Sự tương đồng và khác biệt trong văn hóa giao tiếp giữa Việt Nam và một số nước Đông Nam Á

  1. Kỹ năng mềm

đa văn hóa

Trong thời kì hội nhập và toàn cầu hóa như hiện nay, văn hoá giao tiếp không chỉ là “hạt nhân” để tạo dựng một nề nếp, một lối sống chuẩn mực cho mỗi cá nhân mà nó còn là chìa khóa quan trọng cho quá trình giao lưu, hội nhập. Chính vì vậy, để giao tiếp hiệu quả trong môi trường đa văn hoá mỗi người cần có tầm nhìn bao quát và ý thức một cách tinh tế sự khác biệt về văn hoá trong giao lưu, tiếp xúc với các quốc gia, dân tộc. Từ đó biết cách thích nghi, lựa chọn hình thức giao tiếp sao cho phù hợp với chuẩn mực văn hoá của quốc gia, dân tộc đó nhằm đạt được hiệu quả cao nhất trong giao tiếp.  

Đông Nam Á là  một khu vực nằm ở châu Á, bao gồm 11 nước: Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Philippines, Singapore, Malaysia, Indonesia, Brunei, Myanma và Đông Timor. Giữa các quốc gia này có nhiều nét gần gũi về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa với nhiều thuận lợi cho sự phát triển kinh tế và giao lưu văn hóa. Điều này đã tạo ra sự tương đồng cũng như những nét riêng đặc sắc về mặt văn hóa giao tiếp.

      • Sự tương đồng trong văn hóa giao tiếp của Việt Nam và một số nước Đông Nam Á  

Văn hoá giao tiếp của người Việt Nam và một số nước Đông Nam Á có khá nhiều điểm tương đồng trong những biểu hiện giao tiếp, những quy tắc, chuẩn mực trong giao tiếp: ý thức coi trọng cộng đồng, thế ứng xử linh hoạt, mềm dẻo, tuân thủ tôn ti trật tự trên dưới trong quan hệ giao tiếp, trọng nghĩa tình, lấy tình cảm làm nguyên tắc ứng xử… 

Trước hết, có thể thấy rằng, trong văn hóa giao tiếp người Việt Nam và các nước Đông Nam Á đều rất trọng lễ nghi.

 Điều này thể hiện trước tiên trong nghi thức chào hỏi. Người Việt Nam nói riêng và các nước Đông Nam Á nói chung đều rất coi trọng việc chào hỏi. Chính vì vậy, nghi thức này thường được thực hiện một cách trang trọng: khoanh tay cúi chào (Việt Nam), chắp hai tay trước ngực (Lào, Campuchia, Thái Lan), cúi đầu, gật đầu chào kết hợp ngôn ngữ chào hỏi và thái độ vui vẻ, hòa nhã, thân thiện. Vì coi trọng lời chào nên nếu khi gặp nhau mà không chào hỏi thì bị coi là vô lễ, bất nhã. Người Việt Nam quan niệm “Lời chào cao hơn mâm cỗ” và coi trọng lễ nghĩa “Tiên học lễ, hậu học văn”. Ngoài ra, tính trọng lễ nghi còn được biểu hiện trong những cử chỉ tác phong khi gặp gỡ, tiếp xúc.  Ở các nước phương Đông nói chung và các nước Đông Nam Á nói riêng khó có thể chấp nhận việc một người nói chuyện với người khác ngồi trên ghế, hai chân để lên bàn và điềm nhiên trao đổi công việc; việc một thầy giáo ngồi lên bàn để giảng bài…Mọi cử chỉ phải khoan thai, mực thước, tôn trọng người đối thoại.Hay trong giao tiếp bằng mắt nếu nhìn trừng trừng, nhìn thẳng vào mắt ai đó bị coi là bất lịch sự, khiêu khích (Việt Nam), không nhìn vào phụ nữ quá 2 giây nếu không sẽ bị cho là khiếm nhã (Thái Lan)…Trong bất cứ hoàn cảnh nào dù giao tiếp chính thức hay phi chính thức cũng cần phải tuân thủ theo những chuẩn mực, quy tắc nhất định được coi là những ngầm định văn hóa. 

img20160416000536928

 

