Mặt trận binh vận trong chiến tranh Việt Nam?

  1. Lịch sử

Trong chiến tranh Việt Nam, ngoài đối đầu quân sự ra thì mặt trận tuyên truyền và binh vận cũng khốc liệt không kém. Nếu phía Mỹ và chế độ Sài Gòn có chương trình chiêu hồi thì phía Mặt trận Giải phóng cũng có chương trình binh-địch vận. Chương trình binh vận đóng vai trò vô cùng quan trong trong cuộc kháng chiến khi nó làm tê liệt hệ thống chính quyền Sài Gòn và làm tan rã tinh thần chiến đấu của binh lính Sài Gòn.

Dưới đây là một số chính khách, sĩ quan và công chức chế độ Sài Gòn được Ban Binh vận thuyết phục theo cách mạng, ngoài ra cũng bao gồm các nhân vật được phía cách mạng tác động, thuyết phục để theo kháng chiến:

* Thiếu tá Lê Quang Ninh, sư đoàn 25, vốn là đảng viên cộng sản bí mật được gài vào hàng ngũ sĩ quan Sài Gòn. Ngày 28/4/1975, khi là tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 1, ông đã làm binh biến tuyên truyền binh sĩ dưới quyền phản chiến theo cách mạng trên đường rút về căn cứ Đồng Dù. Ông đã dẫn thành công khoảng 500 binh sĩ theo quân Giải phóng. Về sau Lê Quang Ninh được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVTND).

* Đại úy Bùi Văn Nam Sơn, sư đoàn 25, vốn là thuộc cấp tiểu đoàn phó của Lê Quang Ninh. Ông là người ủng hộ việc binh biến và được Lê Quang Ninh tin tưởng cử đi liên lạc với QGP. Số phận của ông về sau không có ghi chép lại.

* Trung tá Phạm Văn Đính, sư đoàn 3. Ngày 2/4/1972, ông là trung đoàn trưởng trung đoàn 56 đóng tại căn cứ Tân Lâm, Quảng Trị. Trung đoàn 56 khi đó bị QGP bao vây tứ phía, xin chi viện không được ông quyết định đầu hàng QGP, hơn 1500 binh sĩ dưới quyền bị bắt giữ. Về sau ông làm giảng viên trường Pháo binh của QĐNDVN và vẫn giữ quân hàm Trung tá.

* Trung tá Vĩnh Phong, sư đoàn 3, vốn là thuộc cấp của Phạm Văn Đính. Ông là người ủng hộ ông Đính đầu hàng. Về sau ông được giữ lại làm giảng viên trong QĐNDVN và vẫn giữ quân hàm Trung tá.

* Trung úy Trần Văn On, phi đoàn 550. Vốn là phi công chế độ cũ. Sau khi giải phóng Đà Nẵng ông tình nguyện theo QGP lái máy bay A-37 ném bom sân bay Tân Sơn Nhất cùng với Nguyễn Thành Trung. Về sau ông tham gia chiến đấu trong Chiến dịch Tây Nam chống lại Khmer Đỏ.

* Trung tướng Nguyễn Hữu Có, Cố vấn quân sự cho Dương Văn Minh vào những ngày cuối cùng. Ông ủng hộ Dương Văn Minh và các lực lượng thứ ba đầu hàng QGP vào trưa ngày 30/4/1975. Tuy vậy sau đó ông vẫn phải đi cải tạo đến năm 1987. Sau khi được trả tự do ông không đi Mỹ mà ở lại VN. Năm 2004 ông tham gia Mặt trận Tổ quốc VN với tư cách nhân sĩ tự do. Ông qua đời năm 2012.

* Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, phụ tá Tổng Tham mưu trưởng cho Dương Văn Minh vài những ngày cuối cùng. Ban Binh vận đã thông qua người bác họ của ông là Nguyễn Tấn Thành (cán bộ QGP) để tác động ông chấm dứt chiến tranh. Ngày 30/4/1975 ông kêu gọi binh sĩ buông súng, góp phần vô hiệu hóa các đơn vị quân đội Sài Gòn còn sót lại. Sau khi chiến tranh kết thúc ông được miễn cải tạo. Ông hiện là thành viên MTTQVN với tư cách nhân sĩ tự do.

* Thượng sĩ Nguyễn Văn Minh, là điệp viên cách mạng ngay trong lòng Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn. Gia đình ông là người Bắc di cư vào Nam năm 1954. Khi còn là sinh viên ông thường lén ra chiến khu Đồng Tháp Mười dự các lớp chính trị. Về sau ông được gài vào làm thư ký Văn phòng BTTM địch làm tình báo với bí danh H3. Ngày 30/4/1975 ông là người bảo vệ thành công tất cả hồ sơ ở BTTM địch và bàn giao cho QGP. Ông được phong tặng dạnh hiệu AHLLVTND.

* Dương Văn Minh, tổng thống cuối cùng của chế độ Sài Gòn. Ban Binh vận đã thông qua người em trai của ông là Dương Văn Nhật (Đại tá QGP) để tác động ông theo thành phần thứ ba. Ngày 30/4/1975 ông ra lệnh buông súng và đầu hàng vô điều kiện, chấm dứt chiến tranh, đồng thời giảm thiểu thương vong 2 bên. Sau khi chiến tranh kết thúc ông được miễn đi cải tạo. Năm 1981 ông sang Pháp chữa bệnh, năm 1988 sang Mỹ sống với người con gái. Ông qua đời năm 2001 tại Mỹ.

