[Ngày này năm xưa]: 06/3/1946: Ngày ký hiệp định Sơ bộ Pháp - Việt: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và Chính phủ đã thực hiện một nước cờ chính trị sắc sảo khi ký Hiệp định sơ bộ với Pháp vào ngày 6/3/1946.

  1. Lịch sử

[Ngày này năm xưa]: 06/3/1946: Ngày ký hiệp định Sơ bộ Pháp - Việt: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và Chính phủ đã thực hiện một nước cờ chính trị sắc sảo khi ký Hiệp định sơ bộ với Pháp vào ngày 6/3/1946.

hiep_dinh_so_bo_1_kwdo


Về mặt lịch sử, Hiệp định Sơ bộ ngày 06-3 là văn bản pháp lý quốc tế đầu tiên giữa Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Pháp. Theo lôgíc đó, Hiệp định Sơ bộ đã chứng tỏ rằng: Việt Nam là một quốc gia sánh ngang hàng với Pháp, không còn là thuộc địa của Pháp và càng không cần đến sự bảo hộ của Pháp. Nhận xét về vấn đề này, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Sự ký kết đó có một kết quả hay là nước Pháp đã thừa nhận nước Việt Nam là một nước tự chủ”2. Đồng thời, nó còn “mở đường cho sự công nhận của quốc tế... dẫn chúng ta đến một vị trí quốc tế ngày càng vững vàng và đó là một thắng lợi chính trị lớn lao”3. Dù chỉ là sự kiện trong khuôn khổ Việt - Pháp, nhưng đã khiến cộng đồng quốc tế hết sức quan tâm và hoan nghênh. Trả lời phỏng vấn hãng tin AFP tại Trùng Khánh, Chu Ân Lai, đại diện của Đảng Cộng sản Trung Quốc nói rằng: “Đó là một việc làm khuôn mẫu cho các đế quốc ở Thái Bình Dương và châu Á”. Pandi Neru, lãnh tụ Đảng Quốc Đại (sau này là Thủ tướng Ấn Độ) bày tỏ quan điểm đồng tình; còn Van Mook, Toàn quyền Hà Lan tại In-đô-nê-xi-a đã cử người đến Hà Nội để tìm hiểu kinh nghiệm4. Như vậy, Hiệp định Sơ bộ đã tạo cơ sở pháp lý để nâng tầm vị thế Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên trường quốc tế.

hiep-uoc-sobo-1946-e


Cùng với đó, việc chủ động ký Hiệp ước Sơ bộ đã tỏ rõ tầm nhìn, tư duy chiến lược sắc bén của Đảng ta về vận dụng điều kiện thực tiễn khách quan để chuyển hóa tình thế cách mạng. Trước mắt, với bản Hiệp định này, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ chỗ bị gạt ra ngoài thỏa thuận Pháp - Hoa, trở thành một bên chủ thể quyết định đến việc thực hiện các điều khoản thay quân trong Hiệp ước Trùng Khánh, để kết thúc về mặt pháp lý vai trò của quân Tưởng tại Việt Nam, theo quy định của Hội nghị Pốt-xđam. Đây là quyết định “nhất cử lưỡng tiện”, vừa tránh phải đối đầu với Pháp trong điều kiện bất lợi cả về thế và lực, vừa mượn tay Pháp đuổi 20 vạn quân Tưởng ra khỏi bờ cõi. Đó là đòn tiến công ngoại giao hết sức chủ động, sáng tạo, nhằm phân hóa kẻ thù, thúc đẩy chúng tự loại trừ lẫn nhau, tạo thuận lợi để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài.

Nhân nhượng để cho 15.000 quân Pháp kéo ra miền Bắc là sự chia lửa với đồng bào miền Nam, tận dụng thời gian hòa hoãn để tập trung sức lực chuẩn bị thế trận cho cả nước bước vào kháng chiến với tinh thần: “Điều cốt tử là trong khi mở cuộc đàm phán với Pháp không những không ngừng một phút công việc sửa soạn, sẵn sàng chiến đấu bất cứ lúc nào và ở đâu, mà hết sức xúc tiến việc sửa soạn ấy và nhất định không để cho việc đàm phán với Pháp làm nhụt tinh thần quyết chiến của dân tộc ta”5. Tận dụng thời cơ đó, chúng ta đã có thời gian để xây dựng bộ máy chính quyền từ xã đến huyện, tỉnh trong toàn quốc, xây dựng nền kinh tế - tài chính độc lập, đặc biệt là việc xây dựng Quân đội quốc gia, nâng tổng quân số lên khoảng 80.000 người và gần 01 triệu du kích, tự vệ vào giữa năm 1946 để vững bước tiến vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống quân xâm lược Pháp.

Như vậy, mềm dẻo trong sách lược, cứng rắn trên nguyên tắc, Hiệp định Sơ bộ là bước đi cần thiết, hy sinh không gian để đổi lấy thời gian, biến thời gian thành lực lượng vật chất, củng cố thực lực một cách toàn diện để đối phó với kẻ thù chính là thực dân Pháp khi chúng không có lực lượng Đồng minh tại chỗ hỗ trợ. Đánh giá về sự kiện trên, đồng chí Lê Duẩn viết: “Tạm thời hòa hoãn với Pháp để đuổi cổ quân Tưởng và quét sạch bọn phản động tay sai của Tưởng, dành thời gian củng cố lực lượng, chuẩn bị toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, điều mà Đảng ta biết chắc là không thể nào tránh khỏi. Những biện pháp cực kỳ sáng suốt đó đã được ghi vào lịch sử cách mạng nước ta như một mẫu mực tuyệt vời của sách lược Lênin-nít về lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ địch về sự nhân nhượng có nguyên tắc”6.

Cùng với những giá trị về lịch sử, Hiệp định sơ bộ cũng để lại những giá trị hiện thực sâu sắc. Đó chính là quan điểm giữ vững nguyên tắc chiến lược, linh hoạt về sách lược trong đấu tranh, đã và đang được Đảng ta vận dụng có hiệu quả trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt hiện nay, với chủ trương “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế”, Đảng ta xác định rõ nguyên tắc chiến lược mang tính bao trùm là giữ vững độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Trong một thế giới đang biến đổi sâu sắc, đặt ra nhiều vấn đề cấp bách, phức tạp, Đảng đã chủ động điều chỉnh sách lược cho phù hợp với mục tiêu và yêu cầu hội nhập; nắm vững hai mặt hợp tác và đấu tranh trong quan hệ quốc tế, tận dụng thời cơ, thúc đẩy hợp tác kết hợp với đấu tranh một cách hài hòa, linh hoạt để bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; đồng thời, tránh đối đầu và rơi vào thế cô lập. Giữ vững độc lập, tự chủ, thực hiện đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại. Chú trọng hợp tác khu vực, đồng thời mở rộng quan hệ với tất cả các nước, nhất là với các nước láng giềng, các nước lớn và các nước trong khu vực; chủ động tham gia các tổ chức đa phương trong khu vực và toàn cầu,... góp phần nâng tầm vị thế quốc gia trên trường quốc tế. Mỗi bước mở rộng, đưa quan hệ hợp tác với các nước vào chiều sâu đều nhằm củng cố, tăng cường thực lực trong nước; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và lợi ích quốc gia. Đó cũng chính là sự vận dụng sâu sắc bài học kinh nghiệm từ ký kết Hiệp định Sơ bộ.

Nguồn: tapchiqptd.vn

Linh CK

Từ khóa: 

lịch sử

,

ngày này năm xưa

,

khoa lịch sử hcmue

,

lịch sử