Rối loạn ám ảnh cưỡng chế và những điều cần biết

  1. Tâm lý học

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (Obsessive Compulsive Disorder - OCD) là một loại bệnh tâm thần, còn được gọi là rối loạn ám ảnh nghi thức và rối loạn ám ảnh cưỡng bức. Đây là một trong những dạng thường gặp của rối loạn lo âu.

https://cdn.noron.vn/2022/08/19/3199613622802-1660843305.jpgKhái niệm, đặc điểm của chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế

Đặc điểm chủ yếu của chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế là nỗi ám ảnh lặp đi lặp lại hay sự ép buộc nặng đến mức họ dành tất cả những thời gian mà họ có để phục vụ cho nỗi ám ảnh nọ. Nó có thể khiến cho người mắc bệnh trở nên tiều tụy, tinh thần mỏi mệt hoặc gây trở ngại trong cuộc sống. Vào một thời điểm nào đó, người bệnh sẽ nhận ra nỗi ám ảnh hay sự cưỡng chế quá vô lý. Và sự rối loạn này không phải là phải là do dùng thuốc hay do những điều kiện sức khỏe bình thường khác.

Ám ảnh là những ý tưởng, suy nghĩ hay hình ảnh cứ xuất hiện một cách dai dẳng, xâm nhập vào đầu óc khiến cho tâm thần bồn chồn, mỏi mệt. Sự xâm nhập này được nhận dạng là “kẻ lạ trong tiềm thức”. Có nghĩa là với cá nhân mắc bệnh, họ nhận nỗi ám ảnh này là “lạ lùng, không nằm trong quyền điều khiển của họ và không phải loại suy nghĩ mà họ nghĩ là mình sẽ có. Tuy nhiên, họ có thể nhận ra nỗi ám ảnh đó xuất phát từ trong tâm trí mà không phải là do tác động từ bên ngoài. 

Những nỗi ám ảnh thường gặp nhất là những suy nghĩ lặp đi lặp lại về sự dơ bẩn (sợ bị nhiễm bẩn khi bắt tay). Giám khảo của American Got Talent, Howie Mandel bị ám ảnh về vi trùng tới mức ông đã cạo trọc đầu mình vì sợ vi khuẩn có thể sống trong đó. Hoặc là nỗi lo lắng thường trực (không biết hôm nay trên đường mình lái xe có khiến ai bực mình hoặc bị tổn thương hay không) hoặc là lúc nào cũng muốn mọi thứ sắp xếp theo một trình tự nhất định (có thể nổi điên lên khi một vật bị lệch ra khỏi thứ tự mà mình sắp xếp chúng). Những suy nghĩ, ám ảnh, và sự thôi thúc đó không chỉ đơn giản là nỗi ám ảnh quá mức về những tình huống trong cuộc sống hằng ngày và thật sự là nó cũng ít khi nào dính đến những tình huống xảy ra trong đời thật như về công việc, nhà cửa, những mối quan hệ.

Những cá nhân bị mắc nỗi ám ảnh như thế thường chọn cách lờ đi hoặc đè nén xuống. Một số khác thì bị thôi thúc, cố gắng giải tỏa nó bằng những hành động và đó gọi là cưỡng chế. 

Sự cưỡng chế là những hành động lặp đi lặp lại như rửa tay, kiểm tra không ngừng nhằm giảm thiểu đi nỗi lo lắng, mỏi mệt chứ không nhằm để thỏa mãn hay hài lòng gì cả. Trong hầu hết mọi trường hợp, bệnh nhân cảm thấy mình cần phải làm những hành động đó để giảm thiểu đi sự lo âu đi cùng với nỗi ám ảnh, hoặc để phòng ngừa chuyện gì đó. Ví dụ như với người bị ám ảnh là mình bị dơ, họ có thể giảm đi nỗi sợ hãi đó bằng cách rửa tay mình cho đến khi da đỏ ửng lên. Người lo không biết mình khóa cửa chưa thì bị thôi thúc đi kiểm tra cửa mỗi vài phút.

Điều gì gây ra rối loạn ám ảnh cưỡng chế?

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế chưa xác định được nguyên nhân cụ thể. Tuy nhiên qua dịch tễ và những nghiên cứu đã thực hiện, các chuyên gia nhận thấy, OCD gặp chủ yếu ở người trẻ và nam giới khởi phát bệnh sớm hơn. Đặc biệt, hội chứng này chủ yếu ảnh hưởng đến những người có trình độ và trí tuệ.

