NIỀM VUI DẠY HỌC (the joy of teaching)

  1. Sách

Mấy ngày Tết năm nay mình dành thời gian để đọc những cuốn sách về Giáo dục, với mong muốn nuôi dưỡng được tình yêu, lòng nhiệt huyết với nghề, tìm kiếm và ứng dụng phương pháp dạy học hiệu quả, đem lại niềm vui và những kiến thức bổ ích cho bản thân và người học.Trong số những cuốn sách đã đọc, “Niềm vui dạy học” là một trong những cuốn sách mà mình đã trở lại nhiều lần với rất nhiều suy ngẫm. Cuốn sách đã phần nào trả lời cho câu hỏi luôn thường trực trong mình “Làm thế nào để luôn có niềm vui trong dạy học?”.

“Niềm vui dạy học” (the joy of teaching) được viết bởi Peter Filene – một giáo sư lịch sử giảng dạy tại trường đại học University of North Carolina. Mặc dù được viết ra để dành cho các giảng viên mới vào nghề, giúp họ hình dung về hệ thống công việc giảng dạy ở bậc đại học nhưng mình thấy nó luôn có giá trị với bất cứ ai đang làm công tác giảng dạy. Không chỉ là những kinh nghiệm được đúc rút từ chính những năm tháng dạy học cực kỳ thành công của mình mà Peter Filene còn dựa trên những gì mà ông đã đọc được và suy ngẫm từ những tài liệu nghiên cứu về việc dạy và học, cùng với trí tuệ và sự thực hành giảng dạy của đồng nghiệp. Vì vậy, những quan điểm và hướng dẫn của Peter Fillene rất thực tế và đáng tin cậy.

Khác với nhiều cuốn sách hướng dẫn về phương pháp giảng dạy mang tính giáo điều, lý thuyết, “Niềm vui dạy học” hướng người đọc vào những vấn đề cốt lõi của việc dạy – học. Peter Filene không áp đặt quan điểm của mình, cho rằng phương pháp của ông là đúng, là tốt nhất và hơn tất cả các phương pháp giảng dạy khác. Bởi ông cho rằng các giảng viên không những khác nhau trong mục tiêu, phong cách dạy, những giá trị mà họ theo đuổi mà họ còn làm việc trong những bối cảnh, môi trường khác nhau…Vì vậy, ông hy vọng rằng những gợi ý, phương pháp của ông chỉ để người đọc đưa ra sự lựa chọn cho chính mình.

Điều mà mình thích nhất trong cuốn sách này là những quan điểm về việc dạy học của Peter Filene. Ông cho rằng: “Dạy học là đang dấn thân vào một mối quan hệ với những sinh viên của bạn”, “Dạy học là quá trình hai chiều, cái mà các học giả nghiên cứu về giáo dục gọi là “có tính đối thoại” (dialogic) (giữa giảng viên và sinh viên) và có tính “đa thoại (polylogic) giữa sinh viên với nhau; “Mục đích của việc dạy học không phải là làm thỏa mãn những ước muốn của người tiêu thụ hay là tìm một mẫu số chung thấp nhất. Bởi vì việc học liên quan đến việc mạo hiểm bước ra ngoài những gì mà người ta đã biết và tin tưởng, một giảng viên dạy hiệu quả sẽ dẫn sinh viên ra khỏi “khu vực dễ chịu” của họ. Người ấy sẽ thách thức sinh viên bằng những ý tưởng chưa được xác lập, đặt ra những tiêu chuẩn cao, đòi hỏi khả năng tự vấn và làm việc tích cực….”

Peter Filene quan điểm dạy học là quá trình tạo sự hứng khởi, khích lệ, thúc đẩy sự học tập trong mỗi người họcDạy học không nên giống như ném một quả bóng chày về phía sinh viên đang ở khu đập bóng để xem người đó đánh trúng hay trật. Tốt nhất, người giáo viên nên tổ chức trò chơi ném đĩa, mời sinh viên cùng nắm bắt và chuyền qua lại một ý tưởng. Do đó, người giảng viên sẽ là người tạo ra môi trường học tập mà ở đó người dạy và người học cộng tác với nhau trong cuộc tìm kiếm mà ở đó họ bị cuốn hút bởi sự tò mò, nghiên cứu bằng chứng, họ phản ứng,thảo luận, chất vấn và cuối cùng đi tới một vài cách hiểu khác nhau.

Dạy học không đơn giản chỉ là một nghề mà còn là một nghệ thuật, là một quá trình thú vị một cách sâu sắc và đầy sáng tạo. Peter Filene đưa ra lời khuyên: muốn thành công trong nghề dạy học, mỗi giảng viên trước hết cần hiểu về chính mình trong vai trò giảng viên và hiểu sinh viên của mình. Họ cần trả lời hai câu hỏi: Tại sao bạn muốn đi dạy? Đâu là mẫu hình người giảng viên mà bạn muốn trở thành? Ông chỉ ra những phẩm chất mà mỗi người giảng viên cần có đồng thời khẳng định “Những giảng viên ưu tú là những người nhiệt thành, truyền đạt các ý tưởng một cách rõ ràng, và đối xử với sinh viên một cách công bằng”. Hoạt động dạy học của một người là hiện thân của những đặc điểm và những giá trị (đạo đức và xã hội) đã được cá nhân hóa một cách đậm nét, thậm chí đã trở thành phong cách riêng của người đó. Vì vậy, giảng viên cần nhận ra đặc điểm của mình và những giá trị theo đuổi, suy nghĩ về phong cách, phương thức truy vấn và những giá trị mà bạn muốn đem vào trong lớp học (cá tính sư phạm).