Thứ hai, đề cao tính tôn ty, trật tự

Vì trọng lễ nghi nên người châu Á không thích thái độ vồ vập, vồn vã, ôm hôn, vỗ vai, suồng sã…theo kiểu phương Tây đặc biệt giữa những người khác nhau về lứa tuổi, giới tính, địa vị xã hội. Do đó, tuân thủ tôn ti trật tự trên dưới trong quan hệ giao tiếp là một trong những đặc trưng cơ bản trong văn hoá giao tiếp người Việt và các nước Đông Nam Á. Vị trí giao tiếp của “vai giao tiếp” thường căn cứ vào quan hệ vị thế (tức là vị trí của người đó so với người giao tiếp trên cương vị xã hội, giới tính, độ tuổi) và mối quan hệ thân hữu (mối quan hệ giữa những người tham gia giao tiếp trên cơ sở thứ bậc trong gia đình, tính chất mối quan hệ thân mật hay xa cách). Vì vậy, trong giao tiếp cũng như ở nhiều lĩnh vực Việt Nam và các nước Đông Nam Á thường trọng người già, trọng những người có kinh nghiệm và có địa vị xã hội. 

Thứ ba, sự dè dặt, kín đáo trong giao tiếp

Đông Nam Á được coi là cái nôi của cây lúa nước với nền kinh tế chủ đạo là sản xuất nông nghiệp lúa nước. Chính vì vậy, người Đông Nam Á thường sống định cư, quần tụ trong một cộng đồng làng xã khép kín ít có sự giao lưu với bên ngoài. Vì vậy họ thường kín đáo, dè dặt trong giao tiếp. Đặc điểm tính cách chung của người châu Á (gồm cả Việt Nam và các nước Đông Nam Á) thường không vội vàng, không quá cởi mở, vồn vã nhất là trong lần tiếp xúc đầu tiên mà thường thận trọng, chờ đợi, lắng nghe. Trong giao tiếp họ cũng thường ít bộc lộ cá tính, cái tôi cá nhân thường bị lấn chìm trong cộng đồng xã hội. Văn hóa phương Đông với lối sống định cư, trọng tình, trọng kinh nghiệm và chế độ phong kiến là cơ sở của việc kiềm chế cá thể, tuân thủ nề nếp xã hội. Tuy nhiên, ngày nay, với quá trình giao lưu văn hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng người Đông Nam Á không còn mặc cảm tự ti, dè dặt như trước mà trở nên tự tin, năng động hơn, nhanh chóng hòa nhập với các nước khác trên thế giới. Thực tế đã chứng minh rằng hiện nay rất nhiều nước đã tham gia và trở thành thành viên của các tổ chức thế giới, nhiều thanh niên Đông Nam Á đã đạt được những thành tích xuất sắc trong các kỳ thi quốc tế. 

Thứ tư, sự tương đồng trong những cử chỉ mang tính quốc tế do quá trình hội nhập, giao lưu, hợp tác quốc tế.

Ngày nay, khi hội nhập và toàn cầu hóa đã trở thành xu thế tất yếu các nước Đông Nam Á không còn khép kín mà đã có nhiều giao lưu, hợp tác với các nước trong khu vực và trên thế giới. Quá trình này đã đem đến sự tương đồng về mặt văn hóa, trong đó có văn hóa giao tiếp. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra nhiều hành vi phi ngôn ngữ phổ biến ở hầu hết các cộng đồng văn hóa. Ví dụ: trong các tình huống trang trọng mang tính quốc tế ở hầu hết các cộng đồng văn hóa khác nhau, hành vi bắt tay giữa các đối tác giao tiếp được coi là kiểu chào thông dụng (với chức năng giống nhau, trong bối cảnh giao tiếp chung). Từ một nền văn hóa nhất định, bắt tay đã trở thành hành vi chung mang tính quốc tế hóa mà nhiều nhà nghiên cứu gọi là “tính phổ biến siêu văn hóa”. Ngày nay không chỉ các nước phương Tây coi “cái bắt tay” là một sự chào đón mà rất nhiều quốc gia (trong đó có Việt Nam và các nước Đông Nam Á) cũng sử dụng hành vi này như một lời chào trang trọng nhất, biểu lộ sự nồng ấm của tình cảm, của tình thân hữu. 

  • Sự khác biệt trong văn hóa giao tiếp của Việt Nam và một số nước Đông Nam  Á

Thứ nhất, sự khác biệt trong nghi thức chào hỏi – bắt tay

 Nếu như ở các nước phương Tây nghi thức chào hỏi thường được thực hiện bằng những cử chỉ bắt tay, ôm hôn, gật đầu…thì với người phương Đông nghi thức này được biểu hiện thông qua hành vi cúi chào, khoanh tay, chắp tay kết hợp với lời chào, xưng danh.Tuy nhiên, tùy vào mỗi nước, nghi thức này được thực hiện khác nhau.

