Chuyện cũ của Hưng Đạo vương

  1. Lịch sử

(!!!!!!) Hưng Đạo và Thiên Thành

Ảnh do người viết cung cấp

Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn là một nhân vật huyền thoại, do vậy những câu chuyện về ông đều rất thu hút và nổi tiếng. Một trong những câu chuyện đó chính là việc ông thành hôn với Thiên Thành công chúa.

.

Nhà Trần lễ pháp ưu tiên việc kết hôn nội tộc, mục đích chung quy là để bảo toàn quyền lực và sự ảnh hưởng của triều đại. Ngày nay, biện pháp này của nhà Trần thường bị đánh giá tiêu cực do vấn đề liên quan đến đạo đức, ngoài ra còn khiến những bạn trẻ tìm hiểu giai đoạn này đau đầu vì mối quan hệ chằn chịt trong hoàng tộc thông qua tính chất liên hôn đặc thù.

Câu chuyện của Hưng Đạo vương với Thiên Thành công chúa chính là vướng vào điều nhạy cảm đó.


Câu chuyện

Theo Đại Việt sử ký toàn thư (gọi tắt là Toàn thư), việc Hưng Đạo vương kết hôn với Thiên Thành công chúa là kết quả của một hành động táo bạo: cướp dâu.

Sách Toàn thư ghi lại sự kiện này như sau:

Tân Hợi, [Thiên Ứng Chính Bình] năm thứ 20 [1251]...Mùa xuân, tháng 1, đổi niên hiệu là Nguyên Phong (năm thứ 1)....
Gả Thiên Thành Trưởng công chúa cho Trung Thành vương (khuyết danh). Con trai Yên Sinh vương là Quốc Tuấn cướp lấy. Công chúa về với Quốc Tuấn.
Ngày 15 tháng ấy, Đế mở hội lớn 7 ngày đêm, bày các tranh về lễ kết tóc và nhiều trò chơi cho người trong triều ngoài nội đến xem, ý muốn cho công chúa làm lễ kết tóc với Trung Thành vương.
Trước đó, Đế cho công chúa đến ở trong dinh Nhân Đạo vương (là cha Trung Thành vương). Quốc Tuấn muốn lấy công chúa, nhưng không làm thế nào được, mới nhân ban đêm lẻn vào chỗ ở của công chúa thông dâm.
Thụy Bà công chúa (chị ruột của Thái Tông, cô của Quốc Tuấn, nuôi Quốc Tuấn làm con) liền đến gõ cửa điện cáo cấp. Người coi cửa vội vào tâu. Đế hỏi có việc gì, Thụy Bà trả lời:"Không ngờ Quốc Tuấn ngông cuồng càn rỡ, đang đêm lẻn vào chỗ Thiên Thành, Nhân Đạo đã bắt giữ hắn rồi, e sẽ bị hại, xin bệ hạ rủ lòng thương, sai người đến cứu"
Đế vội sai nội nhân đến dinh Nhân Đạo vương. Đến nơi, thấy yên lặng, bèn vào chỗ Thiên Thành, thì thấy Quốc Tuấn đã ở đấy. Nhân Đạo bấy giờ mới biết chuyện.
Hôm sau, Thụy Bà dâng 10 mâm vàng sống, tâu rằng: " Vì vội vàng nên không sắm được đủ lễ vật".
Đế bắt đắc dĩ phải gả Thiên Thành công chúa cho Quốc Tuấn, lấy 2000 khoảnh ruộng ở phủ Ứng Thiên để hoàn lại sính vật cho Trung Thành vương.


Thiên Thành công chúa đã định hôn ước, nhưng Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn do quá si mê công chúa mà vẫn cướp về. Xét về mặt luật pháp và lý lẽ, thì hành động này của ông không đáng tuyên dương chút nào, nhưng do uy quyên và chiến công hiển hách của ông trong lịch sử đã khiến hành động này trở thành lãng mạng và liều lĩnh.

Cuộc hôn nhân này của Hưng Đạo vương, cộng với việc em gái của ông là Thiều Cơ trở thành Hoàng hậu của Trần Thánh Tông, đã giúp hai nhánh Vạn Kiếp và Chiêu Lăng hòa hợp. Thế hệ tiếp theo là Trần Nhân Tông, kết hôn với Khâm Từ hoàng hậu là con gái của Hưng Đạo vương, càng khiến liên minh này tiếp tục vững chắc.


