Bông hoa nơi vườn hoa bất tử

  1. Lịch sử

 Trong bài hát “Đất nước tôi” của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn, có đoạn:

           “Đất nước tôi thon thả giọt đàn bầu

            Nghe dịu nỗi đau của mẹ

            Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ

            Các anh không về mình mẹ lặng im”.

Chiến tranh, cái giá của nó mang lại quá đắt. Lớp lớp thanh niên nghe theo tiếng gọi của non sông lên đường ra chiến trận, hiến máu đào làm tươi thêm đất mẹ. Rồi có người trở về trong ngày khải hoàn nhưng cũng có người nằm lại chiến trường, không chờ được ngày độc lập, để lại đó mái tranh, mảnh vườn, cánh đồng chờ người về cày cấy, để lại con thơ đang chờ gặp mặt cha, để lại người vợ chờ chồng về cho vui vầy mái ấm và để lại người mẹ ngấn lệ khổ đau, trông ngóng từng đêm mong con trở về. Chúng ta tự hào vì có nhiều người mẹ như vậy và tôi xin viết lên đây để kể về một người mẹ trong số rất nhiều Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Mẹ là Mẹ Nguyễn Thị Thứ.


                 Cũng như nhiều Bà mẹ Việt Nam anh hùng khác, Mẹ Nguyễn Thị Thứ đã có những người thân nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ra đi vì sự nghiệp giải phóng đất nước. Trong hai cuộc kháng chiến trường kì của dân tộc, Mẹ có chồng, chín người con và hai cháu ngoại là liệt sĩ, là người mẹ có nhiều con cháu hy sinh nhất trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Người mẹ ấy đã cống hiến cho Tổ quốc những người con ưu tú, những chiến sĩ kiên trung, chiến đấu va hy sinh vì độc lập, tự do của đất nước.

           Mẹ Nguyễn Thị Thứ sinh năm 1904 tại xã Điện Thắng Trung, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Trong hai cuộc kháng chiến, Mẹ đã động viên các con mình lên đường vì nghĩa lớn, mong ước đất nước được hòa bình, gia đình được sum vầy, hạnh phúc. Nhưng rồi, ngày 16-8-1948, người con trai thứ hai của mẹ là Lê Tự Xuyến bị giặc Pháp Bắn ngay tại đầu làng khi đang làm nhiệm vụ. Tờ giấy báo tử mẹ nhận chưa được bao lâu, ngày 5-10-1948, người con trai Lê Tự Hàn Anh hy sinh khi đang làm nhiệm vụ tải thương. Nước mắt Mẹ lại rơi, nỗi đau thêm chồng chất khi mười ngày sau đó, Mẹ hay tin chiến sĩ Lê Tự Hàn Em ngã xuống trong một trận chống càn. Nỗi đau liên tiếp làm Mẹ chẳng đủ thời gian để nguôi ngoai, tháng 4-1954, người con trai Lê Tự Lem ngã xuống khi chiến đấu với giặc. Sự ác liệt của chiến tranh không ngăn được Mẹ tiếp tục động viên con mình lên đường đánh giặc, chờ một ngày toàn thắng. Rồi niềm đau lại đến khi mẹ hay tin con trai Lê Tự Nự hy sinh vào tháng 9-1966. Không dừng lại ở đó, năm 1972, chiến sĩ Lê Tự Mười và Lê Tự Trịnh ngã xuống, để lại trong lòng người mẹ nỗi đau vô cùng. Năm 1974, con trai Lê Tự Thịnh ngã xuống khi đang là Đại đội trưởng bộ đội ở Duy Xuyên. Tưởng chừng bấy nhiêu nỗi đau đó là quá đủ cho một người mẹ nhưng rồi chỉ trước vài giờ ngày miền Nam được giải phóng, chiến sĩ Lê Tự Chuyển hy sinh ở cửa ngõ vào Sài Gòn. Chẳng những vậy, con rễ Mẹ là Ngô Tường cũng hy sinh vào năm 1956, chị Ngô Thị Điểu qua đời vào tháng 8-1970, chị Ngô Thị Cúc hy sinh trong khi công tác ở vùng địch hậu vào năm 1973. Người phụ nữ ấy khi động viên các con ra đi tin vào một ngày hòa bình cho đất nước, rồi ngày hòa bình cũng đến nhưng “chín đứa con ra đi không một đứa trở về”. Với một người mẹ, còn gì đau hơn thế.