Trong văn hoá chào hỏi, người Việt xưa thường có thói quen khoanh tay cúi chào đi kèm theo lời chào. Ngày nay nghi thức khoanh tay cúi chào không còn là yêu cầu bắt buộc nhưng khi gặp gỡ  người Việt không bao giờ quên chào hỏi nhau. Thường thì trong những cuộc giao tiếp chính thức mang tính trang trọng người Việt thường dùng lời chào kết hợp với đại từ nhân xưng cùng các hư từ như “Cháu chào bác ạ!”, “Em chào thầy ạ”, hoặc rút ngắn “Chào bác”, “Chào thầy”. Trong những cuộc giao tiếp phi chính thức mang tính thoải mái hơn có thể dùng câu hỏi tu từ (hỏi mà không cần trả lời đúng câu hỏi) thay cho lời chào như “Bác đi đâu đấy ạ?”, “Bác ăn cơm chưa?” kết hợp với các phương tiện phi ngôn ngữ: dáng đứng, ánh mắt, nụ cười, cử chỉ thân thiện. Người được hỏi có thể trả lời bâng quơ, không đúng nội dung câu hỏi hoặc đáp lại bằng các biểu hiện phi ngôn ngữ: mỉm cười, gật đầu. Đặc điểm lời chào của người Việt thường không có tính định vị về thời gian, không có sự phân biệt về thời điểm gặp gỡ. Với người Anh và các nước sử dụng tiếng Anh thường phân định rất rõ về thời gian chào, ví dụ Good morning – chào buổi sáng, Good afternoon – chào buổi trưa, chiều, Good evening – chào buổi tối, Good night – chào trước khi đi ngủ hay chào gặp gỡ lần đầu khác với chào khi đã quen thân, vì vậy tiếng Anh có rất nhiều từ chào Hi, Hello, Nice to meet you, How do you do…

Đối với các nước Đông Nam Á khác như Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar nghi thức chào thường được thực hiện bằng hành động chắp tay trước ngực, cúi đầu chào. Đặc biệt đối với người Thái Lan, lối chào truyền thống là chắp hai tay lên đầu hoặc trước ngực. Nghi thức này tựa như kiểu vái lạy trong đạo Phật. Hơn nữa, người Thái quan niệm việc chắp tay như vậy là đem lại sự may mắn, vui vẻ cho người đối diện với mình. Trong nghi thức chào của người Thái Lan, cách để tay và thời gian vái được xác định bởi địa vị xã hội của người được chào. Nghĩa là người có địa vị xã hội càng cao thì tay phải để càng cao và thời gian vái càng lâu. Khi chào người nhỏ luôn chào cúi người thấp hơn người lớn tuổi, càng cúi thấp người càng chứng tỏ sự kính trọng đối với người được chào. Trẻ nhỏ ở Philippin khi chào người già thường đặt lưng bàn tay lên trán và nhíu mày. 

Ngày nay, trong giao tiếp quốc tế để phù hợp với hoàn cảnh giao tiếp và đối tượng giao tiếp người Việt và các nước Đông Nam Á cũng sử dụng nghi thức “bắt tay” khi gặp gỡ. Nghi thức này được sử dụng phổ biến ở Singapore – đất nước được coi là trung tâm thương mại và dịch vụ quốc tế với nền kinh tế sôi động bậc nhất, phát triển mạnh nhất trong khu vực. Người Singapore trong giao tiếp và giao dịch thương mại từ lâu ưa dùng danh thiếp và danh thiếp được trao bằng hai tay một cách trịnh trọng

Đối với người Indonexia: khi bắt tay, thường dùng cả hai tay và sau đó chạm vào ngực để thể hiện sự chân thành. Nếu ta bắt tay họ cũng theo kiểu đó là đã chiếm được tình cảm của họ ngay từ cử chỉ bắt tay. Bắt tay người Indonexia nên bắt tay cả người lớn, trẻ nhỏ.

Người Việt hiện nay nghi thức bắt tay cũng được dùng khá phổ biến trong giao tiếp. Người Việt thường bắt tay lâu và lắc nhiều nhằm thể hiện tình cảm chân thành và sự vui mừng khi gặp gỡ; do đó việc bắt tay nhanh gọn dễ bị hiểu lầm là chưa biểu hiện được sự nhiệt tình và hơi lạnh lùng; phụ nữ Việt Nam thường không đưa tay ra bắt trước; người Việt thường dùng hai tay của mình bắt tay đối tác (đặc biệt với người lớn tuổi hoăc người có địa vị xã hội cao hơn) nhằm biểu lộ sự tôn trọng. 

