VÌ SAO CHỮ “HOA” BỊ KIÊNG KỴ MỘT THỜI ? (lý giải chuyện "Hoa" và "Bông")

  1. Văn hóa

Trong dân gian, thỉnh thoảng chúng ta vẫn còn nghe một số người, nhất là những người lớn tuổi dùng những từ như “bông”, “huê” hoặc “ba” để chỉ từ “Hoa”. Như “hoa hồng” thì gọi là “bông hồng” , “Hoa Kỳ” thì gọi là “Huê Kỳ. Một số công trình, địa điểm được đặt tên từ thời nhà Nguyễn tránh chữ “Hoa” còn tồn tại đến ngày nay mà chúng ta đã nghe qua, như ở TP. Hồ Chí Minh có cây cầu bắc qua rạch Thị Nghè hồi trước gọi là “cầu Hoa” sau này được gọi là “cầu Bông”, chợ “Đông Hoa” ở Huế đổi thành chợ “Đông Ba”…

         Sở dĩ có chuyện kiêng kỵ từ “Hoa” như vậy là có nguyên cớ xuất xứ từ một vị Hoàng hậu xuất thân từ vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai xưa. Đó là Tá Thiên Nhân Hoàng Hậu

[1]
(chữ Hán: 佐天仁皇后) Hồ Thị Hoa ( 胡氏華) (1791-1807)
[2]
, vợ của Hoàng đế Minh Mạng, mẹ đẻ của Hoàng đế Thiệu Trị nhà Nguyễn. Tiểu sử của bà Hồ Thị Hoa cùng những sự kiện liên quan đến bà được không ít tư liệu sách vở từ thời Nguyễn đến nay đề cập, đặc biệt sách “Đại Nam liệt truyện” của Quốc Sử Quán triều Nguyễn đã dành đến hơn chục trang để viết về bà, đủ biết bà là một nhân vật quan trọng, dù chỉ hưởng dương xấp xỉ 17 năm.

Bà người ở

Bình An
[3]
, tỉnh 
Biên Hòa
(nay thuộc quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh), con gái của ông Phúc Quốc công 
Hồ Văn Bôi
, mẹ là bà Hoàng thị. Bà dược đưa vào cung từ năm 16 tuổi (1806), do đích thân vua Thế Tổ (Gia Long) và Thuận Thiên Hoàng Hậu tuyển chọn, bà đã nhanh chóng được chú ý bởi tính dịu dàng, thận trọng và nổi tiếng hiền đức, hiếu thảo. Sách “Nguyễn Phúc Tộc Thế Phả” ghi chép về bà như sau “Bà tính dịu dàng thận trọng, hiều đức, một lòng hiếu kính nên Thế Tổ (Gia Long) rất ngợi khen”. Tuy nhiên bà lại là người yểu mệnh, chỉ mới 17 tuổi đã qua đời. Cũng theo “Nguyễn Phúc Tộc Thế Phả” thì : “Tháng năm năm Đinh Mão (1807), bà sinh Hiến Tổ Chương Hoàng Đế (Thiệu Trị) mới được 13 ngày thì bà mất”.

Khi biết tin bà mất, Hoàng đế Gia Long rất đau buồn cho đứa con dâu vắng số của mình, ông ra chiếu dụ ban bố: cấm triều đình, bá tánh từ nay không được nhắc đến tên Hoa nữa. Từ đó về sau, tên húy của bà Hồ Thị Hoa đã được các vua nhà Nguyễn kiêng kỵ mãi về sau.

 Theo sách “Khâm Ðịnh Ðại Nam Hội Ðiển Sự Lệ”, tên đất, tên người không được dùng các chữ trọng húy. Khi đọc phải tránh âm, khi viết phải dùng chữ khác,vì vậy những từ có tên “Hoa” đều phải thay đổi. Ảnh hưởng của sự thay đổi này đến nay chúng ta vẫn có thể nhận thấy như tỉnh Thanh Hoa đổi thành Thanh Hóa, chợ Đông Hoa đổi thành chợ Đông Ba, cầu Hoa đổi thành cầu Bông, huyện Kỳ Hoa (Hà Tĩnh) đổi thành Kỳ Anh, huyện Mộ Hoa (Quảng Ngãi) đổi thành Mộ Đức, huyện Thăng Hoa (Quảng Nam) đổi thành Thăng Bình. Điệu hát “hoa tình” thành “huê tình”, “hoa lợi” thành “huê lợi”, “hoa viên” thành “huê viên”… cả đến vai tuồng Phàn Lê Hoa cũng bị đổi là Phàn Lê Huê hoặc Phàn Lê Ba !

Chú thích:

 

[1]
Trong lịch sử triều Nguyễn chỉ có 2 trường hợp ngoại lệ được tôn phong Hoàng hậu lúc còn tại vị là Thừa Thiên Cao Hoàng hậu, tên húy là Tống Thị Lan (1761-1814), chính thất của vua Gia Long; người thứ hai là Nam Phương Hoàng hậu, tên húy là Nguyễn Hữu Thị Lan (1914 – 1963), vợ vua Bảo Đại. Tất cả các trường hợp còn lại, kể cả bà Hồ Thị Hoa chỉ được truy tôn Hoàng hậu khi đã qua đời.

[2]
 Có tài liệu nói bà sinh năm 1790.

3


MNHTH

[3]
 Theo Gia Định Thành thông chí của Trịnh Hoài Đức thì Bình An, trước kia là tổng, sau đổi là huyện, gồm 2 tổng, 119 xã, thôn, phường, ấp, xóm.

Từ khóa: 

ngôn ngữ

,

văn hóa