Môi trường công sở cần gì ở chúng ta?

  1. Hướng nghiệp

Câu hỏi mà bất kì ai khi bắt đầu một công việc mới đều băn khoăn, rốt cuộc ở cái nơi nhà kín như bưng mà chúng mình phải ngồi suốt 8h thậm chí 10h, 12h có điều gì khiến cho người thì mỗi ngày đi làm là một ngày vui còn người thì cứ nghĩ đến thứ Hai là stress như vậy?

Tâm thái

Chắc hẳn các bạn chẳng xa lạ gì với Luật hấp dẫn, thứ mà mình nghĩ về nó nhiều thì nó sẽ trở thành hiện thực, thứ mà mình càng hình dung rõ ràng về nó thì nó sẽ không sớm thì muộn sẽ đến. Do đó, tâm thái khi nghĩ về việc đi làm rất quan trọng.

Đối với những người trẻ, tâm thái có vẻ tốt hơn so với người đã đi làm lâu năm và có kinh nghiệm.

Sinh viên mới ra trường như một tấm chiếu mới, đương nhiên sẽ nghĩ về công sở như một bức tranh hoàn mĩ, sếp thì thân thiện, đồng nghiệp thì thân thương mà lương thì không làm bản thân thất vọng. Do đó các bạn thường sẽ đón nhận công việc dễ dàng hơn, hào hứng hơn, sẵn sàng thể hiện hơn.

Còn manh chiếu cũ ở chợ Đồng Xuân là các bạn đã kinh qua một vài công ty, cũng bị đá qua đá lại, cọ sát một phần thì tâm thái sẽ e dè hơn, cẩn trọng hơn, kín đáo hơn. Đó cũng là lẽ thường.

Chính bởi tâm thái ấy, cộng với định luật hấp dẫn sẽ hình thành nên môi trường mà bạn chọn, bạn càng thoải mái bao nhiêu sẽ tìm được nơi free style bấy nhiêu, bạn càng đóng mình lo sợ bao nhiêu thì công việc bạn chọn sẽ lại càng nhiều cạm bẫy và cáo già gian ác.

Nên đôi khi, cứ tạm coi mình là một tờ giấy trắng, đón nhận mọi thứ háo hức và vui vẻ có khi lại thú vị hơn.

599593-637387719596955399-16x9

Tâm thái khi nghĩ về việc đi làm rất quan trọng

Một số bài học xương máu

Công việc đầu đời của tôi là tại Maritime bank, vào những năm 2010, MSB là một đơn vị có tiếng tăm, quy mô thậm chí còn hơn cả Techcombank. Những năm tháng ngây ngô ấy đã cho tôi rất nhiều bài học.

Không làm việc bằng bản năng

Bắt đầu một công việc mới, chúng tôi được tham gia một khoá đào tạo ngắn hạn (tầm 1 tháng) về kiến thức nghiệp vụ, kĩ năng bán hàng rồi sau đó đi vào thực chiến.

Thứ sức mạnh duy nhất của một sinh viên mới ra trường chẳng có gì ngoài sự chăm chỉ và làm không biết sợ. Sau cuộc gọi điện thoại đầu tiên cho khách hàng, tôi lập tức đi một mình qua gặp. Và không chỉ có anh khách đó mà có rất nhiều bạn bè của anh ngồi cùng, mỗi người một câu để vây cô bé mới ra trường là tôi.

May mắn là không có chuyện gì xảy ra nhưng thực sự nghĩ lại vẫn thấy mình liều, khách đồng ý gặp là đi, có lần còn tự đi gặp cả các anh xã hội đen một mình luôn.

Đấy chính là làm việc theo bản năng, không có sự tính toán, thứ tính toán đầu tiên chính là tính cho sự an toàn của mình.

shutterstock-486926164-15488215489082136349126

Không nên để bản năng chi phối khi làm việc

Đặt cảm xúc lên quá cao

Đến bây giờ tôi vẫn mắc phải chứng bệnh này – bệnh TỰ ÁI.

Đồng nghiệp nói không vừa tai, tự ái.

