[Review Phim] Diệp Vấn 4 Hồi kết

  1. Phim ảnh

Mọi thứ có sinh có diệt, có khởi đầu thì sẽ phải có kết thúc. Phim về các huyền thoại cũng vậy. Từng theo dõi các phần trước đây trong loạt phim Diệp Vấn vậy nên tôi không thể bỏ lỡ Diệp Vấn 4. Đặc biệt ngoài Chân Tử Đan thì phần phim này có sự góp mặt của Boyka - Scott Adkins (trong phim Quyết Đấu), Lý Tiểu Long - Trần Quốc Khôn (trong phim Huyền Thoại Lý Tiểu Long). Điều khiến tôi ấn tượng nhất là thông điệp về giáo dục và võ thuật khiến cho kết phim dù buồn nhưng vẫn là nỗi buồn đẹp.


Thông điệp về Giáo dục

         Sau khi mất đi người vợ thân yêu, võ sư Diệp Vấn tiếp tục sự nghiệp võ thuật và nuôi dạy con cái. Vốn được võ thuật tôi luyện cả về thể xác lẫn tinh thần, người đàn ông ấy không khóc lóc hay suy sụp khi nghe tin mình bị ung thư. Ông bình tĩnh để làm tròn trách nhiệm của người cha trong quãng thời gian ít ỏi còn lại.

 Cũng vì thế, ông nhận lời mời đến Mỹ của học trò Lý Tiểu Long.

Khi ấy, con trai Diệp Vấn vốn thiếu sự chăm sóc dịu dàng của người mẹ lại đang bước sang tuổi dậy thì đầy ương bướng trở thành nỗi băn khoăn trong lòng ông. Ở lứa tuổi ấy, cậu bé khó nhận biết được đúng sai song lại luôn tự cho mình là đúng. Để qua cơn sóng gió này, cần đến bản lĩnh thực sự của bậc làm cha, làm mẹ.

Dù là danh sư nhưng ông vẫn là một con người bình thường. Vậy nên ông đã dang tay tát con khi cậu bé nói hỗn. Điều này trái ngược với bản tính của Diệp Vấn, bởi ông ít khi chủ động đánh người và đã đánh là sẽ đánh đến cùng nếu thực sự đối phương đáng để đánh. Cái tát ấy không dùng đến khí lực của một võ sư.

Đó là cái tát của một con người đang cảm thấy lo sợ tương lai phía trước. Lại thêm một nguyên tắc nữa mà ông vi phạm: người học võ không đánh người khác chỉ vì bản thân cảm thấy sợ.

Tình cảm và trách nhiệm của một người cha luôn là thứ khó hiểu đối với những cậu trai trẻ.

Và dạy bảo những cậu trai trẻ ấy nên người luôn là thử thách khó nhất đối với người cha.

Vũ lực chỉ là bình diện khác của sự bất lực trong giáo dục con người. Nhưng nếu nó xuất phát từ tình thương thực sự thì đó cũng là phương pháp để giúp con cái hiểu được “cái tôi” càng lớn thì đòn đánh sẽ càng đau.


Diệp Vấn đã lên đường để tìm môi trường tốt cho con mình phát triển. Cũng nhưng bao bậc cha mẹ luôn muốn mọi thứ xung quanh con thuận lợi nhất trong khả năng mình có thể lo được. Thế rồi, chuyến đi Mỹ đã giúp ông thay đổi nhận thức trong việc giáo dục con cái.

Ông nhận ra nếu thực sự mong con mình hạnh phúc, thì hãy giúp con phấn đấu trở thành người theo ý nguyện. Dù hành trình đó rất lâu dài và gian nan. Nhưng không vì thế mà ông phó mặc trọng trách ấy cho hoàn cảnh, số phận, môi trường hay bất kì ai khác.

Diệp Vấn nhận ra được sai lầm của bản thân trong cách giáo dục con trước đây và ông thay đổi. Sự sẵn lòng thay đổi vì lợi ích của người học khi cần thiết chính là cốt cách của danh sư thực thụ. Bất chấp cho dù có phải tạo ra hay phá vỡ bao nhiêu nguyên tắc.

Ông đồng ý dạy võ cho con rồi còn dặn con dùng máy quay lại để tập luyện, bởi ông biết sau này mình không thể trực tiếp truyền thụ nữa.

Dốc tâm sức để dẫn dắt con đạt được ý nguyện bằng chính thực lực của bản thân là phương tiện giáo dục thiện xảo mà người cha văn võ kiêm toàn này dành cho con trai của mình.

Giữa ông và con trai không còn khoảng cách hay sự hiểu lầm nào nữa. Diệp Vấn đã thực sự học được cách nuôi dạy con nên người.

