SPOTLIGHT (2015): Trách nhiệm của người viết là nói lên sự thật

  1. Phim ảnh

https://cdn.noron.vn/2022/01/18/8cjs3uaijly5jfzaoor5kk9djmb-1642524542.jpg

Ngày 06/01/2002, tờ The Boston Globe – tờ báo điều tra lâu đời nhất nước Mỹ – đăng tải bài phóng sự điều tra về vụ việc lạm dụng và hiếp dâm trẻ em của các linh mục tại Boston và Nhà Thờ đã che giấu những vụ việc này suốt bao năm. Từ khoảng giữa thập niên 1990, hơn 130 người đã tiết lộ những trải nghiệm kinh hoàng thời thơ ấu của họ khi bị lạm dụng hoặc hiếp dâm bởi cựu linh mục John J. Geoghan, từ đó phanh phui ra những vụ lạm dụng và hiếp dâm trẻ em kéo dài suốt hơn ba thập kỷ trong các xứ đạo ở Boston. Khi đi sâu vào điều tra, nhóm phóng viên Spotlight của tờ The Boston Globe, dẫn đầu bởi biên tập viên kỳ cựu Walter V. Robinson, đã khám phá ra gần chín mươi linh mục tại Boston có dính dáng đến các vụ án lạm dụng, hiếp dâm trẻ em. Khi này, vấn đề đặt ra không còn là cá nhân các linh mục mà là trách nhiệm của hệ thống. Nhà Thờ và các cơ quan hành pháp, thậm chí cả cơ quan báo chí, đã nhắm mắt làm ngơ hoặc bỏ qua những bằng chứng, những lời kêu cứu của các nạn nhân và những người ủng hộ. Việc đưa sự việc ra ánh sáng đã gây chấn động công luận nhưng đồng thời cũng vấp phải những rào cản từ cả những cơ quan hành pháp, các luật sư và từ phía Nhà Thờ. Các nhà báo không chỉ phải đối mặt với những khó khăn khi phải tìm kiếm các tài liệu, nhân chứng để vạch trần một sự việc đã tồn tại đến hơn ba mươi năm mà còn phải đối diện với sự lung lạc đức tin, phản ứng của những con chiên Công Giáo khi đứng trước hành động có thể phá bỏ tất cả những điều họ từng tin tưởng. Đây không chỉ là cuộc chiến để phơi bày sự thật mà còn là cuộc chiến trước những tổn thương mà sự thật có thể mang lại cho con người khi khoảng 36% dân số Boston là người Công giáo. Điều tệ hại hơn là những nạn nhân mà các linh mục hướng đến là những đứa trẻ đến từ những gia đình nghèo khổ, tan vỡ, những đứa trẻ sống trong gia đình đông con mà cha mẹ chúng không có khả năng chăm lo – đó là những đứa trẻ dễ bị tổn thương, yếu thế nhất, chúng nghe lời những gã linh mục đó như nghe theo “tiếng gọi của Chúa” – những đứa trẻ hầu hết ở độ tuổi 4 đến 12 tuổi.

https://cdn.noron.vn/2022/01/18/review-phim-tieu-diem-06-1642524526.jpg
Một cảnh của nhóm Spotlight trong phim. Ảnh: điểm phim của Elle Man

Năm 2015, đạo diễn Tom McCarthy đã đưa sự kiện này lên màn ảnh với Mark Ruffalo thủ vai phóng viên Michael Rezendes – người đã chắp bút viết bài phóng sự điều tra gây chấn động của nhóm Spotlight trên tờ The Boston Globe, Rachel McAdams trong vai Sacha Pfeiffer, Brian d’Archy James thủ vai Matt Carroll và Michael Keaton thủ vai Walter “Robby” Robinson. Bộ phim hoàn toàn dựa trên sự kiện có thật ở trên. Spotlight (2015) đi sâu vào cuộc hành trình truy cầu sự thật của nhóm phóng viên và những câu hỏi đạo đức mà mỗi người tự đặt ra, tự khám phá ra cho mình trên hành trình đó. Khởi đầu của cuộc điều tra, bọn họ vấp phải sự ngăn cản của Hồng y Bernard Law cùng với các luật sư khác. Sự ngăn cản của Giáo hội thì dễ hiểu, nhưng sự úp mở cũng như không sẵn sàng hợp tác của các luật sư, nhân viên hành pháp vừa gây khó khăn cho quá trình điều tra, vừa gây khó hiểu cho họ. Ngay cả luật sư Garabedian – người bào chữa cho các nạn nhân bị lạm dụng và hiếp dâm, người đã nói rằng Hồng y Bernard Law biết về những vụ lạm dụng do các linh mục gây ra nhưng lại im lặng và cố ý che đậy, ban đầu cũng đã từ chối phỏng vấn cho đến khi biết Mike Rezendes đến từ Spotlight. Ban đầu những sự từ chối dấy lên những câu hỏi từ nhóm các phóng viên của Spotlight nhưng sau đó, câu trả lời mà họ nhận được lại mang đến kết quả bất ngờ – đó là nó khiến chính họ phải tự hỏi chính mình. Khi Robby và nhóm phóng viên biết được họ đã từng nhận được đơn tố cáo, những thông tin, những bản danh sách các linh mục lạm dụng trẻ em, nhưng lại chưa từng mở cuộc điều tra về vụ việc cho đến nhiều năm sau đã khiến cho họ phải sững sờ, sửng sốt về tính trách nhiệm, sự thờ ơ và cả những câu hỏi đạo đức lẩn khuất trong mình.

