Lý Chiêu Hoàng - Một đời nữ hoàng

  1. Lịch sử

Có lẽ ngay từ lúc nhận được phong vị công chúa, số mệnh đã vạch sẵn cho nàng một kiếp lênh đênh. Phật Kim - Thiên Hinh - Chiêu Thánh, cho dù ở ngôi vị nào, nàng đến cùng cũng chưa từng có thể vì mình quyết định bất kì điều gì. Đứa trẻ sinh ra trong hoàng tộc, xưa này đều là kẻ đáng thương...


Author: Quân Niên (tên thật: Nguyễn Đặng Mai Nhi)


~~~o0o~~~


Người thiên cổ, hồng nhan đã tàn

Một đoạn truyện xưa, ai nhớ đến?


Lý Chiêu Hoàng...

Hoàng tộc họ Lý, nhất đại nữ hoàng...

Vị nữ đế đầu tiên, cuối cùng cũng là duy nhất của Đại Việt...

Sinh ra là mệnh phượng hoàng, tiếc rằng một đời bi kịch! 

Chỉ trong sáu mươi mốt năm ngắn ngủi, từ một công chúa trở thành hoàng thái nữ, lên ngôi hoàng đế, lui về làm hậu rồi lại bị giáng thành công chúa đem gả bán cho một công thần, tất thảy đều diễn ra trong sáu mươi mốt năm, chỉ vỏn vẹn sáu mươi mốt năm nhưng triều đại đã đổi khác, vạn sự trên thế gian tựa như đã trải mấy lần bể xanh hóa nương dâu...


Sống trong loạn lạc, chết càng bi thương!


Nho giáo tam cương ngũ thường, nàng chết rồi vẫn bị sử sách chê trách: "Bà Chiêu Hoàng nhất sinh là người dâm, cuồng, lấy chồng không vừa lứa đôi, đâu còn trinh tiết như lời người ta truyền lại. " (trích Việt sử tiêu án).

Tổ tiên không thể dung thứ, nàng chết rồi cũng không còn nhà để về, một mình an táng tại bìa rừng Báng, phía tây Thọ Lăng Thiên Đức.


Bao nhiêu người nhìn lại chuyện xưa, bao nhiêu kẻ ôn lại chuyện cũ nhưng liệu mấy ai hiểu được nỗi đau đớn đến câm lặng chôn mình trong trang sử ố vàng?


Xưa nay đứa trẻ trong hoàng tộc đều là kẻ đáng thương, mà nàng, Chiêu Thánh, lại là một công chúa...

Sáu tuổi được sắc phong hoàng thái nữ.

Bảy tuổi chập chững khoác hoàng bào bước lên ngôi vua. Tám tuổi gả cho Trần Cảnh, lui xuống làm hậu, từ này vạn kiếp bất phục, trở thành tội đồ của họ Lý.

Mười bốn tuổi sinh thái tử Trần Trịnh, chưa kịp vui mừng trời xanh thương xót, mười lăm tuổi lại lặng lẽ nhìn con mình chết đi, bánh xe của vận mệnh từ đây bắt đầu xoay chuyển...

Hai mươi tuổi bị phế ngôi hoàng hậu, giáng làm công chúa, nhìn chị ruột cũng là chị dâu đang mang thai ba tháng thay thế phượng ngai, hai mươi năm tuổi xuân chìm cấm cung, yên lặng héo tàn.

Bốn mươi hai tuổi bị Trần Thái Tông gả bán cho Lê Phụ Trần, một câu oán than rốt cuộc chẳng thể hé ra.


Thường bảo "hoa trong gương, trăng dưới nước" khiến cho người ta không ngừng nuối tiếc nhưng nếu so với từng có được lại hoàn toàn tan biến trước mắt thì xem ra còn kém phần tàn nhẫn, bi ai.

Trong hơn hai mươi năm lặng lẽ chốn thâm cung ấy, nàng đã phải gặm nhấm nỗi đau mất chồng, mất con ấy như thế nào?

Và rồi sau khi rời khỏi nơi tù túng lầu gác đình son kia, nàng cảm thấy ra sao, là nhìn thấy trời cao biển rộng mênh mông hay là nghe được hơi thở tang thương của năm tháng?


Người ta chỉ nhìn vào ngôi vị của nàng mà quên mất Chiêu Thánh vốn tên là Phật Kim, nàng suy cho cùng chỉ là một cô bé, một cô gái, một người phụ nữ, nàng cũng biết buồn, biết khóc, biết đau!


Người thiên hạ quên, ngay cả mẹ nàng cũng quên mất, vị hoàng hậu cuối cùng của triều Lý, người được ca tụng "Linh Từ Quốc Mẫu" Trần Thị Dung, lòng bà có thể dung cả thiên hạ họ Trần nhưng tiếc thay lại không dung được hai người con gái họ Lý, không dung được chút tình cảm còn sót lại với Lý Huệ Tông. So với bách tính, bà sánh với mẫu nghi thiên hạ nhưng đối với Thuận Thiên cùng Chiêu Hoàng, bà lại tàn nhẫn đến xót xa. "Hổ dữ không ăn thịt con" nhưng bà hết lần này đến lần khác đẩy con gái mình vào cuộc chiến cung đình. Trong những năm tháng cuối đời, liệu bà có từng hối hận, có từng ăn năn khi nhìn một kiếp phong ba của Chiêu Thánh và cái chết vì uất ức và hổ thẹn ở tuổi ba mươi ba của Thuận Thiên?