Sếp mắng hoặc sếp nặng lời, tự ái.

Khách hàng than phiền hoặc không hợp tác, tự ái.

Cứ tự đưa mình vào bẫy cảm xúc rồi đau khổ, vật vã.

Thực sự ở công sở, chỉ trừ người thương ta lắm lắm họ mới quan tâm tới cảm xúc của ta, còn lại họ chỉ quan tâm tới công việc. Công việc suôn sẻ, trôi chảy, hiệu quả mới là thứ thước đo tốt nhất.

Bạn được sếp yêu quý nhưng làm việc không tốt, bạn vẫn bị khiển trách bình thường.

Bạn coi sếp là người nhà, trao trọn tâm tư tình cảm nhưng số không về, không hoàn thành KPI, sếp vẫn loại trừ bạn.

Do vậy hãy thật tỉnh táo, cảm xúc chỉ là thứ gia vị cho cuộc sống công sở, không phải món ăn chính.

nguoi-tre-nhay-viec-va-can-benh-tu-ai-khi-bi-sep-mang-hinh-anh-2

Trong công việc yếu tố cảm xúc bị gạt qua một bên

Bệnh cả nể

Từ xưa tới nay, người cả nể là người thiệt, không dám nói ra quan điểm của mình, ai đưa ai đẩy cũng chấp nhận thì khó có thể đạt được điều mình mong muốn.

Lúc trước tôi có làm cùng một anh A, khi đi gặp khách hàng anh A có đi cùng tôi và thường có màn xin khách hàng giới thiệu khách. Anh A giành phần ghi chép lấy số điện thoại về nhà để anh em chia nhau gọi.

Sau vài lần anh A một đi không trở lại không chia cho tôi số điện thoại nào thì tôi đã chấm dứt rủ anh A đi cùng. Ban đầu nghĩ anh quên nên cả nể không hỏi, sau thấy hoá ra chiến lược của anh là cướp khách nên thôi, chẳng để anh trục lợi nữa.

Nhiều khi chúng ta cả nể nhưng không đúng đối tượng vô hình chung lại làm hại chúng ta do đó, sự chân thành chỉ dành cho đúng người.

321

Cần lưu ý gì khi đi làm công sở

Tâm thế lạc quan

Như đã nói phía trên, tâm thái lạc quan rất quan trọng, hãy coi nhẹ mọi thứ, đừng quá đặt nặng người ta ghét mình, người ta yêu mình, người ta nói xấu mình. Chúng ta đến công ty để làm việc chứ không phải làm hoa hậu thân thiện để hài lòng tất cả mọi người, vì vậy ai thương thì ta nhận, ai ghét thì ta cũng nhận, vậy thôi.

Tính chủ động

Nhân viên mới rất hay bị rơi vào bẫy, em làm vậy mà sếp không coi trọng em, không đánh giá cao em. Vấn đề là em đã nói ra vấn đề hay chưa.

Nếu không nói ra tâm tư nguyện vọng của bản thân, sẽ chẳng ai có đủ thời gian để quan sát, tìm hiểu và chăm sóc chúng ta được đặc biệt ở nơi mà một núi công việc đè người như doanh nghiệp. Nên có chuyện gì hãy chủ động nói ra, đừng chọn ô cam chịu.

Kìm nén cảm xúc

Sáng nay tôi mới trả lời một câu hỏi là Bạn có tìm kiếm niềm vui ở công việc không, câu trả lời là có nhưng tôi vẫn muốn nói kể cả công việc không vui hãy cứ bình tĩnh.

Có rất nhiều thứ không vui trong cuộc sống này vẫn đang diễn ra. Sự thúc ép tiến độ, sự thắt chặt ngân sách, sự săm soi về thời gian làm việc, thứ gì cũng đều khiến ta có cảm giác nghẹt thở. Nhưng khi thành công gọi tên sau từng ấy thứ khó khăn, sự thành công ấy mới giá trị.

Đoạn đường nào trải bước trên hoa hồng, bàn chân cũng thấm đau vì những mũi gai.