Ngoài ra, họ cũng cần phải hiểu sinh viên của mình: hiểu những mong đợi về mặt học thuật mà sinh viên của bạn mang vào trong lớp học, phát hiện những mô hình nhận thức (để hiểu về những nhận thức đã có từ trước của sinh viên), phong cách học của sinh viên…Để làm được điều này bạn cần phải là người biết lắng nghe, không áp đặt định kiếncá nhân lên người học, không phán xét, tạo môi trường cởi mở, an toàn, thoải mái cho người học.

Trong phần thực hành, ông đưa ra những hướng dẫn cụ thể cho giảng viên trong việc xây dựng đề cương môn học một cách khoa học và hữu ích cho người học.

Những chìa khóa để có thể phát triển một bài giảng thu hút sự chú ý của sinh viên và phát huy tối đa khả năng lĩnh hội, suy nghĩ độc lập và phát triển các kỹ năng được Peter Filene chỉ ra: đặt ra những câu hỏi gợi sự tò mò, mở đầu bài giảng bằng những tư liệu minh họa/dẫn đề, hãy đề cao tính đối thoại trong dạy học, hãy để sinh viên có thời gian suy ngẫm về những kiến thức mà họ lĩnh hội được…Nhưng dù giảng dạy với phương pháp nào thì điều quan trọng mà Peter Filenenhấn mạnh là sự nhiệt tình và tận tâm của bạn. Và trong giờ dạy, “một điều tuyệt đối không nên làm đó là: đừng đọc bài giảng”. Hãy sử dụng không chỉ giọng nói mà cả điệu bộ, sự giao tiếp bằng mắt, cảm xúc tích cực “Hãy coi lớp học của bạn là một sân khấu và bạn có vai trò là một diễn viên”.

Một cách dí dỏm và hài hước Peter Filene cho rằng “Nêu giảng viên nói ít đi sáu phút, sinh viên của chúng ta sẽ nhớ được nhiều hơn”. Ông khuyên người dạy không nên chỉ coi trọng việc truyền bá kiến thức, tránh căn bệnh “ôm đồm” tất cả mọi thứ, đưa những kiến thức kinh viện vào trong lớp học sẽ chỉ “để lại cho sinh viên của bạn những mi mắt mệt mỏi”. Mỗi bài giảng chỉ nên đưa ra 2 – 3 ý tưởng, hãy để khoảng thời gian cho sinh viên được “tự thảo luận với chính mình” để học tiêu hóa những gì họ hiểu và nhận ra những gì họ chưa hiểu.

Peter Filene hiểu rằng “khi năng động, sinh viên học được nhiều hơn so với khi thụ động…Họ thu nhận bằng cách chia sẻ ý kiến của mình và lắng nghe ý kiến của người khác, những điều để lại dấu ấn trong tình cảm và suy nghĩ của họ”. Vì vậy, ông khuyến khích giảng viên hãy tạo cơ hội cho sinh viên thảo luận, sẽ cho họ cảm giác tự khẳng định mình. Thảo luận mở ra một không gian dành cho mọi quan điểm nhằm thúc đẩy sự phát triển của con người. Ngoài ra, Peter Filene cũng đưa ra những gợi ý nhằm mở rộng môi trường học tập cho người học như: tạo ra những hoạt động trong và ngoài lớp học: viết với kết thúc mở, thảo luận bàn tròn, tranh luận và đóng vai…Trong phần chia sẻ của mình, Peter Filene cũng không quan hướng dẫn bạn cách đánh giá và cho điểm sinh viên một cách công bằng và hiệu quả.

Trong phần cuối của cuốn sách, Peter Filene không quên gửi gắm lời nhắn nhủ chân tình “Công việc dạy học không thể ngày một ngày hai. Bạn có thể gặp phải những khó khăn, thử thách trong những lần dạy đầu tiên nhưng việc dạy sẽ tốt lên qua những lần “thử và sai” và chắc chắn bạn sẽ hoàn thiện hơn ở những lần dạy sau đó” cùng lời động viên khích lệ với người dạy: dạy mà không bỏ mình, đừng làm người cầu toàn, đừng vắt kiệt sức mình hãy đặt ra những giới hạn…Vì vậy để làm tốt công việc này bạn nên dành thời gian cho sự an vui của bản thân và "Hãy viết tên mình trên lịch để hẹn với chính mình!"

Một cuốn sách thật đáng đọc và suy ngẫm! Với lối viết đầy dí dỏm, lối sử dụng ngôn từ một cách tài tình đầy cuốn hút Peter Filene đã tạo ra một cuộc thảo luận thân mật và hấp dẫn với nhiều ý tưởng mới và hữu ích giúp cho mỗi giảng viên luôn tìm thấy “niềm vui dạy học”.

Từ khóa: 

sách

Đây là một cuốn sách quý ^^ Xin cảm ơn bài chia sẻ tâm huyết của chị!

Trả lời

Đây là một cuốn sách quý ^^ Xin cảm ơn bài chia sẻ tâm huyết của chị!

Hay quá e ạ, những trải nghiệm của tác giả khi viết ra thành sách thật quý gía, với mình thì trải nghiệm trên hành trình làm việc với những người trẻ luôn là đặc ân của cuộc đời.

Em cũng rất yêu thích cuốn sách này cô ạ! em cảm ơn cô đã chia sẻ và rất mong đợi được đón đọc những bài viết tiếp theo của cô về đề tài giáo dục hoặc sách hay về giáo dục ạ.