Bằng cấp: chúng ta đang làm gì với đời mình

  1. Giáo dục

  2. Văn hóa

Còn nhớ những ngày đầu nhóm

Book Hunter
mới tụ nhau, bọn tôi thường hay dành buổi chiều chủ nhật để xem phim. Ngày ấy, một bạn trong nhóm “đề cử” bộ phim khoa học viễn tưởng “Gattaca” (1997). Bộ phim đặt ra một giả định: rằng khi công nghệ chọn lọc gen phát triển tới mức mỗi đứa trẻ được sinh ra nhờ và công nghệ này đều là những đứa trẻ hoàn hảo, và chúng nghiễm nhiên được đặt trong một số phận thành đạt với thu nhập cao, công việc thượng tầng; còn những đứa trẻ được sinh tự nhiên với bộ gen kém hơn chỉ là các công nhân quét rác, không được nhận các chế độ ưu đãi, không xứng đáng có cơ hội để vươn tới sự thành đạt ở thượng tầng. Hồi ấy, khi xem xong phim, dù cả nhóm nói với nhau rất nhiều chuyện nguy hiểm về số phận, về công nghệ gen… nhưng bộ phim ấy lập tức rời khỏi ký ức của tôi. Cho đến giờ đây, khi tôi tương tác nhiều hơn với các bậc phụ huynh, tôi mới nghĩ nhiều đến bộ phim ấy.

Ước ao con cái có một bộ gen hoàn hảo để thành đạt, thành đạt hơn nữa trong cuộc sống, được hưởng những ưu ái của giới thượng lưu, được sống ở thượng tầng xã hội… về bản chất tương đồng với cách các phụ huynh đang gửi gắm con cái mình cho nền giáo dục. Họ cần những đứa trẻ phải nỗ lực hết mình để đạt được bằng cấp cao, để có một công việc nghe tên có vẻ “thượng tầng” (như bác sĩ, giám đốc, thầy giáo, nhà khoa học…) với niềm tin rằng chỉ với số phân thành đạt ấy thì hạnh phúc mới tồn tại. Bằng cấp chính là hiện hữu ngoài thế giới thực của một bộ gen hoàn hảo mà bộ phim

“Gattaca”
đề cập đến.

Một con người có bằng cấp cao, thật cao nói lên điều gì? Nói lên rằng người ấy có nghị lực, người ấy có đủ trí tuệ, đủ sự tập trung… để đeo đuổi một mục đích. Những nhà tuyển dụng cũng thường thích tuyển dụng người có bằng cấp cao, tại sao? Bất kể nhân sự được tuyển dụng có kỹ năng tốt nhất cho vị trí cần hay chưa, thì nhân sự có bằng cấp cao vẫn đảm bảo được các tiêu chí: ngoan ngoãn và sẵn sàng bất chấp nhiều thứ để đạt được kết quả. Trong nhiều năm làm “lính đánh thuê”, tôi chứng kiến nhiều bạn đồng nghiệp chạy đuổi theo KPI giống như những đứa học sinh cố gắng học ngày học đêm để đạt điểm 9 điểm 10 trong học bạ. Mô thức học thi và cày cuốc này luôn được các ông chủ yêu thích và các ông chủ hẳn phải đánh giá những nhân sự ấy là người thực tiễn. Bản thân các ông chủ cũng bất chấp tất cả để tăng số tiền và tài sản sở hữu của mình lên vô biên, càng nhiều càng ít. Cả một xã hội vẫn cứ như đang học gạo để lấy điểm.

Đó không bao giờ là đời sống tôi muốn bước chân vào, và tuyệt đối không muốn những người đã có duyên với tôi lại rơi vào. Luôn có một hàng rào chắn giữa tôi và những người tin tưởng vào đời sống trọng bằng cấp. Biết nói gì với nhau nhỉ, ngay cả trong công việc cũng rất khó để hiểu ý nhau. Với một người không bằng cấp như tôi, kỹ năng “thiện chiến” luôn được coi trọng hơn sự bền bỉ, và sự “thiện chiến” ấy phải đến từ sự tổng hòa của lý thuyết, khảo sát thực tế, ứng biến trước hoàn cảnh. Và toàn bộ các yếu tố ấy rất khó tìm thấy ở mô hình “bền bỉ”, “giàu nghị lực”, bởi vì một khi đã bền bỉ, tức là lúc nào cũng chăm chăm một việc thì làm sao có thời gian cho khảo sát thực tế, kiểm nghiệm lý thuyết và rèn luyện năng lực ứng biến? Ở đây, tôi không muốn phủ nhận vai trò của “bền bỉ” và “giàu nghị lực”, mà tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng đó không phải là tất cả các kỹ năng chúng ta cần để có cuộc sống hạnh phúc. Sự thành đạt không phải tất cả cuộc sống, bằng cấp không đại diện cho toàn bộ con người của chúng ta.