Dưới đây là một số nguyên nhân, yếu tố được xác định có thể gây rối loạn ám ảnh nghi thức:

  • Rối loạn các chất dẫn truyền thần kinh

Sự rối loạn của các chất dẫn truyền thần kinh được cho là nguồn cơn gây ra các rối loạn tâm thần và OCD. Khi nghiên cứu, các chuyên gia nhận thấy ở bệnh nhân mắc hội này có sự rối loạn điều hòa serotonin tại các synap ở một số vùng của não bộ. Ngoài ra, bệnh nhân OCD cũng có hiện tượng tăng nhạy cảm đối với serotonin và sự bất thường giữa oxytocin – vasopressin.

  • Gen (di truyền)

Tương tự như các dạng rối loạn lo âu khác, OCD có khả năng di truyền cao. Nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ mắc hội chứng này tăng lên 4 lần khi trẻ được sinh ra có cha hoặc mẹ mắc bệnh. Mặc dù cơ chế di truyền chưa được biết rõ nhưng qua dịch tễ và các nghiên cứu đã thực hiện, có thể khẳng định di truyền là yếu tố quan trọng trong hội chứng rối loạn ám ảnh nghi thức.

  • Sự bất thường ở não bộ

Khi chụp cắt lớp phát xạ positron (PET) ở bệnh nhân OCD, các chuyên gia nhận thấy các hạch đáy não và thùy trán gia tăng hoạt động. Đồng thời nhận thấy nhân đuôi cả 2 bên giảm kích cỡ thông qua hình ảnh MRI hoặc CT. Điều này cho thấy, cấu tạo và hoạt động của não bộ ở người bị rối loạn ám ảnh cưỡng bức có sự khác thường so người bình thường.

Ảnh hưởng của rối loạn ám ảnh cưỡng chế là gì?

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế gây ra những phiền toái trong cuộc sống:

  • Mất nhiều thời gian để thực hiện các hành vi không cần thiết, gây ra nhiều phiền toái trong công việc, học tập và hầu hết các hoạt động sinh hoạt thường ngày
  • Ảnh hưởng đến các mối quan hệ xã hội
  • Đời sống tình dục gặp vấn đề do bị ám ảnh bởi các suy nghĩ lệch lạc
  • Một số người bị OCD có xu hướng tự cào da, nhổ tóc và cắn móng tay sát do suy nghĩ ám ảnh lặp đi lại lại, thôi thúc những hành vi tự hủy hoại.
  • Nghiên cứu cho thấy, rối loạn ám ảnh cưỡng chế có thể gây trầm cảm thứ phát hoặc gia tăng mức độ nghiêm trọng của rối loạn trầm cảm
  • Tăng các xung đột trong gia đình và xã hội do khó thích nghi, hòa hợp

Nếu được điều trị sớm và đúng cách, các suy nghĩ ám ảnh và hành động cưỡng bức sẽ giảm đi đáng kể. Người bệnh có thể thích nghi với xã hội, học tập và làm việc một cách bình thường. Tuy nhiên trên thực tế, có khoảng 40 – 50% trường hợp tiến triển nặng hơn. Đa phần những trường hợp này đều khởi phát bệnh từ nhỏ và thường có các nghi thức kì dị đi kèm với rối loạn nhân cách, hoang tưởng và trầm cảm nặng.

Các phương pháp điều trị rối loạn ám ảnh cưỡng chế?

  • Điều trị bằng thuốc

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế có liên quan đến sự rối loạn của serotonin và một số chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ. Chính vì vậy, sử dụng các loại thuốc tác động tâm thần có thể cải thiện triệu chứng do OCD gây ra như: Thuốc chống trầm cảm 3 vòng, Thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin (SSRIs), Các loại thuốc khác theo chỉ dẫn của bác sĩ

  • Trị liệu tâm lý

Trị liệu tâm lý là phương pháp chính đối với rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Với bệnh nhân OCD, bác sĩ thường áp dụng 2 kỹ thuật sau:

– Liệu pháp hành vi:

Bộc lộ các suy nghĩ ám ảnh để giảm đi sự khó chịu và lo âu và bắt đầu thiết lập các thói quen mới lành mạnh hơn. Trong kỹ thuật này, chuyên gia sẽ yêu cầu người bệnh đi thăm các thành viên khác trong gia đình và làm một số việc trong nhà để giảm đi sự lo lắng, đồng thời tăng tính hòa nhập với gia đình và xã hội.

