[Ngày này năm xưa] Hoàng Hoa Thám - lãnh đạo anh hùng của khởi nghĩa Yên Thế

  1. Lịch sử

Bạn có biết, ngày 10 tháng 2 ngày mất của lãnh tụ nổi tiếng thời nhà Nguyễn, là chỉ huy và là linh hồn của cuộc khởi nghĩa Yên Thế - tướng quân Hoàng Hoa Thám. 

Hoàng Hoa Thám sinh năm Mậu Ngọ 1858, tự là Trương Văn Thám,còn gọi là Đề Dương, Đề Thám hay Hùm thiêng Yên Thế. Ông sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo nhưng rất trọng nghĩa khí ở làng Dị Chiến, huyện Tiễn Lữ, tỉnh Hưng Yên. Khi thân sinh là Trương Văn Sinh, thân mẫu là Lương Thị Ninh đều gia nhập cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Văn Nhàn, Nông Văn Vân ở Sơn Tây. 


Nguồn : google

Năm 16 tuổi Hoàng Hoa Thám tham gia khởi nghĩa của Đại Trận (1870- 1875). Sau đó, ông tham gia khởi nghĩa của Cai Kinh ở Hữu Lũng (1882 – 1888). Khi tướng lĩnh Cai Kinh chết, ông đứng dưới cờ nghĩa của Lương Văn Nắm (Đề Nắm) và trở thành một tướng lĩnh có tài. Tháng 4 năm 1892, Đề Nắm bị thủ hạ Đề Sặt sát hại. Hoàng Hoa Thám trở thành thủ lĩnh tối cao của phong trào Yên Thế. Phong trào nông dân Yên Thế (1883 – 1913) là sự kiện quan trọng nhất của phong trào nông dân khởi nghĩa thời bấy giờ, cuộc khởi nghĩa này kéo dài trong vòng 30 năm, trải dài từ thời Cần Vương qua những năm đầu thế kỷ XX. Dưới sự lãnh đạo của Hoàng Hoa Thám quân ta đã tránh được nhiều đợt tấn công của quân Pháp, gây cho địch những tổn thất nặng nề, mặc cho quân địch dùng nhiều thủ đoạn đàn áp. 

Tháng 10 năm 1894, quân Pháp chủ động giảng hòa sau nhiều lần tấn công nhưng chưa thể dập tắt được phong trào. Nhưng chỉ vài tháng sau, Pháp bội giao ước, mở cuộc tấn công quy mô lớn lên Yên Thế, treo thưởng cho những ai bắt được Hoàng Hoa Thám. Không đàn áp được phong trào, Pháp tiếp tục bao vây, tấn công, tiêu diệt quân ta. Buộc Đề Thám phải chấp nhận cuộc hòa giảng hòa lần thứ 2 vào năm 1897. Sau hơn 10 năm hòa hoãn, ngày 29 tháng 1 năm 1909, Thống sứ Bắc Kỳ đã huy động một lực lượng lớn nhất từ trước tới nay tấn công vào căn cứ Yên Thế. Quân ta bị tổn thất nặng nề, lực lượng nghĩa quân giảm sút dần và tới đầu năm 1910 bị tan rã. Đề Thám phải sống ẩn náu trong núi rừng Yên Thế cùng hai thủ hạ tâm phúc. Khởi nghĩa Yên Thế chấm dứt vào năm 1913. 

Sau gần 30 năm hoạt động chống lại quân Pháp, Đề Thám và nghĩa quân Yên Thế đã gây cho quân Pháp những tổn thất nặng nề và nhiều phen điêu đứng. Mặc dù, cuộc khởi nghĩa Yên Thế chấm dứt hoạt động, nhưng khí phách chiến đấu anh hùng cùng tài lãnh đạo tài tình của Hoàng Hoa Thám vẫn ghi đậm trong trang sử vàng chống ngoại xâm của dân tộc ta và là tấm gương cho các thế hệ mai sau. Ông mất vào ngày 10 tháng 2 năm 1913. Đến bây giờ cái chết của ông vẫn là một dấu chấm hỏi trong lịch sử nước nhà.       

Từ khóa: 

ngày này năm xưa

,

lịch sử