Về giáo dục để nhìn thấy cái đẹp

  1. Giáo dục

Gần đây tôi có một trải nghiệm học tập khiến bản thân nhớ về một vấn đề trước kia của mình khi dạy học. Khi một người nói về chuyên môn/đam mê của họ, đặc biệt với những người đã sống với nó, yêu nó, và thở cùng nó, sự rạo rực và niềm hân hoan hiện rõ trong đôi mắt họ và từng con chữ thốt ra đầy tâm huyết, mãnh liệt vô cùng. Họ có thể nói hằng ngày, hằng giờ như thể một cặp tình nhân mới yêu quấn quýt lấy nhau mãi. Không chỉ thế, họ còn nói với một niềm hy vọng rằng những đôi mắt ngoài cuộc có thể cảm nhận được những gì họ đang thấy, đang nghe, đang sống vì. 

Tôi cũng thế khi nói về thơ văn, về khoa học, về vũ trụ và về kiếp người. Nhưng có gì đó không đúng ở đây! Tôi có nên giữ cho mình thứ hy vọng phi lý rằng chỉ qua sự cảm thán đầy tính chủ quan, cá nhân mà có thể khiến người khác cùng chứng kiến và cảm nhận điều giống như tôi? Có những người tin rằng có thể, nhưng đôi với tôi thì... thật sự không có khi lại hay hơn bội phần. 

Trong những thời gian đầu dạy học, tôi không thể tránh khỏi các diễn giải, luyên thuyên đầy tính cá nhân về ngôn ngữ, về cái đẹp của nó, và về cách tôi nhìn thấy nó đẹp như thế nào. "Ôi, nghe thật truyền cảm hứng", ừ thì tôi hy vọng những điều mình nói có năng lực như thế. Nhưng, bạn có thật sự nhìn thấy nó đẹp bằng chính đôi mắt, tâm hồn và tâm trí của mình một cách chân thành không? Rất tiếc tôi phải thừa nhận, dù những học sinh của tôi có đồng tình với cái đẹp mà tôi đã chỉ ra một cách lộ liễu, đó rốt cuộc chỉ là một ấn tượng thoáng qua, một trải nghiệm vốn chẳng thể giúp cho thế giới của họ có thêm một thứ gì đó đáng kể để chiêm ngưỡng. 

Giáo dục để nhìn thấy cái đẹp, tôi nghĩ, không nên lột trần cái đẹp một cách lộ liễu như thế trước mắt học sinh. Trong mắt một người có chuyên môn/đam mê khi nói về nó, cái đẹp họ nhìn thấy ít nhất đã bắt đầu giai đoạn nở rộ của mình, là kết quả của một quá trình trau dồi, thêm vào và vứt đi, suy tư và trăn trở, và bằng cả trái tim yêu thương và đầy khiêm nhường. Cái đẹp, cuối cùng, như bao góc nhìn khác về khái niệm này, hoàn toàn mang tính chủ quan, và thậm chí có những cái đẹp chỉ khi bạn đã dành đủ thời gian, tâm huyết, và chất xám cho nó mới trở nên có lý và thực. Những ai chưa trải qua điều này, khó có thể nói về nó một cách chân thành và đầy sự thấu hiểu nhất. Do đó, một người học sinh, khi được học về cách nhìn thấy cái đẹp (trong một môn học), nên được trao cho cơ hội để thấy, để ngẫm, để trăn trở, để tự mình nhìn thấy được thứ mình muốn thấy dưới sự dìu dắt của người làm giáo dục, người hướng dẫn. Một người làm giáo dục cũng vì thế không nên làm cho cái đẹp của một môn học, vốn cũng chỉ là cách tự bản thân họ nhìn nhận, trở nên quá rõ ràng, sắc nét đến mức như "trần truồng" và đậm đặc tính cá nhân. Song điều này cũng không có nghĩa họ không nên đưa bản thân mình vào trong bài học, vì đấy cũng là nguồn cảm hứng, là sự dẫn dắt đáng quý. Chỉ là, nếu ví giáo dục như là một vườn hoa, thì người thầy như là một bông hoa đã hoặc đang dần nở rộ. Bông hoa này không phải là điều duy nhất đáng để chiêm ngưỡng trong khu vườn, mà còn hơn thế, là một niềm hy vọng rằng những mầm cây, những nụ hoa xung quanh cũng có cơ hội để sinh trưởng và bùng nở như thế, theo cách của chính nó.

Giáo dục để nhìn thấy cái đẹp, xét cho cùng, chính là giáo dục để giúp người học tìm thấy được cái đẹp trong điều tự họ làm, tự họ nghĩ, và tự họ quyết định sống cùng. 

Từ khóa: 

giáo dục

,

cái đẹp

,

giáo dục

Mình bắt đầu tìm thấy đam mê từ năm lớp 12 khi được các bạn cùng lớp nhờ giảng lại môn Văn - bộ môn mà mình tâm huyết và yêu thích nhất. Khi ấy, mình nói về Văn một cách say sưa, có thể nói rất nhiều, càng nói càng cuốn và không thể dứt ra. Lúc đó mình thực hi vọng, những người bạn của mình cũng sẽ cảm nhận như mình, sẽ hiểu thấu tất cả cái hay cái đẹp như mình đã cảm nhận. Nhưng rồi ngày hôm sau, chúng nó quên mất tiêu, còn mình thì có chút hụt hẫng. 

Mình vẫn luôn thắc mắc, sao chúng nó không thấy hay như mình nhỉ? Rõ ràng mình đã nói "trần truồng" mọi ý hay ý đẹp, mọi liên tưởng thú vị trong tác phẩm? Đến giờ đọc bài này mình mới lờ mờ phát hiện ra, mình không thể ép bạn mình thấy Văn cũng hay như cách chúng nó thấy Hóa là một môn học tuyệt vời. Giáo dục đúng là phải khơi gợi cho người ta tự tìm thấy cái đẹp, nhưng để làm được điều đó, mình nghĩ người thầy phải rất tận tâm và tuyệt nữa

Trả lời

Mình bắt đầu tìm thấy đam mê từ năm lớp 12 khi được các bạn cùng lớp nhờ giảng lại môn Văn - bộ môn mà mình tâm huyết và yêu thích nhất. Khi ấy, mình nói về Văn một cách say sưa, có thể nói rất nhiều, càng nói càng cuốn và không thể dứt ra. Lúc đó mình thực hi vọng, những người bạn của mình cũng sẽ cảm nhận như mình, sẽ hiểu thấu tất cả cái hay cái đẹp như mình đã cảm nhận. Nhưng rồi ngày hôm sau, chúng nó quên mất tiêu, còn mình thì có chút hụt hẫng. 

Mình vẫn luôn thắc mắc, sao chúng nó không thấy hay như mình nhỉ? Rõ ràng mình đã nói "trần truồng" mọi ý hay ý đẹp, mọi liên tưởng thú vị trong tác phẩm? Đến giờ đọc bài này mình mới lờ mờ phát hiện ra, mình không thể ép bạn mình thấy Văn cũng hay như cách chúng nó thấy Hóa là một môn học tuyệt vời. Giáo dục đúng là phải khơi gợi cho người ta tự tìm thấy cái đẹp, nhưng để làm được điều đó, mình nghĩ người thầy phải rất tận tâm và tuyệt nữa