Dẫn Nhập Ngắn Về Chiêm Tinh Học

  1. Chiêm tinh

https://cdn.noron.vn/2022/02/13/716980947670222-1644742293.jpg

Có thể nói, lịch sử về Chiêm tinh học chính là lịch sử buổi bình minh của văn minh nhân loại. Khi con người bắt đầu nhìn ngắm các vì sao, tính toán và suy tưởng về chúng. 

Từ “ Chiêm” có ý nghĩa là quan sát theo dõi, từ “ Tinh” nghĩa là vì tinh tú, vì sao và vì thế “ Chiêm tinh học” là môn học quan sát sự vận động của các vì tinh tú trên bầu trời. Từ Astrology cũng bắt nguồn từ tiếng Latinh cổ là Astrologia mà gốc trong tiếng Hi Lạp cổ là ἀστρολογία, trong đó ἄστρον - astron có nghĩa là vì sao; còn λογία -logia nghĩa là nghiên cứu, học tập. 

Ngược dòng thời gian, Chiêm tinh đã được người Lưỡng Hà Mesopotamia sử dụng và phát triển đa dạng. Đường đi của mặt trời thông qua 12 cung Hoàng Đạo, hay đường đi của mặt trăng qua 28 khu vực mà chúng ta hay gọi là Nhị Thập Bát Tú ở Trung Hoa, hay Nakshatra ở Ấn Độ cũng được thừa kế từ những ý tưởng của người Lưỡng Hà, khi họ quan sát sự chuyển động của mặt trời và mặt trăng bởi nhu cầu phát triển nông nghiệp. 

Theo tiến trình lịch sử, Chiêm tinh học phát triển ở Babylon, Ai Cập và đến Hi Lạp. Ở đây, Chiêm tinh học bắt đầu có sự biến chuyển lớn khi tiếp hợp với tinh hoa triết học ở Hi Lạp. Một trong những triết gia có ảnh hưởng triết học đến Chiêm tinh học phải kể đến là Pythagoras (580-490 TCN) với nền tảng số học, ông quan niệm rằng vũ trụ được cấu tạo nên từ những con số, cũng như vận động dựa trên nền tảng thần số. Pythagoras tin rằng Mặt trời, Mặt trăng hay các thiên thể phát ra tầng số rung động dựa trên quỹ đạo của mình một cách hài hoà và có thể miêu tả bằng các con số và phép tính. Các nhà trong Chiêm tinh thừa hưởng tinh thần các con số trong triết thuyết của Pythagoras. Chính vì thế, các triết gia về sau vẫn giữ nguyên mối tương quan của Thiên văn học, Chiên tinh học, Quang học và Âm nhạc. 

Cùng với Pythagoras, là Empedocles (490 - 430 TCN) với học thuyết về sự cấu thành Vũ trụ với bốn nguyên tố cơ bản là Đất - Nước - Lửa - Khí. Xa hơn, ý tưởng về bốn nguyên tố còn được khai triển khi cho rằng tính cách con người cũng chứa đựng bốn nguyên tố này.Tiếp theo Pythagoras và Empedocles, là Hippocrates (460 -370 TCN). Ông được như là người tiên phong và đặt nền tảng cho Y học Phương Tây, đồng thời cũng là người mở lối cho Chiêm tinh y học. Một câu nói nổi tiếng được cho là của Hippocrates với hàm ý rằng người thầy thuốc cần phải hiểu biết về Chiêm tinh như sau: “a physician without knowledge of astrology has no right to call himself a physician.” 

Về sau này, nhánh Chiêm tinh y học và trị liệu vẫn được các hội kín huyền bí như Rosicrucians hay Theosophy nghiên cứu và phát triển. Một triết gia khác với đóng góp quan trọng cho Chiêm tinh học Hi Lạp cổ đại ngoài Pythagoras chính là Plato (427 -347 TCN). 

Nếu như Pythagoras ảnh hưởng đến Chiêm tinh học với các mô hình toán học, thì Plato đóng góp cho Chiêm tinh học với lý thuyết linh hồn đến từ các vì sao. Trong đó, ban đầu các linh hồn gắn liền với các vì sao, sau đó các linh hồn tách rời những vì sao để bắt đầu chuyến hành trình của mình. Chuyện thần thoại của Er (The Myth of Er) được Plato đề cập trong tác phẩm Cộng Hoà (Republic) nhắc đến việc linh hồn chọn lựa số phận cho chính mình. Và trong cuộc hành trình này, linh hồn đến trái đất thông qua các tinh cầu và trong chuyến trở về của mình cũng vậy. Và điểm khác biệt quan trọng giữa Chiêm tinh học Lưỡng Hà và Chiêm tinh học Hi Lạp đó chính là chịu sự ảnh hưởng của Plato nên Chiêm tinh học Hi Lạp mang tính thay đổi, chứa đựng ý chí tự do trong tiến trình luân hồi của linh hồn. Khác với Chiêm tinh học Lưỡng Hà mang tính chất an định, tuân theo trật tự các vì sao (Planetary dictums).

Sau giai đoạn này, Chiêm tinh học tiếp tục được hoàn thiện và phát triển bởi nhà Thiên văn học lỗi lạc Claudius Ptolemy (100 - 170). Một trong ba tác phẩm quan trọng của ông là Apotelesmatiká (Ἀποτελεσματικά), tác phẩm kết hợp giữa Chiêm tinh hoàng đạo và triết học tự nhiên Aristotle. Tác phẩm này thường được biết đến dưới tên gọi Tetrábiblos theo tiếng Hi Lạp hay Quadripartitum theo tiếng La tinh. Đây là cuốn sách kinh điển bậc nhất, mà Chiêm tinh học về sau xem như là Thánh Kinh trong thời gian dài. Sự nổi tiếng của tác phẩm này bởi lẽ nó đề cập đến Chiêm tinh như là một nghệ thuật, đồng thời là cuốn luận thư toát yếu các cốt lõi của Chiêm tinh học. 

