhậm dám nhao đầu vào chứ. Là vương gia thì đã sao, là tôn thất thì đã sao? Chẳng qua cũng chỉ là một tên nhóc, hỉ mũi chưa sạch. Vừa hay hồi sáng, cái Na nhà em có bắt được mấy con sâu róm. Lần này mình cùng thả sâu róm này ra cho cắn chết hai tụi nó đi anh!

-        Ô, cậu ni chơi dại quá! Cậu không biết tên nhóc Miên Bật, bạn thằng Nhậm ấy là Hoàng tử sao?

-        Răng anh sợ chúng nó rứa?

-        Hắn là con thiên tử. Chỉ cần hắn khóc lên một chút là phụ hoàng hắn sẽ xử chúng ta tội khi quân nớ!

-        Rứa là mình ko chơi nữa á?

-        Không! Chơi, chúng ta phải chơi chứ! Đàn ông con trai nhà võ mà không biết tới hai chữ ‘trả thù’ thì còn gọi là đàn ông sao? Ha ha ha...

Trương Định cười lớn, Tri Thư cũng cười theo.

Cả hai cậu thiếu niên ấy, nụ cười như hoa, tuổi xuân như ngọc, vừa nhìn đã khiến cho các nữ tử trong kinh kì ai nhìn cũng phải ngẩn ngơ. Thế Nhưng, trái lại với vẻ ngoài ấy là sự ngạo mạn và ngông cuồng của cái tuổi lớn chưa lớn hẳn mà bé cũng không còn bé này.


V/ QUỐC TỬ GIÁM

Sáng hôm sau, ngày hai mươi tháng giêng, buổi lễ khai giảng vẫn được tiến hành theo thông lệ cũ. Các học sinh lần lần lũ lũ kéo nhau lên kinh kì. Trong số đó có cô bé hôm nào.

Thị lên kinh, ghi danh vào học ở Quốc Tử Giám: “Nguyễn Nhược Thị Bích, sinh tại làng Đông Giang, huyện An Phước, đạo Ninh Thuận

[12]
. Là con gái thứ tư của Nguyễn Nhược Sơn, nguyên là Bố chính tỉnh Thanh Hóa và mẹ là Thục nhân họ Nguyễn”.

Bích có tính hiền hòa, dễ thương, dễ mến nhưng lại hơi nhút nhát. Thị sợ sâu, sợ nhện. Nỗi sợ tiềm ẩn ấy, thị cố công giấu kĩ thế mà hôm nay đã bị bọn Tri Thư, Trương Định vạch trần rồi. Bọn chúng đợi thị vừa rẽ qua bụi cây ngay trong sân trường thì thả một đám thằn lằn, sâu, nhện cùng các con vật khác. Đám động vật be bé ấy chạy loạn lên dưới chân thị. Thị rùng mình sợ hãi rồi khóc toáng lên, kéo sự chú ý đến mình. Một tên thị vệ chạy tới định dỗ dành thị nhưng lại thấy người đứng sau thị là Phước Tuy công

[13]
và hoàng thúc. Hắn gọi khẽ, Phước Tuy công phất tay ra hiệu cho lui. Nghe thấy tiếng gọi của thị vệ, thị quay đầu nhìn lại và nhận ra ngay hai người bọn họ.

Nhìn họ thật khác!

Trong lúc thị đang ngây người chẳng nói được câu nào thì Hồng Nhậm đã vội lên tiếng bằng giọng kẻ cả:

-        Này! Con nhóc kia, răng gặp người mang tước công mà không chào hỏi? Thiếu lễ với ta đã đành, còn hoàng thúc ta thì mi tính ra răng? Nói cho mi biết, thúc ấy là hoàng tử thứ ba mươi của đức vua

[14]
đấy!

Thị luống cuống chắp tay hành lễ:

-        Dân nữ xin bái kiến hoàng tử, bái kiến Phước Tuy công. Dân nữ ngày đầu lên kinh kì, lễ nghi tất còn nhiều điều thiếu sót, mong hoàng tử và quận công bỏ qua cho ạ!

