Tại sao chúng ta không hạnh phúc với những gì mình đang học?

  1. Tâm lý học

Hãy thử quay ngược về cái thời gian chúng ta nộp hồ sơ thi Đại học bạn nhé. Bạn có cảm thấy oai chứ với việc sắp được thành sinh viên Đại học? Bạn có vui vì đã chọn được chuyên ngành mình thích hay chẳng quan tâm mà cứ nhắm mắt đưa chân nộp vào trường nào vừa điểm với mình?

“Ôi, học gì chả được, vào Bách Khoa là vui rồi.”

“Mình học Kinh doanh quốc tế vì thấy nó hay, chắc sau này đi buôn hàng xuyên biên giới.”

“Thương mại điện tử nghe tên kiêu ghê.”

Giờ đây, khi niềm vui hay nỗi lo ngày xưa rồi đã qua, khi chúng ta đã trở thành sinh viên chuyên ngành nào đấy thì lại đối mặt với nỗi lo lớn hơn rằng chúng ta đang làm gì thế này, rằng chúng ta có hạnh phúc với những gì mình chọn không?

3idiots1


Theo Tổng cục Thống kê phối hợp Bộ LĐ-TB&XH công bố bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam trong quý 2 năm 2018 với 125.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp.
Số người thất nghiệp có trình độ đại học và sau đại học là 126.900 người, chiếm tỷ lệ 2,47% so với tổng số thất nghiệp.


Giật mình nhìn lại, mình toàn chơi với những người bạn bỏ học, đổi ngành học, hoang mang với những gì đang học hay ngán tận cổ chính việc học của mình. Tụi mình thường ngồi vòng tròn kể cho nhau nghe về chuyện học Đại học, rằng tụi mình đã từng mất định hướng thế nào và tụi mình phải đấu tranh hằng ngày để đi học tiếp ra sao, tất cả đều học vì gia đình. Có những người may mắn tìm được những gì mình thích, những gì muốn làm thật sự sau bao nhiêu năm loay hoay trên ghế nhà trường. Thế nhưng tụi mình lại bảo nhau rằng nếu như hồi đó mình đâm đầu vào học thứ mình Thích hiện tại - A, mà không phải những gì mình Đang học - B, thì tụi mình cũng sẽ bị nền giáo dục đè chết và ngán tận cổ cái A đó mất.

Một chị bạn từng nói với mình như thế này, xã hội giống như 1 hình tam giác cân có đỉnh là sự sáng tạo, cạnh đáy là nền tảng xã hội; còn chiều cao là sự phát triển bền vững. Khi càng có nhiều giá trị sáng tạo, tức là cái đỉnh càng cao, được nâng lên nhờ sự phát triển bền vững thì cạnh đáy, hay nền tảng xã hội càng lớn.

KrR048es

Mình tin những gì chúng ta đang thiếu chính là nền tảng nhân văn, chúng ta không nhận thức được tại sao chúng ta cần phải học, chúng ta không học được cách hệ thống hóa kiến thức. Trong văn học, chúng ta không phân biệt được dòng thời gian, rằng đâu là văn học những năm 75, văn học cách mạng hay văn học thời kỳ Đổi Mới. Trong khoa học, chúng ta không hiểu tại sao mình cần tìm hiểu về Cơ học, Khí động học và thật sự rằng sau khi thi Đại học khối A1 xong thì trong đầu mình chẳng còn chữ nào về Vật lý nữa. Trong ngoại ngữ, chúng ta học Anh văn tận 9 năm nhưng đến khi đi học Đại học chúng ta lại phải bắt đầu từ đầu, thậm chí giao tiếp với người nước ngoài càng không.

3idiots2


Những gì chúng ta đang học, cho dù là gì đi chăng nữa đều rất hay, vấn đề chính là chúng ta đang cảm thấy bị ép phải học một cái gì đó, chúng ta không có động lực học hay tự do lựa chọn phương thức học tập, chúng ta thiếu hướng đi cho những con đường học tập khác, về văn hóa, xã hội và thậm chí thiếu cả phương pháp học tập đúng đắn nhất mà lẽ ra chúng ta cần được học ngay từ khi còn rất nhỏ.

Chúng ta bị ép buộc phải đi theo cái dây-chuyền-sản-xuất-sinh-viên, chúng ta lao đầu vào những việc học không có niềm vui chỉ để ra trường đúng hạn, tốt nghiệp và lao ra ngoài kiếm tiền hay làm bất kỳ công việc nào không liên quan đến ngành học chỉ vì áp lực xã hội là quá lớn. Và cuối cùng, đến một thời điểm nào đó, thế hệ này lại bắt đầu tự hỏi bản thân rằng mình có đang thực sự hạnh phúc?

Mọi chuyện đang trở thành một cái vòng tròn lặp đi lặp lại nếu như chỉ đặt vấn đề thì sẽ chẳng có hướng giải quyết. Mình tin sinh viên chúng ta khôn ngoan hơn rất nhiều, chúng ta biết thừa là chúng ta thích/không thích cái gì, chúng ta biết thừa cái tình huống nào đang xảy ra với mình và tương lai của bản thân sẽ ra sao. Cái duy nhất ngăn chặn chúng ta làm gì đó chính là những rào cản từ: Bản thân, Gia đình và Xã hội. Có lẽ mỗi người đều có một trở lực cho mình và nguy hiểm nhất là chúng ta thực sự không biết mình thích gì.

Đây là một câu hỏi rất lớn với mỗi người, tuy nhiên có hai hướng đi mà ngay cả những người nhận thức được vấn đề còn phải mò mẫm và lựa chọn. Đó là hoặc tiếp tục dấn thân vào những gì đang học/làm, chủ động đào sâu vào vấn đề đang tìm hiểu và từ đó bản thân tự động cảm thấy yêu thích với chính công việc mình đang làm. Thứ hai là tự tìm tìm kiếm, dành thời gian đào sâu vào bản thân để tìm ra cá tính con người mình, sở thích cá nhân và kiên quyết thực hiện nó. Mình sẽ làm gì, mình thích học gì, mình có muốn thật sự gắn kết với nó? Mình có đủ can đảm để buông bỏ/tiếp tục không? Cho dù có chọn lựa thế nào đi nữa, mình tin rằng yếu tố cốt lõi chính là lắng nghe bản thân mình muốn gì và thích gì, đồng thời học được cách học tập và đào sâu vấn đề. Hy vọng mỗi chúng ta sẽ có câu trả lời cho bản thân và tìm thấy hạnh phúc trong tất cả những công việc đang làm.

__

Tham khảo:


Từ khóa: 

lề xưa thói cũ

,

đại học

,

tâm lý học