Chào hỏi – bắt tay là những cử chỉ khởi đầu cho một cuộc giao tiếp. Vì vậy ở hầu hết các nền văn hoá nó đều được coi trọng:

Thứ hai, cử chỉ “chạm” và những khác biệt về văn hoá 

Với đặc tính kín đáo, dè dặt trong giao tiếp lại chịu ảnh hưởng của Phật giáo, Nho giáo nên ở hầu hết các nước Đông Nam Á những cử chỉ động chạm, thân mật gần gũi thường rất hạn chế giữa những người xa lạ hay khác nhau về địa vị xã hội, đẳng cấp, tôn giáo, đặc biệt là giới tính (giữa nam và nữ). 

Trong văn hoá Việt, việc một người khác giới có khoảng cách xã hội và quyền lực quan hệ bất bình đẳng xâm phạm vào lãnh thổ riêng tư của người khác là khó có thể chấp nhận được. Những hành vi ôm hôn và động chạm nói chung thường ít thấy ở những người khác giới và những nơi công cộng nhưng lại khá phổ biến và được coi là phù hợp giữa những người cùng giới. Có thể nói hệ tư tưởng Nho giáo với quan niệm “nam nữ thụ thụ bất thân” đã có ảnh hưởng sâu đậm tới quan niệm, cung cách ứng xử của người Việt từ bao đời nay.  Điều này cũng có thể thấy ở nhiều nước Đông Nam Á: tối kị ôm eo, hôn tay, khoác vai, bỡn cợt (Lào), không được chạm hay bắt tay phụ nữ nếu không được phép, không biểu lộ tình cảm nam nữ ở nơi công cộng, không vỗ vai, lưng hay chỉ vào người khác (Thái Lan).

Ở Việt Nam người già có thể xoa đầu trẻ nhỏ, người bề trên xoa đầu người bề dưới để biểu lộ sự thân mật, trìu mến nhưng ở nhiều nước Đông Nam Á hành vi này  bị coi là điều cấm kị: người Campuchia, Thái Lan cho rằng đầu là nơi linh thiêng nên không chạm vào đầu hay xoa đầu trẻ em; với người Lào việc sờ hay vỗ đầu vào ai đó là sự xúc phạm, với người Indonexia tối kỵ chạm tay lên đầu ai vì đó là hành động biểu hiện sự khinh bỉ, coi thường họ. 

Ở các nước phần đông số dân theo đạo Phật như Lào, Campuchia và Thái Lan sự tiếp xúc giữa tín đồ với các nhà sư phải tuân thủ theo những quy tắc nhất định. Tại Campuchia, khi vào chùa không được đội mũ, phải bỏ giầy dép và không được đứng gần hay chạm vào nhà sư. 

Là một quốc gia nằm ở trung tâm Đông Nam Á, Thái Lan được biết đến như “vùng đất tự do”, “quê hương của nụ cười”, “đất nước của những chiếc áo cà sa”. Văn hóa Thái Lan chịu ảnh hưởng sâu sắc từ tư tưởng của đạo Phật (97%  dân số theo đạo Phật). Phật giáo đã ăn sâu vào lòng người dân Thái, nên nó đã tác động rất lớn đến tính cách và những biểu hiện trong giao tiếp của họ. Trong văn hóa giao tiếp, người Thái tỏ rõ sự sùng đạo, tôn kính hoàng gia và trọng thứ bậc cũng như tuổi tác. Chính vì vậy, trong văn hóa giao tiếp người Thái Lan có những quy định khá khắt khe và nếu bất kì ai có những biểu hiện, thái độ, hành vi vi phạm đều bị xử phạt nghiêm khắc. Ví dụ chùa được coi là không gian linh thiêng, nơi con người bày tỏ niềm tôn kính đối với đức Phật. Do đó người đến viếng thăm phải ăn mặc lịch sự, gọn gàng và tuyệt đối không được đi dép vào, không được chạm vào tượng Phật. Nếu là phụ nữ không được chạm vào người nhà sư, nếu muốn đưa vật gì đó cho nhà sư phải đưa thông qua một người nam giới hoặc đặt ở dưới đất để nhà sư đến lấy, khi không còn phụ nữ ở đó nữa. 

