Thuế cảng biển dành cho thuyền buôn Tây phương dưới triều Nguyễn.

  1. Lịch sử

Trong suốt chiều dài lịch sử, thuế má là nguồn thu chủ yếu của quốc khố; tiền thuế thu được sẽ được dùng để trả lương cho quan lại cũng như chi dùng cho các hoạt động khác của Nhà nước và triều Nguyễn cũng nằm trong xu thế đó. Một số quan điểm cho rằng, mức thuế mà triều Nguyễn định ra là quá cao; nhưng chúng tôi cho rằng, bởi giá trị của đồng tiền biến đổi không ngừng theo thời gian nên việc so sánh [về mặt số học] mức thuế giữa các thời kì lịch sử là rất khập khiễng, yếu tố quan trọng để đánh giá mức thuế đó là cao hay thấp nằm ở tỉ lệ giữa tiền thuế phải nộp và tổng thu nhập chịu thuế. Ví dụ, theo quy chế năm Gia Long thứ 2 (1803) thì mỗi thuyền buôn Tây dương ở Gia Định phải chịu tiền thuế cảng và tiền nộp lệ các lễ là 4.000 quan[1]; nếu như tổng thu nhập chịu thuế của chiếc thuyền buôn này là 8.000 quan thì mức thuế này là cao (tiền thuế chiếm 50% tổng thu nhập chịu thuế), còn nếu như tổng thu nhập chịu thuế của chiếc thuyền buôn này là 40.000 quan thì mức thuế này là thấp (tiền thuế chiếm 10% tổng thu nhập chịu thuế).

Dưới triều Nguyễn, mức thuế mà một thuyền buôn Tây phương phải nộp cho triều đình căn cứ vào nơi mà thuyền buôn đó cập bến [từ năm Gia Long thứ 17(1818) trở về sau còn căn cứ vào việc đo thước tấc bề ngang[2]]. Về việc đo thước tấc bề ngang, theo Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ, quyển 48: “Gia Long năm thứ 2 (1803), chuẩn y lời bàn cho cách đo thuyền lấy thước quan bằng đồng làm mức, đo từ tấm ván phẳng đầu thuyền đến tấm ván giữa cuối thuyền được bao nhiêu thước tấc làm bề dài, lấy bề dài được bao nhiêu thước tấc chia đôi thời quãng giữa là trung tâm, lấy chỗ trung tâm đo từ trên mặt tấm ván bên tả thân thuyền ngang qua trên mặt tấm ván bên hữu được bao nhiêu thước tấc làm bề ngang, rồi cứ đo thước tấc bề ngang mà chiếu thu thuế lệ, còn lẻ từng phân đều không đáng kể”[3].

Mức thuế mà một thuyền buôn Tây phương phải nộp cho triều đình ở giai đoạn trước năm 1818 (gọi là giai đoạn 1) có sự khác biệt với giai đoạn từ năm 1818 trở về sau (gọi là giai đoạn 2). Tức là, ở giai đoạn 1 thì mọi thuyền buôn Tây phương đến cùng một cảng biển [hoặc đến các cảng biển khác nhau trong cùng một nhóm cảng biển] thì phải chịu một mức thuế như nhau; ở giai đoạn 2 thì mọi thuyền buôn Tây phương đến cùng một cảng biển [hoặc đến các cảng biển khác nhau trong cùng một nhóm cảng biển] mà kết quả đo thước tấc bề ngang khác nhau thì phải chịu mức thuế khác nhau.

Sở dĩ có sự khác biệt này là bởi “nói chung là có lớn nhỏ không giống nhau, nếu đánh thuế nhất loạt như nhau, thì chưa phải là thích đáng”[4]. Đây là một bước tiến vượt bậc của triều Nguyễn mà chúng ta phải ghi nhận, vì việc đánh thuế căn cứ vào kết quả đo thước tấc bề ngang sẽ tạo ra mức thuế công bằng hơn cho các thuyền buôn vừa và nhỏ; vì kích thước khác nhau thì khối lượng hàng hóa vận chuyển sẽ khác nhau, không thể để một thuyền buôn nhỏ phải chịu mức thuế giống như một thuyền buôn lớn được.

           Dưới triều vua Minh Mệnh, triều đình nhà Nguyễn còn sửa đổi thuế cảng đối với thuyền buôn Tây phương ở các cảng biển trong nước thêm hai lần nữa, vào năm Minh Mệnh thứ 1 (1820)[5] và năm Minh Mệnh thứ 15 (1834)[6]. Khảo cứu trong Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ, chúng tôi thấy rằng: Quy chế thuế cảng đối với thuyền buôn Tây phương ban hành năm 1834 là một sự bổ sung cho quy chế [thuế cảng đối với thuyền buôn Tây phương] ban hành năm 1820, nó áp dụng đối với thuyền buôn có bề ngang từ 26 thước trở lên[7].

