Ném đá, khẩu nghiệp có đang dần trở thành "một nét văn hóa" của người Việt?

  1. Văn hóa

Điện thoại, mạng xã hội, sóng wifi đang trở thành một bộ 3 quyền năng trong cuộc sống hiện đại mà nếu thiếu nó, nhiều người như “sống dở chết dở”, mà “nhờ” có nó, nhiều người cũng sống dở chết dở theo đúng nghĩa đen.

Ném đá, khẩu nghiệp - hành vi lệch chuẩn hay “trào lưu thời thượng”?

Một thiếu nữ đang độ trăng tròn vừa tự kết liễu đời mình vì những lời dè bỉu từ những người không quen biết, một cụ già bị mọi người xua đuổi vì bị đồn là kẻ ăn thịt trẻ em, một bác sĩ bị mất việc vì để chân trên giường bệnh, một nhóm nhạc đang thời kì hoàng kim bỗng lao đao vì tin đồn bắt nạt thành viên,... cùng hàng trăm câu chuyện đau lòng khác mà ở đâu đó, chúng ta không biết hoặc không nghe đang trở thành nạn nhân của những lời lẽ miệt thị, khích bác vô lối “được ủng hộ” khi xu hướng chỉ trích, chê bai của một bộ phận người Việt đang trở nên phổ biến.

nt

Nguồn: Độc thân vui tính

“Khẩu nghiệp” , “Nghiệp tụ vành môi”, “Hội khẩu nghiệp”, “Hội những người thích hít drama” là những từ khóa “thời thượng” đang nhan nhản trên mạng xã hội, đang sống bằng hàng chục bài bốc phốt mỗi ngày, lớn lên bằng những lời lẽ tổn thương và phát triển với lí tưởng “khẩu nghiệp vì chân lý”. Đặc biệt, chúng đang trở thành một trào lưu được hưởng ứng. Một bộ phận người Việt lấy việc khẩu nghiệp làm niềm vui mỗi ngày, lấy làm hãnh diện khi xem miệt thị, chỉ trích như một cách để “thay trời hành đạo” và đi đến đâu cũng như những dũng tướng bệ vệ oai phong được nhìn bằng con mắt dè chừng sợ hãi. Mà không sợ hãi sao được vì chỉ cần một đoạn tin nhắn không rõ thật giả, vài tấm ảnh, vài lời nói được đăng trên hội khẩu nghiệp cũng được nhớ mặt gọi tên khắp trên các trang báo lá cải, trang cá nhân bị hàng trăm người ném đá, danh tính cả dòng họ cũng được đào ra, bao danh dự bị bêu rếu và bao nhiêu người vô tội liên quan. Mặc dù không thể phủ nhận tác dụng của “tòa án lương tâm” đối với việc hồi hướng những con người trót lầm đường lạc lối, nhưng đáng buồn thay, những thật giả lẫn lộn của môi trường mạng xã hội, cách tiếp cận vội vàng hấp tấp, hùa theo, ăn theo, dẫn đến “ném đá” ngay cả khi chưa hiểu đầu đuôi đã biến khẩu nghiệp, ném đá thành trend và “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” như một thứ gì đó rất xa xỉ, khó vời.

qt1

Nguồn: Soha

Sống giữa một xã hội mà miệt thị, chỉ trích lên ngôi, chưa bao giờ nổi tiếng lại dễ đến như vậy, cũng chưa bao giờ nhân phẩm con người bị xem là rẻ rúng đến thế, giết người mà chẳng cần dao, chửi nặng một chút, làm lớn chuyện một chút là “được”. Bị chửi, bị miệt thị, chỉ trích cũng nổi tiếng, mà chửi hay, chửi giỏi cũng nổi tiếng, thậm chí là được ngưỡng mộ và tôn vinh. Còn những nạn nhân, nếu cứng cáp thì vượt qua, “may ra” còn được nổi tiếng vì tai tiếng, nếu yếu thì có nhiều người nghĩ quẫn, “không may” lại chọn con đường quyên sinh….Những ví dụ thì không cần nêu ra, mọi người ai cũng đã gặp, đã thấy, đã nghe vì mọi thứ cứ ngỡ thường tình như chuyện bình sinh, đâu đâu cũng toàn chuyện đau lòng.