Hai cuộc đời hòa vào làm một dòng chảy và đó cũng là ý nghĩa thiêng liêng của trao truyền và tiếp nối trong vòng quay vô tận của luân hồi và sinh tử.

Ngoài ra, chi tiết học trò Lý Tiểu Long đến viếng ông vào cuối phim khiến tôi cảm thấy xúc động. Vài phút ngắn ngủi đầy lặng lẽ đã điền cuộc chia ly vào khoảng trống trong quá khứ. 


 Cuộc đời của Diệp Vấn và Lý Tiểu Long cùng mối quan hệ thầy trò chỉ còn được thấy qua những tấm ảnh đen trắng dường như vẫn để ngỏ những câu chuyện chưa kể.

Bài học về Võ đạo

Trên các diễn đàn võ thuật, không ít lần tôi đọc được những bình luận về sự yếu ớt của những môn võ truyền thống và đề cao tính thực chiến của những bộ môn hiện đại. Khi xem Diệp Vấn 4 tôi cũng quan sát được một vài điểm tương đối thú vị về vấn đề này.

Nghĩ cũng phải, võ thuật mà không có thể lực làm nền tảng, đụng đến đánh là thua thì cũng chỉ là võ vẽ. Thế nhưng ẩn sau đó là một lớp ý nghĩa mà cá nhân tôi thấy rất ưa thích.

Sở dĩ những môn võ có lâu đời không bao giờ có hiệu quả ngay lập tức cũng bởi còn đang dò xét tư cách đạo đức của người tập luyện. Do bản chất, khi tàu to súng lớn chưa xuất hiện, thì võ thuật là công cụ chuyên dùng để tước đoạt sinh mạng.

Những thứ liên quan đến sinh mạng thì không thể dễ dàng định đoạt bởi con người. Bởi đã là con người thì sẽ chịu sự chi phối công bằng của nghiệp, dù là người dạy võ hay người học võ. Cho nên, võ thuật không thể truyền thụ bừa bãi.

Vì vậy, nên môn võ càng đắc dụng, các lợi hại thì càng kén chọn người học. Ngoài việc đáp ứng về tư chất, thì còn phải đáp ứng về đạo đức. Sau đó qua một quá trình rèn luyện gian khổ cả trong lẫn ngoài thì mới có thể thành tài.

Những môn võ ấy không dung nạp sự nóng vội, háo thắng hay dã tâm. Nếu võ sĩ mang theo chúng thì thành tài cũng gây họa cho mình và cho người. Thời gian học tập võ thuật cũng chính là sự khảo nghiệm khắt khe tư cách võ sĩ.

Trong phim Diệp Vấn 4, các võ sư Mỹ vốn là lính thủy quân lục chiến dành thắng lợi áp đảo với kĩ thuật chiến đấu mạnh mẽ đầy thực dụng đến mức khốc liệt. Những võ sư Trung Hoa liên tục bị đánh bại. Họ bộc lộ rõ hạn chế về thể lực, sức chịu đựng và ham muốn hạ gục đối phương. Duy có một điểm sáng leo lét là họ khéo léo và không sợ thua.


Xem đến đây thì hẳn mọi trường phái thực chiến, thực dụng đều cảm thấy tâm đắc. Bởi học võ mà không đánh thắng được người thì học võ để làm gì?

Nhưng vấn đề không phải là học võ chỉ để đánh thắng người khác. Nếu xác định hướng đi sai thì miệt mài cả đời chưa chắc tới đích. Điều này là vô cùng hệ trọng đối với người học võ. Vậy nên, trong cuộc sống những bậc võ sư tôi kính trọng đều là những người đề cao võ đức và tuyển chọn học trò vô cùng cẩn thận, nghiêm túc.

Võ là một trong trăm ngàn con đường để thành người thay vì để hại người.

Trận đấu cuối cùng giữa hai cao thủ võ thuật đại diện cho phương Đông và phương Tây vô cùng mãn nhãn. Bởi dù là điện ảnh song màn so tài vẫn truyền tải thông điệp về đỉnh cao của nghệ thuật thực chiến. Thực chiến không nằm ở tay chân mà ở tinh thần. Để chiến thắng thực sự, thì cần đến tấm lòng bao dung quảng đại để “vì người quên mình” thay cho “vì mình quên người”

Do đó, không có môn võ yếu, chỉ có người học không rèn luyện đến nơi đến chốn mà thôi.

Từ khóa: 

review phim

,

diệp vấn

,

giáo dục

,

võ thuật

,

nguyễn phú hoàng nam

,

phim ảnh

Đây là một trong những bộ phim hành động võ thuật hiếm hoi mà mình yêu thích.

Trả lời

Đây là một trong những bộ phim hành động võ thuật hiếm hoi mà mình yêu thích.