           Cũng trong quá trình khảo cứu Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ, chúng tôi thấy rằng: Quy chế thuế cảng đối với thuyền buôn Tây phương ở cảng Hà Tiên chỉ mới xuất hiện trong quy chế ban hành vào năm 1834, còn trước đó chưa từng xuất hiện; trong khi Hà Tiên là một thương cảng quan trọng dưới thời các chúa Nguyễn và sau này là triều đình nhà Nguyễn. Về vấn đề này, theo Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ, quyển 48: “Minh Mệnh năm thứ 6 (1825), chuẩn y lời bàn cho từ trước tới nay thuế cảng nơi đó [cảng Hà Tiên] chưa từng cho ấn định, nên thuyền buôn phần nhiều đến cảng đó buôn bán. Xét ra thuyền buôn có thuế khóa là một lẽ chuộng gốc uốn ngọn để cho buôn bán thông suốt, của cải dồi dào; nên từ Gia Định đến Bắc thành, địa phương sở tại hễ thấy thuyền buôn vào cảng là xét lệ thu thuế; duy có một cõi trấn ấy ở xa mãi một góc ngoài biên, trước đây mới thoát khỏi cỏ sậy um tùm, ruộng đất chưa thực mở mang, đời sống của dân còn eo hẹp, nên nhất thiết thuế thân, tiền dây xâu tiền, tiền thuế cảng đều cho khoan miễn để đợi gây dựng phồn thịnh, vì trông thấy bậc thánh nhân dùng chính trị đặt pháp luật tùy việc mới nên làm, thực là mới hay khi nước bắt đầu dựng lên. Hiện nay nhân dân trấn ấy đều yên cư tụ họp, ruộng vườn đã đăng ký thuế khóa, thời thuyền buôn ngoại quốc có đến cũng nên quy định thuế lệ; vậy tự nay về sau hạt trấn ấy hễ có thuyền buôn lại buôn nên chiếu thuế lệ đến buôn ở Gia Định 10 phần giảm 3 phần; như hoặc chỉ mang bạc lạng và chút ít hàng hóa tầm thường vào cảng trao đổi da xương trâu bò, vỏ đồi mồi, cùng thuyền không tới để chiêu khách chở hàng xét thực giá trị hàng hóa không có mấy, thời trấn ấy trình bày trong tập lên tiếng nói rõ, liệu cho miễn giảm; trái lại nếu cho mua đồ quý chiếu lệ thu thuế các hàng hóa”[8]. Nói tóm lại, mức thuế dành cho thuyền buôn Tây phương ở cảng Hà Tiên sẽ bằng 7/10 so với mức thuế dành cho thuyền buôn Tây phương ở cảng Gia Định.

  • Mức thuế dành cho thuyền buôn Tây phương tại các cảng biển dưới triều Nguyễn [trước năm Gia Long thứ 17 (1818)][9].

+ Thừa Thiên, Quảng Trị, Quảng Bình: 2.400 quan

+ Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Bình Hòa, Bình Thuận và Bắc thành: 3.200 quan.

+ Quảng Ngãi, Nghệ An, Thanh Hóa: 2.800 quan.

+ Gia Định: 4.000 quan

Mức thuế dành cho thuyền buôn Tây phương tại các cảng biển dưới triều Nguyễn [ban hành năm Gia Long thứ 17 (1818)][10].

+ Thừa Thiên, Quảng Trị, Quảng Bình:

  • Từ 25 đến 14 thước: 96 quan/thước.
  • Từ 13 đến 7 thước: 60 quan/thước.

+ Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Bình Hòa, Bình Thuận và Bắc thành:

  • Từ 25 đến 14 thước: 128 quan/thước.
  • Từ 13 đến 7 thước: 80 quan/thước.

+ Quảng Ngãi, Nghệ An, Thanh Hóa:

  • Từ 25 đến 14 thước: 112 quan/thước.
  • Từ 13 đến 7 thước: 70 quan/thước.

+ Gia Định:

  • Từ 25 đến 14 thước: 160 quan/thước.
  • Từ 13 đến 7 thước: 100 quan/thước.

Mức thuế dành cho thuyền buôn Tây phương tại các cảng biển dưới triều Nguyễn [ban hành năm Minh Mệnh thứ 1 (1820)][11].