Ở xu hướng ném đá phổ biến của một bộ phận hiện nay, hiệu ứng đám đông là một trong những yếu tố khiến việc ném đá, chỉ trích, miệt thị người khác thành chuyện bình thường. Nhiều người thậm chí chưa tìm hiểu đầu đuôi sự việc, thấy đám đông ào ào chửi bới cũng nhập cuộc thay trời hành đạo mà chẳng biết đúng sai, có lẽ cũng bởi vì cái chân lý “đa số thắng thiểu số” từ lâu đã trở thành tiêu chuẩn đánh giá của người Việt, cùng với độ “nóng máu” của đám đông mà việc “góp ý” cho một tổ chức hay cá nhân nào chưa bao giờ là dễ chịu.

Ở một khía cạnh khác, bên cạnh việc nhiễu loạn thông tin của mạng xã hội, cảm xúc nhất thời cũng là một nguyên nhân khiến cho những lời góp ý trở nên cay nghiệt. Chúng ta thường có xu hướng bị cảm xúc ban đầu dẫn lối, khi tiếp nhận được một thông tin gì đó gây bất bình, ít ai đủ tỉnh táo để mổ xẻ thực hư, vì vậy, nhiều khi chưa xác thực, những lời lẽ không hay cũng đã được tuôn ra để giải quyết cảm xúc nhất thời mà lời nói thì như ly nước đổ rồi, có lời miệt thị, chửi bới nào mà không đau?

Những “tấm gương” nổi tiếng trên mạng xã hội với những bài viết mang đậm tính cá nhân, cổ xúy, châm biếm, mỉa mai thậm chí là tục tĩu không những không bị lên án mà ngược lại còn được ủng hộ tán dương cũng chính là một yếu tố làm không ít người theo dõi những cá nhân này bị ngấm lối thể hiện tiêu cực đó.

Ném đá, khẩu nghiệp rõ ràng đang là một trào lưu phổ biến được hưởng ứng mà người khẩu nghiệp thì theo kịp thời đại, còn người không biết khẩu nghiệp thì như kẻ tụt hậu chẳng bằng ai. Thế nhưng, trào lưu được hưởng ứng này lại khiến dư luận xã hội Việt Nam gần đây rơi vào trạng thái cực đoan, ném đá, chỉ trích thiếu cơ sở từ lâu được xem là một biểu hiện lệch chuẩn văn hóa nay đang làm cho ranh giới giữa phản biện xã hội và chê bai vô lối trở nên mờ nhạt, mong manh. Vậy liệu ném đá, khẩu nghiệp được nhiều người đón nhận, ủng hộ liệu có đang trở thành phản biện xã hội hay “một nét văn hóa” của người Việt?

Ném đá, khẩu nghiệp có đang thành “một nét văn hóa” của người Việt?

Cấu trúc bề mặt của cụm từ nét văn hóa có thể tương ứng với một trong các cấu trúc chiều sâu sau đây:

1) Nét đẹp của văn hóa (văn hóa gì? văn hóa của ai?).

2) Nét đẹp trong văn hóa

3) Nét đẹp có tính văn hóa

Việc ném đá, khẩu nghiệp vô lối hầu như không thuộc về cấu trúc chiều sâu nào trong cả 3 cấu trúc nói trên bởi nó không phải là một nét đẹp văn hóa của người Việt, không phải là một nét đẹp trong văn hóa, càng không phải là một nét đẹp có tính văn hóa.

Định nghĩa cho "nét đẹp văn hóa" được Google đưa lên vị trí số 1: Là một khía cạnh đáng được tôn trọng, ngợi ca trong đời sống văn hóa. Đáng buồn thay, việc ném đá, khẩu nghiệp vô lối trong đời sống xã hội ngày nay đang được nhiều người tôn trọng và ngợi ca như thế khi có càng nhiều người tìm đến những hội khẩu nghiệp, mượn sự cay nghiệt trong dư luận xã hội để đòi lại công bằng cho mình hoặc dìm người khác xuống, và mọi người thi nhau ném đá, chỉ trích, chê bai như một cách để thực thi công lý mà “công lý” này nhiều khi là công lý được che đậy, sự thật được xóa mờ. Vậy, với sự ủng hộ, đón nhận như vậy, ném đá khẩu nghiệp có đang trở thành “một nét văn hóa”? Dĩ nhiên là không, bởi vì bản thân nó vốn đã không phải là một nét đẹp, chứ đừng nói đến là văn hóa. Ném đá, khẩu nghiệp chỉ có thể trở thành một nét đẹp văn hóa khi nó trút bỏ được những ngôn từ cay nghiệt, xuất phát từ thiện tâm góp ý vì phát triển, phê bình trên cơ sở tìm hiểu rõ thực hư chứ không cần đay nghiến đến vậy. Và sự thật là khi một số người cho rằng ném đá, khẩu nghiệp như “một nét văn hóa” của người Việt, thì một số khác lại cho rằng đây là một sự thụt lùi về văn hóa, cũng như 2 luồng trong dư luận xã hội, một bên lên án việc ném đá hội đồng, một bên lại nhảy bổ vào mà ném đá “tứ tung”.