VI/ TUỔI THƠ NHƯ NGỌC

Sau đó, ba người bọn họ đã nói với nhau những gì, đã làm thế nào được thân thiết với nhau, chẳng một ai hay. Cũng chẳng ai biết được đám học trò ngông cuồng kia được ai trấn áp rồi.

Chỉ biết rằng, thỉnh thoảng, các hoàng thân hay thơ thường tụ họp ở thư viện Tự Hương của người hoàng tử nọ để cùng họa thơ. Nhiều lần trong số những lần ít ỏi họ gặp nhau, thị cũng được theo hầu Phước Tuy công. Chính việc đó đã giúp thị biết thêm nhiều kiến thức, tiện cho việc trau chuốt ngôn từ viết nên thiên Hạnh Thục ca nổi tiếng.

Những năm tháng tuổi thơ đi qua, êm như nước và trong như ngọc. Các cậu ngồi cùng nhau đối thơ, họa vần thật hạnh phúc.

Mùa xuân họ đối thơ xuân. Nguyễn Đình Chiểu

[15]
ra vế đối, Tuy Lý vương
[16]
Miên Trinh cũng đáp lễ lại:

Tết đến nhà nhà treo câu đối

Xuân sang phố phố hái lộc hoa

Vì thấy chủ đề thơ hay, công chúa Trinh thuận

[17]
, hiệu là Mai Am nữ sĩ cũng góp vui:

Tết đến người người say rượu mới

Thị Bích cũng chẳng chịu thua:

Xuân sang khách khách ngắm hoa tân.

Hay như có lần, Miên Bật hỏi Hồng Nhậm tình hình ngoài kinh kì thế nào rồi. Thị thấy hắn khi đi đường chỉ lo chơi, chẳng để ý đến chuyện xung quanh. Hắn cứ thế mà ấp a ấp úng, thị gợi ý cho hắn bằng một câu thơ. Nhanh như chớp, hắn cũng kiếm ra một câu họa lại thị:

Lữ khách giang hồ buôn kiếm dạo,

Tao nhân mặc khách bán thơ rong.

Miên Bật vui lắm, thưởng bạc cho thị.


...


Rồi cũng đến lúc thị học xong và phải trở về quê. Thư viện Tự Hương bỗng thiếu đi một nhân tài.


VII/ THỜI GIAN MÃI TRÔI

Dòng thời gian cứ thế trôi qua, những người ở lại vẫn tiếp tục vui đùa cùng nhau như thế.

Cho đến một ngày niên hiệu của Đại Nam chuyển từ Minh Mạng sang Thiệu Trị.

Năm thứ bảy, Quảng Ninh công Miên Bật qua đời. Vua thương tiếc người anh em, cho nghỉ chầu ba ngày, lập đàn tế, lại sai người dâng cho thụy là Đôn Hòa.

Sau, Tự Đức lên ngôi, tìm thấy tập thơ của cố nhân còn bỏ lại tại Đông Các bèn lấy bút ngự phê lên. Và chuyện đó cách đây đã tám năm rồi. Người con gái mít ướt ngày nào, giờ cũng trở thành tỳ thiếp của hoàng đế. Rồi lần lượt vào năm Tự Đức thứ 13, phong làm Mỹ nhân

[18]
, liền phong làm Quý nhân
[19]
, tấn phong làm Tiệp dư
[20]
. Được trao cho nhiệm vụ dạy học cho các hoàng tử, trong đó có cả Đồng Khánh đế và Kiến Phúc đế. Vì thế, người trong cung thường hay gọi thị là Tiệp Dư Phu Tử.

Năm Thành Thái

[21]
thứ tư, nghĩ công chăm sóc Lưỡng cung
[22]
khó nhọc, tấn phong Tam giai Lễ tần. Năm Duy Tân thứ 3, thị mất thọ 80 tuổi.

Từ Minh Mạng đến Thành Thái, thật hiếm thấy người phụ nữ nào lại sống qua nhiều đời vua như vậy, nhiều công lao như vậy. Thị thật là một tấm gương sáng cho hậu nhân.

...


CHÚ THÍCH:

[1]
Sinh 1829, mất 1883, húy là Hồng Nhậm. Vua thứ 4 nhà Nguyễn, triều đại quân chủ cuối cùng của Việt Nam. Ông ở ngôi từ năm 1847 cho đến lúc mất. Vua là người có nhân cách tốt, yêu thích thơ văn. Tuy từ nhỏ sức khỏe không tốt, vua không có con nhưng lại là người con có hiếu.

