Màu sắc trong phim Mùa hè chiều thẳng đứng (2000) - Trần Anh Hùng

  1. Phim ảnh

Nói đến phim của Trần Anh Hùng hẳn ai cũng từng xem ít nhất một lần với cảm giác chung luôn là sự lạ lẫm. Phần vì phim của Trần Anh Hùng đẹp quá, lạ quá, khác so với phim của đạo diễn cùng thời quá. Lật lại bối cảnh cuối những năm 90s – đầu 2000, trong khi phim ảnh bấy giờ tập trung vào đề tài hậu chiến, những câu chuyện lấy đi quá nhiều nước mắt thì phim của Trần Anh Hùng lại là một ‘túi mơ to’. Phim hay gặp thời, Trần Anh Hùng nổi lên như một hiện tượng mà chúng ta vẫn dõi theo đến tận bây giờ.

Trong series ba bộ phim về Việt Nam: Mùi đu đủ xanh (1993) – Xích Lô (1995) – Mùa hè chiếu thẳng đứng (2000), Trần Anh Hùng kể những câu chuyện khác nhau, về những gia đình tư sản, về giới giang hồ Sài Gòn. Một lúc nào đó họ cô đơn, có khi họ tự do vui đùa trong mộng tưởng, khi lại mang cho mình đầy trăn trở. Nhưng nhìn chung, từ cách thể hiện phim lẫn nhân vật luôn mang một nét nữ tính rất ‘Trần Anh Hùng’ mà chúng ta đều có thể dễ dàng cảm nhận qua hành động họ.

Với Mùa hè chiều thẳng đứng (2000), bộ phim về ba (có lẽ bốn) thế hệ phụ nữ Hà Nội trong một gia đình với những câu chuyện đan xen nhau. Trên nền hôn nhân hạnh phúc của bố mẹ, ba chị em Sương – Khanh – Liên cũng có những mộng tưởng cho cuộc sống của mình. Mỗi người có một câu chuyện riêng, người đầy ẩn ức, người hạnh phúc, nghi ngờ, người mơ màng hay nghịch ngợm. Trần Anh Hùng chưa bao giờ đưa bất kỳ địa điểm cụ thể nào vào câu chuyện của mình. Nhưng một lần nữa, sự sắp đặt tinh tế của vợ ông – Trần Nữ Yên Khê (vai Liên) khiến chúng ta luôn có những cảm nhận đủ đầy về không gian.

MHCTD

Trần Anh Hùng làm phim về những người phụ nữ Hà Nội. Mình tin đây là một bộ phim đậm chất Việt nhất trong cả ba phim, đi từ lối sống, sinh hoạt cho đến phong tục tập quán.

Chị Sương là nhân vật mình thích nhất trong ba chị em. Trần Anh Hùng từng chia sẻ, khi lên kịch bản, ông đã viết riêng nhân vật này cho NSUT Như Quỳnh. Ở chị Sương là hình ảnh của phụ nữ Hà Nội bấy giờ, thương chồng, yêu con, chăm lo công việc bếp núc. Là chị cả trong nhà, chị duy trì sự khéo léo và đằm thắm của mình nhưng vẫn có chút nghịch ngợm phóng túng vừa đủ của người đàn bà. Với đoạn mở đầu phim, không ít lần mình tự hỏi liệu có tồn tại người phụ nữ hoàn hảo đến vậy, hay “mọi đam mê có đào tẩu khỏi chị” như cách người khác nhận xét về chồng chị không?

Cả ba chị em đều là những sắc tố xanh khác nhau. Cô út Liên (Trần Nữ Yên Khê) mang sắc xanh tươi mát; chị Khanh (Lê Khanh) lại là một màu xanh đậm, có phần êm dịu; còn chị Sương mang màu xanh lam thẫm pha chút đen bí hiểm. Màu xanh của chị mới đầu khiến ta có cảm giác không khác với màu xanh của chị Khanh nhưng có lẽ khi quan sát đủ lâu và để ý đủ nhiều, màu xanh của chị đôi khi bị pha trộn cùng màu đỏ, tạo thành sắc vàng. Hay có những lúc chuyển mình hẳn thành một màu đỏ đầy đam mê.

Chị Sương có nhân tình và nhân tình của chị mang màu đỏ.

“Vài cái hôn, vài cái vuốt ve, thế thôi!”. Thế như nào thì chỉ có chị Sương và Trần Anh Hùng biết chứ mình không biết, nhưng với người nhân tình đó, chị Sương như ở một thế giới khác. Người đàn bà cổ điển của gia đình mang một nét tân thời, chiếc áo rộng thay bằng bộ đầm ôm sát. Mái tóc lõa xõa bay khi chị ngồi hát bản tình ca “Rừng xưa đã khép” của Trịnh Công Sơn đưa chị và nhân tình chìm vào cuộc phiêu du tình ái.


Chị trong cuộc tình mới ở căn phòng màu đỏ. Ở đó chị tạm thời quên mất mình là ai trong ít lâu, mọi đam mê tình ái dường như chưa bao giờ rời khỏi chị. Nhưng phải nói một lần nữa, bí mật làm nên một người đàn bà quyến rũ. Cái quyến rũ của người đàn bà Hà Nội này còn hơn thế, chị dạo chơi và đắm chìm trong điệu ngân của nước với chiếc thau nhân tình tặng. Bằng cách nào đó, chị vẫn giữ lại cho mình một phần chung thuỷ, không hoàn toàn cho đi tất cả. Tấm thân của chị vẫn chỉ dành cho chồng chị, lời yêu của chị chỉ dành để nói với chồng và thậm chí nụ hôn của chị với nhân tình đôi khi vẫn cách nhau một tấm voan mỏng màu xanh.

Một lần nữa nhìn lại nhân vật Sương, chị hay Trần Anh Hùng lại thách thức định nghĩa của mình về tình yêu và sự chung thủy. Chị làm mình nhớ đến Tomas trong phim 

The Unbearable Of Lightness Beings
 (Đời Nhẹ Khôn Kham). Duy chỉ có nét đàn bà cho chị đặc quyền kiêu ngạo và biết cách giữ lại cho mình một mảnh bí ẩn về thân thế và cuộc đời thật của mình. Phiêu lưu trong cuộc tình mới, chị vẫn quay trở về với vai trò của một người vợ, người mẹ, người chị của gia đình.

Từ khóa: 

phim việt nam

,

trần anh hùng

,

mùa hè chiều thẳng đứng

,

phim nghệ thuật

,

phim ảnh

Đọc xong bài viết của bạn, biết về nhân vật chị Sương cũng khiến mình suy nghĩ lại về định nghĩa tình yêu và sự chung thủy, đôi khi là sự mâu thuẫn luôn ý. Đâu đó vẫn có suy nghĩ trong mình là vấn đề ngoại tình, và đâu đó cũng có suy nghĩ về câu chuyện cảm xúc và cân bằng trong cuộc sống. Kiểu như khá khó để phân biệt rạch ròi mọi thứ, mà chỉ có thể hiểu là nó như vậy =)))
Trả lời
Đọc xong bài viết của bạn, biết về nhân vật chị Sương cũng khiến mình suy nghĩ lại về định nghĩa tình yêu và sự chung thủy, đôi khi là sự mâu thuẫn luôn ý. Đâu đó vẫn có suy nghĩ trong mình là vấn đề ngoại tình, và đâu đó cũng có suy nghĩ về câu chuyện cảm xúc và cân bằng trong cuộc sống. Kiểu như khá khó để phân biệt rạch ròi mọi thứ, mà chỉ có thể hiểu là nó như vậy =)))