Sau Claudius Ptolemy một gian dài, phải kể đến sự đóng góp to lớn của William Lilly (1602 – 1681) với tác phẩm Christian Astrology vào năm 1647. Đây là tác phẩm về Chiêm tinh học đầu tiên bằng tiếng Anh, có vị trí quan trọng trong Chiêm tinh học Phương Tây. Ngày nay, đây vẫn là tác phẩm có giá trị trong các nghiên cứu về Chiêm tinh. 

Với sự xuất hiện của Hội Thông Thiên Học (Theosophical) vào năm 1875, mà người sáng lập là Helena Petrovna Blavatsky và Colonel Henry Steel Olcott thì Chiêm tinh học bắt đầu có những biến chuyển mới thông qua các tác phẩm và nghiên cứu của hai nhân vật nổi bật đó là bà Alice Bailey và ông Alan Leo, bút danh của William Frederick Allan. Trong đó, Alice Bailey là người phát triển Chiêm tinh học huyền môn (Esoteric Astrology) tập trung vào sự tiến hoá linh hồn của nhân loại, đồng thời bà cũng là một trong những người đầu tiên nhắc đến thuật ngữ New Age và Age of Aquarius. Tác phẩm Esoteric Astrology trong bộ Luận Về Bảy Cung của Alice Bailey là tác phẩm quan trọng có tác động lớn đến Chiêm tinh học hiện đại, những tri thức này Alice Bailey được tiếp nhận từ Trí Tuệ Vĩnh Hằng (Ageless Wisdom) thông qua sự kết nối với Chân sư D.K. 

Nếu như Alice Bailey là người phát triển Chiêm tinh học huyền môn thì Alan Leo được gọi là cha đẻ của Chiêm tinh học hiện đại (The father of modern astrology). Ông là một nhà Thông Thiên Học đã kết hợp các ý tượng về Nghiệp và Luân hồi vào Chiêm tinh học và thông qua Hội Thông Thiên các tác phẩm của ông được phổ biến ở khắp Châu u cũng như Châu Mỹ. Alan Leo lấy cung mặt trời của mình là Leo để làm bút danh, đã thúc đẩy việc phân tích cung hoàng đạo theo xu hướng tâm lý, như ông nhấn mạnh Chiêm tinh học là khoa học của tiềm năng và khuynh hướng (Astrology the science of tendencies). Đây là bước ngoặt của Chiêm tinh học hiện đại; trở nên chú trọng vào nội tâm con người hơn là sự kiện, giúp Chiêm tinh trở nên phổ biến hơn với đại chúng. Từ đây, Chiêm tinh học trở nên đa dạng hơn. 

Một trong những nhánh quan trọng của Chiêm tinh học hiện đại đó chính là Chiêm tinh học tâm lý được kế thừa từ ý tưởng của Alan Leo và kết hợp với các lý thuyết phân tâm học của Carl Jung về Vô Thức Chung và các Cổ Mẫu. Bằng cách phân tích của Cổ Mẫu trong Chiêm tinh qua đó các xu hướng tâm lý và động lực thúc đẩy con người có thể được làm sáng tỏ. Chiêm tinh học tâm lý lúc này vừa là lý thuyết về sự hình thành nhân cách, cũng vừa là phương tiện để chẩn đoán. 

Và từ đây, Dane Rudhyar và Chiêm tinh học nhân văn (Humanistic Astrology) bắt đầu phát triển với tác phẩm quan trọng Psychological Astrology. Dane Rudhyar chia sẻ quan điểm cùng với Alan Leo rằng, thay vì cố gắng dự đoán những sự kiện diễn ra bằng Chiêm tinh, thì thông qua Chiêm tinh chúng ta có thể biết được các khuynh hướng diễn ra và tại sao điều đó lại xuất hiện trong đời sống của chúng ta, cũng như tại sao chúng ta lại phản ứng như vậy. 

Thông qua đó, chúng ta có thể chấp nhận tiềm năng của bản thân và sử dụng chúng tốt nhất có thể.

PL

Từ khóa: 

chiêm tinh học

,

linh hồn

,

chiêm tinh

Giữa chiêm tinh mà bạn phân tích với tử vi có liên quan gì đến nhau không bạn nhỉ? nếu có thì cái nào dự đoán chính xác hơn?

Trả lời

Giữa chiêm tinh mà bạn phân tích với tử vi có liên quan gì đến nhau không bạn nhỉ? nếu có thì cái nào dự đoán chính xác hơn?

Chiêm tinh học tức là ngắm sao trên trời rồi sau đó giải đoán ấy hả anh? :>>>>> Nhưng mà ở VN toàn nhà cao tầng với cả em ít thấy sao lắm thì em phải làm gì hả anh :<<<<<

Giữa chiêm tinh học và 12 con giáp thì cái nào đúng hơn vậy anh?

Em xin phép chia sẻ bài viết này của anh về Facebook nhé! Em cảm ơn anh!

Đọc bài của anh Phùng Lâm mới thấy kiến thức bao la quá. Nếu mới bắt đầu tìm hiểu về chiêm tinh học thì mình nên tìm kiếm nguồn tài liệu ở đâu, hay có cuốn sách nào về chiêm tinh cơ bản dành cho người Việt không anh?