* Dương Văn Ba, dân biểu Hạ nghị viện. Thứ trưởng Bộ Thông tin của Dương Văn Minh trong những ngày sau cùng. Sau khi chiến tranh kết thúc, ông hoạt động kinh tế, làm phó giám đốc công ty CIMEXCO từ năm 1984. Tuy nhiên sau đó ông bị dính vào vụ án kinh tế và phải ngồi tù tới 1995. Ông qua đời năm 2015.

* Nguyễn Văn Huyền, từng là Chủ tịch Thượng nghị viện chế độ cũ và là Phó Tổng thống của Dương Văn Minh những ngày cuối cùng. Ông thuộc thành phần thứ ba và là người trình lên Dương Văn Minh kiến nghị đầu hàng. Sau khi chiến tranh kết thúc ông được miễn cải tạo, sau được mời tham gia MTTQVN. Ông qua đời năm 1995.

* Đinh Văn Đệ, từng là Phó Chủ tịch Hạ nghị viện chế độ cũ. Cuối năm 1967 Ban Binh vận thông qua người vợ của em trai ông - Đinh Văn Huệ (đại tá QGP) đã tác động ông theo cách mạng. Khi được Nguyễn Văn Thiệu cử đến Mỹ để xin viện trợ ông đã cố tình cho Quốc hội Mỹ thấy rằng chi viện cho chế độ Sài Gòn là vô ích và sự sụp đổ của chế độ là không tránh khỏi. Kết quả là Mỹ ngừng viện trợ. Sau chiến tranh ông được công nhận là điệp viên QGP nhưng chịu nhiều điều tiếng vì từng là chính khách cao cấp chế độ cũ. Về sau ông xuất gia theo đạo Cao Đài và sống lặng lẽ.

* Triệu Quốc Mạnh, Cảnh sát trưởng Sài Gòn - Gia Định của Dương Văn Minh những ngày cuối cùng. Năm 1966 khi đang là thẩm phán ở Sài Gòn, ông bí mật gia nhập Đảng Cộng sản. Sau khi được Dương Văn Minh bổ nhiệm làm Cảnh sát trưởng Sài Gòn - Gia Định, ông đã cho thả hết tù chính trị và cấm cảnh sát nổ súng, nhờ vậy ông đã vô hiệu hóa được lực lượng cảnh sát. Sau chiến tranh ông tham gia giảng dạy ở Trường Đại học Tổng hợp TPHCM và hiện tại là thành viên của Đoàn Luật sư TPHCM.

* Thái Khắc Chuyên, thông dịch viên cho lính Mỹ. B-57 là lực lượng lính mũ nồi xanh của Mỹ có nhiệm vụ theo dõi tin tình báo ở miền Nam, Thái Khắc Chuyên là thông dịch viên cho đội này. Vào cuối tháng 4 đầu tháng 5 năm 1969, B-57 đột ngột mất liên lạc với các mật vụ nằm vùng. Cùng lúc đó B-57 phát hiện 1 đoạn phim đen trắng thu được có hình 1 sĩ quan QGP giống Thái Khắc Chuyên. CIA lên kế hoạch dụ Chuyên đến phỏng vấn xin việc nhưng thực chất là tiến hành hỏi cung bằng máy xác định nói dối. Chuyên không vượt qua được máy nói dối nhưng vẫn một mực cho rằng mình vô tội. Vài ngày sau ông bị CIA ra lệnh thủ tiêu.

Ngoài ra còn có nhiều nhân vật của chế độ cũ được tác động theo cách mạng như Vũ Văn Mẫu (cựu thủ tướng), Lý Quí Chung (cựu dân biểu), Lý Chánh Trung (giáo viên), Hồ Ngọc Nhuận (cựu dân biểu), Nguyễn Ngọc Lan (linh mục), Stephano Chân Tín (linh mục), Trần Ngọc Liễng (luật sư), Bùi Chánh Thời (luật sư) v.v...

Nguồn tham khảo:

http://truongchinhtribentre.edu.vn/noi-dung/nghe-thuat-binh-van-cua-dang-ta-trong-cuoc-khang-chien-chong-my-cuu-nuoc

http://baohatinh.vn/van-hoa-giai-tri/ky-ngay-28-thang-/80367.htm

http://antg.cand.com.vn/Tu-lieu-antg/Ngay-tro-ve-cua-trung-ta-Pham-Van-Dinh-trong-mua-he-do-lua-303046/

https://www.tienphong.vn/xa-hoi/ong-nguyen-huu-co-su-sup-do-cua-chinh-quyen-sai-gon-cu-la-tat-yeu-7490.tpo

http://vnca.cand.com.vn/Tu-lieu-van-hoa/Chung-toi-lam-dac-san-Cimexcol-tra-gia-dat-324473/

https://tuoitre.vn/nam-bo-nhung-ngay-hao-hung---ky-5-phuong-an-duong-van-minh-435432.htm

https://thanhnien.vn/chinh-tri-xa-hoi/38-nam-non-song-mot-dai/ong-nguyen-huu-hanh-minh-la-nguoi-viet-nam-31464.html

https://tuoitre.vn/nguoi-phi-cong-so-5-cua-phi-doi-quyet-thang-1304964.htm

https://baotintuc.vn/tin-tuc/nguoi-chien-si-diep-bao-trong-ha-vien-sai-gon-20130426081330601.htm

https://tuoitre.vn/canh-sat-truong-24-gio-61618.htm

http://antg.cand.com.vn/Tu-lieu-antg/diep-vien-nhi-trung-hay-tam-trung-339700/

http://www.lichsuvietnam.vn/home.php?option=com_content&task=view&id=1418&Itemid=68

Từ khóa: 

,

lịch sử