Nỗi khát khao bám vào thượng tầng, cơn ám ảnh bằng cấp đã đưa đẩy xã hội Việt Nam vào một tình trạng thiếu nền tảng. Nghe thật nghịch lý đúng không! Nền tảng ở đây chính là hệ thống lý thuyết của mọi chuyên môn đã bị bỏ qua để thay thế bằng các kỹ năng đơn giản dễ dàng ứng dụng tức thì. Nền tảng còn là những lĩnh vực vốn bị xã hội Việt Nam coi thường và xếp gần với mạt hạng.

Trong một lần trò chuyện với một bậc phụ huynh đức cao vọng trọng ở trường học của con gái tôi, tôi được nghe ông ấy tự hào chia sẻ cách ông ấy thúc ép những người con trai của mình: nếu không chăm chỉ học thì sau này chỉ đi làm hót rác, bảo vệ thôi. Tôi đã định lập tức tranh luân, nhưng tôi dừng lại, tôi nhân ra rằng bậc phụ huynh ấy sẽ không có khả năng lắng nghe. Họ hoàn toàn tự hào với năng lực vượt khó của mình, nỗ lực hết sức từng ngày để thoát khỏi số phân nghèo khổ, để leo lên vị trí công việc cao, chỉ tay năm ngón sai bảo nhân viên, thế thì họ sẽ không lắng nghe quan điểm của tôi. Vì chỉ cần ông ấy lắng nghe quan điểm của tôi thì chẳng khác nào ông ấy vứt bỏ toàn bộ những gì ông ấy đã đạt được.

Nhưng ở bài viết này, tôi hoàn toàn có thể khẳng định, đó là thứ tư tưởng nguy hại, thứ tư tưởng đang hủy hoại xã hội Việt Nam từ gốc rễ. Những con người đi lên từ tầng lớp lao động lại đang phủ nhân giá trị của các hoạt động lao động chân tay. Mỗi khi họ bước vào căn chung cư của họ, họ có bao giờ biết ơn những người bảo vệ đã bảo đảm sự an toàn cho gia đình họ? Mỗi khi họ tản bộ trên con đường, họ có biết ơn người lao công đã dọn dẹp sạch sẽ… Có lẽ không, với họ đó chỉ là những nhân công hạ cấp, những người vô dụng không làm được gì khác ngoài lao động chân tay. Và nghiễm nhiên, đi kèm với đó, họ coi thường những người nông dân, những công nhân, những người lính… và chắc chắn là cả những nhân sự cấp dưới của họ.

Tư tưởng nguy hại đã ăn sâu trong tâm thức xã hội, nhào nặn nên một nền giáo dục chẳng đào tạo được thầy cũng chẳng đào tạo được thợ. Nền giáo dục ấy không đủ lý thuyết để tạo ra các chuyên gia thông tỏ chuyên môn, mà cũng không tạo ra được những người lao động phổ thông chất lượng.

Nhà tôi thường đặt thuê nhân công lau dọn nhà trên App JupViec, nhờ thế chúng tôi có thể được chọn lựa những chị lau dọn nhà cửa tốt nhất. Chúng tôi đã quan sát họ trong nhiều ngày. Có những người lau nhà luôn quá thời gian mà vẫn không dọn dẹp sạch sẽ. Có những người làm việc vừa nhanh gọn lại vừa lau chùi sạch bong nội thất trong nhà. Có những người nói rất nhiều gây khó chịu, nhưng có những người lịch sự và ý tứ. Lau dọn cũng cần rất nhiều kỹ năng – những điều chẳng ngôi trường nào dạy họ, mà họ phải tự học, nên sẽ mạnh ai nấy làm với các chất lượng rất khác nhau. Chỉ một việc lau dọn ấy thôi cũng cần kiến thức về loại dung dịch lau rửa, về cách dùng lực đối với từng loại vật liệu, cách làm khô bề mặt phù hợp với mỗi thời tiết… Những kiến thức ấy không đáng được dạy, không đáng được trân trọng, không đáng được tưởng thưởng, không đáng được chứng nhân hay sao?