May thay vẫn một người còn nhớ nhưng Trần Thái Tông, chàng cũng giống nàng, chỉ là một con rối, mười sáu mười bảy tuổi, chàng tìm mọi cách giữ lại ngôi hậu cho nàng, lại vấp phải phản đổi của quyền thần bậc nhất - Trần Thủ Độ.

Đứng đầu thiên hạ nhưng người phụ nữ của mình, chàng lại không cách nào bảo vệ...

Hai mươi năm sau, khi đã đủ năng lực, chàng tìm cách đền bù cho nàng nhưng cái cách chàng đền bù này lại khiến cho người ta đau càng thêm đau.

Chàng đem Chiêu Thánh gả cho công thần Lê Phụ Trần, chấp nhận để nàng rời khỏi kinh thành, chấp nhận thôi truy sát vương tôn triều Lý, chấp nhận lập đền miếu cho các công thần triều Lý, có lẽ là mong muốn nàng có thể bình bình an an, thanh thanh thản thản sống đến bạc đầu, thứ chàng không thể cho nàng vậy thì để người mà chàng tin tưởng cho nàng.

Nhưng Trần Thái Tông ơi Trần Thái Tông, tuổi thanh xuân, tình yêu và thanh danh của Chiêu Thánh đều dành cho chàng, hành động này ngoài "vết nhơ" trong sử sách, ngoài việc chàng nhận lấy phê phán của bách tính vạn dân ra thì chàng có nghĩ đến chàng lại vạch thêm trong lòng nguời con gái ấy một vết thương nữa?


"Trách người quân tử bạc tình,

Chơi hoa rồi lại bẻ cành bán rao."


Có lẽ chàng vĩnh viễn không biết, nhưng cũng có lẽ trong một sát na nào đấy, chàng đã hối hận rồi...


Trong hai mươi năm sống cùng Lê Phụ Trần, Chiêu Thánh sinh được một trai một gái, giống như một cái tát vào suy nghĩ nàng không thể sinh con làm cái lí do phế hậu năm xưa, những người trong cuộc vẫn còn sống, nhìn thấy cảnh này, thử hỏi sẽ có bao nhiêu hổ thẹn?

Còn Trần Thái Tông, chàng lại nghĩ sao?


Năm sáu mươi mốt tuổi, Chiêu Thánh trầm mình tự vận, một đời nữ hoàng cứ như vậy chấm dứt.

Lịch sử cuồn cuộn chảy xuôi, liệu có vị sử gia nào đấy để ý rằng nàng mất một năm sau khi cả nước để tang chàng.

Chỉ một năm...


Từ đây, nàng không còn là Lý Chiêu Hoàng, chàng không phải là Trần Thái Tông, họ chỉ là hai đứa trẻ từ nô đùa đến yêu đương rồi li biệt lại trùng phùng...


Sáu mươi mốt năm thương hải tang điền, thay triều đổi đại...

Không có binh biến lục cung, không có đầu rơi máu chảy lại thảm khốc đến vô tình.

Vậy mà cuối cùng tất thảy ngoài vài trang sử sách ngắn ngủi thì cũng chỉ còn lại tiếng thở dài miên man bất tận tựa như khói bếp vương giữa ráng chiều...


Nghe nói, người chết rồi sẽ đến Suối Vàng, vậy trên con đường đó, Phật Kim và Trần Cảnh nhất định có thể gặp lại nhau, bỏ qua kiếp này, hẹn thề kiếp sau.

Kiếp này thiên hạ đã nợ nàng quá nhiều, chỉ nguyện kiếp sau nàng có thể cùng người nàng lưu luyến cả đời cùng nhau đi khắp trăm dặm kinh đô, vạn dặm sơn hà, chậm rãi viết nên một đoạn "năm tháng tĩnh lặng, kiếp này bình an".




[Cre pic:

Niệm Vân NIAYU
]

[Nguồn tham khảo: Việt sử tiêu án - Ngô Thì sĩ, Việt sử giai thoại - Nguyễn Khắc Thuần]

Từ khóa: 

thiên nam nữ kiệt

,

phụ nữ việt nam

,

cuộc thi lịch sử

,

lịch sử

Đọc xong đỡ tủi, đỡ buồn. Mong 2 vợ chồng viên mãn hậu kiếp

Trả lời

Đọc xong đỡ tủi, đỡ buồn. Mong 2 vợ chồng viên mãn hậu kiếp

Tuyệt!

Tuyệt vời!

Giỏi quá!

Good job!!!

Đồng quan điểm!

Hay quá bạn ạ. 

wowwwwww

Hay!!!

Hay quá!