PHÁT HUY TÍNH CHỦ ĐỘNG CỦA HỌC SINH TRONG GIỜ HỌC NGỮ PHÁP TIẾNG ANH

  1. Giáo dục


Trong quá trình dạy ngữ pháp tiếng anh nhiều thầy cô thường áp dụng phương pháp diễn dịch (deductive). Đó là phương pháp dạy “từ trên xuống”. Đây là phương pháp dạy đúng theo chuẩn mà trong đó giáo viên giải thích các qui tắc ngữ pháp cho học sinh trước khi làm bài tập vận dụng. Phương pháp này có ưu điểm là giúp cho học sinh hiểu được cách dùng và cấu trúc nhanh và chính xác từ đó học sinh có thể áp dụng ngay để làm bài tập mà giáo viên ra. Tuy nhiên điiều đó sẽ khiến cho học sinh trở nên thụ động và thiếu sáng tạo trong học tập. Một mô hình mới giúp học sinh phát huy tính chủ động hơn trong giờ học ngữ pháp tiếng anh mà nhiều giáo viên áp dụng là phương pháp qui nạp. 

Phương pháp Qui nạp (inductive) là cách dạy “từ dưới lên”. Học sinh sẽ được khám phá các chủ điểm ngữ pháp thông qua làm bài tập. Giáo viên bắt đầu dạy một hiện tượng ngữ pháp bằng cách đưa ra những ví dụ cụ thể. Học sinh sẽ phân tích những ví dụ đó để tìm ra qui tắc. Phương pháp này thường mất thời gian hơn nhưng lại giúp học sinh nâng cao quá trình tự học, chủ động trong cách tìm ra chủ đề chính hay các nguyên tắc của bài học. Từ đó học sinh sẽ biết cách ứng dụng các khái niệm để giải quyết các vấn đề mà học sinh chưa từng gặp phải trước đó, biết khi nào và sử dụng như thế nào những cấu trúc đã được học, nâng cao tư duy bằng cách luôn đặt câu hỏi về những gì mình chưa biết và điều quan trọng nhất là giúp các em hiểu ra bản chất của vấn đề.

Để tiến hành một giờ dạy theo phương pháp qui nạp giáo viên có thể tiến hành theo trình tự sau:

Đầu tiên, giáo viên bắt đầu tiết học với các bài tập, trò chơi, nghe, v.v. nhằm giới thiệu chủ điểm ngữ pháp. Ở bước này giáo viên có thể sử dụng những đoạn văn, mẩu chuyện, thước phim ngắn hay một trò chơi nào đó có sử dụng những hiện tượng ngữ pháp cần học. Bước này sẽ kích thích sự hứng thú của học sinh khi các em được tham gia vào tìm hiểu những mẩu chuyện vui hay các trò chơi có tính tương tác cao.

Thứ hai, giáo viên đưa ra các câu hỏi cho học sinh nhằm giúp các em nhận diện chủ điểm ngữ pháp sẽ được học trong buổi học ngày hôm đó. Điều này buộc các em phải suy nghĩ về những vấn đề giáo viên đặt ra, giúp các em chủ động hơn trong quá trình tìm hiểu bài và cũng giúp các em hiểu vấn đề một cách sâu sắc hơn. 

Thứ ba, giáo viên tiếp tục giờ dạy bằng một bài tập khác trọng tâm hơn vào chủ điểm ngữ pháp đó. Bước này sẽ giúp học sinh ghi nhớ và hiểu sâu hơn vấn đề, giúp các em có thể vận dụng tốt vào bài tập cụ thể.

Tiếp theo, giáo viên kiểm tra bài làm của học sinh, yêu cầu học sinh giải thích vì sao lại dùng cấu trúc đó trong câu trả lời của mình. Ở bước này học sinh sẽ phải tư duy để giải thích cho cách sử dụng chủ điểm ngữ pháp của mình, từ đó hiểu và nhớ dần được cách dùng và cấu trúc của hiện tượng ngữ pháp đó. Giáo viên cũng có thể giới thiệu, đồng thời kết hợp giải thích thêm về chủ điểm ngữ pháp thông qua việc chữa lỗi sai của học sinh.

Cuối cùng, giáo viên đưa ra một dạng bài tập khác yêu cầu sử dụng chủ điểm ngữ pháp vừa học một cách chính xác. Giáo viên yêu cầu học sinh một lần nữa giải thích bài làm của mình.Bước cuối cùng này sẽ giúp học sinh ghi nhớ ở mức độ cao những kiến thức liên quan đến bài học.

Phương pháp qui nạp sẽ tạo điều kiện cho học sinh tự học hơn là sử dụng phương pháp diễn dịch. Phương pháp này tăng cường sự sáng tạo và chủ động trong cách tiếp thu bài học của học sinh.

Từ khóa: 

giáo dục