Đối với liệu pháp hành vi, các thành viên trong gia đình cần có sự giúp đỡ và giáo dục (đối với trẻ em) để mang lại sự thành công cho quá trình trị liệu. Hầu hết các bệnh nhân có sự hợp tác trong liệu pháp hành vi đều có cải thiện rõ rệt và tích cực.

– Liệu pháp nhận thức:

Bên cạnh liệu pháp hành vi, liệu pháp nhận thức cũng có vai trò quan trọng giúp giảm đi các suy nghĩ ám ảnh ở bệnh nhân bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Liệu pháp này giúp bệnh nhân có đánh giá đúng về mức độ nguy hiểm, thảm họa để tránh tình trạng lo lắng quá mức dẫn đến thôi thúc thực hiện các hành vi cưỡng bức để giải tỏa lo âu.

Hiện tại, liệu pháp tâm lý được xem là biện pháp lâu dài, an toàn và hiệu quả đối với rối loạn lo âu nói chung và rối loạn ám ảnh cưỡng bức nói riêng. Ngoài ra, người bệnh có thể phải kết hợp với sử dụng thuốc và tổ chức lại lối sống để kiểm soát bệnh hoàn toàn.

  • Các phương pháp khác

- Sốc điện

- Cắt bỏ bó liên hợp khứu hải mã (tỷ lệ thành công khoảng 25 – 30% ở các trường hợp kháng thuốc và thất bại khi điều trị tâm lý)

Bệnh nhân rối loạn ám ảnh cưỡng chế nên có lối sống như thế nào?

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế là một dạng rối loạn lo âu đặc trưng bởi các suy nghĩ ám ảnh có tính chất tái diễn và những hành vi cưỡng bức. Hiện nay, điều trị bằng thuốc và liệu pháp hành vi còn khá nhiều hạn chế. Vì vậy để kiểm soát bệnh hoàn toàn, cần phối hợp thêm với lối sống khoa học:

  • Học cách chia sẻ lo âu và các vấn đề gặp phải trong cuộc sống với những người xung quanh. 
  • Ghi chép lại những hành động đã thực hiện để xua tan cảm giác lo âu và nghi ngờ.
  • Hạn chế tiếp xúc với những thông tin tiêu cực cũng là cách để giảm sự lo âu và tránh các suy nghĩ ám ảnh.
  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học và cân đối thời gian làm việc – nghỉ ngơi để nâng cao sức khỏe.
  • Tập thể dục mỗi ngày để cải thiện sức khỏe và giảm bớt sự lo âu, căng thẳng.
  • Tham gia các hoạt động từ thiện để tránh có thời gian tập trung về các suy nghĩ ám ảnh. 

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) là một trong những bệnh tâm thần thường gặp. Các suy nghĩ ám ảnh và nghi thức cưỡng bức do hội chứng này gây ra không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống, nghề nghiệp và các mối quan hệ xã hội mà còn tăng nguy cơ trầm cảm thứ phát. Hiện nay, điều trị bệnh còn nhiều hạn chế và thách thức. Chính vì vậy, bệnh nhân mắc hội chứng này cần tìm gặp bác sĩ sớm để có thể kiểm soát bệnh kịp thời và hiệu quả.


Tài liệu tham khảo:

  • https://tapchitamlyhoc.com/roi-loan-am-anh-cuong-che-87.html
  • https://youmed.vn/tin-tuc/roi-loan-am-anh-cuong-che-la-gi/
  • https://www.tamlyhoctoipham.com/roi-loan-am-anh-cuong-che-va-roi-loan-nhan-cach-am-anh-cuong-che-ocd-ocpd
  • https://hiroshimi.wordpress.com/2014/05/20/series-tam-ly-va-benh-chung-roi-loan-am-anh-cuong-che-va-roi-loan-nhan-cach-am-anh-cuong-che-ocd-ocpd/
Từ khóa: 

tâm lý học

,

rối loạn ám ảnh cưỡng chế

,

tâm lý học