Thời đại công nghệ thông tin đã cho chúng ta nhiều cơ hội. Trong đó có cơ hội tiếp xúc nhiều hơn với đa dạng thông tin về đời sống, xã hội cũng như cơ hội bày tỏ ý kiến cá nhân về những vấn đề mà mình quan tâm. Việc bày tỏ ý kiến cá nhân là đáng quý đối với bất kì sự phát triển nào nếu như nó là ý kiến xuất phát từ sự chân thành, thiện tâm và sự hiểu biết đủ sâu, đủ rõ. Bày tỏ ý kiến cá nhân sẽ không có gì đáng nói nếu như nó không biến thành lời chỉ trích, chê bai dễ buông lơi chỉ vì những thông tin trôi nổi không kiểm chứng, hay đôi khi chỉ vì “thấy không ưa, không thích. VẬY THÔI!!”... Thế nhưng hậu quả của nó thì nhiều khi không chỉ dừng lại đơn giản như cái cách của một số người khi buông lời miệt thị, chê bai mà là chia rẽ, bè phái, gây mất đoàn kết hoặc có thể là tệ hơn.

qt2

Nguồn: Soha

Nguồn tham khảo: Tìm hiểu từ nguyên và Báo An ninh Thủ Đô

Từ khóa: 

văn hóa

Cảm ơn bài viết rất tâm huyết của tác giả! Với rất nhiều khía cạnh khác nhau xoay quanh "văn hóa khẩu nghiệp". :)))

Cá nhân a cũng nghĩ rằng MXH vốn là 1 ko gian chung, ko gian cộng đồng. Mà phàm những gì thuộc về cái chung, cái cộng đồng, luôn đòi hỏi 1 sự kiểm soát nhất định. Trong trường hợp của MXH, sự kiểm soát này cần đc thể hiện qua chuẩn mực giao tiếp (vd: lựa lời mà nói...ko nhất thiết là để vừa lòng nhau, nhưng ít ra là đừng cố tình dùng lời nói của mình để làm tổn thương người khác...).

MXH & Internet có thể mang lại nhiều lợi ích to lớn, nhưng nó cũng là 1 kon dao 2 lưỡi nếu chúng ta sử dụng ko cẩn thận. Đặc biệt là với những quốc gia có dân số trẻ như VN, khi mà khả năng nhận thức & phân biệt giữa cái tốt & cái ko tốt còn rất kém... :D 

Trả lời

Cảm ơn bài viết rất tâm huyết của tác giả! Với rất nhiều khía cạnh khác nhau xoay quanh "văn hóa khẩu nghiệp". :)))

Cá nhân a cũng nghĩ rằng MXH vốn là 1 ko gian chung, ko gian cộng đồng. Mà phàm những gì thuộc về cái chung, cái cộng đồng, luôn đòi hỏi 1 sự kiểm soát nhất định. Trong trường hợp của MXH, sự kiểm soát này cần đc thể hiện qua chuẩn mực giao tiếp (vd: lựa lời mà nói...ko nhất thiết là để vừa lòng nhau, nhưng ít ra là đừng cố tình dùng lời nói của mình để làm tổn thương người khác...).

MXH & Internet có thể mang lại nhiều lợi ích to lớn, nhưng nó cũng là 1 kon dao 2 lưỡi nếu chúng ta sử dụng ko cẩn thận. Đặc biệt là với những quốc gia có dân số trẻ như VN, khi mà khả năng nhận thức & phân biệt giữa cái tốt & cái ko tốt còn rất kém... :D