Thứ ba, một số lưu ý và sự khác biệt trong một số biểu hiện giao tiếp của người Việt Nam và một số nước Đông Nam Á

Nghi thức tặng quà:

Người Việt Nam trong nghi thức cho – tặng thường quan niệm “có đi có lại mới toại lòng nhau”. Vì vậy, người được cho sau khi nhận qua thường tìm một dịp nào đó để tặng lại một món quà khác cho người tặng. Ngoài ra, trước khi nhận quà người Việt thường từ chối một đôi lần hoặc tỏ ra áy náy, không mở gói quà ngay trước mặt người tặng và những người khác. Khi đến thăm một gia đình Việt, nên có quà cho trẻ nhỏ, người già cả hoặc bà chủ nhà. Khi được mời ăn,nên mang một vài món/đồ ăn ngon do người được mời tự làm hay mua để “góp vui”.Những món quà không nên tặng: Dao, kéo và những đồ vật sắc, nhọnTuy nhiên, với người Indonexia nếu được mời, được cho thứ gì cứ nhận, nếu từ chối sẽ bị coi là bất nhã, thiếu tôn trọng. Thường thì người Indonexia khi được mời ăn họ không có thói quen mang thức ăn. Với họ ngoài những thứ như dao kéo, vật nhọn thì thịt heo, những sản phẩm từ da lợn (người Indonexi 90% dân số theo đạo Hồi) là những vật không nên tặng. Với người Lào cũng không được tặng dao và tuyệt nhiên không được đưa đồ bằng tay trái vì theo họ tay đó không sạch sẽ. 

05b5997e-add0-45e4-a178-55cd1bcc4f0f

Một số lưu ý khi tiếp xúc: 

Khi tiếp xúc với người Thái Lan: Người Thái Lan quan niệm chân là nơi bẩn nhất nên không chạm chân vào người khác, không dùng chân di chuyển đồ vật, tối kỵ hướng bàn chân về phía họ. Nếu bắc chân chéo ngũ, bàn chân phải chúi xuống đất, tránh hướng về người giao tiếp với mình.

Khi tiếp xúc với người Singapore: Người Singapore ưa sự sạch sẽ, ngăn nắp, nghiêm túc và nề nếp. Môi trường ở đây rất trong lành, đường phố sạch sẽ nên mọi hành vi làm mất vệ sinh như vứt rác bừa bãi nếu bị phát hiện sẽ bị phạt rất nặng. Họ cũng tối kị việc dòng ngón tay trỏ chỉ vào người khác.

Người Philippines luôn vui vẻ, nhiệt tình, hiếu khách, cởi mở và thoải mái. Họ thích ca hát, nhảy múa và luôn lạc quan yêu đời, sẵn sàng chấp nhận  mọi chuyện vì họ luôn nhìn nhận “cái gì đến phải đến thì cứ để nó đến”. Khi tiếp xúc với người Philippines không nên nóng vội, sốt ruột. 

*

*        *

Có thể nói, trong bất kì lĩnh vực nào giao tiếp cũng được coi là yếu tố quan trọng hàng đầu. Hiểu đúng thông điệp sẽ giúp chúng ta xích lại gần nhau hơn, giúp liên kết con người trong những nền văn hóa khác nhau. Khi giao tiếp việc nắm vững các quy tắc ngữ pháp, có được một vốn từ ngữ phong phú, biết cách phát âm đúng chuẩn không hoàn toàn có nghĩa là ta sẽ có được thành công. Thực tế đã cho thấy rất nhiều trục trặc xảy ra trong giao tiếp đặc biệt ở những nền văn hoá khác nhau gây ra những hiểu lầm không đáng có, sự ngừng trệ giao tiếp, thậm chí là những xung đột văn hoá, sốc văn hoá. Chính vì vậy trong giao tiếp, ngôn ngữ không phải là tất cả, mà đằng sau và bên dưới nó theo những quy tắc bất thành văn, là cả một tấm phông văn hoá, ngầm ẩn trong những yếu tố hữu hình (trang phục, cử chỉ, điệu bộ…) và cả những yếu tố vô hình (phong cách giao tiếp, quan niệm, đức tin, chuẩn mực…). Do đó, sự hiểu biết về văn hoá giao tiếp giữa các quốc gia, dân tộc là một trong những kiến thức cực kì cần thiết, tạo nên sự thành công trong giao tiếp đặc biệt là giao tiếp quốc tế. 

Từ khóa: 

giao tiếp

,

kỹ năng mềm