[2]
Tài nhân là chức vị dành cho phi tần của nhà vua, bậc cửu giai. Nếu xét thứ bậc dựa vào điển chế nhà Nguyễn lúc bấy giờ chia hậu cung làm chín bậc thì bậc Cửu giai là bậc thấp nhất

[3]
Sinh 1830, mất 1909, húy là Nguyễn Nhược Thị Bích, là phi tần hay thơ nhất triều Nguyễn, tác giả tập "Loan dư hạnh thục" hay còn gọi là "Hạnh thục ca", kể lại binh biến ở Huế năm 1885. Sinh thời, vì có nhiều công lao nên được phong lên bậc Tam giai Lễ tần.

[4]
Tức Đào Tiềm.

[5]
Tức Mạnh Hạo Nhiên đời Đường

[6]
Trích Đại Nam Liệt truyện

[7]
Chức quan văn hàng chính tứ phẩm, chuyên đảm nhận việc tiếp đón và thể thức lễ nghi với những sứ đoàn từ các triều hoặc nước khác đến. Ngoài ra, Hồng lô tự còn phụ trách việc xướng danh các vị tân khoa tiến sĩ đậu kỳ thi Đình.

[8]
Là một tướng sĩ nổi tiếng thời nhà Nguyễn. Ban đầu được phong cho chức quan văn, sau giặc Pháp xâm lược đã đứng lên anh dũng chiến đấu và hy sinh

[9]
Được cho là của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn. Chủ yếu viết về nghệ thuật quân sự nhưng đến nay đã thất truyền

[10]
Trương Định (1820-1864) hay Trương Công Định hoặc Trương Đăng Định, là võ quan nhà Nguyễn, và là thủ lĩnh chống Pháp giai đoạn 1859-1864

[11]
Chức quan võ đứng đầu quân đội của 1 tỉnh, hàng chính tam phẩm

[12]
Vùng Phan Rang, nay thuộc tỉnh Ninh Thuận

[13]
Tước hiệu của Tự Đức lúc chưa làm vua

[14]
Chỉ vua Minh Mạng

[15]
Tục gọi Đồ Chiểu, đã quá quen thuộc với tập thơ Lục Vân Tiên truyện

[16]
Con trai vua Minh Mạng

[17]
Con gái vua Minh Mạng

[18]
Một chức vị phi tần thời nhà Nguyễn, bậc Bát giai

[19]
Bậc Thất giai

[20]
Bậc Lục giai

[21]
Vị vua thứ 10 nhà Nguyễn

[22]
Chỉ chính cung hoàng hậu của Thiệu Trị và Tự Đức.

Từ khóa: 

lịch sử

'Quan quan thư cưu - Tại hà chi châu - Yểu điệu thục nữ - Quân tử hảo cầu.' là bài thơ đầu tiên trong Kinh Thi (không phải Kinh Thư bạn nhé). Thiết nghĩ, chẳng ai khoe sự hiểu biết hay thử tài văn thơ người khác bằng bài học 'vỡ lòng' này.

Trả lời

'Quan quan thư cưu - Tại hà chi châu - Yểu điệu thục nữ - Quân tử hảo cầu.' là bài thơ đầu tiên trong Kinh Thi (không phải Kinh Thư bạn nhé). Thiết nghĩ, chẳng ai khoe sự hiểu biết hay thử tài văn thơ người khác bằng bài học 'vỡ lòng' này.

Vẫn còn một số lỗi chính tả. Nếu xét về bối cảnh trước khi vua Tự Đức chưa lên ngôi để Tuy Lý Vương không hợp lý vì sau này vua Tự Đức mới tấn phong lên quận vương chứ trước đó chỉ là tước công. Chú thích chi tiết nhưng hơi nhiều, rối và không đồng đều, chẳng hạn chú thích về vua Thành Thái nhưng không chú về vua Duy Tân hoặc về thứ bậc nội cung, trong bài viết nếu ghi luôn tấn phong Lục giai Tiệp dư thì bớt được phần chú thích.