            Khi đưa các con của mẹ đi chiến đấu, ở quê nhà, Mẹ cùng người con gái lớn là Lê Thị Trị quyết tâm bám trụ xóm làng, vừa sản xuất, vừa đào hầm nuôi giấu cán bộ, du kích đánh giặc giữ làng. Nơi vườn tre sau nhà cũng là nơi có những căn hầm bí mật mà Mẹ chở che các chiến sĩ như chở che cho những những đứa con của mình bởi hơn ai hết, mẹ thấu hiểu những người con của mình cũng đang chiến đấu, đang đối mặt với hiểm nguy để giải phóng quê hương, đất nước. Những tin hy sinh của con Mẹ gửi về làm Mẹ không thốt được nên lời. Mẹ Lê Thị Trị con Mẹ cũng là một Bà mẹ Việt Nam anh hùng kể lại: “Mỗi lần nhận tờ giấy báo tử trên tay, mẹ tôi không thể khóc được nữa vì mẹ đã khóc cạn nước mắt rồi”. Chín lần nhận giấy báo tử là chín lần mẹ dường như đứng lặng. Chiến tranh khắc nghiệt quá, nó đã cướp đi của Mẹ những người con thân yêu, nó cướp đi của Mẹ hi vọng về một ngày gia đình quây quần đầy đủ trong không khí hòa bình và nó cướp đi của Mẹ những giọt nước mắt đáng lẽ phải rơi khi hay tin con mình tử trận. Mẹ Lê Thị Trị còn tâm sự: “Có mấy bận giấy báo tử các anh tôi liên tiếp gửi về, mẹ thẩn thờ lặng im hoặc quẩn quanh trong vườn nhà, nhặt cái này, lượm cái kia như người mê sản”. Hành động ấy xuất phát từ sự tiếc thương khi không biết làm gì khác của Mẹ khi khóe mắt Mẹ vẫn chưa khô, mộ của người con này chưa xanh cỏ thì mẹ lại tiếp tục nhận được hung tin. Hơn một nửa người thân trong gia đình mẹ ra đi chẳng ngày trở lại, không biết đã có bao đêm, Mẹ đợi các anh về, không biết có bao ngày Mẹ chờ nhận được gì đó từ các anh, dù chỉ là một cái tin.

           Nhìn tấm ảnh Mẹ ôm di ảnh con mình bên mâm cơm đợi các anh về, người ta không khỏi xúc động. Làm cách nào để một người mẹ có thể vượt qua ngần ấy nỗi đau để tiễn con đi mà biết rằng có thể sẽ chẳng bao giờ gặp lại. Làm thế nào một người mẹ có thể nén vết thương lòng liên tiếp tiễn con ra chiến trường dẫu biết rằng hiểm nguy rình rập. Khi có một phóng viên nước ngoài hỏi Mẹ lí do tiếp tục tiễn con mình ra mặt trận trong khi có nhiều người con đã hy sinh, Mẹ trả lời: “Thưa ông, tôi không được học nhiều, nhưng ở nước tôi, cụ Hồ đã dạy “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Vì vậy, người Việt Nam, trong đó các con, các cháu tôi sẵn sàng chiến đấu, hy sinh cả tính mạng để giành độc lập, tự do mà hôm nay chúng tôi đang được hưởng”. Hơn cả một câu trả lời, đó là lười nói phát ra từ trái tim một người mẹ yêu nước có những người con yêu nước. Hơn cả một câu trả lời, đó là tiếng nói của rất nhiều người mẹ Việt Nam khi tiễn con mình ra mặt trận. Nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh khi đến thăm Mẹ đã cầm tay Mẹ và nói: “Mẹ đã tiếp thêm nghị lực cho chúng con vững bước. Mẹ là Mẹ Việt Nam”. Thực sự, cùng với bao nhiêu người mẹ khác, Mẹ Nguyễn Thị Thứ đã và sẽ tiếp sức, truyền lửa cho bao thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau về ý thức trách nhiệm xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, tự do, phát triển.

                   Trong ca khúc “Huyền thoại mẹ”, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết:

                    “Đêm chong đèn ngồi nhớ lại

                     Từng câu chuyện ngày xưa

                     Mẹ về đứng dưới mưa

                     Che đàn con nằm ngủ

                     Canh từng bước quân thù

                     Mẹ ngồi dưới cơn mưa”.

Chúng ta có những người mẹ như thế, những người mẹ tảo tần, hy sinh vì các con, vì đất nước và luô khắc khoải một nỗi đau thương nhớ những người con anh hùng đã hy sinh vì Tổ quốc. Ngôi nhà của mẹ Nguyễn Thị Thứ luôn được nhiều người đến thăm, trong đó có cả khách nước ngoài, họ đến vì muốn xem chân dung của người phụ nữ gần như cả một đời cống hiến cho đất nước, họ đến vì muốn biết bằng động lực nào mà Mẹ và những người mẹ anh hùng khác đã động viên con mình lên đường vì nghĩa lớn và hơn hết họ đến để bày tỏ lòng ngưỡng mộ của mình vưới suy nghĩ, trái tim và hành động cảu người mẹ Việt Nam. Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng và khu tưởng niệm mang tầm vóc quốc gia mang nguyên mẫu hình tượng mẹ Nguyễn Thị Thứ được xây dựng ở tỉnh Quảng Nam vẫn hiên ngang, sừng sững như gợi nhớ về những người mẹ đã gạt nước mắt tiễn con ra trận và minh chứng cho vẻ đẹp tâm hồn, sức mạnh của người phụ nữ Việt Nam luôn hướng về quê hương, đất nước. Mẹ và các Bà mẹ Việt Nam anh hùng khác thực sự là những bông hoa bất tử, âm thầm đống góp cho hòa bình độc lập của đất nước hôm nay.

Bài viết có tham khảo từ:



Từ khóa: 

thiên nam nữ kiệt

,

phụ nữ việt nam

,

lịch sử