https://cdn.noron.vn/2022/01/18/spotlight-2015-1642524527.jpg
Ảnh: Through the Silver Screen

Bên cạnh đó, bộ phim khắc họa những khó khăn của Mike, Sacha và các đồng nghiệp khi họ tiếp cận nhân chứng, các nạn nhân và tìm hiểu về câu chuyện. Càng đào sâu vào họ càng khám phá thêm những góc khuất, những sự thật lạnh người về những kẻ nhân danh Thiên Chúa và quyền lực của Giáo hội để khiến cho những đứa trẻ mất đi tuổi thơ của mình còn gia đình chúng thì phải im lặng. Xuyên suốt bộ phim, những đứt gãy, những đổ vỡ của niềm tin hiện lên liên tục khiến cho người ta không khỏi cảm thán và đau xót khi nghĩ về một thế giới nơi đức tin đã chẳng còn là một nơi nương náu an toàn. Khi luật sư Garabedian nói “It takes a village to raise a child. It takes a village to abuse a child”, ta chỉ biết ngồi bất động và sững người trước một sự thật ráo hoảnh. Để bảo toàn danh tiếng của mình, Nhà Thờ đã rắp tâm che đậy những sự thật kinh hoàng và tội ác mà những linh mục của mình gây ra cho những đứa trẻ vô tội và gia đình chúng – những con chiên ngoan đạo mà đáng ra Nhà Thờ phải bảo vệ. Mà không chỉ có Nhà Thờ, xã hội, cộng đồng ngoan đạo chung quanh cũng đã ra sức bảo vệ Nhà Thờ, để cho tiếng nói của người vô tội bị chìm khuất. Khi quyền lực thánh thần bị lạm dụng để mức cực điểm hòng che giấu đi những tội lỗi mà chẳng thánh thần nào có thể tha thứ, thì kẻ bị tổn thương là những đứa con đang được che chở dưới đôi cánh của Chúa. Thật báng bổ thay, nực cười thay!

https://cdn.noron.vn/2022/01/18/cir0l9jwuaeaafs-1642524525.jpg
Ảnh: MagicalQuote on Twitter

Diễn xuất của Mark Ruffalo và Rachel McAdams thực sự thuyết phục. Ruffalo đẩy tâm trạng nhân vật từ ngạc nhiên ban đầu, đến sững sờ rồi phẫn nộ, anh lột tả trọn vẹn hình ảnh một người đàn ông trưởng thành rơi vào sự gãy đổ đức tin và mất đi phần niềm tin sáng trong trẻ thơ của mình. Phân cảnh Mike trở nên tức giận khi Robby từ chối công bố ngay những thông tin mà anh thu thập được vì “chưa đến lúc” đã được Ruffalo đẩy lên đến cao trào, trở thành phân cảnh đặc tả hay nhất trong phim. Cùng với đó, Rachel McAdams thể hiện mặt mềm mại, cảm thông nhưng không kém phần cứng rắn, quyết liệt của nữ phóng viên điều tra Sacha Pfeiffer. Cô vừa thể hiện sự cảm thông với các nạn nhân nhưng lại quyết liệt truy cầu đến cùng sự thật, tìm ra những nhân chứng có thể phơi bày sự thật ra trước công luận.

Spotlight (2015) không chỉ lột tả sâu sắc sự thật mà còn lột tả những khía cạnh sang chấn tâm lý do hậu quả của sự lạm dụng lên các nạn nhân, nó giải thích những khó khăn mà nạn nhân phải đối mặt hậu sang chấn, những khó khăn đó có thể được thể hiện ra bằng nhiều cách thức nhưng tất cả chúng đều có thật, đều hiện hữu lâu dài và gây ra những nỗi đau không thể xóa nhòa. Bên cạnh đó, Spotlight (2015) là một câu chuyện tuyệt đẹp về ý nghĩa của báo chí, sự truy cầu đến cùng sự thật, không trốn tránh, không hồi tố, chỉ có lòng quyết tâm được phơi bày những sự thật bị che đậy, dù biết bao khó khăn ra trước công luận. Đây là một bài học mà bất cứ người viết nào cũng cần học – sự tôn trọng tuyệt đối với sự thật.

Đọc thêm các bài viết về điện ảnh khác của mình

TẠI ĐÂY.

Từ khóa: 

điện ảnh

,

chính kịch

,

spotlight

,

nghệ thuật điện ảnh

,

phim ảnh

phim này hay lắm nè

Trả lời

phim này hay lắm nè

Bạn có vẻ hay xem các phim từ thời kì trước nhỉ??!!

Hahaa lập group tối xem phim cùng nhau ko các đồng chí

Mình đã nói với ông anh rằng bên cái tôn giáo anh mới tin rất bẩn mà ông ấy không nghe. Mình sẽ share link bài này cho ổng :)