Vai vế của Thiên Thành công chúa

Cho đến nay, vai vế của Thiên Thành công chúa đối với chồng là Hưng Đạo vương vẫn gây ra nhiều tranh cãi.

Hai luồn ý kiến mâu thuẫn về vấn đề này là tập trung ở hai luận điểm "Công chúa là con gái cả của Trần Thái Tông""Công chúa là con gái thứ của Trần Thái Tổ". Với luận điểm thứ nhất, hai vợ chồng sẽ trở thành quan hệ anh em họ (vì Trần Thái Tông là em trai của An Sinh vương Liễu - cha ruột của Hưng Đạo vương); nếu xét luận điểm thứ hai, thì hai vợ chồng là quan hệ cô cháu (Trần Thái Tổ húy Thừa, chính là cha của cả Trần Thái Tông và An Sinh vương).

Người viết nghiêng nhiều về ý luận điểm thứ hai, Thiên Thành công chúa là con gái của Trần Thái Tổ. Danh hiệu Trưởng công chúa (長公主) là một tước hiệu có từ thời Tây Hán, lần đầu xuất hiện khi Hán Cảnh Đế Lưu Khải phong cho con gái cả Lưu Phiêu làm Trưởng công chúa, đất phong ở huyện Quán Đào, do vậy thông thường gọi là Quán Đào công chúa. Căn cứ Hậu Hán thư - Hoàng hậu kỷ:"Hán chế, Hoàng nữ phong Huyện công chúa, nghi phục như Liệt hầu. Những người được trọng vọng, gia phong hiệu Trưởng công chúa, nghi phục ngang Phiên vương" (Nguyên văn: 汉制,皇女皆封县公主,仪服同列侯。其尊崇者,加号长公主,仪服同蕃王)

Có thể thấy, ban đầu danh hiệu Trưởng công chúa dùng để phong cho Đích trưởng nữ (con gái cả do Hoàng hậu hạ sinh) của Hoàng đế. Những người từng được phong, ngoài Quán Đào công chúa còn có Vệ Trưởng công chúa, con gái cả do Hoàng hậu Vệ Tử Phu sinh ra thời Hán Vũ Đế. Tuy nhiên, danh hiệu này cũng dùng cho chị cả của Hoàng đế, như chính Hán Vũ Đế đã phong chị mình, Bình Dương công chúa.

Về sau, Thái Ung khi chú giải Sử ký của Tư Mã Thiên, đã chú rằng:"Đế nữ phong Công chúa, nghi phục ngang Liệt hầu. Tỷ muội phong Trưởng công chúa, nghi phục ngang Chư hầu Vương" (Nguyên văn: 帝女曰公主,仪比列侯。姊妹曰长公主,仪比诸侯王。). Vào thời Hán Quang Vũ Đế, ông vẫn phong cho con gái cả Lưu Nghĩa Vương làm Vũ Dương Trưởng công chúa, cho thấy đầu thời Đông Hán vẫn theo chế độ của Tây Hán. Thái Ung là học giả thời cuối Đông Hán, cha của nữ sĩ Thái Diễm, khi chú giải như vậy thì khoảng cuối Đông Hán đã hình thành lệ rằng: Danh vị Trưởng công chúa chỉ dành cho chị em gái của Hoàng đế. Do đó, từ cuối thời Đông Hán trở đi, danh hiệu "Trưởng công chúa" đã mặc định dành cho chị em gái của Hoàng đế đang tại vị, đến thời nhà Đường và nhà Tống cũng đã thành lệ. Nhà Trần, với thể chế lấy Tống làm cơ bản, khó có thể trở thành ngoại lệ.

Một số nhận định thông thường cho rằng, Trưởng công chúa thời nhà Trần có ý nghĩa nguyên bản như thời Tây Hán, tức là dành cho con gái cả của Hoàng đế đang tại vị, do đó sinh ra luận điểm "Thiên Thành công chúa là con gái của Trần Thái Tông".