+ Thừa Thiên, Quảng Trị, Quảng Bình:

  • Từ 25 đến 14 thước: 84 quan/thước.
  • Từ 13 đến 11 thước: 54 quan/thước.
  • Từ 10 đến 9 thước: 42 quan/thước.
  • Từ 8 đến 7 thước: 21 quan/thước.

+ Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Bình Hòa, Bình Thuận và Bắc thành:

  • Từ 25 đến 14 thước: 112 quan/thước.
  • Từ 13 đến 11 thước: 72 quan/thước.
  • Từ 10 đến 9 thước: 56 quan/thước.
  • Từ 8 đến 7 thước: 28 quan/thước.

+ Quảng Ngãi, Nghệ An, Thanh Hóa:

  • Từ 25 đến 14 thước: 98 quan/thước.
  • Từ 13 đến 11 thước: 63 quan/thước.
  • Từ 10 đến 9 thước: 49 quan/thước.
  • Từ 8 đến 7 thước: 24 quan/thước.

+ Gia Định:

  • Từ 25 đến 14 thước: 140 quan/thước.
  • Từ 13 đến 11 thước: 90 quan/thước.
  • Từ 10 đến 9 thước: 70 quan/thước.
  • Từ 8 đến 7 thước: 35 quan/thước.

Mức thuế dành cho thuyền buôn Tây phương tại các cảng biển dưới triều Nguyễn [ban hành năm Minh Mệnh thứ 15 (1834)][12].

+ Phủ Thừa Thiên:

  • Từ 26 đến 29 thước: 96 quan/thước.
  • Từ 30 đến 36 thước: 108 quan/thước.

+ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Bình Hòa, Bình Thuận, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa và Ninh Bình:

  • Từ 26 đến 29 thước: 144 quan/thước.
  • Từ 30 đến 36 thước: 162 quan/thước.

+ Hà Nội, Nam Định và các tỉnh Bắc Kì:

  • Từ 26 đến 29 thước: 160 quan/thước.
  • Từ 30 đến 36 thước: 180 quan/thước.

+ Biên Hòa, Gia Định, Vĩnh Long, Định Tường, An Giang, Hà Tiên:

  • Từ 26 đến 29 thước: 160 quan/thước.
  • Từ 30 đến 36 thước: 180 quan/thước.

[1] Nội các triều Nguyễn – Viện Sử học (dịch), Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ (tập 3), NXB Thuận Hóa, 2005, tr. 249.

[2] Nội các triều Nguyễn – Viện Sử học (dịch), Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ (tập 3), NXB Thuận Hóa, 2005, tr. 244, tr. 246, tr. 248, tr. 250.

[3] Nội các triều Nguyễn – Viện Sử học (dịch), Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ (tập 3), NXB Thuận Hóa, 2005, tr. 252.

[4] Nội các triều Nguyễn – Viện Sử học (dịch), Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ (tập 3), NXB Thuận Hóa, 2005, tr. 244, tr. 246, tr. 248, tr. 250.

[5] Nội các triều Nguyễn – Viện Sử học (dịch), Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ (tập 3), NXB Thuận Hóa, 2005, tr. 244 – 245, tr. 246 – 247, tr. 248 – 249, tr. 250.

[6] Nội các triều Nguyễn – Viện Sử học (dịch), Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ (tập 3), NXB Thuận Hóa, 2005, tr. 252.

[7] Nội các triều Nguyễn – Viện Sử học (dịch), Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ (tập 3), NXB Thuận Hóa, 2005, tr. 252.

[8] Nội các triều Nguyễn – Viện Sử học (dịch), Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ (tập 3), NXB Thuận Hóa, 2005, tr. 251.

[9] Nội các triều Nguyễn – Viện Sử học (dịch), Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ (tập 3), NXB Thuận Hóa, 2005, tr. 243, tr. 245, tr. 247, tr. 249.

[10] Nội các triều Nguyễn – Viện Sử học (dịch), Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ (tập 3), NXB Thuận Hóa, 2005, tr. 243 – 244, tr. 245 – 246, tr. 247 – 248, tr. 249.

[11] Nội các triều Nguyễn – Viện Sử học (dịch), Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ (tập 3), NXB Thuận Hóa, 2005, tr. 244 – 245, tr. 246 – 247, tr. 248 – 249, tr. 250.

[12] Nội các triều Nguyễn – Viện Sử học (dịch), Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ (tập 3), NXB Thuận Hóa, 2005, tr. 252.

Từ khóa: 

tinh hoa việt nam

,

triều nguyễn

,

thuế cảng biển

,

thuyền buôn tây phương

,

lịch sử