Chúng ta than phiền rất nhiều về đường phố bẩn thỉu, về nông sản kém chất lượng, về những món ăn dở tệ mất vệ sinh ngoài đường phố, những lái xe cư xử thô lỗ phóng bừa vượt ẩu, những bà bán hàng ở chợ bỗ bã … nhưng chúng ta không chịu nhìn nhân một điều rằng: họ như vậy bởi xã hội vẫn đang coi thường họ, nền giáo dục chối bỏ họ, họ bị vứt ra đường vật lộn với mưu sinh với mặc cảm về thân phận thấp kém. Thế rồi con cái họ, đến một lúc nào đó, lại nuôi hi vọng leo lên thượng tầng, nỗ lực chạy theo bằng cấp, và dạy con cái mình theo cái cách của bậc phụ huynh kia.Bằng cấp không có lỗi. Xã hội vẫn cần những chứng nhân đảm bảo chất lượng nhất định. Nhưng khi bằng cấp bó hẹp trong một số lĩnh vực, được trao độc quyền bởi nhóm lợi ích nào đó, và tệ hại hơn thế là giá trị của nó lỗi thời trước thời đại, vô giá trị về mặt thực tiễn tới mức nó dễ dàng được mua để dán nhãn trang trí cho những nhân cách hèn kém, thì bằng cấp là thứ quyền lực toàn trị áp đặt lên cuộc sống, một thế lực “phản động” thật sự bởi nó cản trở xã hội tiến lên.

Nhiều phụ huynh tỏ ra lo ngại, băn khoăn hỏi mình rằng một đứa trẻ sẽ làm gì nếu nó không có bằng cấp? Câu hỏi khác của tôi dành cho họ: Một đứa trẻ sẽ làm gì khi nó có thật nhiều bằng cấp? Vị trí thực của chúng sẽ ra sao trong thị trường việc làm luôn biến động? Nếu đứa trẻ muốn trở thành một đầu bếp, phụ huynh nào có thể chấp nhận cho con vứt bỏ cuộc chạy đua theo bằng cấp để luyện công phu của một đầu bếp? Trên thế giới có những bằng cấp cho đầu bếp, và bằng cấp ấy thực sự có giá trị. Nhưng với các phụ huynh Việt, bằng cấp ấy chẳng bằng cái mác tiến sĩ của trường đại học. Thế nên đầu bếp lại phải cố để trở thành tiến sĩ, một tiến sĩ vô giá trị vì không đủ yêu nghề để thực sự đóng góp những nghiên cứu có giá trị, còn xã hội thì mất đi một đầu bếp giỏi có thể cứu rỗi khẩu vị của vô số người, và đứa trẻ ấy mất đi niềm hạnh phúc của chính mình.

Giờ đây, nếu ai đó tự hào kể với tôi về thành công của họ, rằng họ đã bỏ chuyên môn họ học được trong trường đại học, để liều mình theo con đường mới và nhanh chóng đạt thành quả, tôi sẽ chỉ cười thương hại. Đáng nhẽ họ phải thấy xấu hổ với quá khứ của mình, một quá khứ mà họ đã hèn yếu tới mức thỏa hiệp. Và thành quả họ đang có ngày nay vẫn chỉ là rất nhỏ nhoi, bởi vì họ chưa tạo ra điều gì thực sự khác biệt trong chuyên môn ấy mà họ mới chỉ dừng ở mức tự nuôi sống bằng niềm đam mê của mình. Thành quả họ đang có chẳng qua chỉ là “thằng chột làm vua xứ mù”. Hãy nghĩ về những gia tộc truyền đời mấy trăm năm làm công việc nặn gốm hay trồng trà chẳng hề vội vã theo cuộc đua bằng cấp hay thành quả nhất thời, chẳng bằng cấp và sự công nhân nào xứng đáng với họ, để thấy rằng mình còn nhiều việc phải làm hơn đeo đuổi những hư danh.

– Hà Thủy Nguyên

Từ khóa: 

bằng cấp

,

cải cách giáo dục

,

bộ giáo dục

,

giáo dục

,

văn hóa