Bạn độc đáo nhưng không phải là số 1

Sợ nhất ở công ty chính là sự tự tin thái quá, không có tôi thì trưởng nhóm chẳng làm được việc, báo cáo này là tôi làm cho sếp, có tôi chạy số thì team mới được danh hiệu đó.

Thực ra các bạn giỏi, làm gì có ai xoá mờ được, hãy cứ yên tâm là dù không ai nói ra thì vẫn có hai người công nhận sự giỏi của mình: một là vũ trụ này, hai là chính bản thân bạn nhìn ra được sự nỗ lực của bản thân.

Ở công sở, bản tính ngôi sao có sao không, không sao nhưng chỉ mệt thôi, đó là chân không chạm đất, cứ lơ lửng trên trời vì không thành người thường được.

Biết được giới hạn và những điểm cần cải thiện của bản thân mới giúp ta luôn tiến về phía trước.

Luôn rõ được mục tiêu của mình với công việc này là gì

Khi đi phỏng vấn, nhiều bạn nói em đi làm vì đam mê, vì cọ sát vì kinh nghiệm cơ mà lúc làm thì lại đòi lương cao, đãi ngộ tốt. Thật là mâu thuẫn quá đi.

Nên nếu như mình đi làm mà không xác định rõ mục tiêu của mình thì cũng khá hoang mang từ đó dẫn đến khó chịu, bất mãn với công việc.

Lời kết

Mỗi công việc, mỗi môi trường sẽ có một đặc điểm khác nhau, có đòi hỏi khác nhau, vấn đề là mở lòng ra, quan sát đủ, lắng nghe đủ để đáp ứng lại yêu cầu của doanh nghiệp.

Sẽ chẳng có một công thức chính xác cho bất kì ai mà chỉ có bản thân mỗi người tự tìm ra công thức sinh tồn của chính mình.

Huyền Leaf.

Từ khóa: 

hướng nghiệp

Mình lại ko được may mắn trong công việc, cứ trồi sụt lênh đênh không phương hướng dù cho bản thân đã cố gắng rất rất nhiều, từ kiến thức chuyên ngành, cách quản lý công việc, quản lý deadline ... Mỗi nơi lại có một câu chuyện ko thể nói ra hết bằng lời, chỉ có thể trải nghiệm mới hiểu nỗi, còn mình thì lúc nào cũng bị mắc kẹt trong cái bẫy lôi thôi ko lời đó. Mình ước gì ai đi làm cũng tập trung đến chuyên môn của mình, phối hợp với ng khác cùng nhau hoàn thiện mục tiêu của tổ chức, hiểu dc khó khăn của nhau và bỏ qua những việc nhỏ nhen ngoài lề thì môi trường công sở sẽ ko còn xấu xí và dramma nữa.
Trả lời
Mình lại ko được may mắn trong công việc, cứ trồi sụt lênh đênh không phương hướng dù cho bản thân đã cố gắng rất rất nhiều, từ kiến thức chuyên ngành, cách quản lý công việc, quản lý deadline ... Mỗi nơi lại có một câu chuyện ko thể nói ra hết bằng lời, chỉ có thể trải nghiệm mới hiểu nỗi, còn mình thì lúc nào cũng bị mắc kẹt trong cái bẫy lôi thôi ko lời đó. Mình ước gì ai đi làm cũng tập trung đến chuyên môn của mình, phối hợp với ng khác cùng nhau hoàn thiện mục tiêu của tổ chức, hiểu dc khó khăn của nhau và bỏ qua những việc nhỏ nhen ngoài lề thì môi trường công sở sẽ ko còn xấu xí và dramma nữa.

Đúng là môi trường công sở thật sự rất khắc nghiệt

Mỗi môi trường sẽ cần rất nhiều kĩ năng khác nhau mà môi trường công sở là môi trường cạnh tranh nhất.

Bất kể ở môi trường nào thì thứ Hai cũng đồng nghĩa với stress bạn ạ :((

Thật ra thì ở đâu cũng có những cái khó, cái mệt cả thôi, quan trọng là cách mà mỗi người đối diện