Tuy nhiên, nếu chỉ xét vấn đề tước vị đương thời thôi, điều này hoàn toàn không hợp lý. Ngoài ra, còn một điểm khiến mệnh đề trên phi lý, chính là ghi chép về Thiên Chân công chúa cũng ngay trong Toàn thư. Công chúa là con gái duy nhất của Bảo Từ Thuận Thánh hoàng hậu và Trần Anh Tông, có nghĩa bà là chị khác mẹ của Trần Minh Tông, hôn lễ của công chúa là vào thời kỳ của Minh Tông, do vậy sách đã chép:"Mậu Ngọ, [Đại Khánh] năm thứ 5 [1318], (Nguyên Diên Hựu năm thứ 5). Mùa xuân, tháng 2, ngày 18, đem Thiên Chân Trưởng công chúa gả cho Huệ Chính vương (không rõ tên), phong làm Phò ký lang". Với vai vế đó của Thiên Chân, thì làm sao công chúa là con gái của Trần Minh Tông được?

Một điều quan trọng khiến luận điểm "Công chúa là con gái thứ của Trần Thái Tổ" rất chắc chắn, là do chính Khâm định Việt sử thông giám cương mục thời Nguyễn đã xác nhận công chúa là con gái của Trần Thái Tổ.


Năm sinh của Thiên Thành công chúa

Căn bản của luận điểm "Thiên Thành công chúa là con gái của Trần Thái Tông", ngoài sự hiểu làm danh hiệu Trưởng công chúa, mà còn vì khoảng cách quan hệ giữa Thiên Thành công chúa và Hưng Đạo vương được giảm nhẹ đi, chính là anh em họ. Tuy vậy, quan hệ cô cháu giữa hai người vẫn rất hợp lý.

Vào thời điểm xảy ra chuyện cướp dâu (là năm 1251), cứ tạm cho rằng Thiên Thành công chúa đã tầm 16 tuổi, là độ tuổi vừa đủ kết hôn vào thời xưa, thì tức là công chúa sinh khoảng năm 1233, mà Trần Thái Tổ qua đời vào đầu năm 1234, khi 51 tuổi. Vào lúc ấy, Trần Thái Tổ đã là Thái thượng hoàng, hoàn toàn có thể có cung phi hầu cận, việc có một Tiểu công chúa vào những năm cuối đời không phải là điều gì quá xa lạ đối với một quân vương. Nếu cho Công chúa xấp xỉ tuổi với chồng là Hưng Đạo vương, năm đó vừa 21 tuổi, như vậy thời điểm năm 1230 là năm công chúa được sinh ra. Một điểm thú vị là vào tháng 7 năm đó, Thuận Từ Quốc Thánh hoàng thái hậu qua đời, hoàn toàn không khó để liên kết rằng Thái hậu hạ sinh công chúa, sau đó nhiễm di chứng sinh nở mà bất hạnh khứ thế. Việc một Công chúa vào thời điểm hơn 20 tuổi mới hạ giá cũng không phải vấn đề gì ghê gớm, nếu liên hệ với lợi ích chính trị và tính chất hôn nhân đặc thù của nhà Trần.

Dù là lý giải nào, những lý do trên cũng đều cho thấy rằng Thiên Thành công chúa là con gái nhỏ nhất của Trần Thái Tổ, bà nhỏ hơn nhiều so với mẹ nuôi của Hưng Đạo vương là Thụy Bà công chúa. Và nếu công chúa đúng là Quốc Thánh hoàng thái hậu sinh ra, thì công chúa là em út cùng cha cùng mẹ của An Sinh vương lẫn Trần Thái Tông, là cô ruột của chồng bà Hưng Đạo vương và thời điểm công chúa qua đời (năm 1288) thì công chúa đã trên dưới 59 tuổi.

.

.

.

================

Tham khảo

  • Đại Việt sử ký toàn thư - Trần triều Thái Tông bản kỷMinh Tông bản kỷ
  • Khâm định Việt sử thông giám Cương mục
  • Hậu Hán thư - Hoàng hậu kỷ (hạ)
Từ khóa: 

trần hưng đạo

,

lịch sử

Trả lời

Lúc đọc bài đọc tới đoạn Trần Thái Tổ hơi giật mình, sau ngồi nghĩ lại với search lại mới biết là đó là cách gọi của người nhà Trần gọi Trần Thừa, he he